icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
benh_nao_gan_862834b0c1benh_nao_gan_862834b0c1

Bệnh não gan là gì? Những điều cần biết để phòng tránh

Hà Phương06/06/2025

Bệnh não gan (Hepatic Encephalopathy) xảy ra khi gan của bạn không lọc được các độc tố như bình thường. Những độc tố này tích tụ trong máu và ảnh hưởng đến não, gây ra lú lẫn, mất định hướng và các thay đổi khác. Bệnh não gan có thể cải thiện khi được điều trị, nhưng nếu không được chữa trị, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.

Triệu chứng bệnh não gan

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh não gan

Dấu hiệu suy gan mạn tính

Khi mắc bệnh não gan, bạn thường sẽ có các dấu hiệu của bệnh gan mạn tính tiến triển, thường được gọi là xơ gan mất bù. Bao gồm:

  • Teo cơ;
  • Vàng da;
  • Cổ trướng;
  • Ban đỏ lòng bàn tay (lòng bàn tay son);
  • Phù nề;
  • Giãn mao mạch mạng nhện.

Các dấu hiệu thần kinh nhận thức và thần kinh cơ

Bệnh não gan có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Không phải ai cũng có tất cả các triệu chứng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến:

  • Tâm trạng và tính cách;
  • Hành vi và khả năng kiểm soát xung động;
  • Trí nhớ, sự tập trung và tư duy;
  • Ý thức, sự tỉnh táo và chu kỳ giấc ngủ;
  • Sự phối hợp vận động và chức năng vận động;
  • Mức độ tự chủ và khả năng tự chăm sóc bản thân.

Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển dần dần, và có thể kéo dài liên tục hoặc xuất hiện thành từng đợt. Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn. Bệnh não gan có thể từ nhẹ đến nặng, và triệu chứng có thể gần như không nhận thấy cho đến rất rõ ràng.

Bệnh não gan là gì? Những điều cần biết để phòng tránh 1.jpg
Khi bệnh não gan xảy ra sẽ ảnh hưởng đến hành vi, trí nhớ và ý thức của bạn

Hiện nay bệnh não gan được chia thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 0 đến 1 đôi khi được gọi là bệnh não gan tiềm ẩn, trong đó các triệu chứng có thể không biểu hiện rõ ràng. Giai đoạn 2 đến 4, bệnh não gan rõ rệt hơn có các triệu chứng rõ ràng hơn.

Độ 0:

  • Thay đổi nhẹ trong trí nhớ ngắn hạn, khả năng tập trung và thời gian phản ứng, chỉ có thể được người bệnh hoặc người thân gần gũi nhận thấy.
  • Có thể được phát hiện qua các bài kiểm tra thần kinh tâm lý tiêu chuẩn.

Độ 1:

  • Lú lẫn nhẹ hoặc hay quên;
  • Thay đổi tâm trạng, như hưng phấn hoặc lo âu;
  • Khó khăn khi làm phép tính cộng trừ;
  • Khó thực hiện các kỹ năng vận động tinh, như viết;
  • Ngủ ngày và thức đêm.

Độ 2:

  • Thay đổi rõ rệt về tính cách.
  • Hành vi không phù hợp hoặc khác thường.
  • Lờ đờ, thờ ơ.
  • Mất định hướng về thời gian (Ví dụ: Hôm nay là ngày mấy, năm nào?).
  • Nói líu lưỡi (loạn vận ngôn).

Độ 3:

  • Suy nghĩ chậm và vận động chậm chạp.
  • Mất định hướng về không gian (Ví dụ: Đang ở đâu?).
  • Buồn ngủ và mất nhận thức chung.
  • Lú lẫn nặng, mê sảng hoặc mất trí nhớ.
  • Co giật nhẹ, run tay hoặc run vỗ cánh.

Độ 4: Hôn mê hoàn toàn (mất ý thức hoàn toàn).

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh não gan

Các biến chứng liên quan đến bệnh não gan có thể gặp bao gồm:

  • Sự kích động có thể gây nguy cơ gây hại cho cả bệnh nhân và người chăm sóc.
  • Co giật.
  • Suy giảm nhận thức còn sót lại, ngay cả ở những bệnh nhân có cải thiện về mặt lâm sàng.
  • Giảm khả năng sống sót trong vòng 12 đến 24 tháng đối với những bệnh nhân bị tái phát.
  • Phù não, co giật và thoát vị não khi bạn bị suy gan cấp tính.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu hoặc tình trạng sau liên quan đến bệnh não gan hoặc các vấn đề về gan:

  • Xuất hiện các triệu chứng thần kinh hoặc tâm thần bất thường như lẫn lộn, mất phương hướng…
  • Có các dấu hiệu của bệnh gan tiến triển hoặc suy gan như vàng da vàng mắt, cổ trướng...

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh não gan

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh não gan

Chế độ sinh hoạt:

  • Khám bác sĩ định kỳ để kiểm tra chức năng gan và đánh giá nguy cơ bệnh não gan.
  • Điều trị tốt các bệnh kèm theo như nhiễm trùng, suy thận, mất nước, rối loạn điện giải.
  • Không sử dụng thuốc độc cho gan (thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc tự mua, thuốc có tác dụng phụ cao với gan) nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ.
  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Đi bộ hoặc các bài tập nhẹ giúp tăng cường sức khỏe.
Bệnh não gan là gì? Những điều cần biết để phòng tránh 5.jpg
Không tự ý sử dụng các thuốc có nguy cơ gây hại cho gan mà không được sự cho phép của bác sĩ

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn đủ lượng đạm cần thiết nhưng không quá nhiều, ưu tiên đạm từ thực vật và các nguồn đạm dễ tiêu như cá, trứng, sữa ít béo.
  • Ăn nhiều rau xanh và hoa quả giúp cung cấp vitamin và chất xơ, hỗ trợ hệ tiêu hóa và phòng táo bón.
  • Uống đủ nước giúp hỗ trợ chức năng thận và loại bỏ độc tố.
  • Hạn chế muối, nhất là nếu bạn đang bị phù hoặc cổ trướng để tránh tích nước.
  • Không ăn thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ.

Phương pháp phòng ngừa bệnh não gan hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh não gan hiệu quả, bạn cần thực hiện một số biện pháp nhằm bảo vệ gan, hạn chế tích tụ độc tố và ngăn ngừa các yếu tố khởi phát bệnh.

  • Theo dõi và điều trị sớm các bệnh gan mạn tính như viêm gan B, viêm gan C, xơ gan.
  • Tránh uống rượu bia hoặc hạn chế tối đa vì rượu làm gan tổn thương nặng hơn.
  • Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt thuốc có thể gây độc cho gan (paracetamol liều cao, thuốc kháng sinh không cần thiết...).
  • Điều trị và phòng ngừa táo bón.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Nguyên nhân gây bệnh não gan

Nguyên nhân chính xác của bệnh não gan hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, bệnh thường được khởi phát bởi sự tích tụ độc tố trong máu, xảy ra khi gan không thể phân giải các chất độc một cách hiệu quả. Có thể do gan bị mất chức năng tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Dòng máu mà gan lọc đến trực tiếp từ hệ tiêu hóa, qua tĩnh mạch cửa. Dòng máu này mang theo các chất thải còn lại sau quá trình tiêu hóa, bao gồm amoniac và nhiều chất khác. Gan sẽ lọc bỏ các chất này trước khi đưa máu trở lại hệ tuần hoàn toàn thân. Nếu gan không làm được điều đó, các chất độc sẽ tích tụ trong máu và cuối cùng gây tổn thương mô não.

Bệnh não gan là gì? Những điều cần biết để phòng tránh 2.jpg
Suy giảm chức năng gan là nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng bệnh não gan

Khi bạn bị xơ gan, bệnh não gan có thể xảy ra do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm:

  • Chảy máu đường tiêu hóa.
  • Táo bón.
  • Nhiễm trùng.
  • Mất nước (do các yếu tố như hạn chế chất lỏng, thuốc lợi tiểu, tiêu chảy, nôn mửa hoặc chọc dò dịch màng bụng quá mức).
  • Rối loạn cân bằng điện giải (ví dụ, hạ natri máu và hạ kali máu).
  • Rối loạn sử dụng rượu.
  • Thuốc (ví dụ, thuốc benzodiazepin, thuốc phiện và thuốc chống viêm không steroid (NSAID)).
  • Rối loạn chức năng thận.

Tìm hiểu chung về bệnh não gan

Bệnh não gan là tình trạng rối loạn chức năng não do rối loạn chức năng gan gây ra. Bệnh não ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương cũng như cách bạn suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Các triệu chứng có thể dao động từ lú lẫn, mất định hướng cho đến hành vi thất thường và thay đổi tính cách. Tình trạng này có thể cải thiện nếu được điều trị, nhưng nếu không điều trị, nó có thể đe dọa tính mạng.

Bệnh não gan là do các chất độc thần kinh trong máu gây ra - đây là những chất độc gây hại đối với não và hệ thần kinh. Bình thường, gan sẽ lọc bỏ các chất độc này khỏi máu. Nhưng nếu gan không thực hiện được chức năng này như bình thường, các chất độc thần kinh sẽ tiếp tục lưu hành trong cơ thể. Cuối cùng, chúng xâm nhập và ảnh hưởng đến não. Tình trạng này thường xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh gan, khi chức năng gan bắt đầu suy giảm.

Nguy cơ gây bệnh não gan

Những ai có nguy cơ mắc bệnh não gan?

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh não gan là:

  • Người mắc bệnh xơ gan.
  • Đang bị nhiễm trùng.
  • Bị táo bón.
  • Không uống đủ nước.
  • Chảy máu từ ruột , dạ dày hoặc thực quản.
  • Dùng một số loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc giảm đau hoặc thuốc lợi tiểu.
  • Có vấn đề về thận.
  • Rối loạn điện giải.
Bệnh não gan là gì? Những điều cần biết để phòng tránh 3.jpg
Những người bị xơ gan cổ trướng thường có nguy cơ mắc bệnh não gan cao hơn

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh não gan

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh não gan là:

  • Viêm gan B mãn tính;
  • Viêm gan C mãn tính;
  • Lạm dụng rượu mãn tính quá mức;
  • Bệnh gan tự miễn.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh não gan

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh não gan

Bác sĩ chuyên khoa gan mật hoặc tiêu hóa thường là người chẩn đoán bệnh não gan. Quá trình chẩn đoán bao gồm:

  • Đánh giá triệu chứng của bạn: Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, hỏi về triệu chứng bạn đang gặp phải và cố gắng xác nhận các triệu chứng đó thông qua quan sát lâm sàng và các xét nghiệm.
  • Đánh giá tình trạng bệnh lý nền: Bác sĩ sẽ cần xác định xem bạn có mắc bệnh gan (cấp tính hay mạn tính), có shunt cửa-chủ hay không, hoặc có cả hai yếu tố.
  • Loại trừ các nguyên nhân khác: Dựa trên các đánh giá ban đầu, bác sĩ có thể cần tìm hiểu thêm các nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng tương tự.

Bạn có thể được chỉ định làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan hoặc mức amoniac trong máu.
  • Siêu âm Doppler để đánh giá dòng máu chảy qua gan.
  • Chẩn đoán hình ảnh não như chụp CT scan hoặc MRI để quan sát cấu trúc não và loại trừ các nguyên nhân khác.
  • Điện não đồ (EEG) để đo hoạt động điện của não.
Bệnh não gan là gì? Những điều cần biết để phòng tránh 4.jpg
Điện não đồ được chỉ định nhằm đánh giá hoạt động của não

Phương pháp điều trị bệnh não gan hiệu quả

Điều trị bệnh não gan bao gồm:

  • Xử trí các tình trạng cấp tính có thể là yếu tố khởi phát.
  • Điều trị nguyên nhân nền gây ra bệnh.
  • Giảm mức độ các chất độc thần kinh lưu hành trong máu.

Việc điều trị hai yếu tố đầu sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh não gan của bạn.

Với suy gan, dù là cấp tính hay mạn tính, thường không có phương pháp điều trị trực tiếp. Bác sĩ sẽ cố gắng giảm các yếu tố gây stress cho gan và cung cấp các biện pháp chăm sóc hỗ trợ để kiểm soát triệu chứng và biến chứng.

Giảm chất độc thần kinh trong máu

Bác sĩ sẽ tác động đến nguồn gốc của các chất độc thần kinh, tức là từ đường ruột. Vì nhiều chất độc này là sản phẩm chuyển hóa của vi khuẩn trong ruột, nên bác sĩ có thể kê kháng sinh để giảm số lượng các vi khuẩn này.

Đồng thời, bác sĩ sẽ dùng thêm một loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu để tăng tốc độ di chuyển của chất thải qua ruột, giúp giảm lượng độc chất hấp thu vào máu.

Các loại thuốc phổ biến được kê gồm:

  • Rifaximin: là kháng sinh không hấp thu ở ruột. Một lựa chọn thay thế là Neomycin.
  • Lactulose: là thuốc nhuận tràng tổng hợp có tác dụng kéo nước vào lòng ruột.

Thuốc bổ trợ có thể bao gồm:

  • Axit amin chuỗi nhánh: Giúp xây dựng cơ và hỗ trợ loại bỏ amoniac ra khỏi máu thông qua mô cơ.
  • Probiotics (men vi sinh): Giúp thúc đẩy các loại vi khuẩn có lợi trong ruột phát triển, cạnh tranh với các loại vi khuẩn tạo chất độc thần kinh.

Lọc máu

Trong trường hợp suy gan cấp – một tình trạng cấp cứu y khoa – lọc máu có thể hữu ích trong điều trị bệnh não gan. Đây là phương pháp lọc bỏ các chất độc khỏi máu thông qua máy chạy thận nhân tạo.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Câu hỏi thường gặp

Nếu không điều trị, bệnh có thể tiến triển nhanh, gây tổn thương não nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Việc điều trị và chăm sóc kịp thời rất quan trọng.

Bệnh não gan không phải là bệnh truyền nhiễm, nên không lây từ người này sang người khác.

Hôn mê gan là giai đoạn nặng nhất của bệnh não gan, khi bệnh nhân mất hoàn toàn ý thức và không phản ứng với môi trường xung quanh.

Có, bệnh não gan có thể tái phát nếu nguyên nhân chưa được kiểm soát tốt hoặc có các yếu tố khởi phát như nhiễm trùng, táo bón, uống rượu.

Vì đạm động vật khi chuyển hóa tạo ra nhiều amoniac – một loại độc tố làm tình trạng bệnh não gan nặng hơn.