Tìm hiểu chung về viêm tuyến nước bọt
"Sialadenitis" là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng viêm của một hoặc nhiều tuyến nước bọt. Tuyến nước bọt là cơ quan sản xuất nước bọt, giúp bạn nuốt, tiêu hóa thức ăn và bảo vệ răng khỏi vi khuẩn có hại. Có ba tuyến nước bọt chính:
- Tuyến mang tai (Parotid glands): Nằm phía trước mỗi tai.
- Tuyến dưới hàm (Submandibular glands): Nằm ở phía sau khoang miệng, bên dưới xương hàm.
- Tuyến dưới lưỡi (Sublingual glands): Nằm dưới lưỡi, ở sàn miệng.
Ngoài ba tuyến nước bọt chính, cơ thể còn có hàng trăm tuyến nước bọt nhỏ nằm rải rác ở môi, mặt trong má và khắp niêm mạc miệng, họng.
Viêm tuyến nước bọt (Sialadenitis) chủ yếu ảnh hưởng đến tuyến mang tai và tuyến dưới hàm.
Bệnh có thể ở dạng cấp tính (khởi phát đột ngột), mạn tính (kéo dài) hoặc tái phát nhiều lần. Tuy nhiên, viêm tuyến nước bọt là tình trạng hiếm gặp.
Triệu chứng viêm tuyến nước bọt
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến nước bọt
Các triệu chứng của viêm tuyến nước bọt có thể bao gồm:
- Sưng to, đau và đổi màu ở một hoặc nhiều tuyến nước bọt;
- Sốt (khi viêm nhiễm dẫn đến nhiễm trùng);
- Giảm tiết nước bọt (gặp ở cả viêm cấp tính và mãn tính);
- Đau khi ăn uống;
- Khô miệng (xerostomia);
- Sưng ở vùng má và cổ.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trên, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám ngay.
/viem_tuyen_nuoc_bot3_b87f776dd8.jpg)
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm tuyến nước bọt
Viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn có thể dẫn đến tình trạng viêm ống tuyến, hẹp ống tuyến, giảm lưu lượng nước bọt. Nếu không được điều trị cũng có thể dẫn đến hình thành áp xe, hiếm khi có thể dẫn đến lỗ rò.
Viêm tuyến nước bọt do quai bị có thể liên quan đến viêm màng não, viêm tụy, viêm tinh hoàn hoặc mất thính lực thần kinh cảm giác.
Một số biến chứng hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra bao gồm liệt mặt (viêm tuyến nước bọt mãn tính do hội chứng Sjögren hoặc bệnh sarcoidosis), biến chứng mạch máu, viêm tắc tĩnh mạch nhiễm trùng, hội chứng Frey.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các triệu chứng viêm tuyến nước bọt kéo dài, chẳng hạn như sưng mặt và sốt hơn ba ngày, hãy đến khám và được điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, bạn nên đến phòng cấp cứu nếu viêm tuyến nước bọt gây ra triệu chứng nghiêm trọng như khó nuốt, khó thở. Các triệu chứng này có thể gây đe doạ tính mạng của bạn nếu không được xử trí kịp thời.
/viem_tuyen_nuoc_bot2_9d958cfc2c.jpg)
Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây viêm tuyến nước bọt bao gồm
- Nhiễm trùng: Bao gồm vi khuẩn và virus, vi khuẩn thường gặp nhất là Staphylococcus aureus. Tác nhân virus bao gồm virus quai bị và virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Một số tác nhân khác cũng có thể gây viêm tuyến nước bọt bao gồm bệnh lao, các vi khuẩn hiếu khí gram âm (Enterobacteriaceae) và vi khuẩn kỵ khí (Prevotella, Fusobacterium, Peptostreptococcus).
- Tắc trở: Gồm sỏi tuyến nước bọt, hẹp ống dẫn, có dị vật (hóc xương cá, tóc, cỏ) hoặc bị chèn ép từ bên ngoài (như răng giả).
- Nguyên nhân gây viêm: Bao gồm viêm tuyến nước bọt sau xạ trị, do thuốc cản quang hoặc điều trị bằng i-ốt phóng xạ.
- Thuốc: Các loại thuốc có thể gây viêm tuyến nước bọt bao gồm clozapine, phenylbutazone, L-asparaginase, acid valproic, thiourea.
- Tự miễn: Gồm các tình trạng viêm tuyến nước bọt tự miễn do hội chứng Sjögren hoặc bệnh liên quan đến IgG4.
- Bệnh lý: Các rối loạn như cuồng ăn tâm thần, thiếu vitamin, đái tháo đường, suy giáp, béo phì, xơ gan, kém hấp thu cũng có thể dẫn đến viêm tuyến nước bọt.
/viem_tuyen_nuoc_bot4_a1f86e8b3f.jpg)
Ngoài ra viêm tuyến nước bọt u hạt xanthoma và bệnh sarcoidosis có thể dẫn đến viêm tuyến nước bọt dạng hạt.
Nguy cơ mắc phải viêm tuyến nước bọt
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tuyến nước bọt?
Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm tuyến nước bọt. Nhưng bệnh này phổ biến nhất ở người lớn trên 50 tuổi, đặc biệt là những người có sỏi tuyến nước bọt.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm tuyến nước bọt
Các nhóm đối tượng khác có nguy cơ viêm tuyến nước bọt bao gồm:
- Trẻ sơ sinh;
- Người bệnh đang phục hồi sau phẫu thuật;
- Người mất nước, suy dinh dưỡng hay suy giảm miễn dịch.
/viem_tuyen_nuoc_bot5_1567266059.jpg)
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm tuyến nước bọt
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm tuyến nước bọt
Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm tuyến nước bọt bằng cách khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng của bạn. Họ cũng có thể dùng một ống nội soi nhỏ có gắn camera và đèn để quan sát tuyến nước bọt.
Bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để đánh giá kỹ hơn. Đây là bác sĩ chuyên điều trị các bệnh liên quan đến tai, mũi và họng.
Ngoài hỏi bệnh và khám lâm sàng, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm cận lâm sàng để có thể chẩn đoán xác định nguyên nhân cũng như loại trừ các nguyên nhân khác. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Công thức máu toàn phần để xác định nhiễm trùng.
- Nuôi cấy từ dịch tiết.
- Xét nghiệm kháng nguyên kháng thể, trong trường hợp có nghi ngờ các nguyên nhân tự miễn.
- Xét nghiệm hình ảnh học có thể bao gồm chụp X-quang, siêu âm, chụp CT hoặc MRI.
Bên cạnh đó, “Viêm tuyến nước bọt uống thuốc gì?” là câu hỏi mà các bác sĩ thường gặp phải. Tiếp theo mời quý bạn đọc theo dõi phần điều trị viêm tuyến nước bọt để nắm thêm thông tin cần thiết.
Điều trị viêm tuyến nước bọt
Nội khoa
Điều trị nội khoa bao gồm các phương pháp sau:
- Thuốc kháng sinh: Đây thường là phương pháp điều trị đầu tay, kháng sinh có thể được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm bắt đầu bằng amoxicillin/clavulanate hoặc clindamycin. Tốt nhất là điều trị kháng sinh dựa trên kết quả nuôi cấy, kháng sinh đồ.
- Thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau ví dụ như thuốc NSAIDs có thể được sử dụng để giúp giảm đau.
- Thuốc tăng tiết nước bọt: Được sử dụng trong trường hợp có khô miệng do giảm tiết nước bọt.
/viem_tuyen_nuoc_bot6_9243e2b712.jpg)
Ngoại khoa
Áp xe do viêm tuyến nước bọt hiếm khi xảy ra, nhưng nếu có, cần can thiệp phẫu thuật rạch và dẫn lưu để điều trị. Trong trường hợp viêm tuyến nước bọt do sỏi hoặc tắc nghẽn không đáp ứng với điều trị nội khoa, phẫu thuật cũng có thể là một lựa chọn cần thiết.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm tuyến nước bọt
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm tuyến nước bọt
Chế độ sinh hoạt
Một số biện pháp bạn có thể thực hiện để có thể giúp hạn chế diễn tiến của viêm tuyến nước bọt bao gồm:
- Bổ sung đủ nước;
- Chườm ấm vùng má, mặt, sau tai;
- Xoa bóp giúp giảm đau;
- Cải thiện vệ sinh răng miệng;
- Tránh thuốc lá, rượu bia vì có thể làm nặng hơn tình trạng khô miệng;
- Dùng thuốc theo toa bác sĩ;
- Tái khám kiểm tra đúng hẹn.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục viêm tuyến nước bọt. Bạn nên uống nhiều nước để kích thích tuyến nước bọt hoạt động, bạn có thể dùng nước ấm hoặc nước chanh pha loãng. Nên ưu tiên thực phẩm mềm, dễ nuốt như cháo, súp, khoai tây nghiền để giảm đau khi ăn, cùng với sữa chua và men vi sinh để cân bằng hệ vi khuẩn trong miệng.
Ngược lại, người bệnh cần tránh thức ăn cứng, khô như các loại hạt, bánh quy vì có thể gây đau khi nhai.
Phòng ngừa viêm tuyến nước bọt
Bạn có thể không hoàn toàn ngăn ngừa được viêm tuyến nước bọt, nhưng có một số cách giúp giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Uống nhiều nước;
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ;
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp;
- Tránh hút thuốc và sử dụng các sản phẩm chứa nicotine;
- Tiêm ngừa vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMR) có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ viêm tuyến nước bọt do quai bị.
/viem_tuyen_nuoc_bot7_4c968a2864.jpg)
Viêm tuyến nước bọt là một tình trạng hiếm gặp nhưng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Dù bệnh thường tự khỏi hoặc đáp ứng tốt với điều trị, trong một số trường hợp, cần can thiệp y tế để tránh biến chứng.
Viêm tuyến nước bọt có thể liên quan đến nhiễm trùng, trong đó quai bị là một nguyên nhân phổ biến. Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị là cách hiệu quả để giảm nguy cơ viêm tuyến nước bọt do virus này gây ra. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cung cấp vắc xin MMR (sởi - quai bị - rubella), giúp bảo vệ bạn và cộng đồng khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hãy chủ động tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.