Bạn đã từng nghe đến vắc xin Tdap nhưng chưa hiểu rõ về loại vắc xin này? Trong hành trình chăm sóc sức khỏe, đây là một mũi tiêm không nên bỏ qua. Hãy cùng Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu vì sao vắc xin Tdap lại quan trọng đến vậy nhé!
Vắc xin Tdap là gì?
Vắc xin Tdap là loại vắc xin hỗn hợp có tác dụng phòng ngừa 3 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gồm bạch hầu (D), ho gà (aP) và uốn ván (T). Tên gọi "Tdap" thể hiện rằng vắc xin có chứa liều lượng thành phần bạch hầu và ho gà thấp hơn so với vắc xin DTaP dành cho trẻ nhỏ. Đây là loại vắc xin dành cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Việc tiêm vắc xin Tdap không chỉ giúp bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lý nghiêm trọng mà còn góp phần bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa đủ tuổi tiêm chủng 3 căn bệnh này. Cụ thể:
- Bạch hầu: Gây viêm họng, khó thở, tổn thương tim, thần kinh và có thể dẫn đến tử vong.
- Ho gà: Ở người lớn, ho gà gây ho kéo dài, suy nhược, thậm chí gãy xương sườn do ho quá nhiều. Đặc biệt, người lớn có thể lây bệnh cho trẻ nhỏ, khiến trẻ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương não, co giật, tử vong.
- Uốn ván: Lây qua vết thương, gây co cơ một cách đau đớn, khó thở và tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Mặc dù Tdap là vắc xin an toàn và hiệu quả với phần lớn người trưởng thành và thanh thiếu niên, nhưng một số đối tượng vẫn cần tránh hoặc hoãn tiêm do nguy cơ phản ứng bất lợi hoặc chống chỉ định y khoa như người bị dị ứng với các thành phần của vắc xin, trẻ em dưới 10 tuổi, người mắc bệnh cấp tính nặng,...
/vac_xin_tdap_la_gi_vac_xin_tdap_tiem_may_mui_1_c92aab770e.png)
Một số vắc xin phòng uốn ván, bạch hầu, ho gà
Hiện nay còn rất nhiều loại vắc xin khác có thể phòng ngừa hiệu quả bệnh uốn ván, ho gà và bạch hầu, được sử dụng linh hoạt tùy theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và mục đích tiêm chủng với hiệu quả tối ưu, độ an toàn cao như:
- Vắc xin uốn ván bạch hầu hấp phụ (Td): Đây là loại vắc xin phối hợp chứa hai thành phần kháng nguyên là giải độc tố uốn ván và giải độc tố bạch hầu, nhưng không bao gồm thành phần ho gà. Vắc xin Td thường được chỉ định để tiêm nhắc định kỳ 10 năm một lần cho người lớn hoặc trong các trường hợp cần phòng ngừa sau chấn thương nhưng không cần thiết tiêm thành phần ho gà.
- Vắc xin Adacel: Vắc xin Adacel được sử dụng cho trẻ từ 4 đến 64 tuổi. Vắc xin này chứa thành phần phòng uốn ván, bạch hầu và ho gà nhưng liều lượng thành phần ho gà thấp hơn so với một số loại khác. Từ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải các phản ứng phụ sau tiêm. Adacel thường được sử dụng trong chương trình tiêm nhắc ở thanh thiếu niên và người trưởng thành.
- Vắc xin Boostrix: Boostrix có thể tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn, phụ nữ mang thai, người cao tuổi. Vắc xin này được khuyến cáo sử dụng nhờ tính an toàn cao và khả năng tạo miễn dịch hiệu quả.
- Vắc xin uốn ván hấp phụ (TT): TT là vắc xin chỉ chứa thành phần phòng uốn ván, thường được sử dụng trong các trường hợp bị thương có nguy cơ cao nhiễm uốn ván hoặc phụ nữ đang mang thai, giúp phòng ngừa uốn ván cho trẻ sơ sinh.
/vac_xin_tdap_la_gi_vac_xin_tdap_tiem_may_mui_2_013ab416ee.png)
Cần lưu ý gì khi tiêm các loại vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván?
Khi thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bạn đọc cần lưu ý một số điều dưới đây để đảm bảo an toàn cho sức khỏe:
- Thông báo với bác sĩ, các nhân viên y tế nếu đã từng bị phản ứng dị ứng sau khi chích ngừa bất cứ mũi vắc xin nào trước đây giúp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván hoặc bị bệnh dị ứng nặng đe dọa đến tính mạng.
- Thông báo tới bác sĩ nếu đã từng bị suy giảm ý thức, hôn mê hoặc bị co giật kéo dài trong vòng 7 ngày sau khi tiêm bất kỳ loại vắc xin phòng ho gà nào trước đây.
- Thận trọng và thông báo tới bác sĩ nếu bị co giật hoặc có các vấn đề khác về hệ thần kinh, đã từng mắc hội chứng Guillain - Barré hoặc đã từng bị đau, sưng tấy nghiêm trọng tại vị trí tiêm.
- Ăn uống và nghỉ ngơi thật đầy đủ trước khi tiêm. Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái giúp thao tác tiêm dễ dàng.
- Chuẩn bị tâm lý trước khi tiêm, nếu tiêm cho trẻ nhỏ, hãy nói chuyện trước với trẻ để giúp con bớt sợ hãi.
Trong một số trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ ra chỉ định hoãn lịch tiêm vắc xin sang lần tiêm khác khi cơ thể đã đủ điều kiện sức khỏe đáp ứng mũi tiêm. Nếu chỉ bị bệnh nhẹ như cảm lạnh thông thường thì vẫn có thể chích ngừa được. Tuy nhiên, các bệnh ở mức trung bình hoặc nặng hơn sẽ cần đợi cho tới khi sức khỏe đã bình phục mới được chích ngừa vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván. Nếu còn bất kỳ thắc mắc cụ thể nào, bạn đọc có thể liên hệ với các bác sĩ để được họ giải đáp chi tiết.
/vac_xin_tdap_la_gi_vac_xin_tdap_tiem_may_mui_3_015a7a60dd.png)
Phải làm sao khi xảy ra các phản ứng nghiêm trọng?
Giống như bất kỳ loại vắc xin nào khác, việc tiêm các loại vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván có thể khiến cơ thể xuất hiện một vài các phản ứng phụ không quá nghiêm trọng như sốt, mệt mỏi, chán ăn, sưng đau tại vị trí tiêm,... Những phản ứng này thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bắt đầu tạo ra kháng thể để bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật. Chúng sẽ nhanh chóng biến mất trong vòng 1 đến 2 ngày mà không cần bất kỳ can thiệp y tế đặc biệt nào. Người tiêm chỉ cần nghỉ ngơi, uống đủ nước và có thể sử dụng thuốc hạ sốt thông thường theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc cán bộ y tế.
/vac_xin_tdap_la_gi_vac_xin_tdap_tiem_may_mui_4_b8fb5be169.png)
Tuy nhiên, trong một số rất ít trường hợp, cơ thể có thể gặp phải những phản ứng nghiêm trọng hơn. Đây là tình huống cần đặc biệt chú ý và xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Những dấu hiệu cảnh báo bao gồm sốt cao và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật, lừ đừ, ngủ li bì, tím tái, thở khó khăn hoặc vùng tiêm sưng tấy lan rộng kèm theo đỏ và đau nhiều,... Đặc biệt, nếu có biểu hiện khó thở hoặc thay đổi sắc mặt (nhợt nhạt, tái xanh), đây có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, người tiêm cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.
Trong những tình huống như vậy, điều quan trọng nhất là người nhà cần phải giữ bình tĩnh, theo dõi kỹ các dấu hiệu và đưa người tiêm đến các cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Khi đi, nên mang theo sổ tiêm chủng hoặc các thông tin liên quan đến loại vắc xin và thời điểm tiêm để bác sĩ dễ dàng theo dõi và xử trí.
Ngoài ra, sau khi tiêm, hãy ở lại theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút để kịp thời xử lý nếu có phản ứng tức thì. Trong vòng 48 giờ sau tiêm, người tiêm cũng nên để ý đến các thay đổi bất thường ở cơ thể và tuyệt đối không nên chủ quan.
/vac_xin_tdap_la_gi_vac_xin_tdap_tiem_may_mui_5_ec208f2fa0.png)
Nhìn chung, Tdap là vắc xin phối hợp hiệu quả giúp phòng uốn ván, bạch hầu và ho gà, nhưng không phải lúc nào cũng là lựa chọn tối ưu cho mọi đối tượng,... Việc lựa chọn loại vắc xin phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu miễn dịch và tình trạng sức khỏe sẽ giúp tăng hiệu quả bảo vệ, giảm rủi ro và nâng cao sự an toàn trong tiêm chủng. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh bằng cách tiêm phòng đúng lịch, đúng loại vắc xin và lựa chọn các cơ sở tiêm chủng uy tín để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.