Tìm hiểu chung về u nhú thực quản
U nhú thực quản (Papilloma esophageal) là một khối u nhỏ, lành tính (không phải ung thư) xuất hiện trong thực quản. U nhú thực quản hình thành từ bề mặt biểu mô và thường có xu hướng lan rộng hướng ra lòng thực quản. U nhú thực quản thường là thuật ngữ đề cập đến dạng u nhú tế bào vảy thực quản, các khối u hình tua này có thể hình thành ở hầu hết mọi vị trí trên cơ thể, nơi có biểu mô vảy như:
- Da (dưới dạng mụn cóc và u nhú da);
- Môi;
- Khoang miệng;
- Mí mắt;
- Lưỡi;
- Hầu họng;
- Thanh quản;
- Thực quản;
- Cổ tử cung;
- Đường sinh dục (còn được gọi là mụn cóc sinh dục).
Triệu chứng thường gặp của u nhú thực quản
Những dấu hiệu và triệu chứng của u nhú thực quản
U nhú thực quản lành tính không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Chúng thường được bác sĩ chẩn đoán tình cờ trong quá trình nội soi đường tiêu hóa trên.
Khi u nhú thực quản lành tính phát triển thành kích thước lớn, nó có thể gây cảm giác khó chịu như ợ nóng hoặc khó nuốt.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh u nhú thực quản nên đi khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu sau:
- Khó nuốt hoặc đau khi nuốt kéo dài, ảnh hưởng đến việc ăn uống.
- Ợ nóng, trớ, buồn nôn thường xuyên.
- Ho kéo dài, khàn giọng không rõ nguyên nhân.
- Đau tức ngực không liên quan đến tim mạch.
- Sụt cân không rõ lý do dù chế độ ăn không thay đổi.
- Nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.

Nguyên nhân gây bệnh u nhú thực quản
Nguyên nhân chính xác của u nhú thực quản vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số giả thuyết.
Một trong các giả thuyết cho rằng u nhú thực quản hình thành do kích thích mạn tính của thực quản, chẳng hạn như trào ngược axit. Điều này giải thích tại sao hầu hết các u nhú thực quản xảy ra ở thực quản dưới (nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi trào ngược).
Ngoài trào ngược axit, các nguyên nhân tiềm ẩn khác có thể gây kích thích và dẫn đến sự hình thành unhú thực quản như:
- Uống rượu bia;
- Hút thuốc lá;
- Sử dụng ống thông mũi - dạ dày trước đó;
- Đã từng thực hiện các thủ thuật hoặc phẫu thuật trên thực quản.
Một giả thuyết tiềm năng khác của u nhú thực quản là nhiễm virus HPV. HPV là một loại virus có thể gây mụn cóc trên da và bộ phận sinh dục, đồng thời có liên quan đến một số loại ung thư.
U nhú thực quản cũng được ghi nhận có liên quan đến một số tình trạng di truyền hiếm gặp, đặc biệt là hội chứng Goltz.
Hầu hết những người mắc u nhú thực quản được chẩn đoán ở độ tuổi 40 và 50. Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ cũng có sự khác biệt.

Nguy cơ mắc phải u nhú thực quản
Những ai có nguy cơ mắc phải u nhú thực quản?
Tỷ lệ nhiễm HPV trên toàn cầu (được cho là nguyên nhân chính gây ra u nhú thực quản) chiếm khoảng 11% đến 12%.
Đối với u nhú không thuộc đường sinh dục, hai nghiên cứu lớn trên quần thể đã ghi nhận tỷ lệ mắc là 0,84% tại Mỹ và 12,9% tại Nga, trong đó trẻ em và thanh niên có tỷ lệ mắc cao nhất.
Đối với u nhú sinh dục, tỷ lệ mắc hàng năm được ước tính vào khoảng 0,1% đến 0,2% dân số tại các nước phát triển, với tỷ lệ cao nhất ở thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải u nhú thực quản
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u nhú thực quản, bao gồm:
- Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD): Kích thích niêm mạc thực quản kéo dài.
- Nhiễm virus HPV: Đặc biệt là các chủng nguy cơ cao.
- Hút thuốc lá, uống rượu bia: Gây tổn thương niêm mạc thực quản.
- Thủ thuật y khoa: Sử dụng ống thông mũi - dạ dày, phẫu thuật thực quản.
- Suy giảm miễn dịch: HIV/AIDS, thuốc ức chế miễn dịch.
- Yếu tố di truyền: Hội chứng Goltz và một số bệnh lý hiếm gặp.
- Chế độ ăn uống kém: Ít rau xanh, nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ nêu trên, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm u nhú thực quản nếu có.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị u nhú thực quản
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm u nhú thực quản
Hầu hết các trường hợp u nhú tế bào vảy được chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng và không cần thêm xét nghiệm nào khác, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, vì chúng có xu hướng tự giới hạn và không chuyển thành dạng tổn thương ác tính. Tuy nhiên, ở những trường hợp có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư, có thể cần phải cắt bỏ tổn thương và gửi mẫu sinh thiết để phân tích mô bệnh học nếu có nghi ngờ về chẩn đoán hoặc lo ngại.

Điều trị u nhú thực quản
Bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật đơn giản để loại bỏ hoặc phá hủy các u nhú thực quản. Kỹ thuật được lựa chọn phụ thuộc vào kích thước, số lượng và vị trí của u nhú thực quản.
Một số phương pháp mà bác sĩ có thể sử dụng để điều trị u nhú thực quản, bao gồm:
- Đốt sóng cao tần (radiofrequency ablation);
- Liệu pháp áp lạnh (cryotherapy);
- Cắt bằng kìm sinh thiết (biopsy forceps);
- Cắt niêm mạc qua nội soi (endoscopic mucosal resection).
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh u nhú thực quản
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của u nhú thực quản
Để hỗ trợ quá trình điều trị và ngăn ngừa biến chứng, người bệnh u nhú thực quản cần duy trì một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý.
Chế độ sinh hoạt
- Kiểm soát trào ngược dạ dày - thực quản: Tránh ăn quá no, không nằm ngay sau khi ăn, kê cao gối khi ngủ.
- Bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia: Giảm nguy cơ kích thích niêm mạc thực quản.
- Giữ vệ sinh răng miệng tốt: Hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
- Tập thể dục đều đặn: Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Thăm khám định kỳ: Kiểm tra và theo dõi để phát hiện sớm biến chứng.
Chế độ dinh dưỡng
Thực phẩm nên ăn:
- Thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, cơm nhão.
- Rau xanh, trái cây giàu vitamin A, C, E (cà rốt, cam, bông cải xanh) giúp bảo vệ niêm mạc.
- Thực phẩm giàu protein dễ hấp thu như cá, thịt gà, đậu phụ.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa ít béo giúp bổ sung dinh dưỡng.
Thực phẩm cần hạn chế:
- Đồ cay nóng, chua (ớt, tiêu, chanh) gây kích thích thực quản.
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán khó tiêu.
- Rượu bia, cà phê, nước có gas gây trào ngược dạ dày – thực quản.
- Thức ăn cứng, dai (thịt nướng, bánh mì khô) dễ làm tổn thương thực quản.
Thói quen ăn uống:
- Ăn chậm, nhai kỹ, chia nhỏ bữa ăn.
- Không ăn quá no, tránh nằm ngay sau khi ăn.
- Uống đủ nước, ưu tiên nước ấm, tránh đồ uống lạnh hoặc có cồn.

Phòng ngừa u nhú thực quản
U nhú thực quản là một tổn thương hiếm gặp, bệnh có liên quan đến nhiễm virus HPV. Bạn nên thực hiện các biện pháp sau đây để phòng ngừa bệnh:
Đặc hiệu
- Tiêm vắc xin HPV: Đây là biện pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ nhiễm HPV, được cho là nguyên nhân chính gây u nhú thực quản và nhiều bệnh lý khác. Việc tiêm phòng nên thực hiện sớm, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên trước khi có tiếp xúc với virus.
- Sàng lọc và theo dõi sức khỏe định kỳ: Những người có nguy cơ cao như người có tiền căn nhiễm HPV, bệnh lý thực quản mạn tính cần được kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm tổn thương bất thường.
Không đặc hiệu
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh: Hạn chế tiêu thụ thực phẩm cay nóng, rượu bia và các chất kích thích có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Chế độ ăn giàu vitamin A, C, E cùng lối sống khoa học sẽ giúp cơ thể chống lại nguy cơ nhiễm virus.
- Hạn chế các yếu tố nguy cơ: Không hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với các chất kích thích có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Tiêm ngừa u nhú thực quản ở đâu?
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cam kết mang đến dịch vụ tiêm chủng an toàn và chất lượng, với:
- Nguồn vắc xin chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
- Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, tư vấn tận tình về các biện pháp phòng ngừa.
- Quy trình tiêm chủng an toàn, hiện đại, giúp khách hàng yên tâm khi tiêm phòng.
