Khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, tình trạng mất nước có thể diễn ra rất nhanh chóng và gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Vậy trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao để giúp bé nhanh chóng hồi phục và không ảnh hưởng đến sức khỏe? Hãy cùng Long Châu tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây nhé!
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là gì?
Phân của trẻ sơ sinh bú mẹ thường có kết cấu mềm, lỏng, màu vàng nhạt và chứa các hạt nhỏ. Trong khi phân của trẻ dùng sữa công thức lại đặc hơn và có màu nâu hoặc xanh. Trẻ sơ sinh thường đi tiêu khá nhiều, đặc biệt là sau mỗi lần bú. Tuy nhiên, khi trẻ khoảng 4 tuần tuổi, số lần đi tiêu sẽ giảm dần xuống còn 3 - 4 lần/ngày và chỉ còn 1 - 2 lần/ngày khi trẻ được hơn 2 tháng tuổi.
Khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, tần suất đi tiêu có thể tăng lên đáng kể, đôi khi lên tới 2 - 3 lần so với bình thường. Phân của trẻ sẽ trở nên loãng, giống như nước và có thể dễ dàng tràn ra ngoài tã. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bé đang gặp phải vấn đề.
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Trước khi tìm hiểu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao, bạn cần phải hiểu rõ nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh mà các bậc phụ huynh cần chú ý trong việc chăm sóc trẻ. Một số nguyên nhân chính chủ yếu do:
- Vi khuẩn và virus: Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn yếu rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn như Rotavirus, E. Coli, Shigella, gây ra tiêu chảy. Những tác nhân này có thể xâm nhập dễ dàng và gây bệnh khi trẻ tiếp xúc với môi trường không sạch sẽ.
- Ký sinh trùng: Các loại ký sinh trùng như Giardia hay Cryptosporidium cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy ở trẻ sơ sinh.
- Thuốc kháng sinh: Việc sử dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt khi dùng lâu dài, có thể ảnh hưởng đến cân bằng lợi khuẩn trong đường ruột, làm gián đoạn quá trình tiêu hóa của bé và gây tiêu chảy.
- Sữa không phù hợp: Việc trẻ sử dụng sữa mẹ hoặc sữa công thức không đạt chất lượng hoặc không phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ cũng có thể dẫn đến tiêu chảy.
- Môi trường vệ sinh kém: Nếu không gian xung quanh trẻ không đảm bảo vệ sinh, hoặc vú mẹ không được làm sạch đúng cách, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể bé gây bệnh tiêu chảy.
- Hội chứng kích thích ruột và dị ứng thực phẩm: Một số trường hợp trẻ sơ sinh có thể bị tiêu chảy do dị ứng với các thành phần trong thức ăn hoặc do hội chứng kích thích ruột.

Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao?
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao? Khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, ba mẹ cần nhanh chóng điều trị để giúp trẻ hồi phục nhanh chóng và tránh các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những phương pháp điều trị hiệu quả mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo:
Bổ sung nước và điện giải
Nếu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, ba mẹ cần bổ sung đủ nước và chất điện giải cho trẻ. Nếu trẻ vẫn bú mẹ, mẹ nên cho bé bú thường xuyên để bổ sung nước và dinh dưỡng. Trong trường hợp trẻ dùng sữa công thức, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ về các dung dịch bù điện giải phù hợp. Nếu tình trạng mất nước nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch tại bệnh viện.

Phòng ngừa hăm tã
Tiêu chảy khiến da bé, đặc biệt là vùng mông, dễ bị kích ứng và phát sinh hăm tã. Mẹ cần thay tã cho bé thường xuyên, giữ cho vùng da luôn khô thoáng và có thể sử dụng kem chống hăm để bảo vệ làn da khỏi bị tổn thương do tiếp xúc lâu dài với chất thải.
Dùng thuốc theo chỉ định
Khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc mà phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và mức độ bệnh, từ đó chỉ định thuốc phù hợp để điều trị hiệu quả.

Sử dụng men vi sinh
Men vi sinh có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ, đặc biệt là khi tình trạng tiêu chảy kéo dài. Tuy nhiên, việc sử dụng men vi sinh phải có sự chỉ định của bác sĩ, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Để giảm nguy cơ lây nhiễm và bảo vệ trẻ khỏi tình trạng tiêu chảy, các bậc phụ huynh có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi thay tã và trước khi cho trẻ ăn.
- Sử dụng găng tay khi dọn dẹp các chất thải (tiêu chảy, nôn mửa), sau đó bỏ vào túi kín trước khi vứt vào thùng rác.
- Đảm bảo thực phẩm sạch và vệ sinh.
- Tránh cho trẻ đến trường hoặc nhà trẻ cho đến khi trẻ không còn bị tiêu chảy trong ít nhất 24 giờ.
- Tiêm vắc xin phòng ngừa virus Rota cho trẻ.
Tiêm chủng Long Châu hiện đang cung cấp ba loại vắc xin đường uống phòng tiêu chảy do virus Rota, được nhập khẩu và sản xuất từ các nguồn uy tín trong nước và quốc tế. Cụ thể, vắc xin Rotarix có nguồn gốc từ Bỉ, vắc xin Rotateq được sản xuất tại Mỹ, và vắc xin Rotavin là sản phẩm nội địa do Việt Nam phát triển. Cả ba loại vắc xin đều sử dụng đường uống và được chứng minh hiệu quả trong phòng ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota.
Để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh, phụ huynh có thể đến trực tiếp tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Trung tâm cung cấp dịch vụ tiêm chủng an toàn, chất lượng và uy tín với đa dạng các loại vắc xin. Để biết thêm thông tin hoặc đặt lịch tiêm, hãy thể liên hệ qua số điện thoại 1800 6928 để được tư vấn nhanh nhất.

Bài viết trên đây là những chia sẻ của Long Châu về nội dung: “Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao?”. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để phòng ngừa tình trạng tiêu chảy ở trẻ hiệu quả nhé.