Tìm hiểu chung về bệnh thủng màng nhĩ
Màng nhĩ là một lớp màng mỏng và linh hoạt, nằm giữa tai ngoài và tai giữa. Nó có vai trò quan trọng trong quá trình nghe, khi thu nhận sóng âm từ môi trường và chuyển thành rung động. Những rung động này được truyền qua tai giữa đến tai trong, nơi chúng được xử lý thành âm thanh mà chúng ta có thể nghe được.
Màng nhĩ cũng có nhiệm vụ bảo vệ tai giữa khỏi các yếu tố bên ngoài như nước, vi khuẩn, và bụi bẩn. Khi màng nhĩ bị thủng, quá trình truyền âm thanh sẽ bị gián đoạn, khiến người bệnh có thể bị mất thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn. Đồng thời, tình trạng thủng màng nhĩ cũng tạo cơ hội cho vi khuẩn và tác nhân gây bệnh xâm nhập vào tai giữa, dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm. Thủng màng nhĩ có thể xảy ra do viêm tai giữa nặng hoặc do chấn thương trực tiếp lên tai.
Triệu chứng bệnh thủng màng nhĩ
Những dấu hiệu và triệu chứng của thủng màng nhĩ
Nếu không bị va đập trực tiếp vào tai, bạn có thể không nhận ra mình bị thủng màng nhĩ cho đến khi xuất hiện các triệu chứng như thay đổi thính lực hoặc có mủ, máu chảy ra từ tai. Một số triệu chứng thường gặp của thủng màng nhĩ bao gồm:
- Mất thính lực đột ngột: Cảm giác tai bị nghẹt hoặc nghe không rõ.
- Đau tai: Cơn đau nhói xuất hiện đột ngột trong tai.
- Dịch chảy ra từ tai: Có thể là mủ hoặc máu.
- Ù tai: Nghe thấy tiếng vo ve hoặc tiếng ù trong tai mà không có nguồn âm thanh bên ngoài.
- Chóng mặt kéo dài: Cảm giác quay cuồng hoặc choáng váng kéo dài nhiều giờ, không cải thiện khi nghỉ ngơi, có thể kèm buồn nôn hoặc nôn.
- Mất thăng bằng: Có thể xuất hiện khi tổn thương tai ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình, gây rối loạn cảm giác cân bằng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thủng màng nhĩ
Nếu màng nhĩ bị thủng, một số biến chứng hiếm có thể xảy ra, đặc biệt nếu màng nhĩ không tự lành sau 3 đến 6 tháng. Các biến chứng có thể bao gồm:
- Mất thính lực: Thông thường, tình trạng mất thính lực chỉ là tạm thời và sẽ hết khi màng nhĩ lành lại. Tuy nhiên, mức độ mất thính lực còn phụ thuộc vào kích thước và vị trí của vết rách hoặc thủng.
- U nang tai giữa: Mặc dù hiếm gặp, u nang được tạo thành từ tế bào da và các mảnh vụn khác có thể hình thành trong tai giữa như một hậu quả lâu dài của thủng màng nhĩ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng có triệu chứng thủng màng nhĩ hãy đi khám chuyên khoa tai mũi họng ngay. Bác sĩ có thể xác nhận xem có thủng hay không. Nếu bạn có triệu chứng nhiễm trùng, chẳng hạn như dịch rỉ ra từ tai hoặc sốt cao, có thể cần dùng thuốc kháng sinh. Nếu bạn bị mất thính lực không cải thiện theo thời gian, có thể yêu cầu kiểm tra thính lực và điều trị sớm nguyên nhân.
Nguyên nhân gây bệnh thủng màng nhĩ
Viêm tai giữa là nguyên nhân phổ biến nhất gây thủng màng nhĩ. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị thủng màng nhĩ do các nguyên nhân khác như:
- Dị vật: Dùng tăm bông hoặc các vật nhỏ nhọn để ngoáy tai, hoặc gãi ngứa trong tai có thể làm thủng màng nhĩ. Bạn cũng có thể vô tình làm thủng màng nhĩ, ví dụ như bị bút ném trúng tai hoặc va phải cành cây thấp khi đang chạy.
- Chấn thương: Bị tát mạnh vào tai, hoặc bị đánh mạnh vào tai hay bên đầu.
- Chấn thương do sự thay đổi áp suất: Nếu ống Eustachian bị tắc hoặc viêm, không khí có thể bị giữ lại giữa màng nhĩ và tai giữa, làm tăng nguy cơ thủng màng nhĩ khi có sự thay đổi áp suất (như khi đi máy bay hoặc lặn sâu).
- Tiếng nổ lớn đột ngột: Màng nhĩ có thể bị thủng nếu bạn ở gần nơi xảy ra vụ nổ hoặc tiếng súng.

Nguy cơ gây bệnh thủng màng nhĩ
Những ai có nguy cơ mắc bệnh thủng màng nhĩ?
- Trẻ em: Dễ bị viêm tai giữa, một nguyên nhân phổ biến gây thủng màng nhĩ.
- Người thường xuyên bị viêm tai: Các đợt viêm tái đi tái lại làm tăng nguy cơ màng nhĩ bị tổn thương.
- Người đi máy bay thường xuyên: Thay đổi áp suất nhanh khi máy bay cất hoặc hạ cánh có thể gây tổn thương màng nhĩ.
- Người từng bị chấn thương đầu hoặc tai: Va đập mạnh vùng tai có thể gây thủng màng nhĩ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thủng màng nhĩ
- Lạm dụng tăm bông hoặc vật nhọn: Việc dùng các vật nhọn để làm sạch tai có thể làm rách màng nhĩ.
- Môi trường ồn ào: Tiếp xúc với tiếng nổ lớn hoặc tiếng ồn kéo dài như bắn súng, pháo, hoặc máy móc công nghiệp.
- Sự thay đổi áp suất đột ngột: Ví dụ, khi đi máy bay hoặc lặn biển, sự thay đổi áp suất nhanh chóng có thể gây thủng màng nhĩ.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh thủng màng nhĩ
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thủng màng nhĩ
Bác sĩ sẽ khám tai trong của bạn bằng ống soi tai - một dụng cụ có đèn chiếu giúp quan sát màng nhĩ. Ngoài ra, các chuyên gia thính học có thể thực hiện các kiểm tra thính lực để đánh giá khả năng nghe và độ linh hoạt của màng nhĩ. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Thính lực đồ: Đây là các bài kiểm tra khả năng nghe các âm thanh nhỏ và ở các tần số khác nhau. Thính lực đồ là biểu đồ thể hiện kết quả kiểm tra này.
- Đo nhĩ lượng: Kiểm tra khả năng chuyển động của màng nhĩ.

Phương pháp điều trị thủng màng nhĩ hiệu quả
Thông thường, bạn chỉ điều trị nếu màng nhĩ không lành sau vài tuần hoặc nếu phát sinh biến chứng, chẳng hạn như mất thính lực hoặc nhiễm trùng tai.
Màng nhĩ bị thủng thường sẽ tự lành trong vòng 6 - 8 tuần. Bạn cần giữ tai khô càng nhiều càng tốt vì tai có thể dễ bị nhiễm trùng nếu tai bị ướt.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, thường là thuốc nhỏ, nếu có nhiễm trùng hoặc nguy cơ nhiễm trùng phát triển ở tai giữa trong khi màng nhĩ đang lành.
Bạn có thể cần phải phẫu thuật để điều trị màng nhĩ thủng không tự lành. Có thể sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để sửa chữa màng nhĩ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Myringoplasty (vá màng nhĩ bằng giấy thuốc): Bác sĩ sẽ đặt một miếng giấy chuyên dụng có tẩm thuốc lên chỗ rách hoặc thủng của màng nhĩ. Theo thời gian, màng nhĩ sẽ tự tái tạo và lấp đầy chỗ rách.
- Tympanoplasty (phẫu thuật tạo hình màng nhĩ): Bác sĩ sẽ dùng một mảnh mô từ da, sụn hoặc vật liệu khác lấy từ chính cơ thể người bệnh để vá chỗ thủng trên màng nhĩ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp bị thủng màng nhĩ chưa lành đều cần điều trị y tế hoặc phẫu thuật. Nếu bạn bị thủng nhỏ không có triệu chứng và không bị mất thính lực đáng kể. Điều trị chủ yếu được cân nhắc nếu bị mất thính lực, vì tình trạng này có thể cải thiện nếu thủng được sửa chữa. Ngoài ra, những người bơi lội có thể thích sửa thủng, vì việc nước vào tai giữa có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh thủng màng nhĩ
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thủng màng nhĩ
Chế độ sinh hoạt
- Tránh sử dụng tăm bông hoặc vật nhọn để làm sạch tai. Hãy sử dụng khăn mềm lau nhẹ bên ngoài tai.
- Sử dụng bảo vệ tai như bịt tai hoặc nút tai để giảm tác động của tiếng ồn.
- Tránh thói quen hút thuốc và sử dụng rượu bia quá mức.
- Giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc và tập luyện các bài tập thư giãn.
- Không sử dụng nút tai hoặc bịt tai quá lâu, đặc biệt khi bạn không ở trong môi trường có tiếng ồn lớn.

Chế độ dinh dưỡng
- Bổ sung đủ vitamin C, vitamin D, và khoáng chất như kẽm, magie có thể giúp duy trì sức khỏe tai.
- Bổ sung Omega-3 giúp giảm viêm và có tác dụng bảo vệ các tế bào trong tai, đặc biệt là đối với người bị ù tai hoặc mất thính lực do viêm.
- Uống đủ nước là rất quan trọng để duy trì sự cân bằng dịch trong tai.
Phương pháp phòng ngừa thủng màng nhĩ hiệu quả
Bảo vệ tai là cách quan trọng để phòng ngừa thủng màng nhĩ. Một số cách giúp bạn bảo vệ tai và màng nhĩ gồm:
- Điều trị viêm tai giữa kịp thời: Các triệu chứng viêm tai giữa bao gồm đau tai, nghẹt mũi, sốt và nghe kém. Hãy đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài hơn vài ngày.
- Vệ sinh tai đúng cách: Không dùng tăm bông hoặc các vật nhọn để làm sạch tai - việc này có thể dễ dàng gây thủng màng nhĩ, ngay cả với tăm bông. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng lau bên ngoài tai bằng ngón tay sạch hoặc đầu khăn sạch.
- Phòng ngừa tình trạng “tai máy bay”: Đây là một dạng chấn thương do sự thay đổi áp suất, gây cảm giác ù tai, đầy tai như bị nhét bông. Tai máy bay thường xảy ra khi máy bay cất hoặc hạ cánh do thay đổi độ cao đột ngột. Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách ngáp, nhai kẹo cao su hoặc dùng nút tai chuyên dụng giúp cân bằng áp suất.
- Bảo vệ tai khỏi tiếng nổ lớn: Bạn có thể bị thủng màng nhĩ nếu ở gần tiếng nổ lớn như súng bắn hoặc pháo nổ. Hãy luôn sử dụng nút tai hoặc thiết bị bảo vệ tai nếu có nguy cơ tiếp xúc với tiếng ồn mạnh.