icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
suy_giam_thi_luc_f12f4c406bsuy_giam_thi_luc_f12f4c406b

Suy giảm thị lực là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Bảo Quyên09/04/2025

Suy giảm thị lực (vision impairment) là tình trạng mắt kém mà kính hoặc phẫu thuật không thể chữa khỏi. Nó khiến bạn gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ chuyên khoa có thể kiểm tra mắt và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bạn. Hãy cùng Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu về nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này qua bài viết sau.

Tìm hiểu chung về suy giảm thị lực

Thị giác là giác quan quan trọng nhất, giúp chúng ta học tập, đi lại, đọc sách, tham gia vào trường học và công việc. Tuy nhiên, khi mắt gặp vấn đề, khả năng nhìn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hầu hết mọi người trong đời đều sẽ gặp ít nhất một vấn đề về mắt cần được chăm sóc. Nếu không được điều trị kịp thời, suy giảm thị lực có thể gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Những bệnh lý như đục thủy tinh thể hay tật khúc xạ là nguyên nhân chính gây giảm thị lực và mù lòa. Tuy nhiên, các vấn đề mắt khác như khô mắt hay viêm kết mạc, dù không gây mù loà, cũng cần được quan tâm vì chúng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đôi mắt.

Triệu chứng suy giảm thị lực

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy giảm thị lực

Suy giảm thị lực có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể bị mất:

  • Thị lực trung tâm: Không thể nhìn rõ những gì ngay trước mắt.
  • Thị lực ngoại vi: Gặp khó khăn khi nhìn ở hai bên mắt.
  • Nhận thức độ sâu: Khó xác định khoảng cách giữa các vật thể.
  • Độ nhạy tương phản: Khó phân biệt giữa các vật thể có màu sắc tương tự.
  • Thị lực ban đêm: Gặp khó khăn khi nhìn trong bóng tối hoặc ánh sáng yếu.
  • Khả năng chịu chói: Khó thích nghi với ánh sáng mạnh.

Bạn có thể gặp khó khăn trong các hoạt động như:

  • Đọc sách;
  • Lái xe;
  • Nấu ăn;
  • Học tập trong lớp;
  • Xem TV hoặc video;
  • Sử dụng máy tính;
  • Nhận diện khuôn mặt người khác;
  • Di chuyển, đặc biệt là ở những nơi lạ.
suy-giam-thi-luc4.jpg

Dấu hiệu suy giảm thị lực ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Thường xuyên va vào đồ vật;
  • Cầm đồ vật rất gần mặt để nhìn;
  • Hay nheo mắt hoặc chớp mắt liên tục;
  • Thường xuyên nhắm hoặc che một bên mắt;
  • Mắt rung giật hoặc di chuyển không kiểm soát;
  • Hai mắt không nhìn cùng một hướng;
  • Con ngươi có kích thước không đều;
  • Con ngươi có màu xám hoặc trắng.

Biến chứng có thể gặp khi bị suy giảm thị lực

Tác động cá nhân

Trẻ nhỏ bị suy giảm thị lực nghiêm trọng từ sớm có thể gặp khó khăn trong phát triển vận động, ngôn ngữ, cảm xúc, xã hội và nhận thức, gây ảnh hưởng suốt đời.

Trẻ em trong độ tuổi đi học có thể gặp khó khăn trong việc học tập và đạt kết quả thấp hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

Người trưởng thành bị suy giảm thị lực có thể gặp khó khăn trong việc tìm việc làm, đồng thời có nguy cơ cao mắc trầm cảm và lo âu.

Người cao tuổi bị suy giảm thị lực có thể bị cô lập xã hội, gặp khó khăn khi đi lại, có nguy cơ té ngã và gãy xương cao hơn, thậm chí phải vào viện dưỡng lão sớm hơn.

Tác động kinh tế

Suy giảm thị lực tạo ra một gánh nặng tài chính toàn cầu khổng lồ, với tổn thất năng suất lao động hàng năm ước tính khoảng 411 tỷ USD. Con số này lớn hơn rất nhiều so với chi phí cần thiết để giải quyết nhu cầu chưa được đáp ứng về chăm sóc mắt, ước tính khoảng 25 tỷ USD.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn gặp vấn đề về mắt hoặc nhận thấy người thân, đặc biệt là con cái, có dấu hiệu khó khăn trong việc nhìn, đọc, nhận diện khuôn mặt hay di chuyển, hãy đưa họ đi khám mắt càng sớm càng tốt. Việc phát hiện và can thiệp kịp thời có thể giúp cải thiện thị lực và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Đồng thời, việc khám mắt định kỳ cũng rất quan trọng để kiểm tra sức khỏe thị giác, phát hiện sớm các bệnh về mắt ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, giúp bảo vệ đôi mắt luôn khỏe mạnh.

Nguyên nhân gây suy giảm thị lực

Nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực và mù lòa trên thế giới bao gồm:

  • Tật khúc xạ;
  • Đục thủy tinh thể;
  • Bệnh võng mạc do tiểu đường;
  • Bệnh tăng nhãn áp (glôcôm);
  • Thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác.

Nguyên nhân gây suy giảm thị lực có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia và khu vực, tùy thuộc vào khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt, chi phí điều trị và mức độ nhận thức của người dân. Ví dụ, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ suy giảm thị lực do đục thủy tinh thể chưa được phẫu thuật cao hơn. Trong khi đó, ở các nước thu nhập cao, các bệnh như glôcôm và thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác phổ biến hơn.

Ở trẻ em, đục thủy tinh thể bẩm sinh là nguyên nhân chính gây suy giảm thị lực ở các nước thu nhập thấp, trong khi bệnh võng mạc do sinh non phổ biến hơn ở các nước thu nhập trung bình.

Tật khúc xạ không được chỉnh sửa vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực ở cả trẻ em và người lớn trên toàn thế giới.

suy-giam-thi-luc5.jpg

Nguy cơ mắc phải suy giảm thị lực

Những ai có nguy cơ mắc phải suy giảm thị lực?

Hầu hết mọi đối tượng, bất kể giới tính và tuổi tác đều có khả năng mắc phải tình trạng suy giảm thị lực. Trên thế giới, ước tính khoảng 2,2 tỷ người bị suy giảm thị lực. Trong đó, gần 1 nửa các trường hợp suy giảm thị lực đáng ra có thể phòng tránh được hoặc chưa được điều trị.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy giảm thị lực

Một số thói quen sinh hoạt và tình trạng bệnh lý có thể là yếu tố nguy cơ gây suy giảm thị lực:

  • Bệnh đái tháo đường;
  • Tăng huyết áp;
  • Tăng mỡ máu;
  • Tuổi cao;
  • Lối sống tĩnh tại, ít hoạt động;
  • Bệnh vẩy nến và các rối loạn tự miễn;
  • Hút thuốc lá.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị suy giảm thị lực

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm suy giảm thị lực

Bác sĩ nhãn khoa có thể kiểm tra mắt bạn bằng nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán vấn đề về thị lực. Họ sẽ cho bạn biết nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và liệu có thể điều trị được hay không. Nếu thị lực suy giảm ở mức trung bình đến nặng, không thể hồi phục và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn bị suy giảm thị lực.

suy-giam-thi-luc6.jpg

Khi bạn đến khám bác sĩ đo thị lực chuyên về suy giảm thị lực, bác sĩ sẽ thực hiện một bài kiểm tra đặc biệt gọi là khám thị lực kém. Đầu tiên, bác sĩ sẽ xem xét toàn bộ tiền sử bệnh về mắt của bạn, sau đó hỏi về cách tình trạng này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, bao gồm:

  • Việc học tập hoặc công việc;
  • Đọc sách và sử dụng máy tính;
  • Lái xe;
  • Sinh hoạt trong bếp;
  • Nhận diện khuôn mặt;
  • Khả năng đi lại;
  • Sở thích và các hoạt động giải trí;
  • Tâm trạng và đời sống xã hội.

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra mắt và thị lực của bạn để phát hiện bất kỳ thay đổi nào trong tình trạng bệnh. Họ sẽ sử dụng bảng kiểm tra thị lực đặc biệt để đánh giá độ sắc nét của tầm nhìn. Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra thêm:

  • Tầm nhìn ngoại vi (khả năng nhìn hai bên);
  • Chức năng cơ mắt (khả năng kiểm soát chuyển động của mắt);
  • Độ nhạy cảm với chói sáng;
  • Độ nhạy tương phản (khả năng phân biệt giữa các vật có màu tương tự);
  • Thị lực ban đêm (khả năng nhìn trong bóng tối);
  • Khả năng phân biệt màu sắc;
  • Nhận thức chiều sâu (đánh giá khoảng cách giữa các vật);
  • Khả năng đọc chữ.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm cận lâm sàng khác để chẩn đoán nguyên nhân suy giảm thị lực như soi đáy mắt.

Điều trị suy giảm thị lực

Dựa vào kết quả khám, bác sĩ sẽ đưa ra một kế hoạch điều trị phù hợp với tình trạng của bạn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách thích nghi, cung cấp công cụ hỗ trợ và đưa ra lời khuyên để giúp bạn cải thiện thị lực và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phục hồi thị lực

Điều trị phục hồi thị lực giúp tối đa hóa thị lực của bạn càng nhiều càng tốt và giúp bạn sống độc lập nhất có thể với thị lực hiện tại của mình. Kế hoạch điều trị có thể bao gồm:

Thiết bị và dụng cụ hỗ trợ thị lực

  • Kính thuốc hoặc kính áp tròng.
  • Kính lúp quang học hoặc kính viễn vọng.
  • Thiết bị phóng đại điện tử và phần mềm đọc màn hình.
  • Sách, tài liệu in chữ to và sản phẩm có độ tương phản cao.
  • Công nghệ chuyển giọng nói thành văn bản và đọc sách bằng âm thanh.
  • Thiết bị hỗ trợ trong gia đình bằng âm thanh.

Đào tạo và hướng dẫn thực tế để thích nghi với thị lực kém

  • Trị liệu nghề nghiệp để học cách thực hiện công việc theo cách phù hợp hơn.
  • Chuyên gia hướng dẫn di chuyển giúp bạn đi lại an toàn.
  • Giảng viên phục hồi chức năng dạy kỹ năng sống tự lập.
  • Giáo dục đặc biệt hoặc hướng nghiệp để hỗ trợ học tập và làm việc.
  • Tư vấn tâm lý hoặc trị liệu để duy trì sức khỏe tinh thần.
  • Nhóm hỗ trợ giúp bạn kết nối với những người có hoàn cảnh tương tự.
suy-giam-thi-luc 5.jpeg

Điều trị nguyên nhân

Một số dạng suy giảm thị lực có thể điều trị được, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương của mắt.

  • Dùng thuốc: Một số trường hợp giảm thị lực do nhiễm trùng có thể được điều trị bằng thuốc kháng viêm hoặc kháng sinh.
  • Phẫu thuật đục thủy tinh thể: Hầu hết các trường hợp đục thủy tinh thể có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật.
  • Ghép giác mạc: Nếu giác mạc bị sẹo nặng, bác sĩ có thể thay thế bằng giác mạc khỏe mạnh.
  • Phẫu thuật võng mạc: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng phẫu thuật hoặc tia laser để phục hồi mô võng mạc bị tổn thương.
  • Bổ sung vitamin: Nếu suy giảm thị lực do thiếu vitamin A, việc bổ sung có thể giúp cải thiện. Ngoài ra, vitamin B hoặc D cũng có thể cần thiết nếu thị lực bị ảnh hưởng do chế độ ăn uống kém dinh dưỡng.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa suy giảm thị lực

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của suy giảm thị lực

Chế độ sinh hoạt

Một số thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế suy giảm thị lực, bao gồm:

  • Khám mắt định kỳ và gặp bác sĩ ngay khi có thay đổi về thị lực.
  • Đeo kính thuốc hoặc kính áp tròng khi cần.
  • Kiểm soát đường huyết nếu mắc tiểu đường, duy trì huyết áp ổn định.
  • Sử dụng đồ bảo hộ khi làm việc, lái xe hoặc chơi thể thao.
  • Đeo kính râm khi ra nắng, tránh ánh sáng mạnh trực tiếp.
  • Ngừng hút thuốc.
  • Rửa tay sạch khi đeo kính áp tròng và tuân thủ hướng dẫn sử dụng.
  • Giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng.
  • Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và điều chỉnh phương pháp điều trị.
  • Chia sẻ với người thân, nuôi thú cưng, đọc sách hoặc làm những gì giúp bạn thư giãn.

Chế độ dinh dưỡng

Bạn có thể duy trì cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A để hỗ trợ thị lực. Nếu mắc bệnh tiểu đường, tuân thủ chế độ ăn uống phù hợp để kiểm soát bệnh.

suy-giam-thi-luc7.jpg

Phòng ngừa suy giảm thị lực

Cách tốt nhất để ngăn ngừa suy giảm thị lực hay mất thị lực vĩnh viễn là kiểm tra mắt định kỳ và đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Mặc dù không phải tất cả nguyên nhân gây suy giảm thị lực đều có thể phòng tránh, nhưng nhiều trường hợp có thể điều trị được nếu phát hiện sớm.

Suy giảm thị lực không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong sinh hoạt hằng ngày. Việc phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ giúp giảm thiểu tác động của tình trạng này.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Có. Huyết áp tăng cao cũng có nguy cơ làm ảnh hưởng các mạch máu tại mắt và gây suy giảm thị lực.

Có. Việc đường huyết tăng có thể làm tổn thương các mạch máu ở mắt, tổn thương võng mạc, từ đó gây suy giảm thị lực.

Có thể. Hầu hết các trường hợp bị đục thuỷ tinh thể có thể điều trị bằng phẫu thuật, do đó bạn cần đến khám và điều trị khi có chỉ định để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn.

Có. Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ gây nhiều bệnh về mắt. Hút thuốc làm tăng tình trạng viêm, thúc đẩy quá trình lão hoá ở mắt. Người hút thuốc sẽ có nhiều nguy cơ mắc đục thuỷ tinh thể và thoái hoá hoàng điểm, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh thoái hoá điểm vàng và bệnh võng mạc do tiểu đường.

Mặc dù không phải tất cả các nguyên nhân gây ra suy giảm thị lực đều có thể phòng ngừa được, nhưng nhiều nguyên nhân có thể điều trị được nếu bạn phát hiện đủ sớm. Do đó bạn nên khám định kỳ để kiểm tra mắt, và gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu gì bất thường.