Tìm hiểu chung về răng mọc lệch ở trẻ em
Răng mọc lệch là một dạng sai lệch khớp cắn thường gặp ở trẻ em, xảy ra khi các răng không mọc đúng vị trí theo cung hàm lý tưởng. Tình trạng này không chỉ đơn thuần là răng mọc không thẳng hàng, mà còn có thể bao gồm răng xoay trục, răng mọc ngầm, răng chen chúc, khớp cắn sâu, cắn hở, cắn chéo, hô, móm…
Theo thống kê của các hiệp hội chỉnh nha, có đến 40 - 60% trẻ em gặp ít nhất một dạng sai lệch khớp cắn trong quá trình thay răng và phát triển xương hàm. Những sai lệch này có thể nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến chức năng, nhưng cũng có trường hợp nặng, cần can thiệp sớm để tránh biến chứng lâu dài.
Răng mọc lệch không phải lúc nào cũng rõ ràng ngay từ đầu. Nhiều trẻ chỉ bộc lộ dấu hiệu sai lệch sau khi mọc răng vĩnh viễn, hoặc khi phát triển hàm mất cân đối.
Triệu chứng răng mọc lệch ở trẻ em
Những dấu hiệu và triệu chứng của răng mọc lệch ở trẻ em
Răng mọc lệch có thể biểu hiện với nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng, và thường dễ nhận thấy khi trẻ bắt đầu thay răng sữa sang răng vĩnh viễn (khoảng từ 6 tuổi trở đi).
- Răng mọc không thẳng hàng: Các răng mọc lệch khỏi vị trí chuẩn trên cung hàm, nghiêng ngả, xoay trục hoặc trồi lên/hụt xuống bất thường so với các răng kế bên.
- Răng mọc chen chúc, thiếu chỗ: Hàm không đủ chỗ cho răng mọc nên các răng chen chúc, xếp chồng lên nhau hoặc bị đẩy lệch ra ngoài/ra trong.
- Khó khăn khi nhai: Trẻ có thể nhai lệch bên, nhai không đều hoặc nhai kém hiệu quả do khớp cắn sai lệch.
- Phát âm không rõ: Một số trẻ nói ngọng hoặc phát âm không chuẩn do sự lệch lạc của răng và hàm, ảnh hưởng đến vị trí đặt lưỡi khi nói.
- Dễ cắn nhầm vào môi, má hoặc lưỡi khi ăn.
- Thường xuyên thở bằng miệng: Liên quan đến cấu trúc hàm hẹp hoặc lệch, khiến trẻ không thở mũi tốt.
- Biểu hiện thẩm mỹ: Miệng nhô, cằm lẹm, nụ cười lệch, khuôn mặt mất cân đối hoặc cười hở lợi - là những dấu hiệu đi kèm với sai lệch răng và hàm.
Biến chứng có thể gặp khi bị răng mọc lệch ở trẻ em
Trong một số trường hợp, răng mọc lệch có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
- Bệnh nha chu (viêm nướu, viêm quanh răng): Răng mọc lệch khiến việc vệ sinh kẽ răng trở nên khó khăn, tạo điều kiện cho mảng bám, vi khuẩn tích tụ, dẫn đến sâu răng và viêm nướu. Nếu không được điều trị, bệnh nướu có thể tiến triển thành viêm nha chu - một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng có thể làm tổn hại đến xương và răng.
- Vấn đề nhai và tiêu hóa: Răng mọc lệch có thể cản trở quá trình nhai đúng cách, dẫn đến việc thức ăn không được nghiền nhỏ hoàn toàn, gây khó khăn cho hệ tiêu hóa.
- Mòn răng quá mức: Răng mọc lệch có thể gây ra sự mài mòn không đều lên răng, nướu và cơ hàm, dẫn đến tình trạng răng nứt, căng cơ hàm, rối loạn khớp thái dương hàm và đau đầu mãn tính.
- Khó khăn trong phát âm: Khi răng bị sai lệch, chúng có thể ảnh hưởng đến cách bạn phát âm âm thanh, gây ra các vấn đề về nói năng.
- Tự ti: Không hài lòng với ngoại hình có thể dẫn đến sự suy giảm lòng tự trọng và xu hướng tránh giao tiếp xã hội.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đưa trẻ đi khám nha khoa nếu:
- Thấy răng mọc sai vị trí rõ rệt.
- Trẻ than đau khi nhai hoặc không chịu ăn nhai.
- Phát hiện các dấu hiệu bất thường về khớp cắn.
- Trẻ thay răng quá sớm hoặc quá trễ.
- Có tiền sử gia đình bị răng mọc lệch hoặc sai khớp cắn.
Nguyên nhân gây răng mọc lệch ở trẻ em
Cả răng sữa và răng vĩnh viễn đều có thể mọc lệch hoặc trở nên lệch theo thời gian.
Thói quen vận động miệng sai
Đây là những hành vi lặp đi lặp lại ảnh hưởng đến các cơ hoặc chức năng của miệng và khuôn mặt. Bao gồm:
- Mút ngón tay;
- Sử dụng núm vú giả hoặc bú bình;
- Đẩy lưỡi ra trước khi nuốt;
- Thở bằng miệng.

Sai khớp cắn
Răng hàm trên được thiết kế để phủ nhẹ lên răng hàm dưới, với các điểm của răng hàm trên khớp vào các rãnh của răng hàm dưới. Khi sự ăn khớp này không xảy ra đúng cách, sẽ dẫn đến sai khớp cắn. Các thói quen cơ miệng không đúng có thể là nguyên nhân gây ra sai khớp cắn.
Di truyền và yếu tố gia đình
Nếu cha hoặc mẹ (hoặc cả hai) có răng mọc chen chúc hoặc mọc lệch, khả năng trẻ cũng sẽ gặp tình trạng tương tự là rất cao. Trẻ cũng có thể di truyền kiểu khớp cắn sâu hoặc khớp cắn ngược từ cha mẹ.
Chăm sóc răng miệng kém
Không đi khám răng định kỳ ít nhất mỗi năm một lần có thể khiến các vấn đề như viêm nướu và sâu răng không được phát hiện và điều trị, từ đó dẫn đến răng mọc lệch và các vấn đề sức khỏe răng miệng khác.
Chế độ dinh dưỡng kém
Dinh dưỡng kém, đặc biệt là ở trẻ em, có thể gây sâu răng và sự phát triển răng không hoàn chỉnh - là những yếu tố có thể dẫn đến răng mọc lệch.
Chấn thương vùng mặt
Một cú va chạm vào mặt hoặc miệng có thể làm răng lệch khỏi vị trí, khiến một hoặc nhiều răng bị mọc lệch.
Nguy cơ mắc phải răng mọc lệch ở trẻ em
Những ai có nguy cơ mắc phải răng mọc lệch ở trẻ em?
Răng mọc lệch là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, tuy nhiên một số trẻ có nguy cơ cao hơn gồm:
- Trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em bị răng lệch.
- Trẻ có thói quen xấu kéo dài như mút tay, bú bình, cắn vật cứng.
- Trẻ thở bằng miệng do viêm mũi họng, VA quá phát hoặc dị tật mũi.
- Trẻ mất răng sữa sớm hoặc răng vĩnh viễn mọc muộn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải răng mọc lệch ở trẻ em
Một số yếu tố góp phần làm tăng khả năng răng mọc lệch, đặc biệt nếu không được khắc phục sớm:
- Dinh dưỡng kém hoặc suy dinh dưỡng, thiếu canxi và vitamin D.
- Không khám nha khoa định kỳ.
- Không can thiệp khi răng sữa rụng sai thời điểm.
- Bệnh lý ảnh hưởng đến cấu trúc sọ mặt.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị răng mọc lệch ở trẻ em
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán răng mọc lệch ở trẻ em
Việc chẩn đoán răng mọc lệch ở trẻ em chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt. Bác sĩ sẽ quan sát sự mọc răng của trẻ, đánh giá tình trạng khớp cắn, hình dạng cung hàm và mối tương quan giữa hàm trên - hàm dưới. Trong nhiều trường hợp, trẻ sẽ được chỉ định chụp phim X-quang toàn hàm hoặc phim sọ nghiêng để đánh giá chính xác hướng mọc răng, vị trí mầm răng vĩnh viễn và mức độ phát triển xương hàm.
Điều trị răng mọc lệch ở trẻ em
Điều trị răng mọc lệch ở trẻ em sẽ dựa trên độ tuổi, mức độ lệch răng, tình trạng phát triển xương hàm và nguyên nhân gây sai lệch. Mục tiêu của điều trị là đưa răng về đúng vị trí, khôi phục khớp cắn chuẩn và đảm bảo sự phát triển cân đối của hàm mặt. Việc can thiệp sớm, trước khi xương hàm cứng lại, thường mang lại kết quả tốt hơn và quá trình điều trị cũng đơn giản hơn.
Nội khoa
Ở giai đoạn răng sữa hoặc răng hỗn hợp (vừa có răng sữa, vừa có răng vĩnh viễn), trẻ có thể được điều chỉnh răng mọc lệch thông qua các biện pháp sau:
- Hướng dẫn loại bỏ thói quen xấu như mút tay, đẩy lưỡi, cắn môi dưới.
- Khí cụ chỉnh nha chức năng đơn giản như hàm trainer, hàm tháo lắp nhẹ để hướng dẫn răng mọc đúng trục, giúp phát triển hàm cân đối.
Việc điều trị ở giai đoạn này giúp tạo tiền đề thuận lợi cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí, từ đó tránh phải điều trị phức tạp hơn sau này.
Ngoại khoa
Niềng răng kim loại
Niềng răng cố định bằng kim loại được gắn vào răng bằng các mắc cài, dây cung và dây thun đàn hồi. Đây là lựa chọn thích hợp nếu trẻ có tình trạng lệch răng phức tạp.
Đôi khi, bạn cần mang thêm khí cụ chỉnh nha ngoài mặt, thường chỉ cần đeo vào ban đêm.
Niềng răng sứ
Niềng răng sứ có mắc cài và dây cung trong suốt hoặc cùng màu răng, nên ít bị chú ý hơn so với mắc cài kim loại.
Niềng răng trong suốt
Khay niềng bằng nhựa trong suốt được tạo hình theo khuôn miệng từng người, ôm sát từng chiếc răng giống như máng bảo vệ miệng. Cần thay khay mới hai lần mỗi tháng. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với trường hợp lệch răng nghiêm trọng.
Phẫu thuật chỉnh răng
Phẫu thuật là lựa chọn khác để chỉnh răng và có thể rút ngắn thời gian cần đeo niềng. Bác sĩ có thể đề xuất một thủ thuật nhỏ để điều chỉnh vị trí xương và nướu nâng đỡ răng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể đề xuất phẫu thuật chỉnh hình hàm để điều chỉnh khớp cắn, cải thiện phát âm hoặc chức năng nhai.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa răng mọc lệch ở trẻ em
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của răng mọc lệch ở trẻ em
Chế độ sinh hoạt:
- Tái khám nha khoa định kỳ (mỗi 6 tháng hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ chỉnh nha).
- Tập bỏ các thói quen xấu như mút tay, cắn móng tay, đẩy lưỡi, ngậm núm vú giả quá lâu, cắn bút…
- Tập cho trẻ thở bằng mũi thay vì bằng miệng, đặc biệt vào ban đêm.
- Duy trì tư thế ngồi học và ngủ đúng cách, tránh gục đầu xuống bàn hoặc nằm nghiêng một bên thường xuyên.
- Hướng dẫn trẻ nhai đều hai bên hàm, tránh nhai lệch một bên.
- Giữ vệ sinh răng miệng tốt, chải răng đúng cách sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
Chế độ dinh dưỡng:
- Tăng cường thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, sữa chua, cá nhỏ ăn cả xương, trứng…
- Thực phẩm giàu chất xơ từ rau xanh, trái cây, củ quả.
- Hạn chế đường và thực phẩm ngọt.
- Ưu tiên thức ăn mềm, dễ nhai, ít dính nếu trẻ đang niềng răng.

Phòng ngừa răng mọc lệch ở trẻ em
Phòng ngừa răng mọc lệch ngay từ sớm là cách tốt nhất để giúp trẻ có hàm răng đều, khớp cắn chuẩn và khuôn mặt hài hòa khi trưởng thành. Một số phương pháp phòng ngừa được khuyến cáo:
- Tập bỏ sớm các thói quen xấu như mút tay, cắn môi, đẩy lưỡi, ngậm núm vú giả quá lâu, đặc biệt sau 3 tuổi.
- Theo dõi quá trình thay răng của trẻ, kiểm tra xem răng sữa có bị rụng sớm, răng vĩnh viễn có mọc đúng hướng không.
- Khám nha khoa định kỳ từ khi trẻ 3 tuổi trở lên, mỗi 6 tháng/lần.
- Hướng dẫn trẻ nhai đều hai bên hàm, tránh nhai lệch lâu ngày gây mất cân xứng phát triển giữa hai bên hàm.
- Điều trị kịp thời các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, răng chết tủy… tránh mất răng sữa sớm hoặc gây ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn phía dưới.
- Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển xương và răng.
- Xử trí sớm các vấn đề tai mũi họng kéo dài, như viêm VA, viêm amidan hoặc viêm mũi dị ứng, vì đây là các yếu tố làm trẻ thở bằng miệng.