Viêm tai giữa không chỉ gây đau nhức mà còn có thể dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc nhận diện sớm các dấu hiệu viêm tai giữa là vô cùng quan trọng. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các dấu hiệu viêm tai giữa, nguyên nhân, biến chứng và cách phòng ngừa để bạn cũng như gia đình có thể bảo vệ sức khỏe thính giác một cách hiệu quả.
Dấu hiệu viêm tai giữa
Tai người được cấu tạo gồm ba phần chính đó là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó, tai giữa - bộ phận nằm sau màng nhĩ - đóng vai trò trung gian, giúp truyền tải âm thanh từ bên ngoài vào tai trong. Do đó, khi tai giữa gặp vấn đề, đặc biệt là tình trạng viêm nhiễm, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nghe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm ở khu vực sau màng nhĩ - nơi chứa các xương nhỏ truyền âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong. Dấu hiệu viêm tai giữa rất đa dạng, có sự khác biệt giữa người lớn và trẻ em. Cụ thể:
Dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ em
Các dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ bao gồm:
- Sốt cao: Thường xuất hiện sau các triệu chứng viêm mũi họng như sổ mũi hoặc đau họng. Nhiệt độ cơ thể của trẻ có thể lên đến 39 - 40°C.
- Đau tai: Trẻ thường gãi tai, kéo tai hoặc khóc nhiều, đặc biệt khi nằm xuống do áp lực trong tai tăng.
- Chảy dịch tai: Dịch có thể trong, màu vàng hoặc mủ, đôi khi có mùi hôi khó chịu. Đây là dấu hiệu màng nhĩ đã bị thủng.
- Giảm thính lực: Trẻ không phản ứng với âm thanh, không quay đầu khi được gọi tên hoặc chậm phát triển ngôn ngữ.
- Biếng ăn, nôn ói: Đau tai khiến trẻ khó chịu, không muốn ăn uống, thậm chí nôn trớ do áp lực trong tai ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Những triệu chứng viêm tai giữa này thường rõ ràng hơn ở trẻ lớn, trong khi trẻ nhỏ có thể chỉ biểu hiện qua quấy khóc hoặc khó ngủ. Cha mẹ cần quan sát kỹ để có thể phát hiện sớm tình trạng viêm tai giữa.

Dấu hiệu viêm tai giữa ở người lớn
Ở người lớn, dấu hiệu viêm tai giữa có thể khác biệt so với trẻ em do cấu trúc tai đã phát triển hoàn thiện và khả năng diễn đạt tốt hơn. Các dấu hiệu bị viêm tai giữa ở người lớn bao gồm:
- Đau tai liên tục: Cảm giác đau sâu trong tai, đôi khi lan ra vùng thái dương hoặc hàm, đặc biệt khi nhai hoặc nuốt.
- Ù tai: Người bệnh cảm nhận tiếng kêu, ù hoặc vo ve trong tai, ảnh hưởng đến chất lượng nghe.
- Chảy dịch tai: Dịch có thể là mủ hoặc chất lỏng trong, chảy ra từ ống tai ngoài.
- Sốt nhẹ đến sốt cao kèm theo mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đặc biệt khi nhiễm trùng nặng.
- Giảm thính lực: Cảm giác tai nặng, nghe không rõ hoặc như bị bịt kín, ảnh hưởng đến giao tiếp hàng ngày.
Người lớn thường nhận biết và mô tả các biểu hiện viêm tai giữa chính xác hơn nhưng nếu bỏ qua các triệu chứng này, bệnh có thể tiến triển nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa
Viêm tai giữa có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có thể do vi khuẩn (như Streptococcus pneumoniae), virus hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp là nấm gây ra. Tình trạng này thường xuất hiện khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc khi có các bệnh lý đường hô hấp trên. Cụ thể:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Viêm mũi, viêm họng hoặc viêm amidan có thể làm vi khuẩn, virus lan đến tai giữa qua vòi nhĩ, gây viêm tai giữa.
- Tắc nghẽn vòi nhĩ: Vòi nhĩ (kết nối tai giữa và họng) bị tắc do dị ứng, polyp mũi, u vòm mũi họng hoặc sưng amidan khiến dịch tích tụ và gây viêm.
- Ô nhiễm môi trường: Tiếp xúc lâu dài với khói thuốc lá, bụi bẩn hoặc hóa chất độc hại làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai.
- Thay đổi áp suất đột ngột: Các hoạt động như đi máy bay, lặn biển hoặc leo núi cao có thể dẫn đến sự thay đổi áp suất đột ngột, gây áp lực lên tai giữa. Dây là một trong những yếu tố thúc đẩy viêm tai giữa.

Viêm tai giữa có nguy hiểm không?
Viêm tai giữa có nguy hiểm không? Chắc hẳn đây là nỗi băn khoăn của không ít độc giả. Theo các chuyên gia, viêm tai giữa có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng hướng. Các biến chứng gây ra bởi viêm tai giữa tiến triển bao gồm:
- Mất thính lực vĩnh viễn: Nhiễm trùng kéo dài gây tổn thương màng nhĩ, xương tai hoặc tai trong dẫn đến điếc không hồi phục.
- Viêm màng não: Vi khuẩn từ tai giữa lan đến màng não, gây viêm nhiễm đe dọa tính mạng.
- Áp xe não: Sự tích tụ mủ trong não do nhiễm trùng lan rộng, gây đau đầu dữ dội, co giật và nguy cơ tử vong.
- Viêm dây thần kinh mặt: Nhiễm trùng ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt, gây liệt mặt một bên, làm mất khả năng biểu cảm.

Cách phòng ngừa và điều trị viêm tai giữa
Phòng ngừa và điều trị viêm tai giữa đòi hỏi sự kết hợp giữa thói quen vệ sinh, chăm sóc y tế và lối sống lành mạnh. Dưới đây là các biện pháp phòng và điều trị viêm tai giữa cụ thể, bạn đọc có thể tham khảo:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh: Vắc xin phế cầu (Pneumococcal) và vắc xin cúm giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tai giữa, đặc biệt ở trẻ em.
- Vệ sinh tai mũi họng đúng cách: Rửa tay thường xuyên, sử dụng nước muối sinh lý để xịt mũi và vệ sinh tai ngoài nhẹ nhàng, tránh dùng tăm bông gây tổn thương.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc và ô nhiễm: Hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, giữ không gian sống sạch sẽ và thoáng khí.
- Khám bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường: Nếu bạn hoặc trẻ có các dấu hiệu bị viêm tai giữa như đau tai, sốt hoặc chảy dịch, hãy đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Về điều trị, tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm tai giữa mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp với từng trường hợp người bệnh cụ thể. Bác sĩ có thể kê kháng sinh (nếu nhiễm khuẩn), thuốc giảm đau hoặc trong trường hợp nặng, tiến hành phẫu thuật dẫn lưu dịch hoặc sửa chữa màng nhĩ.

Viêm tai giữa là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em và người lớn có hệ miễn dịch yếu. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu viêm tai giữa giúp người bệnh chủ động điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm và bảo vệ thính lực. Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng như đau tai, ù tai, chảy dịch tai, sốt hoặc giảm thính lực, hãy đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Hành động sớm không chỉ giúp giảm đau mà còn bảo vệ khả năng nghe và sức khỏe tổng thể.
Để phòng ngừa viêm tai giữa và các bệnh lý tai mũi họng, hãy tiêm vắc xin phế cầu cho trẻ em và người lớn. Liên hệ với Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để được tư vấn và đặt lịch tiêm chủng bạn nhé.