Ngộ độc thực phẩm là tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp, xảy ra khi cơ thể tiếp nhận thực phẩm chứa vi khuẩn, virus hoặc độc tố. Nếu không được xử trí đúng cách, ngộ độc có thể gây mất nước, suy kiệt và thậm chí biến chứng nguy hiểm. Vậy ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi, và sau bao lâu người bệnh có thể ăn uống bình thường trở lại? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn chăm sóc đúng cách để cơ thể sớm hồi phục.
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng rối loạn tiêu hóa cấp tính xảy ra sau khi con người ăn hoặc uống phải thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây hại, như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, hóa chất hoặc độc tố sinh học. Triệu chứng thường khởi phát nhanh chóng, trong vòng vài giờ sau khi ăn, với biểu hiện đặc trưng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sốt hoặc chóng mặt. Tùy theo nguyên nhân và mức độ tổn thương, tình trạng này có thể tự khỏi sau 1-2 ngày hoặc diễn tiến nghiêm trọng nếu không được xử trí kịp thời.

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến ngộ độc thực phẩm bao gồm:
- Vi khuẩn gây hại: Vi khuẩn như Salmonella, E. coli, Listeria và Campylobacter là những tác nhân hàng đầu. Chúng thường tồn tại trong thịt sống, trứng, sữa chưa tiệt trùng hoặc rau củ không được rửa sạch. Khi vào cơ thể, các vi khuẩn này có thể nhân lên nhanh chóng trong đường ruột, gây viêm và tổn thương niêm mạc tiêu hóa.
- Virus gây bệnh đường ruột: Norovirus là tác nhân hàng đầu gây viêm dạ dày ruột cấp tính lây qua thực phẩm và nước nhiễm bẩn. Virus viêm gan A (HAV) cũng lây qua đường tiêu hóa nhưng chủ yếu gây viêm gan cấp với thời gian ủ bệnh từ 15–50 ngày, không phải nguyên nhân thường gặp của ngộ độc tiêu hóa cấp tính.
- Độc tố tự nhiên và vi sinh vật: Một số vi khuẩn như Clostridium botulinum sinh độc tố cực mạnh gây ngộ độc thần kinh cấp tính khi tiêu thụ thực phẩm đóng hộp hoặc lên men không đúng cách. Ngoài ra, aflatoxin là độc tố do nấm mốc (Aspergillus flavus, A. parasiticus) sản sinh trong ngũ cốc, đậu phộng bảo quản kém, nhưng gây ảnh hưởng mạn tính, đặc biệt tăng nguy cơ ung thư gan.
- Chất hóa học và kim loại nặng: Thức ăn chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm không được kiểm soát hoặc các kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen... đều có thể gây ngộ độc cấp hoặc mãn tính.

Ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi?
Ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi? Thời gian hồi phục sau khi bị ngộ độc thực phẩm phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Thông thường, với những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể tự hồi phục trong vòng 24-48 giờ mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp triệu chứng kéo dài, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ.
Vậy ngộ độc thực phẩm mấy ngày thì khỏi? Phần lớn bệnh nhân sẽ thấy cải thiện rõ rệt sau 1-2 ngày nếu được nghỉ ngơi, bù nước và dinh dưỡng hợp lý. Đây là khoảng thời gian để cơ thể loại bỏ độc tố thông qua nôn, tiêu chảy hoặc đào thải qua thận. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng ngộ độc thực phẩm kéo dài mấy ngày mà không giảm hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng hơn (sốt cao, nôn liên tục, tiêu chảy ra máu…), cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ, thời gian hết đau bụng và buồn nôn thường dưới 48 giờ. Nếu hỏi ngộ độc thực phẩm bao lâu hết đau bụng, thì trung bình là 1-2 ngày, tùy mức độ tổn thương niêm mạc ruột và mức độ mất nước. Tuy nhiên, cần chú ý theo dõi thêm vài ngày sau đó để bảo đảm hệ tiêu hóa hồi phục hoàn toàn.
Với những trường hợp nặng hơn, chẳng hạn ngộ độc do độc tố vi khuẩn (Clostridium botulinum, E. coli sinh độc tố Shiga) hoặc do ký sinh trùng, ngộ độc thực phẩm kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào phác đồ điều trị, thuốc đặc hiệu và khả năng đáp ứng của cơ thể. Thời gian hồi phục có thể lên đến vài tuần nếu có biến chứng thần kinh, rối loạn điện giải hoặc tổn thương gan, thận.
Do đó, trong quá trình hồi phục sau khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh không nên chủ quan dù các triệu chứng có thể thuyên giảm sau vài ngày. Người bệnh nên theo dõi sát sao diễn tiến của các biểu hiện như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng hay sốt để kịp thời phát hiện những bất thường. Nếu các triệu chứng không giảm sau 48 giờ, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.
Ngộ độc thực phẩm bao lâu thì có thể ăn uống bình thường trở lại?
Nhiều bệnh nhân thắc mắc rằng "Triệu chứng ngộ độc thực phẩm kéo dài mấy ngày và bao lâu thì có thể ăn uống bình thường trở lại?". Câu trả lời là thời điểm người bệnh có thể ăn uống bình thường trở lại sau khi bị ngộ độc thực phẩm phụ thuộc vào mức độ tổn thương hệ tiêu hóa và tiến triển lâm sàng. Trong giai đoạn cấp, khi người bệnh còn nôn ói nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng dữ dội, lúc này, nên ưu tiên các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, súp, canh rau và uống nhiều nước hoặc dung dịch bù điện giải để hỗ trợ quá trình đào thải độc tố và duy trì thể trạng.

Khi các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, sốt bắt đầu giảm rõ rệt, thông thường sau 24-48 giờ, là thời điểm cơ thể bắt đầu phục hồi chức năng tiêu hóa. Người bệnh có thể dần chuyển sang chế độ ăn bình thường, tuy nhiên nên thực hiện theo nguyên tắc “ăn mềm trước, ăn thô sau”, tăng dần độ đặc và đa dạng thực phẩm. Người bệnh nên bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như cơm mềm, thịt nạc, rau củ luộc, trái cây chín và sữa chua để hỗ trợ đường ruột tái lập cân bằng vi sinh và rút ngắn thời gian hồi phục.
Vậy, ngộ độc thực phẩm bao lâu thì khỏi? Thời gian khỏi ngộ độc thực phẩm không cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây ngộ độc, mức độ triệu chứng và thể trạng của người bệnh. Trong hầu hết các trường hợp nhẹ, các biểu hiện có thể cải thiện sau 1–2 ngày với chế độ nghỉ ngơi và bù nước hợp lý. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài quá 48 giờ hoặc trở nặng, cần nhanh chóng thăm khám để được điều trị y tế kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.