icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c

HPV 18 là gì? HPV type 18 gây bệnh gì?

Kim Toàn17/03/2025

Trong số hơn 200 chủng virus u nhú ở người (HPV), HPV 18 được xem là một trong những chủng có nguy cơ cao gây ung thư. Đây là tác nhân hàng đầu, cùng với HPV 16, liên quan đến ung thư cổ tử cung và các bệnh ác tính khác. Việc tìm hiểu về HPV 18 không chỉ giúp nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của virus mà còn giúp mỗi người có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

HPV type 18 là tác nhân gây ra nhiều bệnh ung thư nguy hiểm và u nhú sinh dục ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe từng người, thời điểm phát hiện và phác đồ điều trị. Hãy cùng Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.

HPV 18 là gì?

Phân loại HPV

Virus HPV là một loại virus có thể gây ra mụn cóc, u nhú và đặc biệt là một số bệnh ung thư ở người. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ tiến triển thành ung thư, điều này phụ thuộc vào chủng virus cụ thể mà họ mắc phải.

HPV được phân thành hai nhóm chính: Nhóm nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ cao.

  • Nhóm HPV nguy cơ thấp bao gồm các type như 6, 11, 40, 42, 43, 44, 54, 55, 61, 70, 72, 81. Những chủng virus này ít có khả năng gây bệnh nghiêm trọng, trong đó type 6 và 11 là nguyên nhân chính gây mụn cóc sinh dục, sùi mào gà và u nhú đường hô hấp.
  • Nhóm HPV nguy cơ cao gồm các type 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66 và 68. Đáng chú ý nhất là type 16 và 18, có liên quan đến nhiều bệnh ung thư nguy hiểm ở cả nam và nữ như ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, dương vật, hậu môn, vòm họng cũng như u nhú sinh dục.

HPV 18 là gì?

HPV type 18 là một chủng virus nguy hiểm với tốc độ phát triển nhanh khi xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt trong những điều kiện thuận lợi như quan hệ tình dục sớm, quan hệ không an toàn hoặc có nhiều bạn tình. Nếu không được kiểm soát và xử lý kịp thời, HPV type 18 có thể gây ra những thay đổi bất thường trong cấu trúc mô, dẫn đến sự hình thành các tế bào bất thường có nguy cơ cao phát triển thành ung thư. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều loại ung thư nguy hiểm và u nhú sinh dục ở cả nam và nữ.

Những ai đã có hoạt động tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV. Ngoài con đường lây nhiễm qua quan hệ tình dục, virus cũng có thể truyền từ người nhiễm bệnh sang người lành thông qua việc sử dụng chung các vật dụng cá nhân có chứa virus, chẳng hạn như bấm móng tay, kim bấm sinh thiết hay quần áo lót. Tuy nhiên, HPV không lây lan qua các tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm hay dùng chung chén bát. Đồng thời, virus này không có tính di truyền.

Tìm hiểu HPV 18 là gì? Nên làm gì khi bị nhiễm

HPV 18 gây ra những bệnh gì?

Do mỗi người có thể trạng khác nhau, việc nhiễm virus HPV type 18 có thể dẫn đến nhiều bệnh lý với các triệu chứng khác nhau.

Ung thư cổ tử cung do HPV 18

Ung thư cổ tử cung là một trong mười loại ung thư có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao nhất tại Việt Nam. Đây cũng là bệnh ung thư nguy hiểm phổ biến nhất ở phụ nữ, chỉ đứng sau ung thư vú. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus HPV.

Do tiến triển âm thầm, ung thư cổ tử cung thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu, bởi các dấu hiệu không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác như nhiễm trùng âm đạo hoặc viêm tử cung. Điều này khiến nhiều người chủ quan, không thăm khám sớm.

Bệnh phát triển qua nhiều giai đoạn:

  • Giai đoạn 0: Còn gọi là giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư biểu mô tại chỗ. Lúc này, các tế bào bất thường chỉ mới xuất hiện trong lớp lót cổ tử cung, chưa lan sâu vào các mô khác. Nếu không được kiểm soát, những tế bào này có nguy cơ tiến triển thành ung thư trong tương lai.
  • Giai đoạn I: Tế bào ung thư bắt đầu xâm lấn mô chính của cổ tử cung nhưng chưa lan sang các cơ quan khác. Ở giai đoạn này, người bệnh thường chưa có biểu hiện rõ ràng.
  • Giai đoạn II: Khối u lan rộng ra ngoài cổ tử cung, xâm lấn mô xung quanh nhưng chưa ảnh hưởng đến phần dưới âm đạo hoặc lớp mô lót trong khung chậu. Giai đoạn này được phân thành IIA và IIB tùy theo mức độ xâm lấn của tế bào ung thư.
  • Giai đoạn III: Ung thư phát triển mạnh mẽ hơn, tấn công phần dưới âm đạo và các khu vực trong khung chậu. Các triệu chứng trở nên rõ rệt, nhưng bệnh vẫn chưa di căn xa.
  • Giai đoạn IV: Đây là giai đoạn cuối, khi tế bào ung thư đã di căn sang nhiều bộ phận khác như gan, phổi. Người bệnh suy giảm sức khỏe nghiêm trọng và khả năng điều trị thành công thấp.

Tùy vào mức độ xâm lấn và tiến triển của ung thư, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Các phương pháp có thể bao gồm phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng, hóa trị, xạ trị nhằm kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư.

Ung thư âm đạo

Ung thư âm đạo xảy ra khi các tế bào trong âm đạo phát triển mất kiểm soát, hình thành khối u ác tính. Có nhiều dạng ung thư âm đạo, trong đó ung thư biểu mô tế bào vảy là phổ biến nhất.

Một số dấu hiệu thường gặp của ung thư âm đạo bao gồm chảy máu bất thường sau khi quan hệ tình dục, tiết dịch âm đạo bất thường và rong kinh kéo dài. Một số trường hợp có thể xuất hiện cảm giác đau khi quan hệ. Khi có nghi ngờ về ung thư, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để xác định bệnh.

  • Soi cổ tử cung: Bác sĩ sử dụng thiết bị có gắn đèn và kính phóng đại để kiểm tra kỹ lưỡng khu vực âm đạo và cổ tử cung.
  • Sinh thiết: Một mẫu mô nhỏ từ âm đạo sẽ được lấy để xét nghiệm tìm tế bào ung thư. Đây là phương pháp tiêu chuẩn giúp chẩn đoán chính xác bệnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Là phương pháp X-quang đặc biệt giúp quan sát chi tiết hình ảnh khối u.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng sóng từ trường và sóng radio để đánh giá mức độ lan rộng của ung thư thay vì dùng tia X.
  • X-quang phổi: Kiểm tra xem tế bào ung thư có lan đến phổi hay không.
  • Chụp PET: Một loại đường đặc biệt được đưa vào cơ thể, sau đó ghi lại hình ảnh bằng camera chuyên dụng để đánh giá mức độ lan tràn và di căn của ung thư.

Khi bệnh nhân được xác định mắc ung thư âm đạo, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ xâm lấn của bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp thường được áp dụng gồm xạ trị, hóa trị và phẫu thuật.

tim-hieu-hpv-18-la-gi-nen-lam-gi-khi-bi-nhiem (2).png

Ung thư hậu môn

Ung thư hậu môn xảy ra khi các tế bào niêm mạc hậu môn tăng sinh bất thường, hình thành khối u ác tính có khả năng lan rộng đến các cơ quan lân cận. Các loại ung thư hậu môn phổ biến gồm ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư dạng biểu mô, ung thư biểu mô mụn cóc và u tế bào hắc tố.

Ung thư hậu môn phát triển qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Khối u có kích thước dưới 2cm, chưa lan sang hạch bạch huyết hoặc cơ quan khác.
  • Giai đoạn 2: Khối u phát triển lớn hơn 2cm nhưng chưa di căn đến hạch hoặc các bộ phận xa.
  • Giai đoạn 3: Khối u bắt đầu xâm nhập vào hạch bạch huyết hoặc các cơ quan lân cận nhưng chưa di căn rộng.
  • Giai đoạn 4: Ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Trong giai đoạn đầu, ung thư hậu môn có triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện như đau hậu môn, chảy máu trực tràng, ngứa kéo dài, xuất hiện khối u quanh hậu môn, tiết dịch hoặc mủ, thay đổi thói quen đi đại tiện và sưng hạch bạch huyết ở vùng hậu môn hoặc bẹn.

Các phương pháp chẩn đoán ung thư hậu môn bao gồm thăm khám hậu môn bằng tay, nội soi ống hậu môn, sinh thiết mô, xét nghiệm Pap, siêu âm, chụp CT và MRI. Các biện pháp điều trị chủ yếu là xạ trị, hóa trị và phẫu thuật tùy theo mức độ bệnh.

tim-hieu-hpv-18-la-gi-nen-lam-gi-khi-bi-nhiem (3).png

Ung thư dương vật

Ung thư dương vật là một bệnh lý ác tính thường gặp ở nam giới trên 60 tuổi, biểu hiện qua những thay đổi bất thường ở vùng da dương vật, bao quy đầu, bìu hoặc tình trạng nổi hạch bạch huyết. Căn bệnh này có thể được phân thành nhiều dạng khác nhau, bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư tế bào hắc tố và sarcoma (bựa sinh dục).

Sự thay đổi trên da là dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư dương vật. Người bệnh có thể nhận thấy da vùng kín trở nên dày hơn, đổi màu hoặc xuất hiện các nốt sần nhỏ, phát ban, u cục. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra hiện tượng tiết dịch có mùi hôi từ bao quy đầu, sưng tấy, đau đớn hoặc chảy máu khi cương cứng hoặc quan hệ tình dục. Một số trường hợp còn có thể xuất hiện các khối u dưới da vùng bẹn.

Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên dương vật, không nên vội vàng đưa ra kết luận. Thay vào đó, cần đến bệnh viện để được kiểm tra kỹ lưỡng và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, vì các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng thay vì ung thư.

Các giai đoạn của ung thư dương vật:

  • Giai đoạn 0: Da vùng kín thay đổi màu sắc, có cảm giác đau nhẹ hoặc đau âm ỉ, đặc biệt khi dương vật cương cứng hoặc bị va chạm. Xuất hiện vết loét nhỏ trông giống như súp lơ, gây đau rát và tiết dịch có mùi hôi.
  • Giai đoạn 1: Vết loét lan rộng và xâm nhập sâu vào mô. Da có dấu hiệu hoại tử, tiết dịch nhờn kèm mùi khó chịu. Ở giai đoạn này, ung thư có thể bắt đầu lan đến các mô dưới da, tuyến hoặc hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 2: Tế bào ung thư có thể đã lan tới các mô cương cứng của dương vật, niệu đạo hoặc thậm chí sang các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Giai đoạn 3: Khối u tiếp tục xâm lấn vào các mô liên kết dưới da, di căn đến hạch bạch huyết vùng bẹn và các cơ quan lân cận.
  • Giai đoạn 4: Bệnh nhân suy kiệt, chán ăn, có thể nôn ra máu. Ung thư đã di căn đến các khu vực gần dương vật như xương mu, bìu,... Việc điều trị trong giai đoạn này chủ yếu nhằm kéo dài sự sống và giảm nhẹ triệu chứng.

Để xác định ung thư dương vật, bác sĩ không chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà còn tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu như sinh thiết, chụp X-quang, CT, siêu âm và MRI để xác định mức độ di căn của bệnh. Việc điều trị ung thư dương vật tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Các phương pháp phổ biến bao gồm:

  • Áp lạnh: Dùng nhiệt độ cực thấp để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Phẫu thuật Mohs: Loại bỏ từng lớp mô bệnh để giữ lại tối đa phần mô lành.
  • Cắt laser: Dùng tia laser để loại bỏ khối u.
  • Cắt bao quy đầu: Áp dụng khi ung thư khu trú ở vùng quy đầu, giúp loại bỏ tế bào ung thư trước khi chúng lan rộng.

Phát hiện và điều trị sớm có thể giúp tăng khả năng kiểm soát bệnh và cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân.

Làm thế nào để phát hiện sớm nhiễm HPV type 18?

Xét nghiệm HPV

Xét nghiệm HPV thường được khuyến nghị cho phụ nữ trên 30 tuổi, giúp đánh giá nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Mặc dù không thể xác định trực tiếp liệu một người có bị ung thư hay không, xét nghiệm này giúp bác sĩ phát hiện sự hiện diện của các chủng HPV có nguy cơ cao.

Xét nghiệm HPV thường được thực hiện song song với xét nghiệm Pap để kiểm tra các bất thường trong tế bào cổ tử cung. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ khám phụ khoa và sử dụng dụng cụ chuyên dụng để mở rộng âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung.

Kết quả xét nghiệm HPV có thể là:

  • Âm tính: Không phát hiện chủng HPV nguy cơ cao, nhưng điều này không có nghĩa là cơ thể hoàn toàn không nhiễm HPV, do xét nghiệm chỉ có khả năng phát hiện tối đa khoảng 40 chủng virus trong số hơn 100 chủng hiện có.
  • Dương tính: Có sự hiện diện của virus HPV. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu như soi cổ tử cung bằng kính phóng đại, sinh thiết hoặc theo dõi định kỳ để đánh giá tình trạng bệnh.

Xét nghiệm Pap

Xét nghiệm Pap (Pap smear) là phương pháp giúp phát hiện sớm sự thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung trước khi chúng tiến triển thành ung thư. Tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ khuyến nghị thời điểm thích hợp để thực hiện xét nghiệm cũng như tần suất kiểm tra định kỳ.

  • Từ 21 tuổi trở lên: Nên thực hiện xét nghiệm Pap mỗi 2-3 năm.
  • Từ 30 tuổi trở đi: Xét nghiệm Pap được khuyến cáo thực hiện 3-5 năm một lần, kết hợp với xét nghiệm HPV.

Đối với những phụ nữ có nguy cơ cao (như người từng phát hiện tế bào tiền ung thư qua xét nghiệm Pap, nhiễm HIV, từng hóa trị, ghép nội tạng, sử dụng thuốc kháng viêm corticosteroid lâu dài,...), tần suất xét nghiệm nên được điều chỉnh linh hoạt theo chỉ định của bác sĩ.

tim-hieu-hpv-18-la-gi-nen-lam-gi-khi-bi-nhiem (4).png

Phương pháp xét nghiệm HPV dành cho nam giới

Hiện nay, chưa có phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư do virus HPV dành cho nam giới. Tuy nhiên, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như mụn cóc sinh dục, tổn thương da vùng sinh dục hoặc dấu hiệu nghi ngờ ung thư, nam giới nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, đánh giá và điều trị kịp thời nhằm tăng khả năng kiểm soát bệnh ngay từ giai đoạn sớm.

Tiêm HPV phòng ngừa HPV 18 hiệu quả

Để giảm nguy cơ lây nhiễm HPV, bạn nên duy trì thói quen sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và giữ vệ sinh vùng kín thường xuyên. Điều này không chỉ giúp hạn chế nguy cơ nhiễm virus mà còn góp phần tạo sự thoải mái, thiện cảm cho bạn tình. Đồng thời, việc duy trì mối quan hệ chung thủy một vợ một chồng từ cả hai phía cũng là biện pháp giúp giảm nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, virus HPV vẫn có thể xâm nhập vào những khu vực không được bao cao su che phủ. Vì vậy, cách phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất vẫn là tiêm vắc xin HPV.

  • Vắc xin Gardasil 4 giúp bảo vệ cơ thể khỏi 4 chủng HPV phổ biến là 6, 11, 16 và 18. Loại vắc xin này được chỉ định cho trẻ em và phụ nữ từ 9-26 tuổi.
  • Vắc xin Gardasil 9 là thế hệ mới, có thể sử dụng cho cả nam và nữ, giúp bảo vệ khỏi 9 chủng virus HPV nguy cơ cao gồm các loại 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, với khả năng phòng bệnh đạt trên 94%.

Đối với những người đã từng quan hệ tình dục hoặc đã nhiễm một số chủng HPV, việc tiêm vắc xin vẫn mang lại lợi ích trong việc phòng ngừa các chủng virus chưa mắc phải và có trong thành phần của vắc xin.

tim-hieu-hpv-18-la-gi-nen-lam-gi-khi-bi-nhiem (5).png

Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ uy tín và đáng tin cậy trong lĩnh vực tiêm ngừa HPV, giúp bảo vệ sức khỏe khỏi nguy cơ mắc các bệnh do virus HPV, bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn và mụn cóc sinh dục. Với nguồn vắc xin chất lượng, xuất xứ rõ ràng, đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp và quy trình tiêm chủng an toàn, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cam kết mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Khi lựa chọn tiêm HPV tại đây, khách hàng sẽ được tư vấn đầy đủ, theo dõi sức khỏe cẩn thận và đảm bảo trải nghiệm tiêm ngừa an toàn, hiệu quả.

HPV 18 là một trong những chủng virus nguy hiểm, có liên quan chặt chẽ đến ung thư cổ tử cung và một số bệnh ác tính khác. Tuy nhiên, nhờ vào tiến bộ y học, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng vắc xin, tầm soát định kỳ và lối sống lành mạnh. Hiểu biết đúng đắn về HPV 18 sẽ giúp mỗi người có biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất, góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Có thể bạn quan tâm

Vắc xin lẻ

Gói vắc xin

Illus_Goi_blue_1_5eeb7f570b

17.286.310đ

/ Gói

17.834.300đ

/ Gói
Illus_Goi_blue_3_ad13668bfe

19.281.860đ

/ Gói

19.885.800đ

/ Gói

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN