Tìm hiểu chung về liệt tứ chi
Liệt tứ chi là gì?
Liệt tứ chi là tình trạng mất kiểm soát vận động cả hai cánh tay và hai chân. Trong nhiều trường hợp, tình trạng này còn ảnh hưởng đến chức năng của ngực, bụng và lưng. Nhìn chung, đây là biểu hiện thường gặp nhất của tổn thương tủy sống do chấn thương, xảy ra trong khoảng 60% các ca chấn thương cột sống cổ. Dựa trên mức độ tổn thương, liệt tứ chi được chia thành hai dạng sau:
Liệt tứ chi không hoàn toàn
Liệt tứ chi không hoàn toàn là tình trạng người bệnh vẫn còn một phần khả năng vận động, cảm giác hoặc kiểm soát các quá trình tự động của cơ thể. Tình trạng này chiếm khoảng một phần ba các trường hợp tổn thương tủy sống do chấn thương. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương, một số bệnh nhân có thể cải thiện khả năng vận động thông qua điều trị và tập luyện chuyên biệt. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, nó có thể tiến triển thành liệt hoàn toàn nếu bệnh phát triển theo chiều hướng xấu.
Liệt tứ chi hoàn toàn
Liệt tứ chi hoàn toàn là tình trạng người bệnh mất hoàn toàn khả năng vận động cơ bắp và cảm giác ở tứ chi. Tình trạng này chiếm khoảng 20% các ca tổn thương tủy sống do chấn thương. So với liệt không hoàn toàn, đây là dạng nặng hơn và thường do tổn thương nghiêm trọng tại tủy sống cổ, như đứt hoàn toàn tủy tại các đốt sống cổ hoặc do chấn thương sọ não gây ra.
Ngoài ra cơ bắp bị liệt có thể biểu hiện theo hai cách sau:
Liệt mềm: Liệt mềm biểu hiện bằng các chi với cơ bắp hoàn toàn không hoạt động được và ở trạng thái mềm, nhão.
Liệt cứng: Liệt cứng biểu hiện bởi tứ chi co với cơ bắp không tự hoạt động nhưng có thể co lại không kiểm soát, khó co duỗi tay chân cảm giác như các khớp bị kẹt lại. Tình trạng này có thể đi kèm phản xạ tăng động hoặc căng cơ không tự chủ.
Triệu chứng thường gặp của liệt tứ chi
Những triệu chứng của liệt tứ chi
Triệu chứng cơ bản của liệt tứ chi bao gồm:
- Tê/mất cảm giác đặc biệt ở cánh tay và chân;
- Liệt tay và chân;
- Bí tiểu và rối loạn chức năng ruột;
- Khó thở;
- Khó ngồi thẳng do không giữ được thăng bằng;
- Mất khả năng cảm nhận nóng hoặc lạnh hoặc chạm;
- Đau do chấn thương dây thần kinh ở tủy sống;
- Co cơ không tự chủ.

Tác động của liệt tứ chi với sức khỏe
Người bị liệt tứ chi sẽ trải qua những thay đổi đáng kể trong sinh hoạt hàng ngày do mất khả năng kiểm soát tay và chân. Hầu hết các hoạt động cơ bản như di chuyển, vệ sinh cá nhân, ăn uống và các sinh hoạt khác đều cần đến sự hỗ trợ từ người chăm sóc.
Biến chứng có thể gặp của liệt tứ chi
Một số biến chứng phổ biến của liệt tứ chi bao gồm:
Lở loét: Không thể di chuyển hoặc điều chỉnh vị trí ngồi hoặc nằm trong thời gian dài có thể dẫn đến lở loét. Vết loét không được chăm sóc tốt có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp.
Co cứng chi: Một số người bị liệt tứ chi có thể trải qua co thắt cơ không kiểm soát ở cánh tay hoặc chân, các khớp khó co duỗi cảm giác như mắc kẹt.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs): Đây là biến chứng phổ biến của liệt tứ chi. Mất kiểm soát bàng quang khiến người mắc bệnh tiểu ít, tiểu qua tả làm niệu đạo dễ tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm gây nhiễm trùng.
Teo cơ: Do không thể cử động trong thời gian dài, người bị liệt tứ chi thường mất khối lượng cơ bắp ở cánh tay và chân.
Đau mãn tính: Tổn thương thần kinh thường gây đau dai dẳng cho những người sống sót sau chấn thương tủy sống (SCI) và chấn thương sọ não (TBI).
Khó khăn trong nhận thức về cơ thể: Việc mất cảm giác có thể khiến người bệnh không xác định được vị trí của các chi và không gian xung quanh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Sau chấn thương, nếu xuất hiện tình trạng không thể cử động tay chân, bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám. Liệt tứ chi là biểu hiện của nhiều nguyên nhân nghiêm trọng và cần được chẩn đoán, điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng.
Nguyên nhân gây liệt tứ chi
Nguyên nhân gây liệt tứ chi
Các vấn đề khác có thể gây ra liệt tứ chi bao gồm:
- Các khối u cột sống.
- Các tình trạng bẩm sinh về cấu trúc cột sống hoặc tủy sống chẳng hạn như Myelomeningocele hoặc tật nứt đốt sống.
- Chấn thương xảy ra trong khi sinh hoặc bệnh lý từ thời thơ ấu như bại não.
- Các tình trạng tự miễn hoặc viêm như hội chứng Guillain-Barré, đa xơ cứng hoặc viêm tủy ngang.
Ngoài ra, một số bệnh hoặc tình trạng di truyền cũng có thể gây liệt tứ chi:
- Xơ cứng teo cơ một bên (ALS): Căn bệnh nổi tiếng gây liệt vĩnh viễn, liên quan đến yếu tố gia đình, chiếm 5 đến 10% các trường hợp ở Mỹ.
- Loạn dưỡng cơ: Nhóm bệnh lý gây yếu cơ tiến triển và mất dần khối lượng cơ. Mặc dù tín hiệu từ não và dây thần kinh vẫn được truyền đến cơ, nhưng khi bệnh tiến triển, cơ bắp dần mất khả năng phản hồi với các tín hiệu đó.

Nguy cơ mắc phải tình trạng liệt tứ chi
Những ai có nguy cơ mắc phải liệt tứ chi?
Một đối tượng có nguy cơ mắc phải chứng liệt tứ chi như sau:
Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị SCI cao hơn nữ giới.
Tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ cao hơn bị SCI và TBI nghiêm trọng, do thường mắc các bệnh lý như loãng xương hoặc các tình trạng ảnh hưởng đến độ bền và cấu trúc của xương.
Tiền sử sức khỏe gia đình: Nếu có người thân mắc bệnh ALS thì các thế hệ kế cận có nguy cơ phát triển bệnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải liệt tứ chi
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ liệt tứ chi gồm:
Tham gia các hoạt động dễ chấn thương: Chơi các môn thể thao tiếp xúc cao có thể góp phần làm tăng nguy cơ bị chấn thương tủy sống hoặc não dẫn đến liệt toàn thân.
Nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp như cảnh sát, công nhân xây dựng và vận động viên chuyên nghiệp trong các môn thể thao tiếp xúc cao (đấu đối kháng) đều đối mặt với nguy cơ chấn thương cao hơn từ bạo lực hoặc tai nạn trong công việc.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị liệt tứ chi
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán liệt tứ chi
Để xác định nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể sử dụng nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau, bao gồm:
Chụp MRI: Bác sĩ có thể sử dụng chụp MRI để kiểm tra các bất thường như u não, u nang và thoát vị đĩa đệm trong tủy sống.
Chọc dò tủy sống: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định lấy dịch não tủy để phân tích, nhằm hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu cung cấp thông tin về tình trạng viêm nhiễm, sự cân bằng nước và điện giải, các chỉ số sinh hóa máu khác trong cơ thể.
Xét nghiệm điện cơ (EMG): Bác sĩ có thể kiểm tra chức năng thần kinh để giúp phân biệt các rối loạn cơ và rối loạn từ hệ thần kinh trung ương.

Phương pháp điều trị liệt tứ chi
Mục tiêu của các phương pháp điều trị liệt tứ chi bao gồm cải thiện tiên lượng lâu dài, kiểm soát các nguy cơ cấp tính đe dọa tính mạng và sức khỏe, đồng thời hỗ trợ người bệnh thích nghi với tình trạng bệnh lý.
Nội khoa
Thuốc: Tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định thuốc điều trị nhiễm trùng, thuốc làm loãng máu, thuốc điều trị huyết áp, thuốc giảm đau hoặc giãn cơ. Trường hợp liên quan đến bệnh tự miễn, thuốc ức chế miễn dịch có thể được sử dụng. Ngoài ra, thuốc chống trầm cảm có thể được kê để hỗ trợ tâm lý cho người bệnh.
Vật lý trị liệu: Thường được khuyến nghị để giúp cơ và khớp giữ được độ mạnh, độ linh hoạt và hạn chế tình trạng teo cơ.
Tâm lý trị liệu: Tâm lý trị liệu là một phần quan trọng của quá trình phục hồi chức năng ở người liệt tứ chi. Người bệnh cần được hỗ trợ để đối phó với những thay đổi về thể chất và cảm xúc tiêu cực khi đột ngột mất khi khả năng vận động.
Thiết bị hỗ trợ: Xe lăn có động cơ và các thiết bị hỗ trợ khác có thể cải thiện khả năng di chuyển giúp người bệnh dễ hòa nhập với cuộc sống hơn.
Ngoại khoa
Phương pháp phẫu thuật có thể được xem xét trong nhiều trường hợp, bao gồm:
Phẫu thuật não và tủy sống: Để giải quyết tắc nghẽn, giảm chảy máu hoặc loại bỏ u.
Phẫu thuật để cố định các đốt sống: Khi các đốt sống bị gãy, sụp lún, các biện pháp cố định giúp ổn định cột sống và ngăn chúng làm tổn thương tủy sống.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn nặng của liệt tứ chi
Mặc dù liệt tứ chi thường không thể chữa khỏi nhưng việc quản lý tốt sức khỏe tổng thể và duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp người bệnh cải thiện tiên lượng lâu dài và hạn chế các biến chứng.
Chế độ sinh hoạt
Thực hiện các bài tập và vật lý trị liệu: Điều này rất quan trọng giúp giảm teo cơ do không hoạt động, giảm đau và co cứng cơ, thúc đẩy sức khỏe tim mạch và tinh thần. Bạn nên tìm đến các trung tâm trị liệu hoặc nhà trị liệu có kinh nghiệm để được hướng dẫn phù hợp.
Quản lý chức năng cơ thể: Việc quản lý bàng quang và ruột để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu là rất quan trọng và cần sự hỗ trợ trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như đi lại, vệ sinh cá nhân và ăn uống.
Ngăn ngừa loét do tì đè: Khi bạn không thể tự di chuyển hoặc điều chỉnh tư thế ngồi hay nằm trong thời gian dài có thể dẫn đến loét, vì thế người bệnh cần được hỗ trợ để thay đổi tư thế thường xuyên.

Chế độ dinh dưỡng
Tuân thủ chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, với khẩu phần đa dạng và cân bằng các nhóm thực phẩm, giúp cơ thể duy trì sức khỏe tốt hơn.
Phương pháp phòng ngừa liệt tứ chi hiệu quả
Việc phòng ngừa chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây ra chấn thương tủy sống hoặc não như:
Đeo thiết bị an toàn phù hợp: Bạn nên sử dụng dây an toàn khi ngồi trên xe và trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm, đệm khi tham gia thể thao để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, bạn cần tránh các pha va chạm nguy hiểm trong các môn thể thao tiếp xúc.
Khám sàng lọc các bệnh bẩm sinh: Bạn nên thảo luận với bác sĩ về tiền sử sức khỏe gia đình và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm các bệnh lý di truyền. Việc nhận diện kịp thời các dấu hiệu cảnh báo của ALS hoặc các tình trạng khác có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong quá trình điều trị.
Thói quen ăn uống lành mạnh và luyện tập thường xuyên: Sức khỏe xương và cơ bắp có thể có tác động lớn đến mức độ nghiêm trọng của một số chấn thương.