icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
1_d1468df61e1_d1468df61e

Chảy máu: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa chảy máu

Tuyết Ly15/05/2025

Chảy máu hay còn gọi xuất huyết, là tình trạng chảy máu từ một mạch máu bị tổn thương. Nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng chảy máu bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Các loại chảy máu có thể dao động từ nhẹ (như vết bầm tím) đến nghiêm trọng (như xuất huyết trong não). Nếu bạn không thể cầm được máu bên ngoài hoặc nghi ngờ có chảy máu bên trong cơ thể, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.

Tìm hiểu chung về chảy máu

Chảy máu hay còn gọi xuất huyết, là tình trạng mất máu từ một mạch máu bị tổn thương. Máu có thể bị “kẹt lại” bên trong cơ thể (xuất huyết nội), hoặc chảy ra ngoài cơ thể (xuất huyết ngoại) thông qua một vết thương hoặc lỗ tự nhiên (lỗ mở) trên cơ thể. Lượng máu mất có thể ít hoặc nhiều. Hầu hết các trường hợp chảy máu đều là cấp cứu y tế.

Cơ thể có hệ thống mạch máu trải dài khắp nơi, vì vậy chảy máu có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau. Một số ví dụ như:

  • Tràn máu màng phổi: Máu tích tụ trong khoang giữa phổi và lồng ngực (khoang màng phổi). Tình trạng này có thể làm phổi bị chèn ép, gây khó thở hoặc đau ngực.
  • Xuất huyết nội sọ: Chảy máu không kiểm soát trong não hoặc giữa các lớp màng bao quanh não và hộp sọ, gọi là đột quỵ xuất huyết não, một bệnh lý nguy hiểm có thể diễn tiến nhanh. Nó khác với đột quỵ thiếu máu não là tình trạng xảy ra do tắc nghẽn mạch máu.
  • Băng huyết sau sinh (Postpartum hemorrhage): Chảy máu từ âm đạo nghiêm trọng sau sinh. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong, xảy ra ngay sau sinh hoặc trong vòng 12 tuần sau khi sinh.
  • Xuất huyết khoang dưới nhện: Chảy máu ở khoảng giữa não và các mô mỏng bao quanh não. Đây là tình trạng khẩn cấp cần can thiệp ngay.
  • Xuất huyết dưới kết mạc: Chảy máu ở phần trắng của mắt, máu bị giữ lại trong kết mạc. Đây là một trong những loại xuất huyết hiếm khi nguy hiểm.
  • Vết bầm tím: Cũng là một dạng xuất huyết dưới da (thường nhẹ). Từ liên quan là tụ máu (tình trạng máu bị tụ lại trong các mô).

Triệu chứng thường gặp của chảy máu

Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của chảy máu

Những dấu hiệu và triệu chứng mà chảy máu gây ra có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất máu.

Mất máu có thể được phân loại theo tỷ lệ phần trăm thể tích máu bị mất:

Xuất huyết độ I: Là khi cơ thể mất khoảng 15% lượng máu. Trong trường hợp này, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt.

Xuất huyết độ II: Là mất từ 15% đến 30% tổng thể tích máu. Những dấu hiệu ban đầu có thể bao gồm:

  • Chóng mặt hoặc cảm giác choáng váng (do huyết áp tụt).
  • Mệt mỏi, yếu sức.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Khó thở, thở nhanh.
  • Tim tim nhanh.

Mất hơn 30% tổng thể tích máu có thể dẫn đến các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng như:

  • Rối loạn ý thức, lú lẫn.
  • Co giật.
  • Mất ý thức (bất tỉnh).
  • Sốc giảm thể tích tuần hoàn (hypovolemic shock) – một tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng do giảm lượng máu lưu thông trong cơ thể.
Chảy máu: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa chảy máu 2.png
Người bệnh chảy máu có thể xuất hiện triệu chứng chóng mặt và choáng váng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu nếu nghi ngờ có chảy máu bên trong hoặc thấy các dấu hiệu của sốc như thở nhanh, da tím tái, lú lẫn hoặc mất ý thức.

Bạn cũng nên tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi bị chảy máu bên ngoài nếu:

  • Máu không ngừng chảy sau khoảng 10 phút dù đã ấn giữ liên tục.
  • Vết thương có thể cần khâu.
  • Đã sử dụng ga-rô (dây buộc cầm máu).
  • Vết thương có dị vật khó làm sạch.
  • Chảy máu sau chấn thương nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây chảy máu

Nguyên nhân dẫn đến chảy máu

Tổn thương một hoặc nhiều mạch máu có thể dẫn đến chảy máu. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này thường phụ thuộc vào vị trí và kích thước của mạch máu bị tổn thương.

Nhiều nguyên nhân có thể gây ra chảy máu hoặc làm tăng đáng kể nguy cơ, bao gồm:

  • Rối loạn sử dụng rượu, là yếu tố nguy cơ đáng kể gây xuất huyết dưới nhện.
  • Rối loạn đông máu, như hội chứng kháng phospholipid.
  • Các bệnh về máu di truyền như bệnh máu khó đông (hemophilia) hoặc bệnh Von Willebrand.
  • Ung thư.
  • Một số loại thuốc như warfarin, aspirin (kể cả aspirin liều thấp), Clopidogrel, và apixaban.
  • Các bệnh lý mạch máu, như giãn mao mạch xuất huyết di truyền và phình động mạch.
  • Biến chứng sau thủ thuật y khoa, chẳng hạn như phẫu thuật.
  • Tổn thương nội tạng, ví dụ như loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau ibuprofen.
  • Chấn thương, như vết cắt, gãy xương dài hoặc chấn thương sọ não.
  • Chấn thương nghiêm trọng, ví dụ như vết đạn bắn hoặc dao đâm.
  • Sốt xuất huyết do virus, là nhóm bệnh do virus gây tổn thương mạch máu, có thể dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng, ví dụ: Ebola, sốt xuất huyết Dengue, Marburg, và sốt vàng.
Chảy máu: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa chảy máu 3.png
Một số loại thuốc có thể là nguyên nhân gây chảy máu

Nguy cơ mắc phải chảy máu

Những ai có nguy cơ mắc phải chảy máu?

Chảy máu có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn do tình trạng sức khỏe, lối sống hoặc yếu tố di truyền. Cụ thể, những người sau đây dễ bị chảy máu hơn:

  • Người mắc các bệnh lý về máu như bệnh máu khó đông, bệnh Von Willebrand.
  • Người đang sử dụng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu).
  • Người lớn tuổi.
  • Người nghiện rượu.
  • Người bệnh có bệnh gan mạn tính hoặc suy gan.
  • Người từng phẫu thuật hoặc đang trong thời gian hậu phẫu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chảy máu

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị chảy máu, bao gồm:

  • Thuốc: Sử dụng các thuốc chống đông máu (như warfarin, heparin), thuốc kháng kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel), hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen.
  • Bệnh lý nền: Xơ gan, bệnh thận mạn, loét dạ dày tá tràng, tăng huyết áp không kiểm soát.
  • Rối loạn đông máu: Do di truyền hoặc mắc phải.
  • Tai nạn, chấn thương: Vết cắt sâu, gãy xương, tai nạn giao thông, chấn thương sọ não.
  • Nhiễm trùng nặng hoặc sốt xuất huyết do virus: Như sốt xuất huyết Dengue, Ebola, hay Marburg.
  • Lối sống không lành mạnh: Nghiện rượu, hút thuốc lá, thiếu dinh dưỡng (đặc biệt là thiếu vitamin K).
Chảy máu: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa chảy máu 4.png
Nghiện rượu là yếu tố nguy cơ của chảy máu

Phương pháp chẩn đoán và điều trị chảy máu

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm trong chảy máu

Các nhân viên y tế chẩn đoán chảy máu dựa trên triệu chứng (như chóng mặt) và dấu hiệu lâm sàng (như nhịp tim nhanh và huyết áp thấp). Bước tiếp theo là xác định vị trí chảy máu và nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong khi chảy máu ngoài thường dễ nhận biết, chảy máu trong có thể khó phát hiện hơn.

Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, đánh giá triệu chứng, tiền căn và bệnh sử. Họ có thể cần thực hiện các xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán.

Điều trị chảy máu

Điều trị chảy máu phụ thuộc vào:

  • Vị trí chảy máu và chảy máu trong hay ngoài.
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng chảy máu.
  • Nguyên nhân gây ra chảy máu.
  • Việc bạn có mắc các bệnh lý hay chấn thương khác hay không.

Nếu nguyên nhân chưa được xác định và/hoặc tình trạng chảy máu nghiêm trọng, bạn sẽ cần điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Bạn có thể được:

  • Phẫu thuật.
  • Tiêm vitamin K (giúp cầm máu nếu nguyên nhân là do thuốc như warfarin).
  • Truyền dịch tĩnh mạch.
  • Truyền máu.
Chảy máu: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa chảy máu 5.png
Người bệnh chảy máu có thể được chỉ định truyền máu

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa chảy máu

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chảy máu

Chế độ sinh hoạt:

Người bệnh chảy máu cần duy trì chế độ sinh hoạt thận trọng và khoa học nhằm giảm nguy cơ tổn thương mạch máu và kiểm soát tình trạng bệnh:

  • Tránh vận động mạnh hoặc té ngã, không chơi thể thao đối kháng, leo cao hay nâng vật nặng.
  • Không dùng các vật sắc nhọn như dao lam, dao cạo râu (nên thay thế bằng máy cạo an toàn).
  • Chải răng nhẹ nhàng bằng bàn chải mềm để tránh tổn thương nướu.
  • Tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn để bác sĩ theo dõi tình trạng đông máu và điều chỉnh thuốc nếu cần.
  • Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo như bầm tím bất thường, chảy máu kéo dài hay chảy máu không rõ nguyên nhân.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò hỗ trợ cầm máu, phục hồi tổn thương và tăng cường sức đề kháng:

  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin K như cải bó xôi, bông cải xanh, gan, trứng… giúp cơ thể tạo các yếu tố đông máu.
  • Ăn đủ chất sắt (thịt đỏ, gan, rau lá xanh đậm) và vitamin B12, folate để ngừa thiếu máu do mất máu.
  • Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C (cam, bưởi, ổi, ớt chuông) giúp bền thành mạch.
  • Uống đủ nước để hỗ trợ tuần hoàn máu.
  • Hạn chế rượu bia và chất kích thích vì có thể ảnh hưởng đến chức năng gan và quá trình đông máu.
Chảy máu: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa chảy máu 6.png
Người bệnh chảy máu nên ăn đủ chất sắt, vitamin B12 và folate để ngừa thiếu máu

Phòng ngừa chảy máu

Phòng ngừa chảy máu là một bước quan trọng, đặc biệt đối với những người có rối loạn đông máu, đang dùng thuốc kháng đông hoặc từng có tiền căn xuất huyết. Các biện pháp bao gồm:

Thận trọng trong sinh hoạt hằng ngày

  • Tránh té ngã, va đập mạnh; sử dụng các thiết bị hỗ trợ nếu cần.
  • Không dùng vật sắc nhọn không cần thiết; thay dao cạo bằng máy cạo an toàn.
  • Mang giày dép chắc chắn để phòng trượt ngã.

Chăm sóc răng miệng đúng cách

  • Sử dụng bàn chải mềm, chải nhẹ nhàng.
  • Khám răng định kỳ để phát hiện sớm viêm nướu (nguyên nhân dễ gây chảy máu).

Tuân thủ dùng thuốc đúng hướng dẫn

  • Nếu đang dùng thuốc chống đông (như warfarin, aspirin), cần theo dõi xét nghiệm đông máu định kỳ.
  • Không tự ý dùng thêm thuốc hay thảo dược có thể ảnh hưởng đến đông máu.

Duy trì chế độ ăn uống hỗ trợ đông máu

  • Cung cấp đầy đủ vitamin K, sắt, B12 và acid folic.
  • Tránh rượu bia, có thể gây tổn thương gan, ảnh hưởng đến chức năng đông máu.

Khám sức khỏe định kỳ

  • Phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến chảy máu (như bệnh gan, rối loạn đông máu di truyền).
  • Theo dõi sát nếu có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường vì dễ gây tổn thương mạch máu.
Chảy máu: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa chảy máu 7.png
Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý liên quan chảy máu

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Chảy máu hay còn gọi xuất huyết, là tình trạng mất máu từ một mạch máu bị tổn thương. Máu có thể bị “kẹt lại” bên trong cơ thể (xuất huyết nội), hoặc chảy ra ngoài cơ thể (xuất huyết ngoại) thông qua một vết thương hoặc lỗ tự nhiên (lỗ mở) trên cơ thể. Lượng máu mất có thể ít hoặc nhiều.

Các triệu chứng đặc hiệu của chảy máu bên trong (xuất huyết nội) tại một số vị trí trong cơ thể bao gồm:

  • Vùng đầu: Đau đầu dữ dội khởi phát đột ngột, thay đổi thị lực, lú lẫn, yếu liệt một bên cơ thể.
  • Lồng ngực: Khó thở, đau ngực và ho ra máu.
  • Ổ bụng: Bụng căng hoặc có cảm giác đầy, bầm tím vùng bụng và nôn ra máu, tiểu ra máu hoặc đi tiêu ra máu.
  • Xương, khớp và cơ: Bầm tím, sưng và đau. Xuất huyết trong khoang kín làm tăng áp lực mô là một cấp cứu y khoa vì có thể chèn ép thần kinh và mạch máu, dẫn đến mất chức năng vĩnh viễn.

Đôi khi, rất khó để biết lượng máu mất bao nhiêu là quá nhiều. Ví dụ, chảy máu cam là tình trạng phổ biến và thường vô hại. Tuy nhiên, nếu máu chảy từ một mạch máu lớn hoặc động mạch, thì có thể nghiêm trọng và khó cầm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với chảy máu âm đạo sau sinh, đây là hiện tượng bình thường, nhưng nếu máu ra quá nhiều thì có thể là dấu hiệu của băng huyết sau sinh, một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Điều tốt nhất bạn có thể làm là lắng nghe cơ thể mình, chú ý đến các triệu chứng, và đến cơ sở y tế nếu bạn không chắc mình có đang bị mất máu quá nhiều hay không. Hãy để ý các dấu hiệu của mất máu nghiêm trọng như chóng mặt, mệt mỏi và khó thở.

Nếu bạn bị chảy máu, tiên lượng (triển vọng hồi phục) của bạn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Loại chảy máu bạn mắc phải.
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng chảy máu.
  • Bạn có được điều trị kịp thời hay không.
  • •Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng quát của bạn.

Việc được điều trị y tế kịp thời là yếu tố then chốt giúp cải thiện tiên lượng. Sau khi được điều trị, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn thông tin cụ thể hơn về những gì có thể mong đợi trong quá trình hồi phục.

Chảy máu có thể dẫn đến nhiều biến chứng do làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng này có thể gây hoại tử mô và tế bào, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Suy cơ quan;
  • Co giật;
  • Hôn mê;
  • Tử vong.

Chảy máu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể phòng ngừa được, đặc biệt ở những người bị chấn thương.

Một số loại chảy máu cụ thể có thể gây ra các biến chứng riêng. Ví dụ, chảy máu trong não có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn và các vấn đề thần kinh. Chảy máu sau sinh có thể gây ra hội chứng Sheehan, tức tổn thương tuyến yên do mất máu quá nhiều.

Các biến chứng chung khác của chảy máu bao gồm chảy máu tái phát và các biến chứng liên quan đến quá trình nằm viện, như huyết khối tĩnh mạch sâu và nhiễm trùng.