Tìm hiểu chung về xuất huyết nội
Một chấn thương gây ra bên ngoài cơ thể sẽ rất dễ dàng nhận thấy. Khi da bị cắt hoặc rách, vết thương thường chảy máu và dễ dàng xác định nguyên nhân gây ra.
Tuy nhiên, xuất huyết nội không dễ phát hiện hay chẩn đoán. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến xuất huyết nội như viêm loét dạ dày, tổn thương cơ quan hoặc rối loạn đông máu. Trong một số trường hợp, xuất huyết nội có thể là dấu hiệu của tình trạng đe dọa tính mạng.
Một số trường hợp xuất huyết nội có thể ít nghiêm trọng hơn, nhưng vẫn cần được bác sĩ kiểm tra ngay khi có triệu chứng.
Triệu chứng xuất huyết nội
Những dấu hiệu và triệu chứng của xuất huyết nội
Xuất huyết nội là một triệu chứng của chấn thương, bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe. Nó không xảy ra mà không có nguyên nhân tiềm ẩn.
Nhận biết các triệu chứng của xuất huyết nội có thể giúp bạn và bác sĩ xác định vị trí chảy máu, nguyên nhân gây ra và các yếu tố liên quan.
Xuất huyết nội ở đầu
Có thể gây ra các triệu chứng đột ngột:
- Yếu, thường xảy ra ở một bên cơ thể;
- Tê bì, thường ở một bên cơ thể;
- Cảm giác ngứa ran, đặc biệt ở tay và chân;
- Đau đầu dữ dội;
- Khó nuốt hoặc nhai;
- Thay đổi thị lực hoặc thính lực;
- Mất thăng bằng, phối hợp vận động kém, mắt khó tập trung;
- Khó nói hoặc khó hiểu lời nói;
- Khó viết;
- Thay đổi mức độ tỉnh táo, như ngủ gà, lờ đờ hoặc hôn mê;
- Mất ý thức.
Xuất huyết nội ở ngực hoặc bụng
Có thể gây ra các triệu chứng:
- Đau bụng;
- Khó thở;
- Đau ngực;
- Chóng mặt, đặc biệt khi thay đổi tư thế;
- Bầm tím quanh rốn hoặc hai bên bụng;
- Buồn nôn;
- Nôn;
- Có máu trong nước tiểu;
- Phân đen, sệt;
- Chảy máu ra từ các bộ phận khác như tai, mũi, miệng hoặc hậu môn.
Xuất huyết nội ở cơ hoặc khớp
Có thể gây ra các triệu chứng:
- Sưng khớp;
- Giảm biên độ vận động.
Các triệu chứng khác
Trong một số trường hợp, xuất huyết nội có thể gây sốc, đặc biệt nếu mất nhiều máu ở ngực, bụng hoặc đùi.
Triệu chứng của sốc bao gồm:
- Nhịp tim nhanh;
- Huyết áp thấp (tụt huyết áp);
- Vã mồ hôi;
- Thay đổi mức độ tỉnh táo (ngủ gà, lờ đờ hoặc hôn mê);
- Suy nhược toàn thân.
Các bệnh lý nền có thể giúp bác sĩ phát hiện tình trạng mất máu. Ví dụ, thiếu máu thường liên quan đến tình trạng xuất huyết nội mạn tính và dai dẳng, gây mệt mỏi, suy nhược và khó thở.
Một số người bị xuất huyết nội cũng có huyết áp thấp do thiếu máu, gọi là hạ huyết áp tư thế (orthostatic hypotension), với triệu chứng thường gặp là chóng mặt hoặc choáng váng khi chuyển từ ngồi sang đứng.
/2_df57f623e7.png)
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Xuất huyết nội có thể đe dọa tính mạng và cần được xử trí ngay lập tức để ngăn ngừa tử vong hoặc tổn thương cơ quan không thể hồi phục.
Hãy gọi cấp cứu nếu bạn hoặc người xung quanh có các dấu hiệu xuất huyết nội như:
- Đau dữ dội ở bụng hoặc ngực;
- Khó thở hoặc thở gấp;
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu;
- Ho ra máu;
- Thay đổi thị lực;
- Thay đổi ý thức hoặc trạng thái tinh thần.
Ngoài ra, những người bị chấn thương, chẳng hạn như té ngã nghiêm trọng hoặc va đập mạnh do tai nạn xe giao thông hoặc chơi thể thao, cũng nên được kiểm tra y tế. Đôi khi, các triệu chứng không xuất hiện ngay lập tức mà chỉ bộc lộ khi lượng máu mất máu trở nên nhiều.
/3_f88e03d00a.png)
Nguyên nhân gây xuất huyết nội
Đôi khi, xác định nguyên nhân gây xuất huyết nội khá đơn giản. Nếu bạn từng bị tai nạn hoặc chấn thương gần đây, rất có thể đó là nguyên nhân gây ra.
Ngoài ra, việc chẩn đoán có thể dễ dàng hơn nếu bạn có tiền căn bệnh lý có thể dẫn đến xuất huyết nội, chẳng hạn như viêm loét dạ dày.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng rõ ràng. Tìm ra nguồn gốc của xuất huyết nội có thể mất thời gian và cần được thăm khám toàn diện.
Nguyên nhân chung
Bao gồm:
- Tổn thương mạch máu: Chấn thương có thể gây vỡ mạch máu.
- Rối loạn đông máu: Cơ thể tạo ra các yếu tố đông máu giúp cầm máu khi bị thương. Nếu thiếu các yếu tố này, bạn có thể bị chảy máu không kiểm soát.
- Thuốc: Một số thuốc, như thuốc chống đông máu, có thể làm chậm quá trình đông máu, dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng. Ngoài ra một số thuốc có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày như aspirin, NSAID.
- Tăng huyết áp mạn tính: Huyết áp cao làm suy yếu thành mạch, có thể hình thành phình mạch và vỡ mạch máu.
- Rối loạn chảy máu di truyền: Bệnh hemophilia làm giảm khả năng đông máu, khiến vết thương nhỏ cũng có thể gây chảy máu nghiêm trọng.
- Nguyên nhân từ đường tiêu hóa: Xuất huyết dạ dày – ruột có thể do polyp đại tràng, viêm đại tràng, bệnh Crohn, viêm loét dạ dày – tá tràng.
- Lạc nội mạc tử cung: Mô nội mạc tử cung hình thành ở vị trí khác ngoài tử cung (buồng trứng, ổ bụng, ruột) có thể gây xuất huyết.
- Yếu tố lối sống: Rượu bia, thuốc lá và ma túy có thể kích thích niêm mạc dạ dày, làm tăng nguy cơ xuất huyết.
Nguyên nhân nghiêm trọng
Bao gồm:
- Sốt xuất huyết Dengue: Đây là một trong những nguyên nhân nhiễm trùng có thể dẫn đến xuất huyết nội, đặc biệt khi bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng. Cơ chế bệnh sinh liên quan đến tình trạng rò rỉ mao mạch, giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu, khiến các mạch máu dễ vỡ và máu thoát ra khỏi lòng mạch vào các khoang cơ thể. Xuất huyết nội trong sốt xuất huyết có thể xảy ra ở nhiều vị trí như đường tiêu hóa (nôn ra máu, tiêu phân đen), khoang màng bụng, khoang màng phổi, và trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể xuất hiện xuất huyết nội sọ. Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến sốc mất máu và tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
- Chấn thương: Tai nạn giao thông, té ngã hoặc va đập mạnh có thể làm tổn thương cơ quan, mạch máu và xương, gây xuất huyết nội ngay cả khi không có vết thương hở.
- Phình động mạch: Thành mạch yếu có thể phình to, tạo túi phình. Phình mạch có thể không gây triệu chứng, nhưng nếu vỡ sẽ rất nguy hiểm.
- Gãy xương lớn: Gãy xương lớn như xương đùi có thể gây mất máu nặng.
- Thai ngoài tử cung: Mang thai ngoài tử cung có thể dẫn đến xuất huyết nội nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
- Phẫu thuật: Nếu bác sĩ không kiểm soát hoàn toàn chảy máu trước khi đóng vết mổ, có thể xảy ra xuất huyết nội sau phẫu thuật.
/4_500fdb4010.png)
Nguy cơ mắc phải xuất huyết nội
Những ai có nguy cơ mắc phải xuất huyết nội?
Những người có tiền căn chấn thương, bệnh lý mạch máu, rối loạn đông máu, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày – tá tràng, ung thư hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu đều có nguy cơ cao mắc xuất huyết nội. Ngoài ra, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị xuất huyết nội do thai ngoài tử cung.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xuất huyết nội
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xuất huyết nội bao gồm:
- Tuổi cao: Thành mạch máu yếu dần theo thời gian, làm tăng nguy cơ vỡ mạch.
- Bệnh lý nền: Người tăng huyết áp, rối loạn đông máu, rối loạn chức năng gan hoặc ung thư có nguy cơ cao hơn.
- Sử dụng thuốc: Thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết nội.
- Lối sống không lành mạnh: Uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc chế độ ăn uống thiếu lành mạnh có thể làm tổn thương mạch máu theo thời gian.
- Mang thai: Đặc biệt là thai ngoài tử cung hoặc biến chứng sản khoa có thể gây xuất huyết nội.
/5_7f3b437cf1.png)
Phương pháp chẩn đoán và điều trị xuất huyết nội
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm trong xuất huyết nội
Chẩn đoán xuất huyết nội thường cần đánh giá kỹ lưỡng tiền căn, bệnh sử, thăm khám lâm sàng và xét nghiệm. Bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm máu và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xác định nguyên nhân cũng như đánh giá độ nặng của tình trạng xuất huyết nội.
Nếu nguyên nhân gây xuất huyết không rõ ràng, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện nhiều xét nghiệm để xác định vị trí và nguyên nhân.
Điều trị xuất huyết nội
Mục tiêu đầu tiên của điều trị là xác định vị trí xuất huyết và cầm máu. Một số trường hợp xuất huyết nhẹ có thể tự cầm, trong khi những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần can thiệp chuyên sâu như phẫu thuật.
Khi chỉ định phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ xem xét:
- Mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây xuất huyết;
- Cơ quan hoặc mạch máu bị tổn thương;
- Tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Trong những trường hợp nhẹ, điều trị chủ yếu bao gồm nghỉ ngơi và kiểm soát triệu chứng. Nghỉ ngơi giúp cơ thể có thời gian phục hồi, tái tạo máu và giảm viêm. Nếu tình trạng xuất huyết tiến triển chậm, các biện pháp điều trị bổ sung có thể được áp dụng sau khi xác định và xử lý nguyên nhân.
Tuy nhiên, một số trường hợp xuất huyết nội cần can thiệp mạnh hơn. Phẫu thuật có thể cần thiết để cầm máu và loại bỏ lượng máu chảy gây tích tụ. Loại phẫu thuật được thực hiện sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, vị trí xuất huyết và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
/6_b96a3afb81.png)
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa xuất huyết nội
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xuất huyết nội
Người bị xuất huyết nội cần có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý để hỗ trợ quá trình phục hồi và ngăn ngừa biến chứng.
Chế độ sinh hoạt:
- Nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế vận động mạnh, tránh căng thẳng.
- Theo dõi sức khỏe, kiểm tra huyết áp, nhịp tim, tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ.
- Hạn chế yếu tố nguy cơ, tránh rượu bia, thuốc lá, không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Vận động nhẹ nhàng, đi bộ khi sức khỏe cho phép, tránh mang vác nặng.
Chế độ dinh dưỡng:
- Bổ sung thực phẩm giàu sắt: Thịt đỏ, gan, hải sản, rau xanh đậm, đậu phụ.
- Tăng cường vitamin B12 và axit folic: Trứng, sữa, cá, ngũ cốc nguyên cám.
- Ăn thực phẩm giàu vitamin K: Rau bina, bông cải xanh, dầu thực vật.
- Bổ sung vitamin C: Cam, chanh, dâu tây, ớt chuông giúp hấp thu sắt tốt hơn.
- Uống đủ nước: Ít nhất 2 lít/ngày, ưu tiên nước lọc, nước ép trái cây tươi.
- Hạn chế thực phẩm gây kích thích: Rượu, bia, cà phê, đồ ăn cay nóng, dầu mỡ.
Phòng ngừa xuất huyết nội
Để phòng ngừa xuất huyết nội, bạn nên:
- Kiểm soát huyết áp để giảm nguy cơ vỡ mạch máu.
- Hạn chế rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích gây hại cho mạch máu và hệ tiêu hóa.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc chống đông máu, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
- Ăn uống lành mạnh, bổ sung thực phẩm giàu vitamin K giúp hỗ trợ đông máu.
- Thận trọng khi tham gia các hoạt động có nguy cơ cao như thể thao đối kháng, lái xe đường dài.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn có thể gây xuất huyết nội.