icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
30_4_2025_header_web_2_e7f82ebc3b30_4_2025_header_app_1_1fb85f5a69

Cắt amidan là gì? Khi nào cần thiết và những điều cần biết trước khi thực hiện

Trần Như Ý04/05/2025

Cắt amidan là một thủ thuật ngoại khoa phổ biến giúp loại bỏ amidan bị viêm mạn tính hoặc gây biến chứng. Tuy là một phẫu thuật tương đối đơn giản nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro nếu không được thực hiện đúng thời điểm và đúng chỉ định. Vậy khi nào nên cắt amidan và cần lưu ý gì sau mổ?

Amidan là một phần của hệ miễn dịch, đóng vai trò bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và virus xâm nhập qua đường hô hấp trên. Tuy nhiên, khi amidan bị viêm tái đi tái lại nhiều lần, to quá mức hoặc gây biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định cắt amidan. Đây là phương pháp điều trị dứt điểm cho những trường hợp viêm amidan mạn tính hoặc biến chứng nặng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các trường hợp cần cắt amidan, quy trình thực hiện, những điều cần chuẩn bị trước và sau phẫu thuật.

Cắt amidan là gì?

Cắt amidan là một thủ thuật ngoại khoa nhằm loại bỏ hoàn toàn hai khối amidan nằm ở hai bên thành họng. Amidan là một cấu trúc thuộc hệ bạch huyết, chứa các tế bào bạch cầu đóng vai trò nhận diện và tạo kháng thể chống lại vi khuẩn xâm nhập. Cùng với các tổ chức bạch huyết khác trong vùng họng, amidan tạo nên vòng bạch huyết Waldayer bao quanh các ngõ vào của đường hô hấp và tiêu hóa.

Cắt amidan là gì? Khi nào cần thiết và những điều cần biết trước khi thực hiện 1
Amidan có nhiệm vụ tạo kháng thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh qua đường hô hấp 

Khi vi khuẩn xâm nhập qua đường miệng, chúng thường bám vào bề mặt amidan. Lúc này, các tế bào bạch cầu tại đây sẽ nhận diện và "bắt giữ" vi khuẩn, sau đó tạo ra kháng thể để chống lại. Những kháng thể này được sản sinh và lan truyền khắp cơ thể, tập trung nhiều nhất ở vùng mũi họng nhằm ngăn chặn nguy cơ tái nhiễm.

Chính vì thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nên amidan rất dễ bị viêm, và tình trạng này có thể tái phát nhiều lần, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách. Trong một số trường hợp, việc phẫu thuật cắt amidan là cần thiết. 

Khi nào nên cắt amidan?

Không phải trường hợp viêm amidan nào cũng cần cắt. Theo các chuyên gia, chỉ nên cắt amidan khi:

  • Viêm amidan mạn tính gây ảnh hưởng đến chất lượng sống, học tập, làm việc;
  • Không đáp ứng với điều trị nội khoa (dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm);
  • Gây biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa;
  • Ảnh hưởng đến phát triển thể chất (ở trẻ em).
Cắt amidan là gì? Khi nào cần thiết và những điều cần biết trước khi thực hiện 2
Nên tiến hành cắt amidan khi tình trạng viêm amidan gây biến chứng viêm tai giữa 

Trẻ em trên 5 tuổi và người lớn là những đối tượng phổ biến được chỉ định mổ amidan khi không còn biện pháp điều trị khác, tùy theo mức độ và tần suất viêm.

Các phương pháp phẫu thuật cắt amidan

Phẫu thuật amidan ở trẻ em bằng phương pháp Sluder

Phương pháp Sluder được thực hiện bằng cách đưa khối amidan vào lỗ cửa sổ của dụng cụ, sau đó ép chặt cuống và dùng thao tác tay kết hợp dụng cụ để bóc tách amidan.

Phương pháp này phù hợp với amidan lớn, có cuống, dễ di chuyển, không bám dính nhiều, thường áp dụng cho trẻ nhỏ. Trẻ cần nhịn ăn uống hoàn toàn vào buổi sáng trước mổ. Thời gian cắt mỗi bên amidan chỉ khoảng 1 phút.

Quy trình gồm:

  • Gây mê hoặc gây tê: Trẻ từ 6 - 8 tuổi thường gây mê, trẻ lớn hơn có thể gây tê tại chỗ.
  • Đặt dụng cụ: Dùng Sluder đè lưỡi, đưa cực dưới amidan vào cửa sổ rồi xoay ngang.
  • Ép và tách amidan: Dồn toàn bộ amidan vào cửa sổ, sau đó miết tay và xoay ngược để tách amidan.
  • Thực hiện bên còn lại: Lặp lại các bước tương tự.
  • Cầm máu và kết thúc: Kiểm tra hốc mổ, cầm máu và hoàn tất.

Phẫu thuật amidan ở người lớn bằng phương pháp bóc tách và thòng lọng Anse

So với dụng cụ Sluder, phương pháp bóc tách kết hợp thòng lọng Anse có một số ưu điểm vượt trội như:

  • Thích hợp trong trường hợp viêm amidan mạn tính, đặc biệt là khi có mô xơ quanh hố amidan.
  • Có thể áp dụng với các thể viêm mạn tính như teo xơ hoặc thể ẩn.

Do đó, đây là kỹ thuật lý tưởng thường được áp dụng cho người trưởng thành.

Trước khi thực hiện, người bệnh cần nhịn ăn uống và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tổng quát, đặc biệt chú ý đến các yếu tố như tiền sử chấn thương, rối loạn đông máu hay từng phẫu thuật trước đó. Khoảng 30 - 40 phút trước mổ, bác sĩ sẽ tiêm hỗn hợp thuốc như Atropin/Morphin hoặc Atropin/Dolargan.

Các bước thực hiện gồm:

  • Gây mê hoặc gây tê: Chủ yếu gây tê, một số trường hợp có thể gây mê nếu bệnh nhân lo lắng.
  • Kẹp amidan và tạo lỗ khuyết: Dùng kẹp kéo amidan ra giữa họng, rạch mở rãnh giữa amidan và niêm mạc.
  • Bóc tách amidan: Giải phóng amidan khỏi các trụ và thành ngoài.
  • Cắt cuống amidan: Dùng thòng lọng chuyên dụng để cắt rời.
  • Cầm máu và thực hiện bên còn lại: Tiến hành bước cuối và lặp lại tương tự với bên amidan kia.

Một số lưu ý quan trọng sau phẫu thuật amidan

Chế độ ăn sau mổ cắt amidan

Khoảng 3 giờ sau mổ, người bệnh có thể bắt đầu uống sữa lạnh hoặc nước đường lạnh. Trong 3 ngày đầu, chỉ nên dùng thực phẩm dạng lỏng như cháo, sữa, súp. Từ ngày thứ 4, có thể chuyển sang đồ ăn mềm như cháo, bún, mì, khoai nghiền,… Đến ngày thứ 8, có thể ăn cơm nát và từ ngày thứ 10, trở lại chế độ ăn thông thường.

Cắt amidan là gì? Khi nào cần thiết và những điều cần biết trước khi thực hiện 3
Nên ăn các thức ăn mềm như cháo, súp sau khi phẫu thuật trong khoảng 10 ngày 

Dùng thuốc sau phẫu thuật

Người bệnh nên dùng thuốc theo đơn kê từ bác sĩ điều trị. Có thể dùng thêm thuốc giảm đau phổ thông chứa hoạt chất như Paracetamol hoặc Ibuprofen nếu cần, theo đúng liều chỉ định. Cảm giác đau sau phẫu thuật có thể kéo dài khoảng 7 ngày nhưng sẽ giảm dần theo thời gian.

Cắt amidan là gì? Khi nào cần thiết và những điều cần biết trước khi thực hiện 4
Sau phẫu thuật nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả 

Tình trạng chảy máu sau mổ

Chảy máu sau mổ là một hiện tượng tương đối thường gặp, xảy ra do quá trình bong giả mạc trong giai đoạn lành vết thương. Người bệnh có thể thử ngậm đá lạnh trong khoảng 10 - 15 phút để cầm máu. Nếu máu vẫn chảy liên tục sau 30 phút, nên đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Cắt amidan là gì? Khi nào cần thiết và những điều cần biết trước khi thực hiện 5
Nếu sau 30 phút máu vẫn chảy liên tục, nên đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời

Cắt amidan là phương pháp hiệu quả trong điều trị viêm amidan mạn tính, giúp cải thiện sức khỏe đường hô hấp, chất lượng sống và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, không nên tự ý yêu cầu cắt mà cần khám và được chỉ định đúng từ bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên lựa chọn các bệnh viện lớn, uy tín và tuân thủ đầy đủ hướng dẫn trước - sau phẫu thuật. Nếu bạn đang băn khoăn có nên phẫu thuật cắt amidan hay không, hãy tham khảo ý kiến chuyên môn từ các bác sĩ để được tư vấn chính xác nhất.

Trung tâm Tiêm chủng Long Châu - Đồng hành bảo vệ sức khỏe gia đình bạn. Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, quy trình tiêm an toàn và hệ thống bảo quản vắc xin đạt chuẩn. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tự hào là địa chỉ tin cậy cho mọi đối tượng từ trẻ nhỏ đến người lớn. Đặt lịch tiêm dễ dàng - chăm sóc tận tâm - giá cả minh bạch. Đặt lịch ngay hôm nay để được tư vấn miễn phí!

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN