Viêm phế quản bội nhiễm là một biến chứng thường gặp sau khi người bệnh mắc viêm phế quản do virus nhưng không được điều trị đúng cách. Bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu chủ quan.
Viêm phế quản bội nhiễm là gì?
Viêm phế quản bội nhiễm là tình trạng viêm phế quản bị nhiễm trùng thêm bởi vi khuẩn hoặc nấm xảy ra sau khi người bệnh đã mắc viêm phế quản do virus trước đó. Ban đầu, viêm phế quản thường do virus gây ra (như virus cúm, RSV…) khiến lớp niêm mạc đường thở bị tổn thương. Khi niêm mạc bị yếu đi, vi khuẩn hoặc nấm dễ dàng xâm nhập, gây ra tình trạng bội nhiễm khiến triệu chứng bệnh nặng hơn và nguy cơ biến chứng cao hơn.

Nguyên nhân gây viêm phế quản bội nhiễm
Viêm phế quản bội nhiễm thường là hệ quả của việc chăm sóc và điều trị không đúng cách ở giai đoạn đầu. Dưới đây là những nguyên nhân chính khiến tình trạng bội nhiễm dễ xảy ra:
- Không điều trị dứt điểm viêm phế quản cấp do virus: Khi bệnh không được kiểm soát hiệu quả, lớp niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập và phát triển.
- Sức đề kháng yếu: Trẻ nhỏ, người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính (như tiểu đường, COPD, hen suyễn...) có hệ miễn dịch suy giảm, dễ bị bội nhiễm khi mắc viêm phế quản.
- Môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với khói thuốc: Việc hít phải bụi mịn, khí thải độc hại hoặc khói thuốc lá (kể cả khói thuốc thụ động) làm tổn thương phế quản và suy giảm sức đề kháng tại chỗ.
- Thời tiết lạnh hoặc thay đổi thất thường: Sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp trong đó có viêm phế quản bội nhiễm.
- Tự ý dùng thuốc kháng sinh không đúng cách: Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không theo chỉ định của bác sĩ không những không giúp khỏi bệnh mà còn gây ra tình trạng kháng thuốc tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn và dẫn đến bội nhiễm.

Triệu chứng viêm phế quản bội nhiễm
So với viêm phế quản thông thường, viêm phế quản bội nhiễm thường có triệu chứng nghiêm trọng hơn, kéo dài lâu hơn và dễ gây biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết phổ biến:
- Ho có đờm đặc với màu vàng, xanh hoặc nâu, đôi khi có mùi hôi khó chịu – dấu hiệu điển hình cho thấy sự xuất hiện của vi khuẩn trong đường hô hấp.
- Sốt cao liên tục, có thể kèm theo ớn lạnh hoặc rét run biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng lan rộng.
- Khó thở, thở khò khè đặc biệt khi gắng sức hoặc nằm xuống do đường thở bị viêm và tiết nhiều dịch nhầy.
- Đau tức ngực có cảm giác nặng ngực hoặc khó chịu khi ho hoặc hít thở sâu.
- Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, người suy kiệt do nhiễm trùng kéo dài.
- Một số người bệnh có thể xuất hiện thêm triệu chứng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nhất là khi viêm lan rộng hoặc cơ thể phản ứng mạnh với nhiễm khuẩn.

Viêm phế quản bội nhiễm có nguy hiểm không?
Câu trả lời là có. Viêm phế quản bội nhiễm không chỉ khiến tình trạng bệnh kéo dài mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách, và kịp thời. Các biến chứng thường gặp bao gồm:
- Viêm phổi: Là biến chứng phổ biến nhất xảy ra khi nhiễm trùng lan xuống các phế nang trong phổi khiến người bệnh sốt cao, khó thở và đau ngực dữ dội.
- Áp xe phổi: Nhiễm trùng sâu có thể tạo thành ổ mủ trong phổi gây ho khạc đờm mủ, hơi thở có mùi hôi và suy hô hấp nặng.
- Suy hô hấp cấp: Khi phổi không đủ khả năng trao đổi khí do viêm nhiễm lan rộng người bệnh có thể phải cấp cứu.
- Nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn từ đường hô hấp có thể lan vào máu, gây nhiễm trùng toàn thân nguy cơ tử vong cao nếu không được xử lý nhanh chóng.
- Ảnh hưởng đến tim mạch: Ở người có sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, tim mạch hoặc tiểu đường, viêm phế quản bội nhiễm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, dẫn đến suy tim hoặc rối loạn tuần hoàn.

Cách phòng ngừa viêm phế quản bội nhiễm hiệu quả
Viêm phế quản bội nhiễm là tình trạng có thể phòng tránh được nếu bạn chủ động bảo vệ sức khỏe hô hấp và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sau:
- Điều trị dứt điểm viêm phế quản ban đầu: Khi mắc viêm phế quản cấp do virus, cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh. Việc bỏ dở liệu trình có thể làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
- Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh: Lạm dụng kháng sinh có thể gây tình trạng kháng thuốc, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn và dẫn đến bội nhiễm nặng hơn.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi: Vào những ngày thời tiết lạnh hoặc thay đổi đột ngột, cần mặc đủ ấm để hạn chế kích ứng đường hô hấp.
- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi và hóa chất: Sống hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, có nhiều bụi mịn, khí độc, khói thuốc lá... làm tăng nguy cơ viêm phế quản và bội nhiễm.
- Tiêm vắc xin đầy đủ: Các loại vắc xin như vắc xin cúm và phế cầu có thể giúp phòng ngừa hiệu quả các bệnh đường hô hấp thường gặp, giảm nguy cơ biến chứng viêm phế quản bội nhiễm.
- Tăng cường sức đề kháng: Duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung rau xanh, trái cây giàu vitamin C, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và vận động hợp lý giúp nâng cao hệ miễn dịch.
- Vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và hạn chế tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh hô hấp là những thói quen cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm.

Viêm phế quản bội nhiễm là tình trạng không thể xem nhẹ, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh nền. Việc nhận biết sớm dấu hiệu, điều trị đúng cách và chủ động phòng ngừa sẽ giúp hạn chế biến chứng và bảo vệ sức khỏe hô hấp lâu dài. Hãy nâng cao ý thức chăm sóc bản thân và gia đình để giảm thiểu nguy cơ mắc viêm phế quản bội nhiễm ngay từ hôm nay.