Cảm lạnh mùa hè là tình trạng không hiếm gặp, dù thời tiết đang nắng nóng. Dù tình trạng bệnh thường nhẹ, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, cảm lạnh mùa hè có thể kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm lạnh mùa hè và cách xử lý hiệu quả.
Cảm lạnh mùa hè là gì?
Cảm lạnh mùa hè là tình trạng nhiễm virus đường hô hấp xảy ra trong những tháng nắng nóng, đặc biệt phổ biến ở những người thường xuyên ở trong môi trường điều hòa lạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc sức đề kháng yếu.
Không giống như cúm, cảm lạnh mùa hè thường nhẹ, không gây biến chứng nghiêm trọng nhưng lại dễ gây mệt mỏi và kéo dài nếu không được chăm sóc đúng cách.
Các triệu chứng của cảm lạnh mùa hè thường giống với cảm lạnh thông thường và dễ nhận biết, thường diễn tiến nhẹ và tự khỏi sau vài ngày nếu được nghỉ ngơi và chăm sóc hợp lý. Tuy nhiên, nếu kéo dài hoặc nặng hơn, bạn nên theo dõi và cân nhắc đi khám. Người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Chảy nước mũi: Nước mũi có thể loãng, chảy liên tục khiến người bệnh khó chịu.
- Nghẹt mũi: Gây cảm giác khó thở, nhất là khi nằm.
- Hắt hơi nhiều lần: Là biểu hiện điển hình, thường xuất hiện ngay từ đầu.
- Đau đầu, chóng mặt: Cảm giác nặng đầu, mất tập trung.
- Ho, ngứa hoặc rát cổ họng: Có thể ho khan hoặc ho có đờm nhẹ.

Nguyên nhân gây cảm lạnh mùa hè
Cảm lạnh là bệnh do virus đường hô hấp gây ra, không trực tiếp liên quan đến thời tiết. Tuy nhiên, virus gây cảm lạnh thường hoạt động mạnh hơn vào mùa đông, khi không khí lạnh và hanh khô khiến niêm mạc hô hấp dễ bị tổn thương. Dù vậy, bạn vẫn hoàn toàn có thể bị cảm lạnh vào mùa hè, nhất là khi có những yếu tố thuận lợi khiến virus dễ tấn công cơ thể. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm virus cảm lạnh vào mùa gồm như:
Tắm quá lâu trong thời tiết nắng nóng
Khi trời oi bức, nhiều người có xu hướng tắm lâu hoặc ngâm mình trong nước để giải nhiệt. Tuy nhiên, việc tắm quá lâu, đặc biệt với nước lạnh, có thể làm hạ thân nhiệt đột ngột, khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh và giảm khả năng chống lại virus.
Ăn nhiều đồ lạnh
Thức uống đá, kem, nước lạnh là lựa chọn phổ biến vào mùa hè. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá thường xuyên hoặc liên tục, các niêm mạc vùng họng có thể bị kích ứng, suy yếu lớp bảo vệ tự nhiên và tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn tấn công.

Dùng quạt liên tục với cường độ cao
Việc bật quạt mạnh, hướng trực tiếp vào người trong thời gian dài có thể khiến cơ thể mất nước nhanh, gây mệt mỏi, khô họng và cảm giác uể oải. Điều này khiến sức đề kháng suy giảm và tăng khả năng nhiễm bệnh.
Sử dụng điều hòa ở nhiệt độ quá thấp
Thói quen để máy lạnh ở nhiệt độ thấp, đặc biệt là vào ban đêm hoặc kéo dài nhiều giờ, khiến cơ thể khó duy trì cân bằng nhiệt. Khi ra ngoài môi trường nóng đột ngột, sự thay đổi nhiệt độ nhanh chóng khiến cơ thể không kịp thích nghi, từ đó dễ bị cảm lạnh.
Những yếu tố tưởng chừng vô hại trong sinh hoạt mùa hè lại có thể tạo điều kiện cho virus gây cảm lạnh dễ tấn công hơn. Vì vậy, cần điều chỉnh thói quen sống phù hợp để bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng.
Cách chăm sóc tại nhà khi bị cảm lạnh mùa hè
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho cảm lạnh, do đó việc chăm sóc tại nhà đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục.
Uống đủ nước và bổ sung điện giải
Khi bị cảm lạnh, cơ thể dễ mất nước qua sốt, đổ mồ hôi và chảy nước mũi. Vì vậy, hãy uống nhiều nước ấm, có thể bổ sung thêm nước chanh mật ong, nước gừng hoặc nước điện giải để làm dịu cổ họng và duy trì độ ẩm cho niêm mạc mũi, họng.
Ăn uống đầy đủ dưỡng chất
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ và cân bằng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cơ thể chống lại virus gây bệnh. Đối với người đang bị cảm lạnh, nên ưu tiên các món ăn dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng và ở dạng mềm hoặc lỏng như cháo, súp, nước hầm xương,… nhằm giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, đồng thời cung cấp năng lượng giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục.
Bên cạnh đó, hãy bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C (như cam, quýt, ổi), kẽm (như hàu, hải sản, hạt bí), cùng rau xanh giúp tăng cường sức đề kháng.

Làm thông thoát mũi
Khi bị cảm lạnh, nghẹt mũi khiến nhiều người xì mũi mạnh để tống dịch nhầy, nhưng làm sai cách có thể gây tổn thương niêm mạc mũi và tăng nguy cơ viêm xoang. Cách xì mũi an toàn là bịt nhẹ một bên mũi, hỉ nhẹ bên còn lại, rồi đổi bên. Nên rửa tay sạch trước và sau khi xì mũi để tránh lây lan virus.
Nghỉ ngơi hợp lý
Một trong những cách chữa cảm lạnh quan trọng nhất là nghỉ ngơi. Khi cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, hệ miễn dịch sẽ phục hồi và chống lại virus gây bệnh hiệu quả hơn. Bạn nên hạn chế làm việc nặng, ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày để mau chóng hồi phục.
Súc miệng bằng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý có tính sát khuẩn nhẹ, giúp làm sạch vùng hầu họng, giảm viêm và hạn chế vi khuẩn phát triển. Súc nước muối tại vùng hầu họng 2 - 3 lần mỗi ngày là một cách hỗ trợ điều trị cảm lạnh đơn giản nhưng hiệu quả.

Cảm lạnh mùa hè tuy không nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc nhận biết sớm, chăm sóc đúng cách và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn bệnh nhanh chóng. Hãy lắng nghe cơ thể và bảo vệ sức khỏe mỗi ngày, dù là trong những ngày nắng nóng.
Để bảo vệ sức khỏe trước các bệnh hô hấp, việc tiêm phòng đầy đủ là rất cần thiết. Hiện nay, Trung tâm tiêm chủng Long Châu cung cấp vắc xin cúm và vắc xin phế cầu dành cho cả người lớn và trẻ em. Đây là hai loại vắc xin quan trọng giúp tăng cường miễn dịch, đặc biệt trong thời điểm giao mùa dễ mắc bệnh. Hãy đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu để được tư vấn và tiêm phòng đúng lịch, chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.