Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu chảy cấp nằm trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi. Việc bù nước đúng cách bằng oresol là một phương pháp đơn giản nhưng có thể cứu sống và mang lại hiệu quả rõ rệt trong điều trị mất nước. Vậy cha mẹ cần làm gì để bù nước oresol cho trẻ đúng cách và đảm bảo an toàn?
Oresol là gì và cơ chế bù nước oresol cho trẻ
Trước khi tìm hiểu cách sử dụng oresol, cha mẹ cần hiểu rõ oresol là gì và vai trò của nó trong việc hỗ trợ trẻ bị mất nước.
Oresol là gì?
Oresol (Oral Rehydration Salts) là hỗn hợp bột hoặc dung dịch chứa glucose và các chất điện giải thiết yếu như natri, kali và clorua. Thành phần này được thiết kế để khôi phục lượng nước và muối khoáng bị mất khi trẻ bị tiêu chảy, nôn ói hoặc sốt cao. Oresol được WHO và UNICEF khuyến nghị như một giải pháp hiệu quả để điều trị mất nước ở trẻ em.
Cơ chế oresol giúp bù nước như thế nào?
Khi trẻ bị mất nước, cơ thể không chỉ thiếu hụt nước mà còn hao hụt các khoáng chất thiết yếu như natri, kali và clorua. Oresol hoạt động dựa trên cơ chế hấp thu đồng vận: Glucose trong oresol giúp vận chuyển natri qua thành ruột, kéo theo nước và các chất điện giải khác vào cơ thể. Quá trình này giúp khôi phục sự cân bằng nước và điện giải trong cơ thể, ngăn ngừa tình trạng mất nước nghiêm trọng và góp phần giúp trẻ phục hồi nhanh hơn.

Dấu hiệu mất nước cha mẹ cần nhận biết
Không phải mọi trường hợp tiêu chảy hay nôn ói đều cần dùng oresol ngay lập tức. Việc quan trọng là nhận biết sớm các dấu hiệu mất nước để xác định thời điểm thích hợp cần bù nước cho trẻ. Sau đây là những dấu hiệu sớm cảnh báo trẻ đang bị mất nước mà cha mẹ cần theo dõi:
- Khô môi và lưỡi: Môi trẻ khô, nứt nẻ, lưỡi không còn độ ẩm bình thường.
- Mắt trũng: Mắt của trẻ trông sâu và lõm hơn so với bình thường, dấu hiệu này dễ nhận thấy ở trẻ nhỏ.
- Thóp trũng: Phần mềm trên hộp sọ của trẻ sơ sinh trũng xuống.
- Ít đi tiểu: Trẻ đi tiểu ít hơn, nước tiểu có màu vàng sẫm hoặc không đi tiểu trong 6–8 giờ. Ở trẻ sơ sinh, một trong những dấu hiệu cảnh báo mất nước là tã không bị ướt trong khoảng ba giờ liên tục.
- Quấy khóc, lờ đờ: Trẻ quấy khóc mà không có nước mắt, đi kèm với tình trạng mệt mỏi, lờ đờ và phản ứng kém là những dấu hiệu rõ rệt cho thấy cơ thể đang mất nước.
- Khát nước: Trẻ uống nước một cách vội vàng, liên tục và có xu hướng đòi uống nhiều hơn so với bình thường, cho thấy dấu hiệu thiếu nước rõ rệt.

Khi nào nên bù nước oresol cho trẻ?
Oresol được khuyến nghị trong các tình huống sau:
- Tiêu chảy cấp: Trẻ đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, đặc biệt nguy hiểm nếu xuất hiện triệu chứng mất nước.
- Nôn ói liên tục: Trẻ nôn nhiều, không giữ được thức ăn hoặc nước uống.
- Sốt cao: Trẻ đổ mồ hôi nhiều do sốt, dẫn đến mất nước và điện giải.
Liều dùng oresol chuẩn
Để bù nước bằng oresol đạt hiệu quả trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần đánh giá đúng mức độ mất nước của trẻ nhằm lựa chọn liều dùng và phác đồ điều trị phù hợp theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tiêu chảy ở trẻ được chia thành 3 mức độ mất nước:
Phân độ | Mức độ mất nước | Đặc điểm chính |
Phác đồ A | Không mất nước | Trẻ tỉnh, uống được, không khát nước, mắt không trũng. |
Phác đồ B | Mất nước nhẹ đến vừa | Trẻ khát, uống háo hức, môi khô, mắt hơi trũng. |
Phác đồ C | Mất nước nặng | Trẻ ngủ li bì, không uống được, mắt trũng sâu, da mất đàn hồi lâu. |
Phác đồ A – Không mất nước
Khi dùng phác đồ A, trẻ chưa mất nước, phác đồ A nhằm mục đích ngăn ngừa tình trạng mất nước một cách hiệu quả, bao gồm các cách sau:
Đối tượng | Lượng oresol sau mỗi lần tiêu chảy/nôn | Cách cho uống | Ghi chú |
Trẻ dưới 2 tuổi | 50 – 100 ml | Dùng thìa nhỏ, đút từng muỗng. | Nếu trẻ nôn, ngừng 10 phút sau đó tiếp tục cho uống nhưng với tốc độ chậm hơn. Tiếp tục cho trẻ ăn bình thường, tăng cữ bú. |
Trẻ 2–10 tuổi | 100 – 200 ml | Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, liên tục cả ngày. | Tổng lượng khoảng 1000 ml/ngày. Tiếp tục cho ăn bình thường, ưu tiên thức ăn mềm, dễ tiêu. |
Trẻ >10 tuổi và người lớn | 200 – 400 ml | Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, liên tục cả ngày. | Tổng lượng khoảng 2000 ml/ngày. Duy trì ăn uống đủ chất. |
Cách cho uống: Cho uống Oresol sau mỗi lần tiêu chảy. Bố mẹ nên cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, tránh ép uống quá nhanh hoặc quá nhiều cùng lúc vì có thể gây nôn, nếu trẻ nôn, ngừng 10 phút sau đó tiếp tục cho uống nhưng với tốc độ chậm hơn.
Tiếp tục cho trẻ ăn bình thường: Bên cạnh việc cho bù nước bằng oresol, mẹ hãy tăng cữ bú hoặc bữa ăn mềm, dễ tiêu để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ.
Theo dõi tại nhà: Nếu trẻ có dấu hiệu nặng lên thì chuyển sang phác đồ B hoặc đến cơ sở y tế.
Phác đồ B – Mất nước nhẹ đến vừa
Khi dùng phác đồ B, trẻ mất nước từ nhẹ đến vừa, phác đồ B nhằm mục đích bù nước nhanh bằng đường uống, bao gồm các cách sau:
Cho trẻ uống Oresol trong 4 giờ đầu theo liều lượng:
Tuổi | Cân nặng (kg) | Oresol (ml) |
< 4 tháng | < 5 | 200 - 400 |
4 - 11 tháng | 5 - 7,9 | 400 - 600 |
12 - 23 tháng | 8 - 10,9 | 600 - 800 |
2 - 4 tuổi | 11 - 15,9 | 800 - 1200 |
5 - 14 tuổi | 16 - 29,9 | 1200 - 2200 |
15 tuổi | 30 - 55 | 2200 - 4000 |
Tiếp tục cho trẻ ăn bình thường: Bên cạnh việc bù nước oresol cho trẻ, mẹ hãy tăng cữ bú hoặc bữa ăn mềm, dễ tiêu để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ càng sớm càng tốt khi đã bù lại dịch thiếu và khi thèm ăn trở lại.
Cách cho uống: Cho uống Oresol sau mỗi lần tiêu chảy. Bố mẹ nên cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, tránh ép uống quá nhanh hoặc quá nhiều cùng lúc vì có thể gây nôn, nếu trẻ nôn, ngừng 10 phút sau đó tiếp tục cho uống nhưng với tốc độ chậm hơn.
Đánh giá lại sau 4 giờ: Nếu cải thiện, chuyển sang phác đồ. Nếu không cải thiện, Hãy đưa trẻ đến bệnh viện.
Phác đồ C - Mất nước nặng
Khi gặp tình trạng này, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được truyền nước và bù điện giải kịp thời. Không nên cho trẻ uống Oresol ở nhà, vì cách này không bù nước kịp thời cho trẻ trong tình huống khẩn cấp.

Cách dùng oresol cho trẻ đúng chuẩn tại nhà
Oresol tưởng chừng dễ sử dụng, nhưng nếu pha hoặc cho trẻ uống không đúng cách, việc bù nước có thể không đạt được hiệu quả, thậm chí còn gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể để phụ huynh thực hiện tại nhà.
Cách pha oresol chuẩn
Để pha oresol an toàn và hiệu quả, hãy tuân theo các hướng dẫn sau:
- Dùng đúng lượng nước: Cần pha nguyên gói với đúng 1 lít nước đã đun sôi để nguội, không pha loãng hay đặc hơn, và nhớ khuấy đều cho tan hoàn toàn. Sau đó, cho trẻ uống dung dịch oresol đã pha với lượng phù hợp với mức độ mất nước đã được đánh giá.
- Không chia nhỏ gói: Một gói oresol phải được pha hết một lần, không chia nhỏ để dùng dần vì sẽ làm sai tỷ lệ thành phần.
- Không pha với chất khác: Tuyệt đối không pha oresol với sữa, nước trái cây, hoặc bất kỳ chất lỏng nào khác, vì sẽ làm thay đổi nồng độ điện giải.
- Thời gian sử dụng: Dung dịch sau khi pha nên được sử dụng trong vòng 24 giờ, nếu được bảo quản ở nơi khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Nếu không sử dụng hết trong 24 giờ, cần đổ bỏ dung dịch để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.
Những sai lầm nguy hiểm khi bù nước oresol cho trẻ cha mẹ cần tránh
Mặc dù oresol là một giải pháp an toàn, nhưng nhiều bố mẹ vẫn hay mắc một số lỗi phổ biến trong cách pha oresol hay cách cho con uống, điều đó vô tình làm tình trạng của con nặng hơn.
- Pha đặc để “bù nhanh hơn”: Pha oresol với ít nước hơn hướng dẫn sẽ làm tăng nồng độ muối, gây nguy cơ rối loạn điện giải, đặc biệt là tăng natri máu.
- Dùng lại dung dịch đã để lâu: Dung dịch oresol đã pha chỉ nên sử dụng trong vòng 24 giờ (để ở nhiệt độ phòng) hoặc 48 giờ (trong tủ lạnh). Sau thời gian này, vi khuẩn có thể phát triển, gây hại cho trẻ.
- Ép trẻ uống liên tục: Cho trẻ uống quá nhiều oresol trong thời gian ngắn có thể khiến trẻ bị nôn ói, từ đó làm mất nước nghiêm trọng hơn thay vì cải thiện tình trạng.
- Dùng oresol như nước uống hằng ngày: Không nên cho trẻ uống oresol như nước hằng ngày. Oresol chỉ dùng trong trường hợp trẻ mất nước do tiêu chảy, nôn ói hoặc sốt. Nếu cho trẻ uống oresol quá thường xuyên, cơ thể có thể bị thừa muối và khoáng, gây mất cân bằng và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trường hợp nào cần đưa trẻ đi khám thay vì chỉ bù oresol tại nhà?
Mặc dù oresol rất hiệu quả trong điều trị mất nước nhẹ, không phải mọi trường hợp đều có thể tự xử lý tại nhà. Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu trẻ có các dấu hiệu sau:
- Nôn tái diễn hoặc nôn ra mật.
- Dấu hiệu mất nước nặng: Mắt trũng sâu, da khô nhăn, trẻ co giật, li bì hoặc không phản ứng khi được gọi.
- Trẻ bỏ bú, bỏ ăn hoàn toàn: Khi trẻ hoàn toàn không bú, không ăn và thậm chí không chịu uống oresol, đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang suy kiệt và cần được can thiệp y tế ngay.
- Phân có máu hoặc sốt cao liên tục: Nếu trẻ đi phân có máu hoặc sốt cao liên tục, có thể là dấu hiệu nhiễm trùng nghiêm trọng, cần đưa trẻ đến bác sĩ để khám và điều trị ngay lập tức.
- Trẻ có bệnh lý khác kèm theo: Trẻ có các bệnh lý nền sẵn có như tim mạch, bất thường về thần kinh, vận động.
- Không đảm bảo việc chăm sóc: Cha mẹ hoặc người chăm sóc không đảm bảo việc cho uống đủ nước và dinh dưỡng tại nhà.
Việc trì hoãn đưa trẻ đi khám trong những trường hợp này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như sốc giảm thể tích hoặc rối loạn điện giải nghiêm trọng.
Bổ sung gì ngoài oresol để giúp trẻ phục hồi nhanh hơn?
Oresol giúp bù nước và điện giải, nhưng để trẻ phục hồi toàn diện, cha mẹ cần kết hợp các biện pháp chăm sóc khác.
Tiếp tục cho trẻ ăn/bú bình thường
Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc ăn các món ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp. Điều này giúp cung cấp năng lượng và dưỡng chất cần thiết.
Bổ sung kẽm
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc bổ sung kẽm có thể giảm 25% tỷ lệ tiêu chảy kéo dài ở trẻ dưới 5 tuổi, đồng thời tăng cường sức đề kháng tự nhiên của trẻ.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Mỗi ngày uống 1/2 viên (10mg) hoặc 5ml sirup liên tục trong vòng 14 ngày.
- Trẻ từ 6 tháng tuổi: Mỗi ngày uống 1 viên (20mg) hoặc 10ml siro, dùng liên tục trong 14 ngày.
Vệ sinh sạch sẽ và nghỉ ngơi
Cả trẻ và người chăm sóc đều rửa tay thường xuyên để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn, đồng thời cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ để nhanh chóng hồi phục

Bù nước oresol cho trẻ là bước can thiệp quan trọng, giúp ngăn chặn nguy cơ mất nước nghiêm trọng ở trẻ khi bị tiêu chảy, nôn ói hoặc sốt cao. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu, cha mẹ cần thực hiện đúng cách: Pha oresol đúng tỷ lệ, cho trẻ uống đúng liều lượng và theo dõi kỹ các dấu hiệu thay đổi trong quá trình hồi phục. Hãy là người chăm sóc thông thái – nhận biết sớm dấu hiệu mất nước, xử lý đúng cách, và không ngần ngại đưa trẻ đến bác sĩ khi cần thiết. Với sự cẩn trọng và kiến thức đúng đắn, cha mẹ.