Cảm lạnh là một trong những bệnh lý đường hô hấp phổ biến, thường gặp khi thời tiết thay đổi hoặc khi hệ miễn dịch suy yếu. Dù không nguy hiểm, nhưng các triệu chứng như nghẹt mũi, ho, đau họng, mệt mỏi,… lại gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Vậy khi bị cảm lạnh nên làm gì để nhanh hồi phục và tránh biến chứng?
Cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh là một bệnh nhiễm do virus ở đường hô hấp trên, chủ yếu ảnh hưởng đến mũi và họng. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất trong thời điểm giao mùa.
Mặc dù gây ra các triệu chứng khó chịu, cảm lạnh thông thường thường vô hại và cơ thể có thể tự khỏi trong vòng một đến hai tuần mà không để lại di chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng chính của cảm lạnh bao gồm:
- Đau họng;
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi;
- Ho và hắt hơi.
- Đau đầu, mệt mỏi, uể oải;
- Sốt nhẹ hoặc không sốt;
- Có thể kèm theo ớn lạnh hoặc đau nhức cơ thể.

Người bị cảm lạnh nên làm gì?
Khi bị cảm lạnh, cần làm gì để nhanh hồi phục sức khỏe? Dưới đây là những biện pháp đơn giản giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ quá trình miễn dịch của cơ thể một cách hiệu quả.
Nghỉ ngơi hợp lý
Đây là điều quan trọng nhất. Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc giúp cơ thể chống lại virus và hồi phục nhanh hơn.
Uống nhiều nước
Việc giữ cho cơ thể đủ nước là cực kỳ cần thiết, đặc biệt là khi bạn bị sốt. Hãy uống nhiều nước lọc, nước trái cây, hoặc các loại súp, canh.
Làm dịu cổ họng
Nước muối sinh lý có tính sát khuẩn nhẹ, giúp làm sạch vùng hầu họng, giảm viêm và hạn chế vi khuẩn phát triển. Súc nước muối tại vùng hầu họng 2 - 3 lần mỗi ngày là một cách hỗ trợ điều trị cảm lạnh đơn giản nhưng hiệu quả.

Làm thông thoát mũi
Khi bị cảm lạnh, nghẹt mũi khiến nhiều người xì mũi mạnh để tống dịch nhầy, nhưng làm sai cách có thể gây tổn thương niêm mạc mũi và tăng nguy cơ viêm xoang. Cách xì mũi an toàn là bịt nhẹ một bên mũi, hỉ nhẹ bên còn lại, rồi đổi bên. Nên rửa tay sạch trước và sau khi xì mũi để tránh lây lan virus.
Bổ sung dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ và cân bằng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cơ thể chống lại virus gây bệnh.
Đối với người đang bị cảm lạnh, nên ưu tiên các món ăn dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng và ở dạng mềm hoặc lỏng như cháo, súp, nước hầm xương,… nhằm giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, đồng thời cung cấp năng lượng giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục.
Bên cạnh đó, hãy bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C (như cam, quýt, ổi), kẽm (như hàu, hải sản, hạt bí), cùng rau xanh giúp tăng cường sức đề kháng.

Sử dụng thuốc không kê đơn
- Hạ sốt, giảm đau: Các loại thuốc như Paracetamol hoặc Ibuprofen có thể giúp hạ sốt nhẹ và làm giảm các triệu chứng đau đầu, đau họng. Luôn đọc kỹ hướng dẫn và dùng đúng liều lượng.
- Thuốc ho và thuốc thông mũi: Siro ho có thể giúp làm dịu cổ họng. Thuốc xịt hoặc nhỏ mũi chứa nước muối sinh lý giúp làm lỏng dịch nhầy và giảm nghẹt mũi hiệu quả.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Đối với người lớn
Phần lớn các trường hợp cảm lạnh ở người lớn có thể tự khỏi và không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, bạn nên đến cơ sở y tế nếu gặp các dấu hiệu sau:
- Triệu chứng kéo dài nhiều ngày mà không cải thiện, thậm chí có xu hướng nặng hơn.
- Sốt cao trên 38,5°C kéo dài hơn 3 ngày.
- Tình trạng sốt tái phát sau khi đã hết.
- Có biểu hiện khó thở, thở rít hoặc khò khè.
- Xuất hiện các cơn đau rõ rệt ở vùng họng, đầu hoặc xoang.
Đối với trẻ em
Trẻ nhỏ thường không cần đi khám khi bị cảm lạnh nhẹ. Tuy nhiên, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu:
- Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi sốt trên 38°C.
- Trẻ ở mọi lứa tuổi bị sốt kéo dài hơn 2 ngày hoặc có dấu hiệu tăng dần.
- Xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng như: Đau đầu, đau họng nặng, ho nhiều.
- Trẻ thở khó, thở khò khè hoặc có dấu hiệu khó chịu bất thường.
- Trẻ than đau tai, bỏ bú hoặc ăn ít hơn bình thường.
- Trẻ lừ đừ, buồn ngủ nhiều hơn so với thường ngày và không linh hoạt trong sinh hoạt.
Cách phòng ngừa cảm lạnh
Để hạn chế mắc cảm lạnh và các triệu chứng đi kèm như đau nhức cơ thể, bạn nên:
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, đặc biệt là ban đêm;
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng;
- Ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng kéo dài;
- Rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với người đang bị cảm;
- Tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn để nâng cao sức khỏe.

Cảm lạnh nên làm gì là câu hỏi nhiều người đặt ra khi đối mặt với những triệu chứng khó chịu. Việc nghỉ ngơi, uống đủ nước, ăn uống hợp lý và chăm sóc đúng cách sẽ giúp rút ngắn thời gian bệnh và hạn chế biến chứng. Nếu tình trạng kéo dài hoặc có biểu hiện bất thường, đừng chủ quan mà hãy đi khám để được hỗ trợ kịp thời.
Để bảo vệ sức khỏe trước các bệnh hô hấp, việc tiêm phòng đầy đủ là rất cần thiết. Hiện nay, Trung tâm tiêm chủng Long Châu cung cấp vắc xin cúm và vắc xin phế cầu dành cho cả người lớn và trẻ em. Đây là hai loại vắc xin quan trọng giúp tăng cường miễn dịch, đặc biệt trong thời điểm giao mùa dễ mắc bệnh. Hãy đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu để được tư vấn và tiêm phòng đúng lịch, chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.