icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
benh_viem_bao_quy_dau_o_tre_em_36139060c2benh_viem_bao_quy_dau_o_tre_em_36139060c2

Bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em

Thu Thảo02/07/2025

Viêm bao quy đầu ở trẻ thường xảy ra do bệnh lý tại vùng quy đầu như hẹp bao quy đầu, các bệnh lý da, tình trạng vệ sinh kém,... gây nên. Bệnh gây khó chịu khi đi tiểu và có thể gây nhiều biến chứng như nhiễm trùng đường niệu, hẹp bao quy đầu thứ phát,... Bệnh cần được quan tâm và điều trị sớm.

Tìm hiểu chung về bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em

Viêm bao quy đầu là tình trạng viêm nhiễm của bao quy đầu. Tình trạng viêm có thể tương đối nhẹ trong hầu hết các trường hợp. Đây là một tình trạng rất phổ biến ở các bé trai và thường tự khỏi trong vài ngày mà không cần điều trị đặc biệt và không để lại sẹo.

Viêm bao quy đầu phổ biến nhất ở các bé trai chưa cắt bao quy đầu. Sự tích tụ của da chết, vi sinh vật và chất tiết giữa bao quy đầu và quy đầu là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Tuy nhiên, viêm bao quy đầu cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh đã cắt bao quy đầu, đặc biệt là trước khi trẻ được hướng dẫn đi vệ sinh, do việc mặc tã khiến quy đầu tiếp xúc trực tiếp với phân có chứa vi trùng.

Triệu chứng bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bao quy đầu ở trẻ em

Các triệu chứng của viêm bao quy đầu thường khá dễ nhận biết vì chúng có thể gây khó chịu và nhìn thấy được. Hầu hết các bé trai sẽ phàn nàn về cảm giác khó chịu ở dương vật. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau khi đi tiểu;
  • Tấy đỏ vùng quy đầu;
  • Sưng và đau nhức vùng quy đầu;
  • Ngứa vùng quy đầu;
  • Các đốm trắng vùng quy đầu;
  • Mùi khó chịu;
  • Bao quy đầu bị co thắt;
  • Khó khăn hoặc không thể đi tiểu hoặc dòng nước tiểu yếu;
  • Nếu viêm bao quy đầu do nhiễm trùng có thể kèm theo các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi,...
Bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em 1
Viêm bao quy đầu thường gây ra các triệu chứng khó chịu khi đi tiểu

Tác động của viêm bao quy đầu ở trẻ em với sức khỏe 

Mặc dù viêm bao quy đầu ở trẻ em thường không nghiêm trọng và các triệu chứng sẽ tự khỏi trong vài ngày, nhưng nó có thể rất khó chịu và có thể tái phát ở một số bé trai. Điều này gây ra sự khó chịu, đau đớn và có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của trẻ. Nếu là nhiễm trùng, bệnh có nguy cơ lây lan vào đường tiết niệu và gây ra các vấn đề tiếp theo ở đường niệu.

Biến chứng có thể gặp viêm bao quy đầu ở trẻ em

Nếu không được điều trị, viêm bao quy đầu ở trẻ em có thể dẫn đến một số biến chứng. Các biến chứng tiềm ẩn bao gồm:

  • Hẹp bao quy đầu thứ phát: Viêm bao quy đầu tái phát hoặc nặng có thể gây sẹo trên bao quy đầu, khiến nó trở nên quá chặt để kéo lại được. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng thêm và khó đi tiểu. Hẹp bao quy đầu sinh lý là bình thường ở trẻ nhỏ, nhưng hẹp bao quy đầu bệnh lý có thể xảy ra do viêm bao quy đầu.
  • Nhiễm trùng tái phát: Viêm bao quy đầu không được điều trị có thể dẫn đến các đợt nhiễm trùng lặp đi lặp lại, gây kích ứng, khó chịu và tổn thương lâu dài cho các mô nhạy cảm ở bộ phận sinh dục.
  • Sẹo: Viêm bao quy đầu nặng hoặc mãn tính có thể gây sẹo bao quy đầu hoặc quy đầu, dẫn đến các vấn đề lâu dài như đau khi đi tiểu hoặc tăng nhạy cảm. Sẹo cũng có thể cản trở dòng nước tiểu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nhiễm trùng có thể lây lan vào đường tiết niệu gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn.
  • Viêm mô tế bào dương vật và dính: Sưng và viêm có thể khiến bao quy đầu dính vào quy đầu. Trong các trường hợp nặng hơn, tình trạng này có thể tiến triển thành viêm mô tế bào dương vật và gây dính.
  • Chảy máu dương vật và hẹp lỗ sáo/niệu đạo.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần gặp bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài hơn vài ngày hoặc các triệu chứng liên tục tái phát vì con bạn có thể cần điều trị bổ sung để ngăn ngừa viêm bao quy đầu. Ngoài ra, cần gọi bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng mới hoặc nặng hơn (đau, sưng, nóng, đỏ tăng lên, mủ chảy ra, sốt) hoặc trẻ khó đi tiểu. Nếu trẻ chưa cắt bao quy đầu và trước đây có thể kéo bao quy đầu lại được nhưng bây giờ bao quy đầu bị kẹt phía sau quy đầu và không thể đưa về vị trí bình thường, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Nguyên nhân gây bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em

Viêm bao quy đầu có thể do nhiễm trùng, không đặc hiệu, viêm nhiễm, chấn thương hoặc thậm chí là tiền ung thư. Ở trẻ em, nguyên nhân thường là nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm. Các nguyên nhân phổ biến của viêm bao quy đầu ở trẻ em bao gồm:

  • Vệ sinh kém dẫn đến sự tích tụ của chất bã sinh dục (smegma – dịch tiết của các tuyến dầu dưới bao quy đầu) có thể gây kích ứng da.
  • Kích ứng hóa học do xà phòng, sữa tắm hoặc các sản phẩm khác gây kích ứng gồm cả xà phòng, kem dưỡng da có paraben và neomycin.
  • Nước tiểu không được làm khô sau khi đi tiểu cũng có thể gây kích ứng.
  • Nhiễm trùng vi khuẩn hoặc nấm men là những nguyên nhân chính gây bệnh. Trong đó Candida albicans là nguyên nhân nhiễm trùng phổ biến nhất và Streptococcus species là nguyên nhân nhiễm trùng phổ biến thứ hai. Các vi khuẩn khác như Gardnerella vaginalis, Staphylococcus species, Chlamydia trachomatis, Pseudomonas aeruginosa, Mycoplasma genitalium cũng có thể gây ra.
  • Kích ứng do trẻ kéo hoặc chạm vào bao quy đầu quá nhiều.
  • Chấn thương do dây kéo hoặc do cố gắng kéo bao quy đầu về phía sau ở trẻ chưa cắt bao quy đầu.
  • Tã lót không vừa gây ma sát.
  • Phản ứng dị ứng với một số loại vải hoặc bột giặt.
  • Sử dụng kháng sinh kéo dài hoặc thường xuyên có thể làm mất cân bằng vi khuẩn tự nhiên trong cơ thể trẻ, có khả năng dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm gây viêm bao quy đầu. Một số kháng sinh và thuốc có thể trở nên cô đặc trong nước tiểu và gây kích ứng bao quy đầu.
  • Rửa hoặc chà xát quá mức có thể gây kích ứng da nhạy cảm ở vùng sinh dục.
  • Chơi cát vì các hạt cát bị kẹt dưới bao quy đầu hoặc trên vùng sinh dục có thể gây kích ứng.
Bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em 2
Vệ sinh vùng kín ở trẻ nam đúng cách giúp hạn chế khả năng viêm nhiễm vùng quy đầu

Nguy cơ mắc phải bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm bao quy đầu ở trẻ em?

Viêm bao quy đầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi còn mặc tã. Tuy nhiên, bệnh đặc biệt phổ biến ở:

  • Các bé trai chưa cắt bao quy đầu.
  • Các bé trai dưới 5 tuổi vì khoảng 5% bé trai sẽ phát triển viêm bao quy đầu trước độ tuổi này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm bao quy đầu ở trẻ em

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm bao quy đầu bao gồm:

  • Thiếu cắt bao quy đầu;
  • Vệ sinh kém;
  • Hẹp bao quy đầu;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Các tình trạng da như chàm hoặc vảy nến có thể ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục.
  • Mặc tã có thể làm tăng nguy cơ viêm bao quy đầu nếu tã không được thay thường xuyên hoặc vệ sinh không đúng cách.
  • Sử dụng một số loại thuốc có thể gây kích ứng khi cô đặc trong nước tiểu.
  • Ở thanh thiếu niên và những người hoạt động tình dục, viêm bao quy đầu có thể liên quan đến các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs).

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm bao quy đầu ở trẻ em

Viêm bao quy đầu ở trẻ em thường có thể được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và khám dương vật. Trong một số trường hợp, có thể cần các xét nghiệm bổ sung để loại trừ các tình trạng khác như nhiễm trùng có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

  • Lấy mẫu tăm bông: Một mẫu tăm bông có thể được lấy từ vùng bị ảnh hưởng hoặc từ bất kỳ chất dịch tiết nào để kiểm tra trong phòng thí nghiệm xem có nhiễm trùng vi khuẩn hoặc nấm hay không. Điều này giúp xác định loại nhiễm trùng để cung cấp điều trị chính xác.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Trong một số trường hợp, xét nghiệm nước tiểu có thể được thực hiện để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các tình trạng tiềm ẩn như tiểu đường,... góp phần gây ra viêm bao quy đầu tái phát.
  • Xét nghiệm máu: Có thể được chỉ định nếu viêm bao quy đầu nặng, tái phát hoặc khó điều trị hoặc nếu nghi ngờ tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch.
  • Xét nghiệm HSV (virus Herpes Simplex): Nếu có các tổn thương dạng mụn nước hoặc loét.
  • Xét nghiệm kali hydroxit (KOH): Để xác định nhiễm nấm như Candida.
  • Xét nghiệm dị ứng: Nếu nghi ngờ dị ứng.

Lưu ý rằng có tới 1/3 trường hợp không thể tìm thấy nguyên nhân rõ ràng.

Bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em 3
Trong một số trường hợp một số xét nghiệm được thực hiện để loại trừ một số nguyên nhân nghiêm trọng khác

Điều trị bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em

Nội khoa

Chăm sóc và vệ sinh: 

  • Giữ vệ sinh vùng kín: Vệ sinh là rất quan trọng để đảm bảo khu vực được giữ sạch sẽ và khô ráo càng nhiều càng tốt.
  • Rửa vùng kín bằng nước ấm.
  • Làm khô cẩn thận: Dương vật nên được làm khô cẩn thận trước khi mặc quần áo, sau khi đi tiểu.
  • Không kéo bao quy đầu: Nếu bao quy đầu đã kéo lại được, có thể làm sạch và làm khô khu vực bên dưới một cách cẩn thận. Tuy nhiên, không nên kéo bao quy đầu chưa kéo lại được vì điều này có thể gây đau và làm tổn thương nó.
  • Ngâm mình trong bồn tắm chứa nước ấm và một thìa cà phê muối có thể giúp giảm viêm.
  • Giặt quần áo: Giặt quần áo lót của trẻ bằng xà phòng nhẹ và xả kỹ.
  • Sử dụng chất làm mềm da: Nếu trẻ nhạy cảm với xà phòng, có thể sử dụng chất làm mềm da để giữ ẩm cho da. Đảm bảo khu vực được làm sạch kỹ lưỡng hàng ngày.
  • Tránh các chất gây kích ứng: Tránh các loại kem/thuốc mỡ có paraben và neomycin.

Thuốc:

Kem bôi ngoài da: 

  • Kem steroid: Để làm dịu các triệu chứng viêm. Hydrocortisone 1% có thể kết hợp với kem bôi ngoài da nếu viêm nặng.
  • Kem chống nấm: Nếu do nhiễm nấm men (ví dụ: Candida albicans), kem chống nấm như clotrimazole 1% (hai lần/ngày trong 7-14 ngày), miconazole 2% hoặc nystatin có thể được sử dụng.
  • Kem kháng sinh: Mupirocin bôi 2-3 lần/ngày trong 7-10 ngày hoặc clobetasone butyrate với nystatin và oxytetracycline bôi 1-2 lần/ngày trong 7-10 ngày.

Kháng sinh đường uống:

  • Metronidazole uống hai lần/ngày trong một tuần cho vi khuẩn kỵ khí.
  • Amoxicillin/clavulanate uống ba lần/ngày trong một tuần.
  • Penicillin trong 10 ngày đối với nhiễm trùng liên cầu nhóm A.
  • Sử dụng kháng sinh dựa trên kết quả nuôi cấy và độ nhạy của vi khuẩn.

Thuốc chống nấm đường uống: Fluconazole 150 mg uống đối với các triệu chứng nặn.

Ngoại khoa

Phẫu thuật cắt bao quy đầu có thể được khuyến nghị nếu các triệu chứng tiếp tục tái phát thường xuyên hoặc không đáp ứng với các loại điều trị khác.

Chuyển đến bác sĩ tiết niệu đối với các trường hợp dai dẳng/khó chữa, hẹp bao quy đầu dai dẳng, điều trị nội khoa thất bại hoặc nghi ngờ có ác tính.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn nặng của viêm bao quy đầu ở trẻ em

Chế độ sinh hoạt:

  • Vệ sinh thường xuyên và đúng cách: Giữ vùng kín sạch sẽ và khô ráo. Rửa bằng nước ấm, tránh xà phòng và các sản phẩm gây kích ứng.

  • Làm khô cẩn thận: Đảm bảo dương vật khô hoàn toàn sau khi tắm và đi tiểu.

  • Mặc quần áo sạch: Đảm bảo trẻ mặc đồ lót sạch và khô ráo, ưu tiên chất liệu tự nhiên như cotton để tránh kích ứng.

  • Thay tã thường xuyên: Đối với trẻ nhỏ, thay tã thường xuyên để giảm nguy cơ kích ứng và nhiễm trùng. Tránh dùng khăn ướt cho bé vì chúng có thể gây kích ứng bao quy đầu.

Bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ em 4
Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi đi vệ sinh giúp hạn chế bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em bị viêm bao quy đầu nên tập trung vào việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp vết thương mau lành và giảm viêm nhiễm. Các thực phẩm nên bổ sung bao gồm thực phẩm giàu vitamin C, thực phẩm giàu kẽm, thực phẩm kháng viêm và sữa chua không đường.

Phòng ngừa viêm bao quy đầu ở trẻ em

Phương pháp phòng ngừa viêm bao quy đầu ở trẻ em hiệu quả:

  • Giữ vệ sinh cá nhân tốt;
  • Giữ quy đầu và bao quy đầu sạch sẽ và khô ráo;
  • Đối xử nhẹ nhàng với bao quy đầu;
  • Không sử dụng xà phòng và các sản phẩm khác có thể gây kích ứng da ở khu vực này;
  • Thay tã thường xuyên và làm sạch, làm khô dương vật và bao quy đầu trong mỗi lần thay, nhưng tránh dùng khăn ướt cho bé;
  • Hoàn thành đủ liều kháng sinh.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Câu hỏi thường gặp

Bạn có thể thoa Vaseline - thuốc mỡ parafin trắng mềm - dưới bao quy đầu của trẻ sau khi tắm nếu được bác sĩ đồng ý. Điều này có thể giúp điều trị viêm bao quy đầu. Tuy nhiên, đảm bảo vùng kín được làm sạch kỹ lưỡng hàng ngày vì petroleum jelly có thể hút bụi bẩn.

Để xác định chính xác nguyên nhân gây nên bệnh viêm bao quy đầu ở trẻ, cần có sự thăm khám và chẩn đoán của bác sĩ dựa trên các triệu chứng lâm sàng cũng như cận lâm sàng khác.

Herpes sinh dục ở trẻ em thường bị nhầm lẫn với viêm bao quy đầu. Các tình trạng da như bệnh vảy nến và các tình trạng không phổ biến khác của da dương vật cũng có thể bị nhầm lẫn với viêm bao quy đầu. Một số bệnh như chàm đồng tiền, phản ứng với thuốc, nhiễm virus u nhú ở người (HPV) và bệnh ghẻ cũng có thể bị nhầm lẫn với viêm bao quy đầu.

Có thể viêm bao quy đầu khi chơi với cát vì, các hạt cát bị kẹt dưới bao quy đầu hoặc trên vùng sinh dục có thể gây kích ứng và góp phần vào sự phát triển của viêm bao quy đầu, đặc biệt nếu không duy trì vệ sinh đúng cách sau khi chơi.

Mặc dù hiếm, mất nước có thể dẫn đến nước tiểu cô đặc hơn, có thể gây kích ứng bao quy đầu và quy đầu, làm tăng nguy cơ viêm bao quy đầu, đặc biệt nếu không tuân thủ các thói quen vệ sinh.