Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, cụm từ “bệnh lý nền mạn tính” không còn xa lạ, đặc biệt là với người lớn tuổi. Đây là nhóm bệnh có thể âm thầm phát triển trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu không được quản lý đúng cách. Vậy bệnh này có chữa được không? Làm sao để phòng tránh?
Bệnh lý nền mạn tính là gì?
Bệnh lý nền mạn tính hay còn gọi là bệnh mãn tính là gì? Là những bệnh kéo dài dai dẳng, thường tiến triển chậm và cần được điều trị, kiểm soát trong thời gian dài – thậm chí là suốt đời. Không giống như những bệnh cấp tính như cúm mùa hay viêm họng, bệnh mãn tính không thể “uống thuốc vài ngày là khỏi”.
Những bệnh lý nền mạn tính thường phát triển âm thầm, ban đầu không có triệu chứng rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu để lâu không kiểm soát, bệnh có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như suy tim, đột quỵ, tổn thương thần kinh, thậm chí tử vong. Đối tượng dễ mắc bệnh mãn tính nhất là người già, người có lối sống không lành mạnh (ăn uống thiếu khoa học, hút thuốc, lười vận động), hoặc có yếu tố di truyền.
Bệnh mãn tính có chữa được không?
Đây là câu hỏi khiến nhiều người lo lắng: Bệnh lý nền mạn tính có chữa khỏi được không? Câu trả lời là đa phần các bệnh mãn tính hiện nay chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát và làm chậm tiến triển nếu điều trị đúng cách.
Điều quan trọng là biết cách sống chung hòa bình với nó. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc và hướng dẫn chế độ ăn uống, vận động phù hợp để kiểm soát bệnh tốt nhất có thể. Điều trị bệnh lý nền mạn tính không đơn giản chỉ là uống thuốc, mà là sự kết hợp giữa dùng thuốc, thay đổi lối sống và theo dõi sức khỏe định kỳ. Nhiều người vẫn sống khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường dù mắc bệnh mãn tính, nhờ kiểm soát tốt bệnh và duy trì lối sống tích cực.

Các bệnh lý nền mạn tính thường gặp ở người già
Tuổi tác là một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất dẫn đến các bệnh lý nền mạn tính. Khi cơ thể lão hóa, hệ miễn dịch suy giảm, quá trình trao đổi chất chậm lại, thì khả năng mắc bệnh cũng tăng cao. Dưới đây là những bệnh nền mạn tính phổ biến nhất ở người cao tuổi mà chúng ta cần quan tâm:
Bệnh tim mạch
Tim mạch là nhóm bệnh hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, đặc biệt là ở người già. Những bệnh lý như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, suy tim, rối loạn nhịp tim thường không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn.

Việc kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, đường huyết và cân nặng có thể giúp giảm thiểu rủi ro biến chứng như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Đặc biệt, chế độ ăn ít muối, ít chất béo bão hòa và vận động nhẹ nhàng là thói quen dễ thực hiện bảo vệ trái tim khỏe mạnh.
Bệnh cơ xương khớp
Càng lớn tuổi, xương khớp càng dễ bị xốp, giòn. Những căn bệnh như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, loãng xương thường là bệnh kinh niên với người cao tuổi. Những cơn đau âm ỉ, hạn chế vận động, thậm chí gãy xương do té ngã là điều rất thường gặp. Việc bổ sung canxi, vitamin D, duy trì vận động hợp lý (như đi bộ, yoga nhẹ), kiểm soát cân nặng và tránh những tư thế gây tổn thương khớp là cách tốt nhất để bảo vệ hệ cơ xương lâu dài.
Bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường tuýp 2 là một trong những bệnh lý nền mạn tính phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Đây là tình trạng cơ thể không sử dụng được insulin hiệu quả, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao, gây tổn hại đến nhiều cơ quan như mắt, thận, thần kinh.
Đặc biệt, đái tháo đường là “kẻ giết người thầm lặng” vì nhiều người không hề hay biết mình mắc bệnh cho đến khi xuất hiện biến chứng nghiêm trọng. Cách kiểm soát hiệu quả bao gồm: Ăn uống khoa học, giảm đường – tinh bột, kiểm tra đường huyết định kỳ, dùng thuốc theo hướng dẫn và duy trì hoạt động thể chất phù hợp với tuổi tác.
Suy giảm trí nhớ
Không thể không nhắc đến bệnh Alzheimer hoặc suy giảm nhận thức ở người già. Đây là bệnh lý nền mạn tính liên quan đến thoái hóa thần kinh, khiến trí nhớ giảm sút, rối loạn ngôn ngữ, thay đổi hành vi và dần mất khả năng tự chăm sóc bản thân.

Dù hiện nay chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, nhưng can thiệp sớm có thể làm chậm tiến triển bệnh. Việc rèn luyện trí não, giữ tinh thần lạc quan, giao tiếp xã hội thường xuyên và ăn uống giàu dưỡng chất là những hoạt động quan trọng để bảo vệ trí nhớ.
Cách phòng tránh bệnh lý nền mạn tính là gì?
Dù có nhiều yếu tố không thể thay đổi được như tuổi tác hay di truyền, nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh lý nền mạn tính bằng cách thay đổi lối sống ngay từ hôm nay:
- Duy trì cân nặng hợp lý – tránh thừa cân béo phì.
- Ăn uống lành mạnh – giảm muối, đường, mỡ động vật, tăng rau xanh và chất xơ.
- Tập thể dục đều đặn – ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.
- Không hút thuốc, hạn chế rượu bia.
- Ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng và giữ tinh thần tích cực.
- Khám sức khỏe định kỳ – đặc biệt sau tuổi 40 để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Tiêm phòng vắc xin cho người cao tuổi là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa nhiều bệnh nguy hiểm. Một số vắc xin như vắc xin phòng cúm, vắc xin phế cầu, vắc xin zona thần kinh có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng thần kinh và gián tiếp bảo vệ chức năng nhận thức ở người lớn tuổi. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ uy tín, cung cấp các loại vắc xin chất lượng cao, được bảo quản nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho người già.
Bệnh lý nền mạn tính tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát và sống khỏe mạnh nếu bạn hiểu rõ bản thân và thực hiện lối sống khoa học. Đừng đợi đến khi bệnh phát sinh mới bắt đầu quan tâm, vì sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi người. Hãy chủ động bảo vệ mình và người thân ngay từ hôm nay!