Tìm hiểu chung về xoắn tinh hoàn
Khi bị xoắn tinh hoàn, tinh hoàn xoay và làm xoắn thừng tinh, một bộ phận mang máu nuôi tinh hoàn nằm trong bìu (túi da lỏng bên dưới dương vật). Lưu lượng máu giảm khiến tinh hoàn đau đột ngột, sưng to và rất khó chịu.
Tình trạng này thường gặp nhất ở độ tuổi từ 12 đến 18, nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, thậm chí từ khi còn trong bụng mẹ.
Xoắn tinh hoàn thường cần phẫu thuật khẩn cấp. Nếu được điều trị kịp thời, tinh hoàn có thể được cứu. Tuy nhiên, nếu bị thiếu máu nuôi quá lâu, tinh hoàn có thể bị tổn thương nặng đến mức phải cắt bỏ.
Triệu chứng xoắn tinh hoàn
Những dấu hiệu và triệu chứng của xoắn tinh hoàn
Các dấu hiệu xoắn tinh hoàn có thể bao gồm:
- Đau đột ngột, dữ dội ở bìu (túi da lỏng dưới dương vật chứa tinh hoàn);
- Sưng bìu;
- Đau bụng;
- Buồn nôn và nôn;
- Tinh hoàn nằm cao hơn bình thường hoặc có góc bất thường;
- Đi tiểu nhiều lần;
- Sốt.
/xoan_tinh_hoan4_c0621b484e.jpg)
Ở trẻ em trai, xoắn tinh hoàn thường khiến bé tỉnh giấc vì cơn đau bìu vào giữa đêm hoặc sáng sớm.
Biến chứng có thể gặp khi bị xoắn tinh hoàn
Nếu xoắn tinh hoàn không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nam giới. Một số biến chứng bao gồm:
- Mất tinh hoàn: Khi tinh hoàn bị xoắn quá lâu, máu không thể lưu thông, dẫn đến hoại tử. Nếu không được cấp cứu trong vòng 6 giờ, bác sĩ có thể phải phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bị tổn thương để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
- Nhiễm trùng: Sau khi tinh hoàn bị hoại tử, mô chết có thể trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng nặng ở bìu và vùng chậu. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng có thể lan rộng, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
- Vô sinh: Xoắn tinh hoàn có thể làm tổn thương vĩnh viễn mô tinh hoàn, giảm hoặc mất khả năng sản xuất tinh trùng. Nếu cả hai tinh hoàn bị ảnh hưởng, nguy cơ vô sinh càng cao.
- Mất thẩm mỹ: Nếu phải cắt bỏ một tinh hoàn, bìu có thể mất cân đối, ảnh hưởng đến tâm lý và sự tự tin của người bệnh. Một số trường hợp có thể cần phẫu thuật tạo hình hoặc đặt tinh hoàn giả để cải thiện thẩm mỹ.
- Giảm chức năng nội tiết và ngoại tiết: Tinh hoàn không chỉ sản xuất tinh trùng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tiết hormone testosterone. Khi mất một hoặc cả hai tinh hoàn, nồng độ testosterone trong cơ thể có thể giảm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nam giới.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến cơ sở y tế ngay nếu bạn bị đau tinh hoàn đột ngột hoặc dữ dội. Điều trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa tổn thương nghiêm trọng hoặc mất tinh hoàn do xoắn tinh hoàn.
Ngoài ra, nếu bạn từng bị đau tinh hoàn đột ngột nhưng sau đó tự hết mà không cần điều trị, bạn vẫn nên đi khám. Đây có thể là dấu hiệu tinh hoàn tự xoắn rồi tự tháo (xoắn và tháo xoắn tạm thời). Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật là cần thiết để ngăn tình trạng này tái diễn.
/xoan_tinh_hoan3_9816063eea.jpg)
Nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn
Hầu hết các trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra ở người trẻ dưới 25 tuổi, thường do bất thường bẩm sinh ở ống phúc tinh mạc. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra tự nhiên, do gắng sức hoặc hiếm hơn là do chấn thương. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau bìu phải cấp cứu.
Xoắn tinh hoàn xảy ra khi thừng tinh và mạch máu nuôi tinh hoàn bị xoắn lại. Bình thường, lớp vỏ tinh mạc bám chặt vào mặt sau bên của tinh hoàn, giữ cho thừng tinh không di chuyển. Nếu tinh mạc bám quá cao, thừng tinh có thể xoắn bên trong, gây xoắn tinh hoàn trong tinh mạc. Dị tật này gọi là “quả lắc chuông” (bell clapper deformity) và có thể xuất hiện ở cả hai bên tinh hoàn trong khoảng 40% trường hợp.
Ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân xoắn tinh hoàn thường xảy ra ngoài tinh mạc do tinh mạc chưa dính vào dây chằng bìu, khiến cả tinh mạc và thừng tinh dễ bị xoắn. Tình trạng này có thể xuất hiện từ khi còn trong bụng mẹ và cần điều trị theo cách khác. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh cũng có thể bị xoắn tinh hoàn trong tinh mạc như ở trẻ lớn và người trưởng thành.
Ngoài ra, xoắn tinh hoàn cũng có thể xảy ra ở người lớn có bệnh lý ung thư tinh hoàn.
Nguy cơ mắc phải xoắn tinh hoàn
Những ai có nguy cơ mắc phải xoắn tinh hoàn?
Tất cả các đối tượng là nam giới đều có nguy cơ mắc phải xoắn tinh hoàn.
/xoan_tinh_hoan_3_23abf2d7b0.jpeg)
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xoắn tinh hoàn
Mặc dù mọi nam giới đều có khả năng mắc phải xoắn tinh hoàn. Tuy nhiên, nam ở độ tuổi vị thành niên (trong giai đoạn tăng trưởng sẽ có nguy cơ mắc xoắn tinh hoàn cao hơn. Phần lớn các trường hợp xoắn tinh hoàn được ghi nhận ở người bệnh trẻ (nhỏ hơn 25 tuổi).
Phương pháp chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm xoắn tinh hoàn
Bác sĩ có thể chẩn đoán xoắn tinh hoàn dựa trên triệu chứng, tiền sử bệnh, siêu âm bìu và khám lâm sàng tinh hoàn. Bạn có thể nhanh chóng được chuyển đến chuyên khoa tiết niệu để được điều trị.
Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm tinh hoàn để kiểm tra xem máu có đến tinh hoàn hay không. Đây là một xét nghiệm nhanh, giúp bác sĩ quan sát tinh hoàn và các cơ quan xung quanh.
Điều trị xoắn tinh hoàn
Nội khoa
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa và cần được phẫu thuật điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc để giúp hỗ trợ, kiểm soát triệu chứng cho bạn, bao gồm thuốc giảm đau, chống nôn và thuốc giảm lo âu.
Ngoại khoa
Xoắn tinh hoàn cần được điều trị bằng phẫu thuật (orchiopexy). Trong quá trình này, bác sĩ phẫu thuật sẽ tháo xoắn tinh hoàn để khôi phục lưu lượng máu, sau đó cố định tinh hoàn vào thành bên trong bìu bằng chỉ khâu để ngăn xoắn tái phát.
/xoan_tinh_hoan6_c4e7841d56.jpg)
Thông thường, bác sĩ sẽ phẫu thuật qua bìu, nhưng đôi khi cần rạch một đường nhỏ ở vùng bẹn. Nếu bạn có dị tật “quả lắc chuông” (bell clapper deformity), xoắn tinh hoàn thường ảnh hưởng đến cả hai bên. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ khâu cố định cả tinh hoàn chưa bị ảnh hưởng để phòng ngừa xoắn tinh hoàn trong tương lai.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa xoắn tinh hoàn
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của xoắn tinh hoàn
Chế độ sinh hoạt
Những ngày đầu sau phẫu thuật xoắn tinh hoàn thường là giai đoạn đau nhất. Bạn có thể bị sưng hoặc bầm tím ở bìu hoặc vùng bẹn trong khoảng một tuần.
Sau một tuần, cơn đau sẽ giảm dần, và bạn có thể quay lại các hoạt động bình thường như đi học hoặc đi làm.
Tuy nhiên, bạn nên tránh mang vác nặng và các hoạt động mạnh (bao gồm cả thể thao) trong ít nhất 3 đến 4 tuần. Trước khi quay lại các hoạt động này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Mỗi người có tốc độ hồi phục khác nhau, vì vậy điều quan trọng là lắng nghe cơ thể và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát cơn đau và khó chịu trong quá trình phục hồi.
Chế độ dinh dưỡng
Sau khi phẫu thuật điều trị xoắn tinh hoàn, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để có một chế độ ăn phù hợp. Thông thường, chế độ ăn giúp dễ tiêu hoá, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ tốt cho bạn.
/xoan_tinh_hoan_4_f96e716e92.jpeg)
Phòng ngừa xoắn tinh hoàn
Một số nam giới có tinh hoàn có thể xoay trong bìu do di truyền. Nếu bạn có đặc điểm này, cách duy nhất để ngăn ngừa xoắn tinh hoàn là phẫu thuật cố định cả hai tinh hoàn vào bên trong bìu.
Xoắn tinh hoàn là một tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm, bao gồm hoại tử tinh hoàn và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đau đột ngột ở bìu, sưng tinh hoàn hoặc buồn nôn, nam giới nên đến bệnh viện ngay để được thăm khám và can thiệp sớm.