Tìm hiểu chung về viêm tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ, có hình bướm, nằm ở phía trước cổ, ngay dưới yết hầu. Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và nhiều chức năng khác.
Khi tuyến giáp hoạt động không bình thường, có thể gây ra các bệnh lý như cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) hoặc suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém).
Viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp bị viêm. Bệnh viêm tuyến giáp được phân loại dựa trên thời gian khởi phát, nguyên nhân và triệu chứng lâm sàng.
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tuyến giáp là bệnh tự miễn (do hệ miễn dịch). Tại Mỹ, viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân chính gây suy giáp. Viêm tuyến giáp có thể khiến tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc kém đi, tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Triệu chứng viêm tuyến giáp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến giáp
Những triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Sưng ở vùng đáy cổ;
- Đôi khi có đau ở họng.
Tuy nhiên, các triệu chứng cụ thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào việc tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) hay quá mức (cường giáp).
Triệu chứng suy giáp
- Mệt mỏi;
- Trầm cảm;
- Tăng cân;
- Da khô;
- Táo bón;
- Nhạy cảm với thời tiết lạnh.
Triệu chứng cường giáp
- Lo âu, dễ cáu gắt;
- Sụt cân;
- Mất ngủ;
- Tim đập nhanh, hồi hộp;
- Yếu cơ;
- Nhạy cảm với thời tiết nóng.
/viem_tuyen_giap3_7bbbc2b216.jpg)
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm tuyến giáp
Biến chứng của viêm tuyến giáp có thể bao gồm:
- Hôn mê do phù niêm: Biến chứng nguy hiểm do suy giáp nặng, thường gặp ở người lớn tuổi. Biểu hiện gồm hạ thân nhiệt, hạ natri máu, nhịp tim chậm.
- Bão giáp: Biến chứng nguy hiểm của cường giáp, thường xảy ra ở bệnh nhân bị Graves lâu năm. Triệu chứng gồm sốt cao, tim đập nhanh, kích động, rối loạn tâm thần.
- Viêm tuyến giáp do nhiễm trùng: Nếu không điều trị kịp thời, có thể gây áp xe hoặc nhiễm trùng huyết.
- Viêm tuyến giáp Hashimoto: Làm tăng nguy cơ ung thư lympho tuyến giáp và ung thư tuyến giáp. Nếu tuyến giáp to nhanh hoặc xuất hiện hạch mới, cần kiểm tra ngay.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như kể trên, hãy gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Nếu bạn được chẩn đoán viêm tuyến giáp, hãy tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi triệu chứng và hiệu quả điều trị.
Nếu xuất hiện triệu chứng nặng hơn hoặc bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp
Viêm tuyến giáp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Bệnh tự miễn: Viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Graves, viêm tuyến giáp sau sinh hoặc viêm tuyến giáp không đau tự phát.
- Nhiễm trùng: Viêm tuyến giáp bán cấp đau hoặc viêm tuyến giáp mủ.
- Thuốc: Do tác động của amiodarone, lithium, interferon, interleukin-2 và các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch.
- Xơ hóa: Viêm tuyến giáp Riedel.
/viem_tuyen_giap4_e18cd950f3.jpg)
Viêm tuyến giáp được chia thành hai nhóm:
- Viêm tuyến giáp đau: Bao gồm viêm tuyến giáp do nhiễm trùng, viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp do chấn thương hoặc bức xạ.
- Viêm tuyến giáp không đau: Bao gồm viêm tuyến giáp tự miễn, viêm tuyến giáp sau sinh và viêm tuyến giáp do thuốc.
Dựa vào thời gian diễn tiến, viêm tuyến giáp được phân thành:
- Viêm tuyến giáp cấp tính: Do nhiễm trùng vi khuẩn ở tuyến giáp gây ra.
- Viêm tuyến giáp bán cấp: Thường do virus gây ra.
- Viêm tuyến giáp mạn tính: Bao gồm viêm tuyến giáp tự miễn, viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm tuyến giáp sau sinh và các dạng viêm tuyến giáp không đau khác (do thuốc hoặc do can thiệp y tế).
Nguy cơ mắc phải viêm tuyến giáp
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tuyến giáp?
Viêm tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Viêm tuyến giáp Hashimoto gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới từ 4 đến 10 lần, thường xuất hiện trong độ tuổi 30 đến 50. Viêm tuyến giáp không đau (hay viêm tuyến giáp im lặng) cũng phổ biến ở phụ nữ và là nguyên nhân viêm tuyến giáp phổ biến thứ hai sau viêm tuyến giáp Hashimoto.
/viem_tuyen_giap5_1a357596dd.jpg)
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm tuyến giáp
Các yếu tố nguy cơ của viêm tuyến giáp sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại viêm tuyến giáp bạn mắc phải. Ví dụ:
- Lượng i-ốt cao có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh Graves.
- Phụ nữ thường mắc viêm tuyến giáp do tự miễn nhiều hơn nam giới.
- Chế độ ăn giàu i-ốt có thể liên quan đến nguy cơ tăng viêm tuyến giáp tự miễn ở một số người.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm tuyến giáp
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm tuyến giáp
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, đánh giá tuyến giáp và hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh. Nếu nghi ngờ viêm tuyến giáp, có thể chỉ định một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Đo nồng độ TSH, T3, T4 trong máu để đánh giá hoạt động của tuyến giáp.
- Siêu âm tuyến giáp: Kiểm tra hình dạng, kích thước tuyến giáp, phát hiện nhân giáp và thay đổi lưu lượng máu.
- Xét nghiệm kháng thể tuyến giáp: Xác định kháng thể TPO, TRAb, giúp chẩn đoán viêm tuyến giáp do bệnh tự miễn.
- Tốc độ lắng hồng cầu (ESR): Chỉ số này tăng cao trong viêm tuyến giáp bán cấp.
- CRP (C-reactive protein): Tăng cao trong viêm tuyến giáp cấp tính do nhiễm trùng.
- Xét nghiệm hấp thu i-ốt phóng xạ (RAIU): Đánh giá khả năng hấp thu i-ốt của tuyến giáp, thường thấp trong giai đoạn nhiễm độc giáp của viêm tuyến giáp.
/viem_tuyen_giap6_13d21d47d8.jpg)
Điều trị viêm tuyến giáp
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại viêm tuyến giáp và triệu chứng của từng người bệnh.
Điều trị giai đoạn nhiễm độc giáp:
- Bác sĩ có thể kê thuốc chẹn beta để giảm tim đập nhanh và run tay.
- Khi triệu chứng cải thiện, thuốc sẽ được giảm dần vì giai đoạn này chỉ tạm thời.
Điều trị giai đoạn suy giáp:
- Viêm tuyến giáp Hashimoto: Cần dùng levothyroxine suốt đời vì suy giáp do Hashimoto thường không hồi phục.
- Viêm tuyến giáp bán cấp, không đau hoặc sau sinh: Nếu có triệu chứng suy giáp, bệnh nhân dùng thuốc trong khoảng 6–12 tháng, sau đó ngừng để đánh giá xem suy giáp có vĩnh viễn hay không.
- Suy giáp nhẹ: Nếu suy giáp nhẹ và ít triệu chứng, có thể không cần điều trị.
Điều trị khác:
- Viêm tuyến giáp nhiễm trùng cấp: Cần điều trị bằng kháng sinh. Nếu có áp xe, bác sĩ có thể chọc hút dịch mủ.
- Viêm tuyến giáp do thuốc: Thường kéo dài khi bệnh nhân vẫn dùng thuốc gây viêm. Bác sĩ có thể đổi thuốc hoặc kê levothyroxine nếu cần.
- Kiểm soát đau: NSAIDs như ibuprofen, aspirin giúp giảm đau trong viêm tuyến giáp nhiễm trùng cấp và viêm tuyến giáp bán cấp. Trường hợp nặng có thể cần dùng steroid.
- Viêm tuyến giáp Riedel: Cần can thiệp phẫu thuật.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm tuyến giáp
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm tuyến giáp
Chế độ sinh hoạt
Để hỗ trợ điều trị viêm tuyến giáp hiệu quả, bạn nên tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Uống thuốc đúng liều, đúng giờ, không tự ý ngưng hoặc thay đổi thuốc.
- Tái khám đúng lịch để bác sĩ theo dõi tiến triển bệnh.
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.
- Luyện tập yoga, thiền, hít thở sâu để giảm căng thẳng, hỗ trợ cân bằng hormone.
- Không hút thuốc, hạn chế rượu bia, caffeine vì có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại, bức xạ nếu có nguy cơ.
/viem_tuyen_giap7_071c735446.jpg)
Chế độ dinh dưỡng
Tùy vào tình trạng viêm tuyến giáp của bạn do nguyên nhân gì, hiện đang là cường giáp hay suy giáp, mà bạn cần có chế độ ăn phù hợp. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để có thể có một chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với bạn.
Phòng ngừa viêm tuyến giáp
Đáng tiếc là hầu hết các trường hợp viêm tuyến giáp không thể phòng ngừa.
- Nếu bạn cần điều trị bằng i-ốt phóng xạ hoặc xạ trị, hãy trao đổi với bác sĩ về nguy cơ viêm tuyến giáp và các lựa chọn thay thế nếu có.
- Nếu bạn đang dùng thuốc có thể gây viêm tuyến giáp, hãy hỏi bác sĩ về nguy cơ và khả năng ngừng thuốc. Tuy nhiên, vẫn có thể không tránh được viêm tuyến giáp hoàn toàn.
Viêm tuyến giáp là một tình trạng ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau từ nhẹ đến nghiêm trọng. Việc phát hiện sớm, tuân thủ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.