Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý phổ biến ở trẻ em và khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng. Một trong những câu hỏi mà các bậc phụ huynh thường đặt ra là viêm tai giữa ở trẻ em bao lâu thì khỏi? Bệnh có thể tự khỏi nếu trẻ có sức đề kháng tốt, tuy nhiên cũng có những trường hợp cần phải điều trị y tế. Trong bài viết này, Tiêm chủng Long Châu sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về cách nhận biết, điều trị và chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa.
Tìm hiểu chung về bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa là một bệnh lý tai thường gặp ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bệnh xảy ra khi tai giữa (khoang chứa không khí nằm ngay sau màng nhĩ) bị nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập. Trẻ bị bệnh thường có biểu hiện sốt, đau tai, tai chảy dịch, kém ăn hay quấy khóc và ngủ chập chờn. Một số trường hợp còn kèm theo tiêu chảy, nôn ói và giảm thính lực tạm thời.
Đối với trẻ chưa biết nói, hành vi kéo hoặc giật tai liên tục là dấu hiệu dễ nhận biết. Sự tích tụ dịch trong tai giữa làm tăng áp lực, có thể khiến màng nhĩ bị tổn thương, thậm chí bị thủng. Vì thế, nhiều cha mẹ thường băn khoăn không rõ viêm tai giữa ở trẻ em bao lâu thì khỏi và cách điều trị ra sao để ngăn ngừa biến chứng.

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em bao lâu thì khỏi?
Một trong những thắc mắc thường gặp của các bậc phụ huynh là “Viêm tai giữa ở trẻ em bao lâu thì khỏi?”. Trên thực tế, nếu trẻ có hệ miễn dịch tốt và được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể tự khỏi sau khoảng 2 - 3 ngày mà không cần dùng đến thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng diễn tiến nhẹ. Ở một số trẻ, viêm tai giữa có thể kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn với các dấu hiệu như tai bị sưng tấy, đau nhức liên tục, chảy mủ, ù tai, thính lực giảm tạm thời…
Trong những tình huống này, trẻ cần được điều trị y tế kịp thời nhằm cải thiện triệu chứng, ngăn chặn biến chứng và phòng ngừa nguy cơ tái phát trong tương lai. Do đó, việc theo dõi sát biểu hiện của trẻ và đưa đi khám sớm là rất cần thiết để rút ngắn thời gian điều trị và phục hồi hoàn toàn.

Viêm tai giữa ở trẻ em điều trị như thế nào?
Ngoài thắc mắc về “Viêm tai giữa ở trẻ em bao lâu thì khỏi”, nhiều phụ huynh cũng rất quan tâm đến phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh này. Khi trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ không cần phải quá lo lắng, quan trọng nhất là phát hiện sớm và xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là các phương pháp thường được áp dụng trong điều trị viêm tai giữa ở trẻ em, cụ thể như sau:
Điều trị bằng thuốc
Nếu viêm tai giữa do virus, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị và thường sẽ thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh do vi khuẩn gây ra, trẻ cần phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc thường được chỉ định sử dụng điều trị viêm tai giữa bao gồm:
- Thuốc giảm đau và thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
- Thuốc kháng sinh đường uống.
- Nếu trẻ không thể uống kháng sinh, bác sĩ sẽ thay thế bằng kháng sinh đường tiêm (tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch).
Cha mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là về thời gian sử dụng thuốc kháng sinh, thường kéo dài từ 7 - 10 ngày, hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng bệnh. Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc dù triệu chứng có thuyên giảm.

Điều trị bằng phẫu thuật
Trong trường hợp viêm tai giữa kéo dài và dùng thuốc không hiệu quả, bác sĩ sẽ xem xét phương pháp phẫu thuật. Khi dịch trong tai ứ đọng nhiều gây tắc vòi nhĩ, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật đặt ống thông khí màng nhĩ để giúp dịch tai chảy ra ngoài. Sau khi dịch không còn ứ đọng, bác sĩ sẽ tháo ống thông và màng nhĩ sẽ tự lành lại.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ em bị viêm tai giữa
Khi biết được viêm tai giữa ở trẻ em bao lâu thì khỏi và phương pháp điều trị, cha mẹ cần chú ý thêm đến những lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ đang bị viêm tai giữa. Cụ thể như sau:
- Vệ sinh tai sạch sẽ: Khi trẻ bị viêm tai giữa và có dịch tai chảy ra, cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh tai cho trẻ. Sử dụng tăm bông thấm nhẹ nhàng để loại bỏ dịch ở phần ngoài vành tai, tránh đưa tăm bông sâu vào trong tai vì có thể gây đau và tổn thương cho trẻ.
- Làm sạch miệng và mũi: Bên cạnh việc vệ sinh tai, cha mẹ cũng cần chăm sóc miệng và mũi cho trẻ. Với trẻ lớn, hãy hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý và nhỏ mũi để giảm tắc nghẽn. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể sử dụng rơ lưỡi để làm sạch răng miệng cho bé.
- Ăn thức ăn chín mềm: Viêm tai giữa khiến trẻ khó ăn, đau khi nhai hoặc nuốt. Lúc này, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn chín mềm như cháo, súp hay canh… để giảm hoạt động nhai, giúp trẻ không cảm thấy đau và khó chịu.
- Tư thế ngủ phù hợp: Cha mẹ cần chú ý cho trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa, tránh nằm nghiêng về phía tai bị đau. Đối với trẻ nhỏ còn bú, nên bồng bé ở một góc nghiêng khi cho bú, sau đó mới đặt bé nằm ngủ.
- Thận trọng khi dùng thuốc: Phụ huynh tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc điều trị viêm tai giữa, đặc biệt là thuốc giảm đau hạ sốt aspirin hay kháng sinh. Những loại thuốc này chỉ được dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu bác sĩ đã kê đơn, cha mẹ cần dùng đúng liều và thời gian quy định để đảm bảo hiệu quả điều trị.
- Những điều cần tránh khi chăm sóc tai: Cha mẹ cần tránh các thói quen như đổ oxy già vào tai hay cạo viên thuốc kháng sinh rồi bôi lên tai trẻ, vì điều này có thể gây nguy hiểm như làm hẹp ống tai, dẫn đến nhiễm trùng nặng khi dịch và thuốc không được thoát ra ngoài. Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên và tránh các khu vực có khói bụi, khói thuốc lá.
Đặc biệt, việc tiêm phòng vắc xin phế cầu cho trẻ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tai và bệnh về đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm phổi…

Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa không chỉ đơn giản là việc điều trị bằng thuốc mà còn là sự quan tâm đến các yếu tố như vệ sinh tai mũi miệng, chế độ ăn uống hợp lý và tư thế ngủ đúng. Khi ba mẹ hiểu rõ về viêm tai giữa ở trẻ em bao lâu thì khỏi và biết chăm sóc đúng cách, trẻ sẽ có cơ hội hồi phục nhanh và phòng ngừa được các biến chứng.