Tìm hiểu chung về viêm màng não vô khuẩn
Viêm màng não do vô khuẩn là gì?
Viêm màng não vô khuẩn là tình trạng viêm của màng não đặc trưng bởi sự vắng mặt của vi khuẩn trong các mẫu cấy dịch não tủy (CSF). Tình trạng này thường được chẩn đoán dựa trên tế bào học dịch não tủy cho thấy sự gia tăng số lượng bạch cầu. Mặc dù thuật ngữ "vô khuẩn" có nghĩa là không có vi sinh vật, trong bối cảnh hiện đại viêm màng não vô khuẩn được hiểu là tình trạng viêm màng não không phải do vi khuẩn gây ra. Viêm màng não vô khuẩn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gồm virus, nấm, ký sinh trùng, phản ứng với thuốc, các bệnh hệ thống và thậm chí cả khối u ác tính gây ra.
Triệu chứng thường gặp của viêm màng não vô khuẩn
Những triệu chứng của viêm màng não do vô khuẩn
Các triệu chứng của viêm màng não vô khuẩn có thể khác nhau ở người lớn và trẻ em.
Ở người lớn, các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đau đầu;
- Buồn nôn;
- Nôn mửa;
- Cứng cổ;
- Sợ ánh sáng;
- Khó chịu;
Ở trẻ em, các triệu chứng có thể ít đặc hiệu hơn và bao gồm:
- Sốt;
- Khó chịu, quấy khóc;
- Khó bú hoặc bỏ bú;
- Lơ mơ, buồn ngủ;
- Phát ban;
- Các vấn đề về hô hấp;
- Thóp phồng ở trẻ sơ sinh.
Ngoài các triệu chứng thường gặp đã đề cập, một số dấu hiệu thực thể có thể gợi ý viêm màng não như dấu hiệu Kernig và Brudzinski. Mặc dù có độ đặc hiệu cao (95%) nhưng lại có độ nhạy thấp (5%), do đó những dấu hiệu này ít có giá trị trong việc sàng lọc bệnh.

Tác động của viêm màng não do vô khuẩn với sức khỏe
Viêm màng não do virus thường có diễn biến lành tính và hầu hết bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trong vòng 5 đến 14 ngày. Các triệu chứng còn sót lại thường chỉ giới hạn ở mệt mỏi và chóng mặt trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là tiên lượng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng miễn dịch của bệnh nhân. Các nguyên nhân không do virus, chẳng hạn như viêm màng não do nấm hoặc lao, có thể nghiêm trọng hơn và đòi hỏi điều trị kéo dài hơn.
Biến chứng có thể gặp viêm màng não do vô khuẩn
Viêm màng não vô khuẩn vẫn có thể dẫn đến các biến chứng co giật và trong trường hợp nặng có thể tiến triển thành trạng thái động kinh. Ở trẻ sơ sinh, viêm màng não vô khuẩn có thể gây ra chậm phát triển và mất thính lực.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mặc dù thường ít nghiêm trọng hơn viêm màng não do vi khuẩn, viêm màng não vô khuẩn vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như co giật và điều quan trọng là bác sĩ vẫn cần theo dõi tình trạng của người bệnh trong quá trình hồi phục. Bạn nên gọi cho bác sĩ càng sớm càng tốt nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Cứng cổ, đau cổ;
- Đau đầu dữ dội, kéo dài;
- Lú lẫn;
- Co giật;
- Khó đánh thức;
- Thay đổi trạng thái tinh thần.
Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não vô khuẩn
Nguyên nhân gây viêm màng não do vô khuẩn
Nguyên nhân của viêm màng não vô khuẩn rất đa dạng như sau:
Virus: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm não vô khuẩn. Các loại virus thường gặp bao gồm Enterovirus (virus Coxsackie và ECHO), virus Herpes simplex type 2 (HSV-2), virus Varicella-zoster (VZV), virus West Nile, virus HIV, virus quai bị, virus sởi, Adenovirus, virus cúm và Arbovirus.
Vi khuẩn: Mặc dù định nghĩa là không có vi khuẩn phát triển trong cấy dịch não tủy, nhưng một số trường hợp viêm màng não do vi khuẩn được điều trị một phần, nhiễm trùng cận màng não (áp xe ngoài màng cứng, viêm tai xương chũm), hoặc các vi khuẩn khó nuôi cấy như Mycoplasma pneumoniae, Mycobacterium tuberculosis, Treponema pallidum và leptospirosis có thể gây ra viêm màng não với kết quả cấy âm tính ban đầu.
Nấm: Các bệnh nhiễm nấm như Candida, Cryptococcus neoformans, Histoplasma capsulatum, Coccidioides immitis và Blastomyces dermatitides.
Ký sinh trùng: Các ký sinh trùng như Toxoplasma gondii, Naegleria, Neurocysticercosis, Trichinosis và Hartmannella là những nguyên nhân ít phổ biến hơn.

Các nguyên nhân không nhiễm trùng bao gồm:
Các bệnh hệ thống: Một số bệnh tự miễn và viêm nhiễm hệ thống có thể gây viêm màng não như Sarcoidosis, bệnh Behçet, hội chứng Sjögren, lupus ban đỏ hệ thống và viêm đa mạch u hạt.
Phản ứng thuốc: Viêm màng não vô khuẩn do thuốc có thể xảy ra do phản ứng viêm với một số loại thuốc phổ biến nhất là NSAID, thuốc kháng sinh (Sulfonamide, Penicillin), Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) và kháng thể đơn dòng. Tình trạng này thường cải thiện sau khi ngừng thuốc.
Bệnh ác tính: Viêm màng não có thể do di căn từ các khối u đặc (ung thư vú, ung thư phổi, melanoma) hoặc các bệnh lý ác tính về huyết học (lymphoma, leukemia).
Phản ứng sau tiêm chủng: Viêm màng não vô khuẩn đã được ghi nhận sau một số loại vắc xin, đáng chú ý là vắc xin sởi, quai bị, rubella (MMR), thủy đậu, sốt vàng da, dại, ho gà và cúm. Các báo cáo gần đây cũng gợi ý về sự xuất hiện của bệnh này sau khi tiêm vắc xin ngừa não mô cầu.
Các nguyên nhân khác: Phẫu thuật não, chấn thương đầu và các thủ thuật y tế như tiêm cột sống cũng có thể liên quan đến viêm màng não vô khuẩn.
Trong một số lượng đáng kể các trường hợp (30% đến 65%), không xác định được nguyên nhân cụ thể của viêm màng não vô khuẩn và những trường hợp này được gọi là viêm màng não vô khuẩn vô căn.
Nguy cơ mắc phải viêm màng não vô khuẩn
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm màng não vô khuẩn?
Những người có nguy cơ phát triển viêm màng não vô khuẩn cao hơn bao gồm:
- Trẻ em nhỏ tuổi đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
- Những người có hệ miễn dịch suy yếu do các bệnh lý như HIV/AIDS, rối loạn tự miễn dịch, hoặc do sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch (sau ghép tạng hoặc hóa trị liệu).
- Những người mới trải qua ghép tạng hoặc ghép tủy xương.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm màng não vô khuẩn
Ngoài các nhóm nguy cơ cao đã đề cập, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm màng não vô khuẩn:
- Tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh đặc biệt là các bệnh nhiễm virus gây viêm màng não.
- Vệ sinh kém đặc biệt là không rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng.
- Không tiêm chủng đầy đủ (sởi, quai bị, rubella, bại liệt, cúm).
- Du lịch đến các khu vực lưu hành của các bệnh do Arbovirus (virus West Nile).
- Có các bệnh lý nền như rối loạn tự miễn dịch.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm màng não vô khuẩn
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng não vô khuẩn
Việc chẩn đoán viêm màng não vô khuẩn bắt đầu bằng việc hỏi tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng để đánh giá các triệu chứng. Xét nghiệm khác được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán và xác định nguyên nhân:
Chọc dò tủy sống
Chọc dò dịch não tủy là xét nghiệm thiết yếu để thu thập dịch não tủy (CSF) và thiết lập chẩn đoán xác định.
Xét nghiệm máu
Công thức máu (CBC), tốc độ máu lắng (ESR), và xét nghiệm IgM và IgG cho một số loại virus (enterovirus, adenovirus, EBV, HSV) có thể được thực hiện giúp xác định nguyên nhân gây bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) đầu có thể được thực hiện trước khi LP nếu có nghi ngờ tăng áp lực nội sọ do tổn thương choán chỗ hoặc viêm.
- Siêu âm đầu là phương pháp chẩn đoán hình ảnh ưu tiên ở trẻ sơ sinh khi thóp chưa đóng.
Nghiên cứu cho thấy có thể bỏ qua chẩn đoán hình ảnh nếu không có các yếu tố nguy cơ như tuổi trên 60, tiền sử bệnh thần kinh trung ương, suy giảm miễn dịch, thay đổi trạng thái tinh thần, co giật trong vòng một tuần trước khi nhập viện và các khiếm khuyết thần kinh.
Việc phân biệt giữa viêm màng não vô khuẩn và viêm màng não do vi khuẩn có thể khó khăn. Điểm số viêm màng não do vi khuẩn (Bacterial Meningitis Score) là một công cụ hỗ trợ chẩn đoán với độ nhạy cao (99% đến 100%) và độ đặc hiệu từ 52% đến 62%. Các xét nghiệm khác như procalcitonin huyết thanh, protein phản ứng C (CRP) huyết thanh và lactate CSF cũng có thể cung cấp thông tin hữu ích để phân biệt hai tình trạng này.
Phương pháp điều trị viêm màng não do vô khuẩn
Nội khoa
Đối với viêm màng não do virus (ngoại trừ HSV và VZV), điều trị chủ yếu là hỗ trợ, bao gồm:
Nghỉ ngơi đầy đủ;
Uống đủ nước để tránh mất nước;
Quản lý đau đầu và sốt bằng các thuốc hạ sốt như Acetaminophen (Paracetamol) hoặc Ibuprofen;
Thuốc chống nôn (Anti-emetics) để kiểm soát tình trạng buồn nôn và nôn,...
Điều trị đặc hiệu
- Nếu nguyên nhân là virus herpes simplex (HSV) hoặc varicella-zoster (VZV), thuốc kháng virus acyclovir tiêm tĩnh mạch nên được sử dụng.
- Nếu nguyên nhân là nhiễm nấm cần sử dụng thuốc kháng nấm để điều trị.
- Đối với viêm màng não do thuốc, việc ngừng sử dụng thuốc gây bệnh là rất quan trọng. Nếu cần thiết, thuốc này nên được thay thế bằng một loại thuốc khác không gây kích ứng màng não.
- Điều trị các nguyên nhân khác (bệnh hệ thống, lao, ký sinh trùng) sẽ tùy thuộc vào chẩn đoán cụ thể.
- Corticosteroid như Dexamethasone có thể được sử dụng như liệu pháp bổ trợ để giảm phản ứng viêm, đặc biệt trong trường hợp nghi ngờ viêm màng não do vi khuẩn trong khi chờ kết quả cấy. Nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của nó trong việc giảm các di chứng thần kinh ngắn hạn và mất thính lực trong viêm màng não do vi khuẩn. Tuy nhiên, việc sử dụng corticosteroid trong viêm màng não vô khuẩn thường không được khuyến cáo trừ khi có các chỉ định cụ thể khác (trong một số bệnh hệ thống gây viêm màng não).
- Lặp lại chọc dò tủy sống thường không cần thiết nhưng nên được xem xét ở những bệnh nhân có tình trạng lâm sàng không cải thiện sau 48 giờ điều trị.
- Sau khi chẩn đoán xác định viêm màng não vô khuẩn và đảm bảo bệnh nhân ổn định về mặt lâm sàng, việc cho bệnh nhân xuất viện về nhà thường phù hợp, ngoại trừ các trường hợp liên quan đến bệnh nhân lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch và trẻ em có tăng bạch cầu trong CSF. Hướng dẫn chăm sóc tại nhà nên được điều chỉnh cho phù hợp với nguyên nhân cụ thể.
Ngoại khoa
Phẫu thuật thường không phải là phương pháp điều trị chính cho viêm màng não vô khuẩn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, phẫu thuật có thể cần thiết để giải quyết các biến chứng hoặc các nguyên nhân tiềm ẩn như biến chứng não úng thủy và áp xe cận màng não.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm màng não vô khuẩn
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến nặng của viêm màng não vô khuẩn
Chế độ sinh hoạt
Nghỉ ngơi đầy đủ: Tránh các hoạt động gắng sức và đảm bảo ngủ đủ giấc để cơ thể có thời gian phục hồi.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Uống thuốc đúng liều lượng và thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo dõi triệu chứng: Lưu ý các triệu chứng của bạn và báo cho bác sĩ nếu chúng trở nên tồi tệ hơn hoặc xuất hiện các triệu chứng mới.
Tránh các tác nhân kích thích: Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mạnh và tiếng ồn lớn nếu bạn bị sợ ánh sáng hoặc đau đầu.
Chế độ dinh dưỡng
Uống đủ nước: Duy trì đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt nếu bạn bị sốt, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Chế độ ăn giàu dinh dưỡng: Ăn đầy đủ các nhóm chất, nhiều rau xanh,... giúp cơ thể có tổng trạng tốt nhất có thể.
Phương pháp phòng ngừa viêm màng não vô khuẩn hiệu quả
Phương pháp phòng ngừa đặc hiệu
Tiêm đầy đủ các loại vắc xin được khuyến cáo có thể phòng ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn có thể dẫn đến viêm màng não bao gồm vắc xin sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, bại liệt, cúm, Haemophilus influenzae type B (Hib), Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn) và Neisseria meningitidis (não mô cầu khuẩn). Vắc xin phòng ngừa Arbovirus có thể được khuyến cáo cho những người sống hoặc đi du lịch đến các khu vực lưu hành. Vắc xin ngừa não mô cầu nhóm B cũng có sẵn cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Phương pháp phòng ngừa không đặc hiệu
Vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Tránh chạm tay vào mặt, mắt, mũi: Đây là những con đường lây truyền phổ biến của virus và vi khuẩn.
Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh: Hạn chế tiếp xúc với những người có triệu chứng nhiễm trùng, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Kiểm soát côn trùng: Đối với các bệnh do Arbovirus lây truyền qua muỗi (virus West Nile), hãy sử dụng thuốc chống côn trùng và thực hiện các biện pháp để kiểm soát quần thể muỗi xung quanh nhà bạn.