Tìm hiểu chung về viêm gan cấp
Viêm gan cấp là tình trạng tổn thương và viêm nhiễm xảy ra đột ngột tại mô gan, kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, thường dưới 6 tháng. Bệnh có thể diễn tiến âm thầm hoặc biểu hiện rõ rệt qua các triệu chứng như mệt mỏi, vàng da, buồn nôn, ăn uống kém.
Trong nhiều trường hợp, viêm gan cấp có thể tự giới hạn và khỏi hoàn toàn nếu người bệnh được nghỉ ngơi hợp lý, chăm sóc đúng cách và theo dõi y tế cẩn thận. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như suy gan cấp, một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng, hoặc để lại di chứng lâu dài dưới dạng viêm gan mạn tính, dần dẫn đến xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm gan cấp là do nhiễm virus viêm gan, đặc biệt là các chủng virus A, B, C, D và E. Ngoài ra, bệnh còn có thể khởi phát do các yếu tố khác như: Lạm dụng rượu bia kéo dài, sử dụng thuốc hoặc hóa chất có độc tính đối với gan, mắc các bệnh lý tự miễn khiến hệ miễn dịch tấn công nhầm vào tế bào gan, hay do tiếp xúc với các chất độc trong môi trường sống, thực phẩm bẩn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Việc hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa, điều trị hiệu quả và giảm thiểu các biến chứng về sau.
Triệu chứng viêm gan cấp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm gan cấp
Triệu chứng của viêm gan cấp thường phát triển qua ba giai đoạn:
- Giai đoạn khởi phát (tiền triệu): Cơ thể thường có cảm giác mệt mỏi, sốt nhẹ, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp và có thể đau vùng hạ sườn phải.
- Giai đoạn vàng da: Xuất hiện vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu. Một số người bệnh có thể bị ngứa da, đau bụng nhẹ.
- Giai đoạn phục hồi: Các triệu chứng dần thuyên giảm, cảm giác ăn uống ngon miệng trở lại và gan bắt đầu hồi phục.
Ở một số trường hợp, đặc biệt là trẻ em, bệnh có thể không biểu hiện rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm gan cấp
Dù phần lớn trường hợp viêm gan cấp có thể tự hồi phục, một số bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:
- Suy gan cấp: Tình trạng gan mất chức năng đột ngột, có thể gây rối loạn đông máu, hôn mê gan và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Chuyển sang viêm gan mạn tính: Nhất là với viêm gan B và C, nếu virus tồn tại lâu dài trong cơ thể sẽ gây tổn thương gan kéo dài, dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
- Viêm gan tái phát: Có thể xảy ra sau vài tuần hoặc vài tháng kể từ lần mắc đầu tiên, đặc biệt ở viêm gan A và E.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh cần đến khám bác sĩ ngay nếu có các biểu hiện:
- Mệt mỏi dai dẳng, ăn uống kém.
- Buồn nôn, nôn nhiều ngày.
- Nước tiểu sẫm màu, vàng da, vàng mắt.
- Đau vùng hạ sườn phải.
- Có tiền sử tiếp xúc với người nhiễm viêm gan, tiêm chích không an toàn hoặc sống trong vùng dịch tễ.
Nguyên nhân gây viêm gan cấp
Viêm gan cấp có thể do nhiều tác nhân khác nhau gây ra, trong đó bao gồm:
- Virus viêm gan: Gồm các chủng A, B, C, D và E. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất.
- Rượu bia: Lạm dụng rượu có thể gây tổn thương gan, đặc biệt ở người có tiền sử bệnh gan.
- Thuốc và hóa chất: Một số thuốc như paracetamol, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị lao... có thể gây độc cho gan nếu dùng sai liều.
- Bệnh tự miễn: Hệ miễn dịch nhầm lẫn và tấn công vào tế bào gan gây viêm.
- Nhiễm trùng khác: Một số loại ký sinh trùng, vi khuẩn như sốt rét, leptospira... cũng có thể làm tổn thương gan.

Nguy cơ mắc phải viêm gan cấp
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm gan cấp?
Những đối tượng sau có nguy cơ cao mắc viêm gan cấp:
- Người chưa tiêm vắc xin phòng viêm gan A, B.
- Người sử dụng ma túy, dùng chung kim tiêm.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với máu và dịch cơ thể.
- Người sống ở nơi điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước ô nhiễm.
- Bệnh nhân đang điều trị thuốc ảnh hưởng đến gan.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm gan cấp
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Sử dụng thực phẩm, nước uống không hợp vệ sinh.
- Dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm bệnh.
- Không rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi ăn.
- Sống trong vùng có dịch viêm gan lưu hành.
- Lạm dụng rượu, thuốc, các chất độc hại cho gan.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm gan cấp
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm gan cấp
Để xác định bệnh viêm gan cấp, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm và kiểm tra sau:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra men gan (ALT, AST), bilirubin, và các chỉ số chức năng gan. Xét nghiệm huyết thanh học giúp phát hiện virus viêm gan.
- Siêu âm bụng: Đánh giá hình thái gan, phát hiện các bất thường nếu có.
- Sinh thiết gan: Trong một số trường hợp đặc biệt, giúp xác định mức độ viêm và tổn thương gan.
Điều trị viêm gan cấp
Nội khoa
Đa số các trường hợp viêm gan cấp có thể điều trị nội khoa bao gồm:
- Nghỉ ngơi tuyệt đối trong giai đoạn cấp.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tránh thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ.
- Uống nhiều nước, có thể dùng oresol nếu nôn nhiều.
- Sử dụng thuốc hạ men gan, bảo vệ gan, thuốc giảm triệu chứng theo chỉ định bác sĩ.
- Trong trường hợp viêm gan do virus B hoặc C, có thể sử dụng thuốc kháng virus tùy theo diễn tiến lâm sàng.
Ngoại khoa
Ghép gan có thể được cân nhắc trong trường hợp suy gan cấp không đáp ứng điều trị nội khoa, tuy nhiên đây là biện pháp cuối cùng, đòi hỏi điều kiện y tế đặc biệt.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm gan cấp
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm gan cấp
Chế độ sinh hoạt
Để hạn chế diễn tiến của viêm gan cấp, bạn nên thực hiện những việc sau:
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức.
- Không sử dụng rượu bia, thuốc không được chỉ định.
- Duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ.
- Tái khám định kỳ để theo dõi chức năng gan và phát hiện biến chứng sớm.
Chế độ dinh dưỡng
Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ để giúp hỗ trợ cho cơ thể bạn, và chú ý tuyệt đối không dùng rượu bia cũng như các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Chế độ ăn bạn có thể tham khảo như sau:
- Ăn thực phẩm dễ tiêu, giàu đạm như trứng, sữa, cá, đậu hũ.
- Bổ sung rau xanh và trái cây tươi chứa nhiều vitamin C, A, E.
- Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ ăn nhanh.
- Uống đủ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày.
Phòng ngừa viêm gan cấp
Đặc hiệu
Tiêm phòng viêm gan là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm gan A và B. Tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B có thể tạo miễn dịch lâu dài.

Không đặc hiệu
Các phương pháp phòng ngừa viêm gan cấp khác bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Dùng nước uống đã được đun sôi hoặc xử lý.
- Không dùng chung kim tiêm, vật dụng cá nhân.
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su.
- Thận trọng khi truyền máu, làm đẹp, xăm mình ở nơi không đảm bảo vệ sinh.
Viêm gan cấp là bệnh lý có thể phục hồi tốt nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu chủ quan, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc phòng bệnh thông qua tiêm chủng, cải thiện vệ sinh, dinh dưỡng và theo dõi sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng.
Bảo vệ lá gan khỏe mạnh, đừng để viêm gan cấp trở thành mối đe dọa âm thầm. Hãy chủ động bảo vệ bản thân và người thân ngay hôm nay tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu, địa chỉ uy tín, an toàn với đội ngũ chuyên môn tận tâm và hệ thống vắc xin đạt chuẩn.