Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như chế độ ăn không phù hợp, loạn khuẩn đường ruột hoặc do dùng thuốc kháng sinh kéo dài. Nếu không được xử lý kịp thời, rối loạn tiêu hóa ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng và tăng trưởng toàn diện. Bài viết sau sẽ giúp cha mẹ nhận biết dấu hiệu và lựa chọn cách chăm sóc phù hợp cho trẻ.
Các yếu tố nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
Tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến mà phụ huynh nên quan tâm:
Hệ miễn dịch vẫn đang trong quá trình hoàn thiện
Trong giai đoạn từ sơ sinh đến khoảng 6 tuổi, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu và chưa hoạt động hiệu quả. Điều này khiến trẻ dễ bị tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm tấn công, gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Lượng lợi khuẩn trong đường ruột cũng chưa đủ mạnh để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại.
Ăn thực phẩm không an toàn
Nếu trẻ ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh, chứa phụ gia độc hại, dầu chiên đi chiên lại hoặc thực phẩm ôi thiu, hệ tiêu hóa sẽ dễ bị tổn thương. Đặc biệt với trẻ đang bú mẹ, thực đơn của mẹ cũng tác động trực tiếp đến đường ruột của bé. Việc mẹ ăn đồ sống, kém vệ sinh hay dùng nước bẩn để chế biến có thể khiến trẻ gặp vấn đề như tiêu chảy hoặc buồn nôn.

Ảnh hưởng của thuốc kháng sinh
Một nguyên nhân thường gặp gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là do sử dụng thuốc kháng sinh. Thuốc không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh mà còn làm giảm số lượng lợi khuẩn, dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh trong ruột.
Tác động từ các bệnh lý khác
Khi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản hoặc viêm phổi, trẻ thường tiết nhiều đờm chứa vi khuẩn. Nếu trẻ nuốt phải đờm, vi khuẩn có thể theo đường tiêu hóa đi xuống ruột, gây viêm nhiễm và dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa
Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, cơ thể thường xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường như thay đổi trong việc đi ngoài, đầy hơi, chướng bụng hoặc đau bụng từng cơn.
- Táo bón: Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ ăn nhiều thực phẩm khó tiêu, nhiều chất béo hoặc đạm động vật. Khi bị táo bón, trẻ thường lười ăn, mệt mỏi và nếu kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng thể chất.
- Tiêu chảy: Nếu trẻ đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày, rất có thể là dấu hiệu tiêu chảy. Biến chứng nguy hiểm của tiêu chảy là mất nước và rối loạn điện giải, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Trong trường hợp này, cần cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung nước điện giải và duy trì chế độ ăn hợp lý để nhanh hồi phục.
- Đi ngoài phân sống, kèm đầy bụng: Đây là dấu hiệu của loạn khuẩn đường ruột - tình trạng mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong hệ tiêu hóa. Bình thường, vi khuẩn có lợi chiếm phần lớn trong ruột, giúp hỗ trợ tiêu hóa và bảo vệ niêm mạc ruột. Khi tỷ lệ này bị đảo ngược, trẻ có thể đi phân lỏng, có nhầy hoặc thức ăn chưa tiêu hóa hết.
- Nôn trớ, trào ngược: Biểu hiện này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa còn non yếu. Tuy nhiên, nếu tình trạng trào ngược kéo dài, trẻ có thể bị sụt cân, biếng ăn hoặc gặp các biến chứng về đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phổi. Về lâu dài, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa?
Đối với mỗi tình huống rối loạn tiêu hóa ở trẻ, cha mẹ cần có biện pháp xử lý đúng cách và kịp thời để giảm thiểu sự khó chịu cũng như nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khi trẻ bị nôn hoặc trớ, phụ huynh nên làm theo các bước sau:
- Đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh sặc, sau đó dùng khăn mềm hoặc gạc sạch thấm hết chất nôn ở miệng, mũi và họng.
- Dùng tay vỗ nhẹ vào lưng trẻ để giúp trẻ ho, tống hết phần còn lại ra ngoài.
- Dùng khăn ấm lau miệng, cổ và thân người cho trẻ, sau đó thay đồ sạch.
- Theo dõi biểu hiện tiếp theo của trẻ, xem liệu còn tiếp tục nôn không và tình trạng nôn có nghiêm trọng hơn không.
Trường hợp trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên ưu tiên bù nước bằng dung dịch điện giải. Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ đến khi hết khát. Lưu ý dung dịch điện chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ, nếu thừa thì phải bỏ đi.
Nếu trẻ bị táo bón do rối loạn tiêu hóa, phụ huynh cần xác định nguyên nhân cụ thể. Táo bón thường được nhận biết khi trẻ đi ngoài ít, phân khô cứng như phân dê, bụng chướng và có cảm giác đau khi đi tiêu. Khi đó, nên cho trẻ uống nhiều nước, tăng cường rau xanh trong khẩu phần, đặc biệt là các loại có tác dụng nhuận tràng như rau mồng tơi, rau lang, khoai lang và các loại trái cây như chuối, cam, bưởi…
Đối với trẻ còn bú sữa công thức, cha mẹ nên chọn loại sữa hỗ trợ tiêu hóa tốt, có bổ sung chất xơ hòa tan để ngăn ngừa táo bón. Tránh cho trẻ ăn các loại trái cây có vị chát như ổi hoặc hồng xiêm vì chúng dễ gây táo bón nặng hơn.

Các cách giúp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng và sự phát triển của trẻ nhỏ. Vì vậy, thay vì để đến lúc phải lo lắng trẻ bị rối loạn tiêu hóa phải làm sao, cha mẹ nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh từ sớm như sau:
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục duy trì càng lâu càng tốt. Sữa mẹ chứa kháng thể và lợi khuẩn tự nhiên giúp tăng sức đề kháng đường ruột, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa.
- Đảm bảo chế độ ăn uống khoa học: Thực đơn của trẻ cần đầy đủ các nhóm chất gồm tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Không nên cho trẻ ăn thiên lệch một nhóm thực phẩm vì dễ gây mất cân bằng, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa.
- Giữ thực phẩm an toàn: Nguyên liệu cần đảm bảo tươi sạch, không có chất bảo quản hoặc tồn dư thuốc. Khi chế biến, hãy sử dụng nước sạch và nấu chín kỹ thức ăn, đồng thời dạy trẻ uống nước đã đun sôi.
- Vệ sinh cá nhân và môi trường sống: Ngoài ăn uống hợp vệ sinh, cha mẹ cần chú ý tắm rửa, thay đồ sạch cho trẻ mỗi ngày. Đồ chơi, sàn nhà, chăn ga... cũng nên được vệ sinh thường xuyên để giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ môi trường.
- Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ: Khi trẻ nhai kỹ, thức ăn được nghiền nát và trộn đều với enzyme tiêu hóa trong nước bọt, giúp giảm tải cho dạ dày và ruột. Điều này không chỉ hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn mà còn cải thiện cảm giác ngon miệng.
- Tăng cường vận động phù hợp: Khuyến khích trẻ vận động mỗi ngày thông qua các trò chơi như đá bóng, đạp xe, bơi lội hoặc nhảy dây. Vận động không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn kích thích tiêu hóa và cải thiện hấp thu dinh dưỡng hiệu quả.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là tình trạng thường gặp nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và cải thiện nếu cha mẹ hiểu đúng và chăm sóc kịp thời. Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ gìn vệ sinh và theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường sẽ giúp hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Chủ động phòng ngừa là cách tốt nhất để giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa ở trẻ em ngay từ sớm.
Tiêm vắc xin đầy đủ giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ uy tín được nhiều phụ huynh lựa chọn để tiêm phòng cho con. Tại đây, trẻ được theo dõi sau tiêm cẩn thận, đội ngũ y tế thân thiện và vắc xin luôn đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Để được tư vấn và đặt lịch tiêm, phụ huynh vui lòng gọi đến số hotline miễn phí 18006928 của Tiêm chủng Long Châu.