Viêm phế quản là một trong những bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong những tháng giao mùa hoặc khi thời tiết trở lạnh. Trẻ thường xuất hiện các triệu chứng như ho nhiều, khò khè, sốt nhẹ đến cao, quấy khóc, mệt mỏi kéo dài. Trong nhiều trường hợp, trẻ bị viêm phế quản uống kháng sinh không khỏi. Điều này thường gặp và thường bắt nguồn từ việc điều trị không đúng nguyên nhân gây bệnh. Hiểu đúng bản chất bệnh lý và cách sử dụng thuốc hợp lý chính là chìa khóa giúp trẻ mau hồi phục và tránh những biến chứng không mong muốn.
Nguyên nhân trẻ bị viêm phế quản uống kháng sinh không khỏi
Trẻ bị viêm phế quản uống kháng sinh không khỏi thường do sai sót trong việc xác định nguyên nhân và sử dụng thuốc. Nếu điều trị không đúng hướng, bệnh có thể kéo dài hoặc nặng thêm. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến.
Kháng sinh không hiệu quả nếu nguồn gây bệnh là virus
Theo Bộ Y tế Việt Nam, từ 50 đến 90% trường hợp viêm phế quản cấp ở trẻ do virus gây ra. Khi trẻ ho, sốt nhẹ, khò khè nhưng vẫn ăn uống và vui chơi bình thường, nhiều khả năng trẻ chỉ bị viêm phế quản nhẹ do virus. Trong trường hợp này, việc lạm dụng kháng sinh để điều trị cho trẻ không những không khỏi bệnh mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như rối loạn tiêu hóa, dị ứng thuốc, nghiêm trọng hơn là đề kháng kháng sinh.

Viêm phế quản có thể do hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng
Một số trẻ có biểu hiện ho kéo dài, khò khè, nhất là về đêm nhưng không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. Đây có thể là dấu hiệu của hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc các tình trạng viêm đường thở do virus. Những bệnh lý này thường bị nhầm với nhiễm khuẩn hô hấp và bị chỉ định kháng sinh không cần thiết.
Trong trường hợp trẻ bị ho do hen suyễn, cần điều trị bằng thuốc giãn phế quản chứ không phải kháng sinh.

Đề kháng kháng sinh - Mối nguy tiềm ẩn cho sức khỏe cộng đồng
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong các trường hợp không cần thiết không chỉ khiến trẻ không khỏi bệnh mà còn dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Một khi trẻ đã bị đề kháng kháng sinh, việc điều trị những bệnh thông thường sau này sẽ gặp nhiều khó khăn, mất đi cơ hội điều trị hiệu quả, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Trên thực tế, không ít trường hợp trẻ bị viêm phế quản uống kháng sinh không khỏi chính là dấu hiệu cảnh báo việc sử dụng thuốc sai cách, góp phần thúc đẩy tình trạng đề kháng kháng sinh ngày càng lan rộng.
Khi nào trẻ cần dùng kháng sinh trong viêm phế quản?
Mặc dù phần lớn viêm phế quản ở trẻ là do virus gây ra. Viêm phế quản do vi khuẩn là trường hợp hiếm, nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ xảy ra, đặc biệt ở trẻ có sức đề kháng kém hoặc bị bội nhiễm. Việc phân biệt đúng nguyên nhân sẽ giúp xác định có cần dùng kháng sinh hay không.
Dấu hiệu viêm phế quản do vi khuẩn:
- Trẻ sốt cao > 38.5°C liên tục nhiều ngày;
- Mệt mỏi, biếng ăn;
- Ho kéo dài > 7 ngày hoặc có đờm vàng, xanh, mùi hôi;
- Thở nhanh hoặc thở rít;
- Có dấu hiệu nhiễm trùng lan tỏa như nổi hạch, da tái xanh, lừ đừ.
Nếu trẻ có các dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và thực hiện xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh phù hợp nếu nguyên nhân do nhiễm khuẩn.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm phế quản không sử dụng kháng sinh
Trong trường hợp viêm phế quản do virus, việc chăm sóc đúng cách tại nhà đóng vai trò quan trọng giúp trẻ mau hồi phục và hạn chế biến chứng. Dưới đây là một số hướng dẫn ba mẹ nên thực hiện:
- Giữ ấm cơ thể trẻ: Giữ ấm vào mùa lạnh, phòng và tránh không khí lạnh, khói bụi.
- Uống thuốc hạ sốt và giảm ho theo chỉ định của bác sĩ: Dùng thuốc hạ sốt như paracetamol đúng liều nếu trẻ sốt trên 38.5°C.
- Vệ sinh mũi đúng cách: Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%), hút dịch mũi bằng dụng cụ thích hợp.
- Vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng bàn chải mềm, cho trẻ súc họng bằng nước muối sinh lý.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, bổ sung nước và dinh dưỡng: Uống nhiều nước, sữa, nước hoa quả để tránh mất nước, tăng đề kháng.
- Theo dõi sát: Trẻ sốt cao liên tục, ho nặng hơn hoặc có biểu hiện khó thở, cần đưa trẻ đi khám ngay.
- Phòng bệnh: Phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ như vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng bệnh do phế cầu,...

Viêm phế quản ở trẻ thường do virus và sẽ tự khỏi sau vài ngày đến một tuần khi chăm sóc đúng cách. Trẻ bị viêm phế quản uống kháng sinh không khỏi là hệ quả của việc điều trị sai hướng. Khi xác định nguyên nhân gây bệnh là do virus, việc chăm sóc đúng cách và tránh lạm dụng kháng sinh chính là yếu tố then chốt giúp trẻ hồi phục an toàn và tránh những hệ lụy lâu dài. Thay vì tự ý mua thuốc, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Hy vọng qua bài viết trên, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đã phần nào giúp ba mẹ hiểu rõ vì sao trẻ bị viêm phế quản uống kháng sinh không khỏi, cũng như biết cách xử trí đúng trong từng trường hợp. Chúng tôi tự hào là địa chỉ uy tín trong chăm sóc sức khỏe trẻ em, với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, cơ sở hiện đại và dịch vụ tận tâm, không chỉ cung cấp đầy đủ vắc xin thiết yếu mà còn đồng hành cùng ba mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ. Đừng ngần ngại liên hệ với Long Châu để được tư vấn lịch tiêm phù hợp cho trẻ và nhận những chia sẻ hữu ích nhé!