Theo thống kê từ Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc tiểu đường thai kỳ đang ngày càng tăng, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ trong thai kỳ mà còn để lại hậu quả lâu dài cho em bé sau này. Việc nhận biết sớm các chỉ số đường huyết bất thường trong thai kỳ là yếu tố then chốt giúp ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng. Vậy tiểu đường thai kỳ chỉ số bao nhiêu là nguy hiểm và mẹ bầu cần làm gì để phòng tránh?
Tiểu đường thai kỳ chỉ số bao nhiêu là nguy hiểm?
Để xác định có mắc tiểu đường thai kỳ hay không, mẹ bầu sẽ được thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT) trong giai đoạn tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ. Bộ Y tế Việt Nam cùng WHO và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) đều thống nhất đưa ra ngưỡng chỉ số như sau:
- Đường huyết lúc đói: ≥ 92 mg/dL (5.1 mmol/L).
- 1 giờ sau uống 75g glucose: ≥ 180 mg/dL (10.0 mmol/L).
- 2 giờ sau uống: ≥ 153 mg/dL (8.5 mmol/L).
Chỉ cần một trong ba chỉ số trên vượt ngưỡng, mẹ bầu sẽ được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ. Vậy, tiểu đường thai kỳ chỉ số bao nhiêu là nguy hiểm?
Nếu đường huyết ≥ 200 mg/dL (11.1 mmol/L) ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm sẽ tăng cao. Đây là mức cảnh báo đặc biệt, báo hiệu cơ thể mẹ bầu đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc kiểm soát lượng đường. Các biến chứng như đa ối, thai to, tiền sản giật,... có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nếu không có biện pháp can thiệp y tế kịp thời.
Lưu ý: Chỉ số đường huyết càng cao, nguy cơ biến chứng càng lớn. Việc theo dõi định kỳ và can thiệp sớm là cực kỳ cần thiết để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Tại sao tiểu đường thai kỳ nguy hiểm cho mẹ và bé?
Nếu không kiểm soát tốt tiểu đường thai kỳ, cả mẹ và bé sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe.
Nguy cơ đối với mẹ:
- Tiền sản giật: Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không phát hiện sớm.
- Sinh non: Mẹ mắc tiểu đường thai kỳ thường có nguy cơ sinh con trước tuần thứ 37.
- Đa ối: Lượng nước ối quá nhiều do thai nhi bài tiết glucose dư thừa.
- Nguy cơ sau sinh: Khoảng 50% phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ sẽ phát triển thành tiểu đường type 2 sau 5 – 10 năm nếu không kiểm soát tốt lối sống.
Nguy cơ đối với thai nhi:
- Thai to vượt chuẩn (macrosomia) khiến việc sinh thường gặp khó khăn, dễ sang chấn, gãy xương đòn, tổn thương não do thiếu oxy.
- Rối loạn chuyển hóa: Sau sinh, bé có thể bị hạ đường huyết, vàng da, rối loạn điện giải, thậm chí suy hô hấp.
- Béo phì và tiểu đường sớm: Nhiều nghiên cứu chỉ ra trẻ sinh ra từ mẹ bị tiểu đường thai kỳ dễ gặp tình trạng béo phì và kháng insulin khi trưởng thành.

Khi nào cần làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ? Quy trình ra sao?
Tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ là thời điểm tối ưu để thực hiện xét nghiệm OGTT. Trong trường hợp có yếu tố nguy cơ cao như béo phì, tuổi >35, tiền sử sinh con nặng cân, tiền sử gia đình mắc tiểu đường,... mẹ nên thực hiện xét nghiệm sớm hơn (từ tuần thứ 16 – 20). Dưới đây là quy trình xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT) mẹ bầu cần nắm rõ:
- Bước 1: Nhịn ăn ít nhất 8 tiếng.
- Bước 2: Uống 75g glucose pha loãng trong vòng 5 phút.
- Bước 3: Lấy máu 3 lần, trước uống 1 giờ và 2 giờ sau uống.
Một số trường hợp khác cần theo dõi sát hơn bao gồm:
- Mẹ bầu có kết quả đường huyết tiệm cận ngưỡng chẩn đoán.
- Có các bệnh lý thai kỳ như cao huyết áp, đa thai, hội chứng buồng trứng đa nang.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh chuyển hóa hoặc đái tháo đường type 2.

Mẹ bầu nên làm gì nếu bị tiểu đường thai kỳ?
Nếu được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu cần giữ tâm lý ổn định, không cần quá lo lắng. Việc quan trọng là cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện các việc sau đây:
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Hạn chế thực phẩm giàu tinh bột nhanh như gạo trắng, bánh mì trắng,... Thay vào đó, hãy tăng cường chất xơ, rau xanh, đạm thực vật và động vật nạc. Ngoài ra, mẹ hãy chia nhỏ bữa ăn, ăn 5 – 6 bữa/ngày, ăn đúng giờ và lượng vừa đủ để tránh tăng đường huyết sau ăn.
Vận động khoa học
Mẹ bầu hãy duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng mỗi ngày. Mẹ có thể đi bộ, tập yoga cho bà bầu hoặc bơi nếu không có chống chỉ định từ bác sĩ. Tránh nằm ngay sau khi ăn vì điều này sẽ dễ làm tăng chỉ số đường huyết.
Theo dõi đường huyết tại nhà
Dùng máy đo đường huyết cá nhân vào các thời điểm: Trước ăn, sau ăn 1 giờ và trước khi đi ngủ. Mẹ bầu hãy ghi nhật ký để tiện theo dõi sự thay đổi theo thời gian, giúp bác sĩ đánh giá và điều chỉnh phác đồ kịp thời.
Tuân thủ điều trị y tế
Đa số mẹ bầu có thể kiểm soát tốt tình trạng tiểu đường thai kỳ chỉ bằng cách ăn uống và vận động khoa học. Trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kê insulin, hoàn toàn an toàn trong thai kỳ nếu dùng đúng cách.

Làm sao để phòng ngừa tiểu đường thai kỳ từ sớm?
Phòng bệnh sẽ luôn hơn chữa bệnh, đừng đợi tới khi đã bị mắc tiểu đường thai kỳ mới lo lắng không biết “Tiểu đường thai kỳ chỉ số bao nhiêu là nguy hiểm?”. Chị em hãy kết hợp thực hiện các biện pháp sau đây để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.
Kiểm tra sức khỏe tiền thai sản
Nếu có yếu tố nguy cơ, mẹ nên xét nghiệm đường huyết ngay từ trước khi mang thai đồng thời duy trì cân nặng ở mức hợp lý, ổn định nội tiết trước khi có kế hoạch mang thai.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Xây dựng một lối sống lành mạnh bằng cách tăng cường vận động thường xuyên như đi bộ, đạp xe nhẹ, yoga,... Ăn đủ dưỡng chất, giảm đường và chất béo bão hòa. Tuyệt đối không hút thuốc, hạn chế thức ăn nhanh, tránh sử dụng đồ uống có gas hoặc caffein quá mức.
Tái khám và tiêm chủng đầy đủ
Thực hiện thám khai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, hãy tiêm phòng các loại vắc xin quan trọng đầy đủ trước và trong thai kỳ (cúm, uốn ván, rubella,...) giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và hỗ trợ kiểm soát tốt đường huyết. Hãy trao đổi với bác sĩ về các loại vắc xin phù hợp cho từng giai đoạn thai kỳ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Tiểu đường thai kỳ chỉ số bao nhiêu là nguy hiểm? Qua bài viết này, chắc hẳn bạn đã nắm rõ ngưỡng cảnh báo và các biện pháp cần thiết để phòng ngừa biến chứng. Đây là tình trạng không thể chủ quan nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát hiệu quả bằng việc ăn uống hợp lý, vận động đúng cách, theo dõi chỉ số thường xuyên và tuân thủ điều trị. Đừng quên việc thực hiện tiêm chủng vắc xin đầy đủ trước và trong thai kỳ không chỉ giúp mẹ tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà còn là yếu tố hỗ trợ sức khỏe thai kỳ toàn diện, giảm nguy cơ biến chứng do các bệnh lý nền như tiểu đường.
Nếu bạn đang mang thai hoặc có ý định mang thai, đừng quên thăm khám sớm, tầm soát đường huyết đúng thời điểm và tham khảo ý kiến bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.