Sùi mào gà ở miệng là một bệnh lý đang được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi quan hệ tình dục bằng miệng trở nên phổ biến. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng cũng như chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vậy sùi mào gà ở miệng có biểu hiện ra sao? Điều trị và phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu rõ hơn trong bài viết sau.
Bệnh sùi mào gà ở miệng là gì?
Sùi mào gà, hay còn gọi là mụn cóc sinh dục hoặc mồng gà, là một bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn và khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Bệnh do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra và có thể ảnh hưởng đến cả nam lẫn nữ. Theo thống kê, khoảng 80% người sẽ nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời, nhưng nhiều trường hợp không gây ra triệu chứng và có thể tự khỏi.
Sùi mào gà ở miệng thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu, khiến người bệnh khó nhận biết và làm tăng nguy cơ lây lan. Đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện của các nốt sần (mụn cóc), thường phát triển bên trong miệng hoặc ở cổ họng.
/tim_hieu_chi_tiet_ve_sui_mao_ga_o_mieng_4_955e5151f7.jpg)
Mặc dù sùi mào gà ở miệng hiếm khi biến chứng thành ung thư hầu họng, nhưng nguy cơ này vẫn tồn tại. Nếu ung thư hầu họng xảy ra, các tế bào ung thư có thể hình thành ở giữa cổ họng bao gồm amidan, lưỡi và thành hầu, do sự phát triển của virus HPV trong miệng.
Các dấu hiệu ban đầu của ung thư hầu họng có thể bao gồm:
- Khó nuốt;
- Đau tai kéo dài;
- Ho ra máu;
- Sụt cân không rõ nguyên nhân;
- Sưng hạch bạch huyết;
- Đau họng dai dẳng;
- Sưng má;
- Xuất hiện khối u ở cổ;
- Khàn tiếng.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ liên quan đến HPV, hãy nhanh chóng đặt lịch hẹn với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
Sùi mào gà lây truyền qua đường miệng như thế nào?
Miệng là khu vực có niêm mạc mỏng, ẩm ướt và dễ tổn thương, do đó, việc quan hệ tình dục bằng miệng làm tăng nguy cơ lây nhiễm sùi mào gà. Theo các chuyên gia, những đối tượng có nguy cơ cao mắc sùi mào gà ở miệng thường là những người quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là khi có nhiều bạn tình hoặc quan hệ với gái mại dâm.
Các con đường lây nhiễm sùi mào gà ở miệng phổ biến gồm:
- Quan hệ tình dục bằng miệng: Nếu miệng tiếp xúc trực tiếp với vùng sinh dục của người mắc sùi mào gà, virus có thể lây lan gây bệnh tại lưỡi, miệng và họng.
- Hôn người mắc bệnh: Việc hôn môi người nhiễm sùi mào gà, dù chỉ một lần, có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm lên đến 85%.
- Dùng chung vật dụng cá nhân: Sử dụng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt hoặc dụng cụ vệ sinh răng miệng với người nhiễm HPV có thể làm tăng nguy cơ lây truyền virus. Virus HPV có thể tồn tại trong dịch tiết vùng miệng và niêm mạc, do đó việc tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng này có khả năng dẫn đến nhiễm trùng niêm mạc miệng và họng.
/tim_hieu_chi_tiet_ve_sui_mao_ga_o_mieng_5_8515aa6c0f.png)
Biểu hiện của sùi mào gà ở miệng
Virus HPV tồn tại với hơn 40 chủng khác nhau và có tốc độ lây lan mạnh. Khi nhiễm bệnh, các nốt mụn li ti có thể xuất hiện và nhanh chóng phát triển thành cụm lớn. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể lan rộng ra các khu vực xung quanh và trở nên khó kiểm soát.
Nhiều người dễ nhầm lẫn sùi mào gà ở miệng với bệnh nhiệt miệng, tuy nhiên, hai bệnh lý này có những đặc điểm hoàn toàn khác nhau:
Triệu chứng của nhiệt miệng
- Xuất hiện các vết loét nhỏ trong miệng.
- Các vết loét nhỏ, nông xuất hiện trong khoang miệng, có viền đỏ bao quanh và trung tâm trắng hoặc vàng. Tổn thương gây đau rát, đặc biệt khi ăn uống hoặc nói chuyện.
- Bệnh có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày.
Triệu chứng của sùi mào gà ở miệng
- Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1 - 9 tháng trước khi xuất hiện triệu chứng.
- Xuất hiện các mụn nhỏ li ti ở môi, lợi, vòm họng, ban đầu có kích thước nhỏ như hạt gạo.
- Các mụn này nhanh chóng phát triển thành nốt sần lớn, có hình dạng giống mào gà hoặc súp lơ.
- Vòm họng đau, sưng tấy, đặc biệt khi ăn uống hoặc nuốt nước bọt.
- Bệnh không thể tự khỏi và có khả năng lây lan sang người khác.
- Gây vướng víu khi nhai hoặc nuốt thức ăn.
- Việc nhận diện đúng bệnh và điều trị kịp thời là rất quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm.
/tim_hieu_chi_tiet_ve_sui_mao_ga_o_mieng_2_549fbd7c6f.png)
Điều trị sùi mào gà ở miệng như thế nào?
Hầu hết các loại HPV ở miệng có thể tự biến mất trước khi gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, virus có thể kích thích sự phát triển của mụn cóc ở miệng, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị để loại bỏ mụn cóc, bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ: Loại bỏ trực tiếp mụn cóc bằng phương pháp tiểu phẫu.
- Phẫu thuật lạnh (Cryotherapy): Sử dụng nitơ lỏng để đóng băng và tiêu diệt mô mụn cóc, giúp loại bỏ tổn thương hiệu quả.
- Tiêm interferon alfa-2B (Intron A, Roferon-A): Đây là một loại thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa sự phát triển của virus HPV.
- Thuốc bôi tại chỗ: Một số loại thuốc có thể được chỉ định để điều trị mụn cóc, tuy nhiên phương pháp này thường khó đạt hiệu quả triệt để và bệnh có thể tái phát.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, vị trí tổn thương và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, HPV ở miệng có thể dẫn đến ung thư hầu họng. Khi đó, quá trình điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn, phụ thuộc vào:
- Giai đoạn phát triển của ung thư (sớm hay muộn).
- Vị trí khối u (ở amidan, vòm họng hay lưỡi).
- Nguyên nhân gây bệnh (do HPV hay các yếu tố khác như hút thuốc, uống rượu).
/sui_mao_ga_o_mieng_con_duong_lay_nhiem_va_cach_phong_ngua_1f4475e308.png)
Nhìn chung, ung thư hầu họng do HPV thường có tiên lượng tốt hơn so với ung thư do các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần được điều trị chuyên sâu bằng một hoặc kết hợp các phương pháp sau:
- Xạ trị: Sử dụng tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Phẫu thuật: Loại bỏ khối u để ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư.
- Hóa trị: Dùng thuốc tiêu diệt tế bào ung thư, thường được áp dụng khi bệnh đã tiến triển nặng.
- Kết hợp các phương pháp: Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp xạ trị, hóa trị và phẫu thuật để đạt hiệu quả cao nhất.
Việc phát hiện sớm sùi mào gà ở miệng và điều trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ ung thư. Nếu bạn có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm HPV, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Cách phòng ngừa sùi mào gà ở miệng
Hầu hết các tổ chức y tế không khuyến nghị sàng lọc HPV ở miệng, nhưng bạn có thể phòng ngừa virus này bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh:
Quan hệ tình dục an toàn
- Dùng bao cao su giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV đến 70%.
- Chung thủy một vợ một chồng để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với virus.
- Vệ sinh răng miệng sau khi quan hệ bằng miệng.
Chế độ ăn uống lành mạnh
- Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như việt quất, cà chua, rau lá xanh, ngũ cốc, hạt, thịt nạc.
- Hạn chế thực phẩm không lành mạnh như thịt đỏ, sữa, đậu nành, chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá), thực phẩm chế biến sẵn.
Tăng cường sức đề kháng
- Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh căng thẳng.
Tiêm vắc xin HPV
- Trẻ 9 - 14 tuổi: Tiêm 2 mũi cách nhau 6 - 12 tháng.
- Từ 15 tuổi trở lên: Tiêm 3 mũi trong 6 tháng.
- Vắc xin Gardasil 9 có thể tiêm cho người từ 27 - 45 tuổi chưa từng được tiêm trước đó.
- Nghiên cứu năm 2017 cho thấy tiêm ít nhất 1 liều giúp giảm 88% nguy cơ nhiễm HPV ở miệng.
- Tiêm phòng vắc xin HPV và duy trì lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi HPV và các biến chứng nguy hiểm.
Sùi mào gà ở miệng tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày. Do đó, nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường ở miệng mà không rõ nguyên nhân, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.