Sẹo lõm do thủy đậu là di chứng thường gặp, nhất là khi da không được chăm sóc đúng cách trong quá trình hồi phục. Tình trạng này dễ xảy ra nếu người bệnh cào gãi hoặc các nốt mụn nước bị nhiễm trùng. Những vết sẹo để lại không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây mất tự tin, đặc biệt khi xuất hiện ở những vùng dễ thấy như mặt, tay hoặc chân.
Sẹo lõm do thủy đậu có chữa khỏi được không?
Về bản chất, sẹo lõm hình thành do tổn thương sâu tại lớp hạ bì, nơi chứa các sợi collagen và elastin đóng vai trò nâng đỡ cấu trúc da. Ngoài việc cào gãi, nhiễm trùng thứ phát cũng là nguyên nhân phổ biến gây sẹo lõm. Khi vùng da bị viêm nhiễm không phục hồi hoàn toàn, quá trình tái tạo da bị rối loạn, dẫn đến việc hình thành các vết lõm trên bề mặt da.

Mặc dù không dễ điều trị dứt điểm, nhưng sẹo lõm thủy đậu hoàn toàn có thể cải thiện đáng kể nếu can thiệp đúng cách, đặc biệt khi điều trị được tiến hành sớm sau khi tổn thương da đã lành. Hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian xuất hiện sẹo, độ sâu tổn thương và phản ứng của cơ địa. Điều quan trọng là người bệnh cần kiên trì, tuân thủ đúng phác đồ điều trị và lựa chọn phương pháp phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng để cải thiện sẹo lõm sau thủy đậu:
Phương pháp tự nhiên
Một số nguyên liệu thiên nhiên như nha đam, mật ong, dầu dừa hay yến mạch thường được sử dụng tại nhà để dưỡng ẩm và làm dịu da. Tuy nhiên, hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học khẳng định hiệu quả rõ rệt của các cách này trong điều trị sẹo lõm. Vì vậy, chúng chỉ nên được xem là biện pháp hỗ trợ, không thể thay thế các phương pháp điều trị chuyên sâu.
Phương pháp không kê toa
Đối với những trường hợp sẹo nhẹ hoặc mới hình thành, bạn có thể lựa chọn một số phương pháp không kê toa để cải thiện tình trạng da ngay tại nhà bao gồm dùng thuốc bôi hoặc tẩy tế bào chết dưới sự tư vấn từ bác sĩ.
Dùng thuốc bôi chứa retinol
Sau khi các tổn thương do thủy đậu đã khô và liền da, bạn có thể dùng kem trị sẹo chứa retinol để hỗ trợ cải thiện các vết sẹo nông. Retinol có khả năng kích thích sản sinh collagen và thúc đẩy quá trình tái tạo da. Tuy nhiên, nếu muốn kết hợp retinol với axit glycolic, bạn cần thận trọng vì sự kết hợp này có thể gây kích ứng, đặc biệt ở làn da nhạy cảm. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi sử dụng đồng thời hai hoạt chất này. Ngoài ra, đừng quên dùng kem chống nắng mỗi ngày để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và hỗ trợ quá trình phục hồi da hiệu quả hơn.

Tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết là bước hỗ trợ quan trọng trong quá trình cải thiện sẹo, giúp loại bỏ lớp sừng già, giảm thô ráp và xỉn màu, từ đó thúc đẩy quá trình tái tạo da. Bạn có thể chọn tẩy tế bào chết vật lý hoặc hóa học tùy theo tình trạng da, nhưng cần sử dụng đúng cách và không lạm dụng để tránh làm tổn thương hàng rào bảo vệ tự nhiên.
Phương pháp điều trị y khoa
Khi các biện pháp chăm sóc tại nhà không mang lại hiệu quả rõ rệt, người bệnh có thể cân nhắc các phương pháp can thiệp y khoa để cải thiện sẹo lõm do thủy đậu. Tùy vào mức độ tổn thương và đặc điểm da, bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc kết hợp nhiều kỹ thuật chuyên sâu như:
- Laser: Sử dụng tia laser tạo vi tổn thương để kích thích tái tạo da và tăng sinh collagen. Đây là phương pháp có mức độ cải thiện cao nhưng cần thực hiện tại các cơ sở uy tín.
- Tiêm filler: Filler thường chứa axit hyaluronic hoặc mô mỡ tự thân, giúp làm đầy vùng da bị lõm. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ mang tính tạm thời, cần lặp lại sau khoảng 6 tháng.
- Mài da vi điểm: Dùng thiết bị chuyên dụng để loại bỏ lớp da chết và kích thích tái tạo mô mới và phương pháp này phù hợp với sẹo nông.
- Phẫu thuật cắt bỏ sẹo: Được áp dụng khi các phương pháp không xâm lấn không hiệu quả, nhất là với sẹo sâu và rộng.
Các yếu tố dẫn đến sẹo lõm trên da
Sẹo lõm thủy đậu hình thành do người bệnh cào hoặc gãi vào các nốt mụn, khiến da bị trầy xước và tạo thành sẹo. Cảm giác ngứa và khó chịu của bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến hành động này. Trong một số trường hợp, khi các nốt thủy đậu bị nhiễm trùng, gây viêm da và làm giảm collagen cũng như chất béo dưới da, dẫn đến hình thành sẹo lõm. Các tế bào sợi tại vùng sẹo bị tổn thương vĩnh viễn, do đó cần có biện pháp điều trị để cải thiện. Sẹo lõm thủy đậu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm thẩm mỹ của làn da.

Làm thế nào để tránh sẹo lõm sau khi bị thủy đậu?
Điều trị sẹo lõm thủy đậu đôi khi yêu cầu sự kiên trì và chi phí không nhỏ. Vì vậy, nếu mắc bệnh thủy đậu, bạn hãy chủ động ngăn ngừa sẹo qua những gợi ý sau:
- Tránh gãi hoặc chà xát vùng da tổn thương, nên áp dụng các biện pháp giảm ngứa theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Giữ da sạch sẽ, tắm rửa bằng nước ấm nhẹ nhàng mỗi ngày.
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tránh thực phẩm có khả năng gây dị ứng hoặc làm tăng viêm da.
- Mặc đồ rộng rãi, thoáng khí để hạn chế ma sát với da.
- Duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý để hỗ trợ quá trình phục hồi.
- Chủ động tiêm vắc xin phòng thủy đậu là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh và biến chứng, bao gồm cả sẹo.

Nếu bạn đang có nhu cầu tiêm chủng, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là địa chỉ đáng tin cậy với đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, bao gồm cả vắc xin thủy đậu. Với cơ sở vật chất hiện đại, quy trình tiêm chủng nghiêm ngặt và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, bạn có thể yên tâm về chất lượng dịch vụ. Việc tiêm phòng đúng thời điểm là cách hiệu quả để tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa biến chứng do bệnh gây ra.
Sẹo lõm do thủy đậu nếu không được điều trị kịp thời và kiên trì có thể để lại ảnh hưởng lâu dài đến thẩm mỹ và sự tự tin. Hy vọng bài viết này đã mang đến những thông tin hữu ích về cách điều trị sẹo lõm thủy đậu, giúp bạn khôi phục làn da khỏe mạnh và mịn màng.