icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
roi_loan_cuong_duong_880eb8d402roi_loan_cuong_duong_880eb8d402

Rối loạn cương dương: Dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Hà Phương23/07/2025

Rối loạn cương dương là tình trạng dương vật không đủ cương hoặc không duy trì được độ cương cứng cần thiết để thực hiện hoạt động tình dục một cách trọn vẹn. Nói cách khác, nam giới mắc bệnh này gặp khó khăn trong việc đạt được hoặc duy trì sự cương cứng cho đến khi hoàn tất giao hợp.

Tìm hiểu chung về rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương là tình trạng rối loạn chức năng sinh lý nam giới. Đây là một trong những tình trạng rối loạn tình dục phổ biến nhất ở nam giới, ảnh hưởng đến chất lượng sống, tâm lý, khả năng sinh sản và hạnh phúc gia đình.

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp nhiều hơn ở nam giới từ 40 tuổi trở lên. Tuy nhiên, do áp lực xã hội hiện đại, lối sống thiếu lành mạnh và nhiều yếu tố nguy cơ khác, rối loạn cương dương đang có xu hướng trẻ hóa nhanh chóng.

Rối loạn cương dương không chỉ là vấn đề sinh lý mà còn phản ánh sức khỏe tim mạch, thần kinh, nội tiết và tâm lý của người bệnh. Do đó, việc nhận biết sớm, thăm khám và điều trị kịp thời là điều vô cùng cần thiết để phòng ngừa các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống nam giới.

Triệu chứng rối loạn cương dương

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương có thể biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau, tùy theo nguyên nhân và thể trạng từng người. Một số dấu hiệu rối loạn cương dương​ gồm:

  • Khó cương cứng: Dương vật không thể cương khi có kích thích tình dục hoặc phải mất rất nhiều thời gian để cương.
  • Không duy trì được sự cương cứng: Dương vật có thể cương nhưng sau đó mềm đi nhanh chóng trước hoặc trong khi quan hệ tình dục.
  • Giảm ham muốn tình dục: Người bệnh mất hứng thú trong chuyện chăn gối, không còn cảm giác kích thích hoặc khoái cảm.
  • Xuất tinh sớm hoặc không xuất tinh: Một số trường hợp đi kèm với rối loạn xuất tinh, ảnh hưởng đến sự thỏa mãn tình dục.
  • Không có sự cương cứng tự nhiên khi ngủ hoặc buổi sáng: Đây là biểu hiện rối loạn cương dương​ gián tiếp cho thấy sự suy giảm chức năng cương dương vật.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh rối loạn cương dương

Nếu không được điều trị đúng cách, rối loạn cương dương có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như:

  • Nam giới mắc bệnh rối loạn cương dương có thể rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm, mặc cảm, tự ti, né tránh bạn tình.
  • Thiếu sự hòa hợp tình dục là nguyên nhân thường thấy dẫn đến rạn nứt mối quan hệ vợ chồng.
  • Dù không trực tiếp gây vô sinh, nhưng rối loạn cương dương có thể làm giảm khả năng quan hệ, khó thụ tinh tự nhiên.
  • Rối loạn cương dương đôi khi là biểu hiện sớm của các bệnh lý tiềm ẩn như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch.
  • Giảm chất lượng sống toàn diện gây mất tự tin, giảm năng suất lao động, giảm sức khỏe thể chất và tinh thần.
Rối loạn cương dương 1
Rối loạn cương dương khiến nam giới mặc cảm và tự ti, ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nam giới nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa nam học hoặc tiết niệu khi có những dấu hiệu sau:

  • Gặp khó khăn trong việc cương cứng kéo dài trên 1 tháng.
  • Không duy trì được sự cương trong phần lớn các lần quan hệ.
  • Có biểu hiện bất thường như giảm ham muốn, đau khi cương, xuất tinh bất thường.
  • Có bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, trầm cảm.
  • Lo lắng về khả năng sinh lý hoặc đang gặp vấn đề về mối quan hệ tình dục.

Nguyên nhân gây rối loạn cương dương

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương thường được chia thành các nhóm chính:

Về sinh lý:

  • Rối loạn mạch máu: Xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, suy tim làm giảm lưu lượng máu đến dương vật.
  • Rối loạn thần kinh: Tổn thương thần kinh ngoại vi, chấn thương tủy sống, bệnh Parkinson, đa xơ cứng.
  • Rối loạn nội tiết: Giảm testosterone, tăng prolactin, suy tuyến giáp.
  • Bệnh mạn tính: Đái tháo đường, bệnh thận, bệnh gan, béo phì.
Rối loạn cương dương 2
Sự suy giảm nồng độ testosterone là một nguyên nhân có thể gây rối loạn cương dương

Về tâm lý:

  • Căng thẳng, lo âu, trầm cảm, xung đột tình cảm.
  • Ám ảnh về khả năng tình dục, áp lực thành tích.
  • Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ hoặc lạm dụng tình dục.

Ảnh hưởng do tác dụng phụ của thuốc:

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp, trầm cảm, an thần, lợi tiểu.
  • Lạm dụng steroid, thuốc chống androgen, thuốc gây mê.

Thói quen không lành mạnh:

  • Hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng chất kích thích (ma túy).
  • Lối sống ít vận động, mất ngủ kéo dài.

Nguy cơ mắc phải rối loạn cương dương

Những ai có nguy cơ mắc bệnh rối loạn cương dương?

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh rối loạn cương dương thường gặp gồm:

  • Nam giới trên 40 tuổi, đặc biệt từ 50 tuổi trở đi.
  • Người mắc bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp.
  • Người béo phì, lười vận động.
  • Người có tiền sử tai biến mạch máu não, chấn thương tủy sống.
  • Nam giới nghiện rượu, thuốc lá, ma túy.
  • Người căng thẳng kéo dài, trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Rối loạn cương dương 3
Béo phì, lười vận động làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn cương dương của bạn

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn cương dương

Nhiều yếu tố môi trường và lối sống cũng góp phần làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn cương dương:

  • Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại trong môi trường lao động (như thuốc trừ sâu, kim loại nặng, dung môi công nghiệp…)
  • Sống trong khu vực ô nhiễm không khí, nước và thực phẩm.
  • Lạm dụng các sản phẩm hỗ trợ cương dương không rõ nguồn gốc.
  • Lạm dụng quan hệ tình dục, đặc biệt là với tần suất quá dày, thiếu thời gian hồi phục hoặc trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng… có thể làm hệ thần kinh và nội tiết bị quá tải, ảnh hưởng xấu đến chức năng cương.
  • Quan hệ tình dục không an toàn với nhiều bạn tình hoặc không sử dụng biện pháp bảo vệ dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như giang mai, lậu, HIV, sùi mào gà), gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục và ảnh hưởng đến khả năng cương dương.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh rối loạn cương dương

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn cương dương

Để xác định bạn có mắc rối loạn cương dương hay không, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác kỹ lưỡng bệnh sử và các triệu chứng lâm sàng liên quan. Việc khám thể chất tập trung vào đánh giá bộ phận sinh dục và các dấu hiệu gợi ý rối loạn nội tiết.

  • Một số xét nghiệm máu thường được chỉ định nhằm kiểm tra các chỉ số như đường huyết, testosterone, prolactin, lipid máu và hormon tuyến giáp - những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chức năng cương.
  • Siêu âm Doppler dương vật giúp đánh giá lưu lượng máu đến dương vật, hỗ trợ xác định nguyên nhân mạch máu.
  • Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định đo cương dương tự nhiên vào ban đêm để phân biệt nguyên nhân tâm lý và thực thể.
  • Đánh giá tâm lý học như sàng lọc trầm cảm hoặc rối loạn lo âu cũng rất quan trọng, bởi yếu tố tâm lý thường đóng vai trò đáng kể trong rối loạn cương dương.
Rối loạn cương dương 4
Hãy đi khám bác sĩ để được kiểm tra toàn diện và lên kế hoạch điều trị phù hợp

Điều trị rối loạn cương dương

Nội khoa

Điều trị nội khoa là lựa chọn đầu tay trong phần lớn các trường hợp rối loạn cương dương. Nhóm thuốc phổ biến nhất hiện nay là thuốc ức chế men phosphodiesterase type 5 (PDE5) như sildenafil hoặc tadalafil, có tác dụng tăng cường lưu lượng máu đến dương vật, hỗ trợ quá trình cương tự nhiên khi có kích thích tình dục.

Trong những trường hợp suy giảm testosterone, liệu pháp thay thế nội tiết tố có thể được chỉ định nhằm cải thiện ham muốn và khả năng cương. Ngoài ra, một số thuốc giãn mạch có thể được sử dụng theo đường tiêm trực tiếp vào thể hang hoặc đưa qua niệu đạo để kích thích cương tại chỗ.

Với những trường hợp có yếu tố tâm lý đi kèm như lo âu, căng thẳng, bác sĩ có thể đề nghị trị liệu tâm lý cá nhân hoặc liệu pháp cho cặp đôi, giúp giải tỏa áp lực tinh thần và cải thiện mối quan hệ.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát tốt các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu cũng là yếu tố quan trọng góp phần cải thiện chức năng cương dương.

Ngoại khoa

Khi các biện pháp nội khoa không mang lại hiệu quả hoặc có chống chỉ định, bác sĩ có thể cân nhắc chữa trị rối loạn cương dương​ bằng phương pháp ngoại khoa. Một trong những phương pháp đơn giản là sử dụng thiết bị bơm hút chân không để tạo áp lực âm, giúp máu dồn về thể hang và duy trì sự cương.

Trong các trường hợp rối loạn cương nặng không đáp ứng thuốc, phẫu thuật cấy ghép thể hang là một lựa chọn hiệu quả, giúp bệnh nhân chủ động hơn trong đời sống tình dục. Ngoài ra, ở những người có tổn thương mạch máu dẫn đến tắc nghẽn lưu thông máu đến dương vật, phẫu thuật tái thông mạch máu có thể được chỉ định nhằm cải thiện chức năng cương. 

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh rối loạn cương dương

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn cương dương

Chế độ sinh hoạt:

  • Ngủ đủ giấc (7 - 8 tiếng/ngày).
  • Tập thể dục thường xuyên (đi bộ, yoga, bơi lội, gym).
  • Hạn chế stress, giữ tinh thần tích cực.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Quan hệ tình dục điều độ, an toàn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ dinh dưỡng phù hợp bằng cách tăng cường thực phẩm giàu kẽm, magie, omega-3 (hàu, cá hồi, hạt bí, rau xanh).
  • Giảm thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, nhiều đường, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá…
Rối loạn cương dương 5
Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá để tránh làm bệnh diễn tiến nặng hơn

Phương pháp phòng ngừa rối loạn cương dương

Phòng ngừa rối loạn cương dương ngay từ sớm là điều rất cần thiết. Những phương pháp hiệu quả giúp bạn duy trì chức năng sinh lý khỏe mạnh:

  • Ăn uống cân đối, ưu tiên thực phẩm giàu rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo và hạn chế thức ăn nhanh, chất béo bão hòa.
  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, vì thiếu ngủ kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến nội tiết tố nam và ham muốn tình dục.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
  • Thăm khám nam khoa định kỳ để phát hiện sớm các bất thường liên quan đến nội tiết, mạch máu, thần kinh hoặc tâm lý.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Câu hỏi thường gặp

Nguyên nhân khiến càng nhiều nam giới trẻ tuổi mắc bệnh rối loạn cương dương có thể là do stress, áp lực công việc, lạm dụng thủ dâm, sử dụng chất kích thích và thiếu vận động thể chất.

Rối loạn cương dương không trực tiếp gây vô sinh, nhưng có thể gây khó khăn trong việc quan hệ, dẫn đến giảm khả năng thụ thai tự nhiên.

Xem thêm thông tin: Bị rối loạn cương dương có con không?

Thủ dâm là hành vi bình thường nếu thực hiện điều độ. Tuy nhiên, thủ dâm quá mức hoặc kết hợp với nội dung khiêu dâm không lành mạnh làm ảnh hưởng tâm lý tình dục cũng có thể dẫn đến rối loạn cương dương.

Liệt dương là một trong những biểu hiện của bệnh rối loạn cương dương. Liệt dương là mức độ nặng nhất, khi dương vật hoàn toàn không cương cứng được.

Rối loạn cương dương có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu nguyên nhân được xác định và điều trị đúng cách. Tùy vào nguyên nhân như tâm lý, nội tiết, mạch máu... việc chữa khỏi là hoàn toàn khả thi.