Đau nửa đầu sau gáy có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Mặc dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhưng nếu kéo dài, tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vậy đau nửa đầu sau gáy là bệnh gì? Hãy cùng Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Đau nửa đầu sau gáy là bệnh gì?
Đau nửa đầu sau gáy là tình trạng đau nhức ở phía sau đầu và vùng cổ vai gáy, gây cảm giác mỏi và khó chịu. Cơn đau có thể lan từ cổ gáy lên vùng chẩm, đỉnh đầu, thậm chí đến thái dương hai bên. Mức độ đau có thể từ nhẹ đến nặng, xuất hiện từng cơn hoặc kéo dài âm ỉ liên tục. Một số người còn cảm thấy đau như bị điện giật, bó thắt, kèm theo rối loạn cảm giác ở vùng da đầu.
Tình trạng này có thể làm hạn chế vận động cổ, gây mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt,… Đau nửa đầu sau gáy có thể xảy ra ngẫu nhiên hoặc xuất hiện 2 - 3 lần mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài liên tục trong hơn 3 tuần, bạn nên đi khám sớm vì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng.
/dau_nua_dau_sau_gay_la_benh_gi_3_93eec0b513.png)
Nguyên nhân đau nửa đầu sau gáy
Những cơn đau nửa đầu sau gáy thường liên quan đến các bệnh lý cơ xương khớp, bao gồm:
- Thoái hóa đốt sống cổ: Cột sống cổ bị suy yếu, gây đau vùng cổ gáy, đặc biệt tăng lên khi vận động, cúi, xoay hoặc ngửa cổ.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Đĩa đệm bị lệch khỏi vị trí bình thường, chèn ép dây thần kinh vùng cổ, gây đau nhức dai dẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.
- Lao xương khớp: Do vi khuẩn lao gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ xương khớp, gây đau nửa đầu sau gáy và có thể để lại di chứng nặng nề.
- Gai đôi đốt sống cổ: Sự hình thành gai xương trên đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh, gây đau nhức dữ dội từ cổ lan lên đầu.
- Chấn thương vùng cổ - gáy: Té ngã, tai nạn hoặc va chạm khi chơi thể thao có thể dẫn đến tê và đau nhức dữ dội ở vùng cổ vai gáy.
- Ngoài ra, đau nửa đầu sau gáy còn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác như cảm cúm, sốt siêu vi, sốt xuất huyết, tăng huyết áp,…
Nhiều trường hợp tê nửa đầu sau gáy bắt nguồn từ những thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày, bao gồm:
- Ngồi làm việc trước máy tính, đọc sách, sử dụng điện thoại với tư thế cúi quá sát trong thời gian dài.
- Thường xuyên mang vác vật nặng, gây áp lực lên vùng cổ - vai - gáy.
- Căng thẳng, stress kéo dài, khiến cơ bị co cứng, dẫn đến đau mỏi cổ gáy.
/dau_nua_dau_sau_gay_la_benh_gi_2_262a9bf953.png)
- Rối loạn tiền đình cũng có thể dẫn đến đau đầu sau gáy gây mất thăng bằng, chóng mặt, buồn nôn. Tình trạng này thường liên quan đến thiếu máu, huyết áp thấp, stress kéo dài hoặc lạm dụng rượu bia.
- Ngoài ra, đau nửa đầu sau gáy có thể là biến chứng của đau đầu Migraine, dễ trở nặng khi bị tác động bởi âm thanh, căng thẳng hoặc chấn động tinh thần.
- Các bệnh lý về tai mũi họng như viêm tai hoặc viêm xoang sàng có thể gây đau nửa đầu sau gáy, khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
- Viêm não, viêm màng não mủ, nấm não, áp xe não: Những bệnh lý này gây ra các cơn đau nhức nửa đầu sau, kèm theo sốt cao, nôn, co giật, rối loạn ý thức. Cơn đau có thể lan rộng với cường độ ngày càng tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- U não, u não do di căn: Thường gặp ở bệnh nhân ung thư phổi di căn lên não. Khối u khu trú trong não gây ra những cơn đau đầu ngày càng dữ dội, có nguy cơ đe dọa tính mạng.
/dau_nua_dau_sau_gay_la_benh_gi_4_e01fd2cdbe.png)
Triệu chứng đau nửa đầu sau gáy nguy hiểm
Nếu đau đầu sau gáy kéo dài hoặc đi kèm các triệu chứng sau, bạn cần đặc biệt lưu ý:
- Đau dữ dội, không kiểm soát được bằng thuốc giảm đau.
- Đau nhói nửa đầu sau gáy, tần suất và cường độ ngày càng tăng.
- Co giật, tê yếu chân tay, nói ngọng, sốt cao, cứng gáy.
- Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, buồn nôn.
- Rối loạn thị giác, tâm lý, hạn chế vận động.
Đau đầu sau gáy ở cường độ mạnh và liên tục có nguy cơ trở thành bệnh mạn tính hoặc dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, không nên chủ quan khi triệu chứng xuất hiện thường xuyên.
Ai thường bị đau nửa đầu sau gáy?
Những đối tượng dễ bị đau đầu sau gáy gồm:
- Người lao động nặng, mang vác nhiều, dễ chấn thương vùng cổ - vai - gáy.
- Nhân viên văn phòng, tài xế phải ngồi lâu, làm giảm sự linh hoạt của xương khớp.
- Người lớn tuổi bị lão hóa cột sống, tổn thương dây chằng và đĩa đệm theo thời gian.
- Người bị các bệnh xương khớp như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh cổ - vai - gáy.
Điều trị đau nửa đầu sau gáy
Nếu đau nửa đầu sau gáy do bệnh lý, người bệnh cần thăm khám để xác định nguyên nhân và điều trị đúng cách.
Với trường hợp không do bệnh lý, có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm đau:
- Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
- Vật lý trị liệu giúp lưu thông khí huyết, giảm căng cứng dây thần kinh và thư giãn cơ. Các phương pháp thường dùng gồm xoa bóp, massage nhẹ nhàng vùng vai gáy, châm cứu, bấm huyệt, điện châm, hồng ngoại,…
- Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý: Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây như táo, dâu tây, dưa hấu, chanh,… giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Nghỉ ngơi đúng cách khi bị đau: Nằm ở nơi yên tĩnh, ánh sáng dịu nhẹ để giảm căng thẳng thần kinh.
- Tránh các chất kích thích như rượu bia, cà phê, đồ uống có gas vì có thể làm cơn đau trầm trọng hơn.
- Việc duy trì lối sống lành mạnh và theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên sẽ giúp kiểm soát và ngăn ngừa đau nửa đầu sau gáy hiệu quả.
/dau_nua_dau_sau_gay_la_benh_gi_5_7271c4906a.png)
Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng căng thẳng.
- Ngồi làm việc đúng tư thế, giữ thẳng lưng và cổ. Nếu phải làm việc lâu, nên thay đổi tư thế và vận động nhẹ nhàng để tránh ngồi lâu một chỗ.
- Massage nhẹ nhàng bằng dầu nóng giúp thư giãn cơ và giảm đau hiệu quả.
- Khi ngủ, không kê gối quá cao. Tư thế tốt nhất là nằm nghiêng và dùng gối ôm để hỗ trợ tư thế.
- Nếu đau nhiều và tần suất tăng dần, có thể áp dụng phương pháp Đông y như châm cứu, bấm huyệt để cải thiện tình trạng.
Việc kết hợp các biện pháp này sẽ giúp kiểm soát và hạn chế cơn đau hiệu quả.
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng đau nửa đầu sau gáy. Dù cơn đau chỉ âm ỉ hay dữ dội, bạn cũng không nên chủ quan. Hãy thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.