icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
30_4_2025_header_web_2_e7f82ebc3b30_4_2025_header_app_1_1fb85f5a69

Đau đầu sau gáy là dấu hiệu của bệnh gì? Khi nào cần đi khám?

Mỹ Hạnh06/04/2025

Đau đầu sau gáy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bác sĩ thường đánh giá mức độ đau và các triệu chứng đi kèm để xác định nguyên nhân cụ thể, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Đau đầu sau gáy là tình trạng phổ biến ở nhiều lứa tuổi. Để xác định nguyên nhân, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng, loại đau đầu và vị trí đau. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, nguyên nhân cũng như cách điều trị, hãy cùng Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Đau đầu sau gáy là gì?

Đau đầu sau gáy hoặc đau nửa đầu sau gáy là tình trạng thường xuyên tái diễn với cơn đau tập trung ở vùng sau đầu. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển từ từ, với mức độ khác nhau như đau dữ dội, đau theo nhịp mạch, nhói như điện giật, bó thắt hoặc âm ỉ.

Các triệu chứng đi kèm có thể bao gồm buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, rối loạn giấc ngủ, cảm giác tê da đầu, hạn chế cử động cổ,… Những cơn đau giật ở dây thần kinh gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nữ giới thường bị nhiều hơn nam giới.

dau-dau-sau-gay-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-4

Người mắc chứng đau đầu sau gáy dễ cảm thấy mệt mỏi, cáu gắt. Dù phần lớn các trường hợp là lành tính, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Tìm hiểu nguyên nhân gây đau đầu sau gáy sẽ giúp người bệnh có hướng điều trị phù hợp.

Đau đầu sau gáy là dấu hiệu của bệnh gì?

Đau đầu sau gáy là tình trạng đau nhức hoặc mỏi ở vùng cổ gáy, lan lên phía sau đầu, vùng chẩm, đỉnh đầu và thậm chí đến thái dương hai bên. Cơn đau có thể xuất hiện thành từng đợt hoặc kéo dài âm ỉ, với mức độ từ nhẹ đến nặng. Cảm giác đau có thể giống như điện giật, bó thắt, kèm theo các triệu chứng như rối loạn cảm giác da đầu, hạn chế vận động cổ, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, buồn nôn hoặc chóng mặt.

Phần lớn các trường hợp đau đầu sau gáy xuất phát từ thói quen sinh hoạt không đúng cách và yếu tố cơ học, bao gồm:

  • Sai tư thế khi làm việc: Cúi quá sát khi đọc sách, làm việc trên máy tính, mang vác nặng gây áp lực lên cổ và vai.
  • Thói quen sinh hoạt không hợp lý: Gối đầu quá cao khi xem tivi, đọc sách, tư thế nằm hoặc ngồi không đúng, vận động cổ vai quá mức.
  • Căng thẳng, stress kéo dài: Môi trường sống và làm việc áp lực có thể gây co cứng cơ vùng cổ gáy, dẫn đến đau mỏi kéo dài.
  • Chấn thương vùng cổ - gáy trong sinh hoạt, lao động hoặc thể thao có thể gây tổn thương đến xương, cơ, dây chằng, mạch máu và dây thần kinh. Những tổn thương này là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau đầu sau gáy.
dau-dau-sau-gay-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-3

Ngoài ra, đau đầu sau gáy có thể là hậu quả hoặc triệu chứng của nhiều bệnh lý khác, bao gồm:

  • Cơn tăng huyết áp: Biểu hiện bằng cảm giác đau sau gáy, đau như bị bó chặt quanh đầu, thường là dấu hiệu cảnh báo huyết áp tăng cao.
  • Hội chứng nhiễm siêu vi: Các bệnh lý như cúm, sốt siêu vi, sốt xuất huyết có thể gây đau đầu kèm theo đau mỏi vùng cổ gáy.
  • Tăng áp lực nội sọ: Khi áp lực bên trong hộp sọ tăng cao, người bệnh có thể gặp cơn đau đầu dữ dội kèm theo buồn nôn, sợ ánh sáng, rối loạn ý thức.
  • Bệnh lý đốt sống cổ: Thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, gai đôi đốt sống cổ, lao xương khớp,... đặc biệt là thoát vị đĩa đệm cổ, thường gây đau vùng sau đầu, đau lan từ cổ gáy lên đầu, kèm theo cảm giác nhói như điện giật, hạn chế vận động cổ và có thể lan xuống cánh tay.
  • Viêm màng não, xuất huyết dưới nhện: Gây đau đầu dữ dội đi kèm với cứng gáy, đau mỏi cổ gáy, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  • Bệnh lý hố sau (u, xuất huyết não,...): Đau nửa sau đầu kèm theo các triệu chứng thần kinh khu trú.

Mặc dù phần lớn các trường hợp đau đầu sau gáy là lành tính, nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh nên thăm khám sớm để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

dau-dau-sau-gay-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-1

Đau đầu sau gáy khi nào cần đi khám ngay?

Một số triệu chứng đau đầu sau gáy có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nghiêm trọng, người bệnh cần được thăm khám y tế ngay để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời:

  • Đau đầu với mức độ từ vừa đến nặng.
  • Cơn đau ngày càng tăng về cường độ và tần suất.
  • Đau đầu sau gáy đi kèm với: Sốt, cứng gáy, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, yếu hoặc liệt vận động, vụng về khi cử động, khó đi lại, rối loạn ý thức, thay đổi hành vi bất thường.

Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp thăm khám và chẩn đoán như đo huyết áp, xét nghiệm máu, chụp X-quang cột sống cổ, MRI sọ não/cột sống cổ, điện cơ để xác định chính xác nguyên nhân gây đau đầu sau gáy.

Điều trị đau đầu sau gáy bằng cách nào?

Dưới đây là các phương pháp điều trị đau đầu sau gáy phổ biến hiện nay. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng có thể được kiểm soát hiệu quả bằng thuốc giảm đau thông thường, vật lý trị liệu kết hợp với chế độ sinh hoạt hợp lý.

Nghỉ ngơi

Khi xuất hiện cơn đau đầu, người bệnh nên tạm dừng công việc, thư giãn tinh thần và tránh căng thẳng. Nghỉ ngơi hợp lý kết hợp với uống nhiều nước (nước lọc hoặc nước trái cây) giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Nếu có thể, một giấc ngủ sâu sẽ giúp cơ thể lấy lại sự cân bằng và giảm bớt cơn đau.

dau-dau-sau-gay-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-2

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc giảm đau như paracetamol, aspirin, ibuprofen… có thể giúp giảm đau đầu sau gáy ở mức độ nhẹ và vừa. Các loại thuốc này thường có dạng viên nén, viên sủi hoặc bột hòa tan, giúp giảm đau nhanh chóng nhưng không duy trì hiệu quả lâu dài. Nếu đau đầu kéo dài, người bệnh cần được thăm khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị tận gốc.

Lưu ý: Khi sử dụng thuốc, cần tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng. Một số đối tượng không nên dùng thuốc giảm đau, bao gồm người bị loét dạ dày tá tràng, hen suyễn, bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc phụ nữ mang thai.

Điều trị nguyên nhân cơ bản

Trong trường hợp đau đầu sau gáy là do bệnh lý như thoát vị đĩa đệm nặng, xuất huyết dưới nhện, viêm màng não hoặc bệnh lý hố sau, người bệnh cần được điều trị theo đúng nguyên nhân để đạt hiệu quả lâu dài.

Đau đầu sau gáy có thể liên quan đến rối loạn dây thần kinh hoặc nhiều nguyên nhân khác. Việc chẩn đoán chính xác giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Nếu tình trạng đau đầu tái phát thường xuyên, người bệnh không nên chủ quan mà cần thăm khám sớm để kịp thời điều trị, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN