icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
hat_hoi_lien_tuc1_b118388b34hat_hoi_lien_tuc1_b118388b34

Hắt hơi liên tục là gì? Những vấn đề cần biết về tình trạng hắt hơi liên tục

Thu Thảo30/06/2025

Hắt hơi là một phản xạ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các chất kích thích lên đường hô hấp. Nhưng khi phản xạ này xuất hiện với tần suất và cường độ bất thường gây nên những khó chịu cho người mắc. Hiện tượng này liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau.

Tìm hiểu chung về hắt hơi liên tục

Hắt hơi là một phản xạ bảo vệ tự nhiên của cơ thể để loại bỏ các chất gây kích ứng khỏi mũi và đường hô hấp trên. Tuy nhiên, khi phản xạ này trở nên quá mức gây ra các cơn hắt hơi dữ dội, liên tục và không kiểm soát được gọi là hắt hơi liên tục hoặc hắt hơi từng cơn (paroxysmal sneezing). Tình trạng này có thể gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hắt hơi liên tục được định nghĩa là những cơn hắt hơi đột ngột, dữ dội với tần suất và thời gian bất thường, thường có nguồn gốc tâm lý và kháng với các phương pháp điều trị thông thường. Trong y học, nó thường là một chẩn đoán loại trừ và là triệu chứng của rối loạn chuyển dạng (conversion disorder).

Triệu chứng thường gặp của hắt hơi liên tục

Những triệu chứng của hắt hơi liên tục

Phản xạ hắt hơi bình thường được điều hòa bởi một con đường hai bước phức tạp gồm giai đoạn mũi (cảm giác) và giai đoạn hô hấp (phản ứng). 

  • Giai đoạn cảm giác được kích hoạt bởi các tác nhân hóa học hoặc cơ học lên niêm mạc mũi. Các xung cảm giác này đi qua dây thần kinh sàng và khứu giác đến trung tâm hắt hơi, nằm ở phần dorsolateral của hành não.
  • Giai đoạn hô hấp bắt đầu với việc nhắm mắt, theo sau là một hơi hít sâu ban đầu, sau đó là sự thở ra mạnh mẽ chống lại thanh môn đóng kín, làm tăng áp lực trong lồng ngực. Khi thanh môn mở ra, không khí sẽ được đẩy ra một cách bùng nổ qua miệng và mũi.
  • Khi con đường phản xạ bình thường bị gián đoạn hoặc nhiễu loạn, hắt hơi có thể tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất, dẫn đến chẩn đoán hắt hơi liên tục.

Hắt hơi từng cơn là tình trạng đặc trưng bởi những đợt hắt hơi đột ngột và dữ dội, xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn. Tình trạng này thường được kích hoạt bởi nhiều yếu tố môi trường khác nhau như chất gây dị ứng, chất kích thích hoặc các yếu tố tâm lý.

  • Các triệu chứng của hắt hơi liên tục bao gồm các cơn hắt hơi không kiểm soát được, có thể lên tới 10 đến 15 lần mỗi phút và kéo dài trong vài giờ.
  • Ở những bệnh nhân mắc chứng hắt hơi tâm lý, các cơn hắt hơi có những đặc điểm không điển hình như hắt hơi khi mắt mở, phun ít dịch tiết và ít biểu cảm khuôn mặt. Tốc độ và nhịp điệu hắt hơi thường bất thường và không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Một điểm thú vị là các cơn hắt hơi thường không xảy ra trong bữa ăn hoặc khi ngủ.
  • Bên cạnh các cơn hắt hơi, bệnh nhân có thể không có các triệu chứng mũi đi kèm như ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt quá mức hoặc ho.
Hắt hơi liên tục là gì? Những vấn đề cần biết về tình trạng hắt hơi liên tục 1
Các đợt hắt hơi có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút đôi khi lên đến hàng chục lần hắt hơi liên tục

Tác động của hắt hơi liên tục với sức khỏe 

Hắt hơi liên tục có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động hàng ngày, học tập,... Nó có thể gây ra sự khó chịu nghiêm trọng và tác động lớn đến chất lượng cuộc sống, dẫn đến sự khó chịu về thể chất, sự xấu hổ trong xã hội và gián đoạn các hoạt động hàng ngày.

Biến chứng có thể gặp hắt hơi liên tục

Các biến chứng từ hắt hơi liên tục có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống:

  • Mệt mỏi: Hắt hơi thường xuyên có thể gây khó chịu về thể chất, đặc biệt ở đường hô hấp trên như đau họng do việc đẩy không khí ra liên tục. Nó cũng có thể gây căng cơ ở ngực, cơ hoành và các cơ liên sườn, dẫn đến kiệt sức toàn thân nếu các đợt hắt hơi kéo dài hoặc thường xuyên.
  • Đau đầu: Các cơn hắt hơi liên tục có thể gây ra đau đầu do căng thẳng và đau mặt, đặc biệt ở vùng xoang.
  • Kích ứng và tổn thương mũi: Hắt hơi lặp lại có thể gây kích ứng đáng kể các đường mũi, dẫn đến viêm và sưng niêm mạc mũi, gây nghẹt mũi dai dẳng hoặc sổ mũi.
  • Các vấn đề hô hấp: Trong một số trường hợp, hắt hơi liên tục có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng hô hấp sẵn có như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Tác động tâm lý và xã hội: Hắt hơi thường xuyên có thể gây xấu hổ trong xã hội, dẫn đến lo lắng, căng thẳng và thậm chí trầm cảm.
  • Các vấn đề về thính giác: Lực của hắt hơi đôi khi có thể ảnh hưởng đến ống Eustachian, dẫn đến cảm giác đầy tai tạm thời, nghe kém hoặc thậm chí nhiễm trùng tai.
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch: Hắt hơi thường xuyên, đặc biệt khi liên quan đến phản ứng dị ứng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Việc giải phóng histamine có thể gây giãn mạch máu và thay đổi nhịp tim, huyết áp.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Hắt hơi thường xuyên, đặc biệt khi kết hợp với ho, có thể làm tăng áp lực trong ổ bụng, có khả năng làm trầm trọng thêm các tình trạng như GERD.
  • Chấn thương sau hắt hơi: Trong một số trường hợp hiếm gặp, tính chất đột ngột và mạnh mẽ của hắt hơi có thể dẫn đến chấn thương, như căng cơ ở ngực, lưng hoặc cổ. Đã có trường hợp bệnh nhân bị tràn khí màng phổi (xẹp phổi) do áp lực tạo ra trong một cơn hắt hơi đặc biệt mạnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên tìm đến bác sĩ nếu gặp các cơn hắt hơi không kiểm soát được và không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Đặc biệt, nếu các cơn hắt hơi xảy ra trước các dấu hiệu thần kinh khu trú hoặc kèm theo các triệu chứng thần kinh cấp tính như:

  • Yếu liệt mặt, nói khó, tê bì tay chân, chóng mặt, đi lại không vững, khó nuốt.
  • Mất ngôn ngữ, yếu liệt nửa người.
  • Lơ mơ, đồng tử co nhỏ, nhìn đôi, co giật cánh tay hoặc vai.
  • Buồn nôn, nôn mửa không kiểm soát và nấc cụt.

Nguyên nhân gây bệnh hắt hơi liên tục

Có nhiều nguyên nhân gây hắt hơi liên tục nhưng nguyên nhân được báo cáo phổ biến nhất là do tâm lý.

  • Nguyên nhân tâm lý: Hắt hơi liên tục thường là triệu chứng của rối loạn chuyển dạng, có thể được kích hoạt bởi các yếu tố gây căng thẳng tâm lý. Hầu hết các bệnh nhân tâm lý đều là nữ thiếu niên.
  • Nhiễm trùng: Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh thông thường hoặc cúm có thể gây hắt hơi do viêm và tăng tiết chất nhầy ở đường mũi.
  • Các bất thường giải phẫu: Như lệch vách ngăn, dị vật hoặc phì đại cuốn mũi.
  • Rối loạn co giật: Hắt hơi không kiểm soát, lặp đi lặp lại, dữ dội có thể xảy ra trước, trong hoặc sau cơn co giật và có thể là biểu hiện của cơn động kinh cục bộ đơn giản, có thể tiến triển thành cơn động kinh cục bộ phức tạp hoặc toàn thể.
  • Nghẹt mũi vận mạch: Tình trạng này liên quan đến rối loạn điều hòa các mạch máu trong mũi, dẫn đến nghẹt mũi và hắt hơi.
  • Đột quỵ hành não: Tổn thương ở trung tâm hắt hơi trong hành não có thể gây mất khả năng hắt hơi. Đáng chú ý là hắt hơi từng cơn có thể là dấu hiệu ban đầu của nhồi máu não, khi xảy ra thường kèm dấu hiệu thần kinh khu trú rõ rệt (không đơn thuần hắt hơi).
  • Chất kích thích: Khói (thuốc lá hoặc từ lửa đốt gỗ), ô nhiễm không khí (chứa hạt vật chất), mùi mạnh (nước hoa, chất tẩy rửa, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) và thay đổi nhiệt độ đột ngột. Viêm mũi không dị ứng còn gọi là viêm mũi vận mạch có thể biểu hiện thông qua loại hắt hơi này.
  • Yếu tố thần kinh: Dây thần kinh sinh ba chịu trách nhiệm truyền tín hiệu kích hoạt phản xạ hắt hơi. Một số tình trạng thần kinh như viêm dây thần kinh sinh ba hoặc động kinh có thể dẫn đến kích hoạt bất thường phản xạ hắt hơi.
  • Vô căn: Xảy ra khi không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng, có thể do phản xạ hắt hơi quá mức hoặc niêm mạc mũi quá nhạy cảm. Đây thường là chẩn đoán loại trừ.
Hắt hơi liên tục là gì? Những vấn đề cần biết về tình trạng hắt hơi liên tục 2
Hắt hơi liên tục thường liên quan đến yếu tố tâm lý và một số bệnh lý vùng mũi

Nguy cơ mắc phải hắt hơi liên tục

Những ai có nguy cơ mắc phải hắt hơi liên tục?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác như:

  • Thanh thiếu niên nữ: Đặc biệt là trong độ tuổi 10 đến 14 là nhóm đối tượng phổ biến nhất trong các trường hợp hắt hơi liên tục do tâm lý.
  • Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình mắc bệnh dị ứng hoặc hen suyễn có thể làm tăng khả năng mắc các tình trạng tương tự.
  • Tiếp xúc môi trường: Những người sống ở các khu vực đô thị có mức độ ô nhiễm không khí cao hoặc làm việc trong môi trường có nhiều bụi, hóa chất hoặc các chất kích thích khác.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hắt hơi liên tục

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hắt hơi liên tục bao gồm 

  • Yếu tố tâm lý: Căng thẳng hoặc sự phấn khích,.... có thể làm trầm trọng thêm các đợt hắt hơi.
  • Nguy cơ nghề nghiệp: Các công việc liên quan đến tiếp xúc với hóa chất, bụi hoặc các chất kích thích khác.
  • Người có tiền sử dị ứng: Những người có tiền sử dị ứng, đặc biệt viêm mũi dị ứng dễ bị các đợt hắt hơi liên tục hơn.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị hắt hơi liên tục

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hắt hơi liên tục

Chẩn đoán hắt hơi liên tục, đặc biệt là các trường hợp có nguyên nhân tâm lý thường là chẩn đoán loại trừ. Chẩn đoán dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng, xét nghiệm khi có nghi ngờ bệnh thực thể. Bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử chẩn đoán tâm thần, hoàn cảnh tâm lý xã hội, tiền sử các triệu chứng trước đây hoặc các vấn đề trong mối quan hệ cá nhân. 

Khám thực thể

Đối với các trường hợp hắt hơi tâm lý, khám thực thể thường không phát hiện điều gì bất thường. Quan sát cẩn thận có thể giúp phân biệt hắt hơi sinh lý và hắt hơi tâm lý vì hắt hơi tâm lý thường có các đặc điểm không điển hình như hắt hơi khi mắt mở, pha hít vào tối thiểu, ít phun sương dịch tiết và ít biểu cảm khuôn mặt. Tốc độ và nhịp điệu hắt hơi bất thường, và chúng kháng với các phương pháp điều trị thông thường. 

Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh

Các xét nghiệm như xét nghiệm máu và xét nghiệm dị ứng (test lẩy da hoặc xét nghiệm máu để xác định dị nguyên cụ thể) thường được thực hiện. Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) não thường cho kết quả bình thường trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, chụp chiếu hình ảnh vẫn được khuyến nghị thường quy để loại trừ bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn khác nhau như hắt hơi liên tục có thể là biểu hiện của u hố sau, viêm xoang sàng, hoặc nhồi máu não.

Phương pháp điều trị hắt hơi liên tục

Nội khoa

Các phương pháp điều trị thông thường thường không hiệu quả đối với hắt hơi liên tục. 

Đối với hắt hơi liên tục do tâm lý

  • Liệu pháp tâm lý: Là phương pháp điều trị chính cho hắt hơi liên tục do tâm lý. Hầu hết bệnh nhân đều hồi phục sau liệu pháp tâm lý. Sự tham gia của các thành viên trong gia đình cũng có thể hữu ích, đặc biệt đối với bệnh nhân nhi hoặc thanh thiếu niên. Nếu thất bại, thôi miên hoặc phỏng vấn bằng amytal có thể được sử dụng như một biện pháp cuối cùng để thu thập thêm thông tin về yếu tố gây căng thẳng tâm lý.
  • Thuốc giải lo âu: Như alprazolam có thể được sử dụng.
  • Giả dược: Điều trị bằng giả dược với dung dịch natri clorid đẳng trương cũng đã được sử dụng với kết quả khả quan ở một số trường hợp tâm lý.
  • Haloperidol: Là một loại thuốc có thể được dùng để điều trị các đợt hắt hơi tâm lý cấp tính, không phải lựa chọn điều trị thường quy.

Đối với các nguyên nhân thực thể khác

  • Thuốc kháng histamine: Thuốc này có hiệu quả trong việc giảm mức độ nghiêm trọng của hắt hơi dị ứng.
  • Corticosteroid đường mũi: Như thuốc xịt steroid nội mũi giúp giảm viêm trong đường mũi và giảm triệu chứng cho những người bị viêm mũi dị ứng mãn tính.
  • Thuốc thông mũi: Như Oxymetazoline, Phenylephrine, Pseudoephedrine,... giúp làm co mạch máu bị sưng trong đường mũi, làm giảm nghẹt mũi.
  • Tùy thuộc vào nguyên nhân mà có phương pháp điều trị cụ thể riêng.

Lưu ý: Các loại thuốc này nên được sử dụng theo hướng dẫn liều lượng và dưới sự tư vấn của chuyên gia y tế.

Hắt hơi liên tục là gì? Những vấn đề cần biết về tình trạng hắt hơi liên tục 3
Liệu pháp tâm lý với sự hỗ trợ của người nhà mang lại hiệu quả đáng kể

Ngoại khoa

Phẫu thuật có thể được xem xét trong các trường hợp có bất thường cấu trúc trong đường mũi góp phần gây hắt hơi mãn tính.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa hắt hơi liên tục

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn nặng của hắt hơi liên tục

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn uống lành mạnh hạn chế các loại thực phẩm dị ứng giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh và hạn chế tình trạng hắt hơi.

Chế độ sinh hoạt

  • Duy trì môi trường sống: Duy trì môi trường thuận lợi để giảm thiểu các tác nhân gây hắt hơi.
  • Hạn chế tiếp xúc: Giảm thiểu tiếp xúc với các dị nguyên và chất kích thích đã biết.
  • Theo dõi y tế dài hạn: Bệnh nhân hắt hơi tâm lý nên được theo dõi y tế dài hạn vì họ có thể phát triển bệnh lý thực thể hoặc tâm thần sau này trong đời.

Phương pháp phòng ngừa hắt hơi liên tục hiệu quả

Chiến lược tránh dị nguyên: Tránh tiếp xúc với các dị nguyên đã biết là rất quan trọng.

  • Đối với dị ứng phấn hoa: Ở trong nhà trong mùa phấn hoa cao điểm, sử dụng máy lọc không khí và thường xuyên dọn dẹp không gian sống.
  • Đối với dị ứng mạt bụi: Sử dụng ga trải giường chống dị ứng, giặt khăn trải giường thường xuyên và giảm độ ẩm trong nhà.
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc mùi nồng.

Kiểm soát môi trường: Giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt hắt hơi.

Cải thiện chất lượng không khí: Các sáng kiến y tế công cộng nhằm cải thiện chất lượng không khí và nâng cao nhận thức về việc tránh dị nguyên là cần thiết.

Biện pháp bảo vệ cá nhân: Đối với những người làm việc trong môi trường có nguy cơ nghề nghiệp, cần áp dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân tốt.

Hắt hơi liên tục là gì? Những vấn đề cần biết về tình trạng hắt hơi liên tục 4
Điều trị các bệnh lý liên quan và bảo vệ mũi đúng cách giúp hạn chế tình trạng hắt hơi liên tục

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Câu hỏi thường gặp

Để giảm tình trạng hắt hơi liên tục, bạn nên tập trung vào chế độ ăn uống giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi. Nên sử dụng thực phẩm ấm và tránh các thực phẩm có thể gây dị ứng hoặc kích ứng. Uống nhiều nước ấm và giữ ấm cơ thể cũng rất quan trọng.

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất phụ thuộc vào nguyên nhân gây hắt hơi liên tục. Đối với các trường hợp tâm lý, liệu pháp tâm lý là trọng tâm. Đối với các nguyên nhân thực thể, việc điều trị bệnh lý tiềm ẩn là cần thiết. Các loại thuốc như thuốc kháng histamine, corticosteroid đường mũi và thuốc thông mũi thường được sử dụng để kiểm soát triệu chứng.

Đối với các trường hợp hắt hơi tâm lý, thanh thiếu niên nữ (đặc biệt từ 10 - 14 tuổi) là đối tượng phổ biến nhất. Tuy nhiên, hắt hơi liên tục do các nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và giới tính, đặc biệt là những người có tiền sử dị ứng, tiếp xúc với chất kích thích môi trường, hoặc có yếu tố di truyền.

Thông thường hắt hơi liên tục là bệnh lý lành tính liên quan đến tâm lý. Trong một số trường hợp hiếm gặp, hắt hơi liên tục có thể là dấu hiệu báo trước của các tình trạng nghiêm trọng như đột quỵ, khối u não hoặc các rối loạn thần kinh phức tạp.

Mặc dù nguyên nhân tâm lý là phổ biến nhất, hắt hơi liên tục cũng có thể do các nguyên nhân khác tiềm ẩn như đột quỵ hành não hoặc các bất thường giải phẫu vùng mũi, dị ứng hoặc viêm nhiễm vùng mũi,.....