Tìm hiểu chung về đông máu nội mạch lan toả
DIC là một tình trạng đe dọa tính mạng đặc trưng bởi sự kích hoạt dòng thác đông máu khi máu tiếp xúc với các yếu tố mô. Điều này dẫn đến sự hình thành và lắng đọng fibrin gây ra các vi huyết khối trong nhiều cơ quan và góp phần gây rối loạn chức năng đa cơ quan (MODS). Đồng thời, sự tiêu thụ các yếu tố đông máu và tiểu cầu trong DIC có thể dẫn đến xuất huyết khiến bệnh nhân DIC có thể đồng thời gặp phải vấn đề huyết khối và chảy máu, gây khó khăn cho việc điều trị.
DIC diễn tiến qua hai giai đoạn là giai đoạn đông máu quá mức và giai đoạn chảy máu. Trong giai đoạn một, sự đông máu quá mức dẫn đến sự hình thành các cục máu đông khắp các vi mạch máu. Các cục máu đông này có thể làm giảm hoặc tắc nghẽn lưu lượng máu gây tổn thương các nhiều cơ quan. Trong giai đoạn hai, sự đông máu quá mức sử dụng hết tiểu cầu và các yếu tố đông máu. Khi không còn đủ tiểu cầu và yếu tố đông máu dẫn đến chảy máu ngay dưới da, mũi hoặc miệng hoặc bên trong cơ thể.
Triệu chứng thường gặp của đông máu nội mạch lan toả
Những triệu chứng của đông máu nội mạch lan tỏa (DIC)
Các triệu chứng của DIC có thể bao gồm các triệu chứng sau:
- Chảy máu không kiểm soát được ở một số vùng trên cơ thể.
- Bầm tím.
- Lú lẫn, mất trí nhớ hoặc thay đổi hành vi.
- Khó thở.
- Sốt cao hơn 39 độ.

Tác động của đông máu nội mạch lan tỏa (DIC) với sức khỏe
DIC là một tình trạng nghiêm trọng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Sự hình thành các cục máu đông có thể chặn các mạch máu, cắt nguồn cung cấp máu đến các cơ quan quan trọng, dẫn đến tổn thương và rối loạn chức năng cơ quan. Mặt khác, việc sử dụng hết các yếu tố đông máu và tiểu cầu có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng và không kiểm soát được đe dọa tính mạng.
Biến chứng có thể gặp đông máu nội mạch lan tỏa (DIC)
Nếu không được điều trị DIC có thể diễn tiến nặng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan:
- Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS);
- Chảy máu đường tiêu hóa;
- Sốc;
- Đột quỵ;
- Huyết khối tĩnh mạch.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
DIC có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng bệnh khác có thể dẫn đến tình trạng này như nhiễm trùng, chấn thương, các bệnh lý liên quan hệ miễn dịch, ung thư,...
Nguyên nhân gây bệnh đông máu nội mạch lan toả
DIC thường do viêm từ nhiễm trùng, chấn thương hoặc bệnh tật gây ra. Một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này là:
Nhiễm trùng huyết: Nhiễm trùng huyết là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất gây DIC. DIC ảnh hưởng đến khoảng 10% bệnh nhân rất nặng bị nhiễm trùng huyết.
Tổn thương lớn đến các cơ quan hoặc mô: Các bệnh lý như xơ gan, viêm tụy, chấn thương nặng, bỏng hoặc phẫu thuật lớn cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Phản ứng miễn dịch nghiêm trọng: Cơ thể bạn có thể phản ứng quá mức do truyền máu không thành công, thải ghép cơ quan hoặc chất độc như nọc rắn.
Các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến thai kỳ: Bao gồm nhau thai bong non, nạo phá thai, nước ối xâm nhập vào máu hoặc chảy máu nghiêm trọng trong hoặc sau khi sinh.
Ung thư: DIC cũng được quan sát thấy ở những bệnh nhân mắc ung thư biểu mô hoặc ung thư máu.
COVID-19: DIC là một biến chứng hiếm gặp của COVID-19.

Nguy cơ mắc phải đông máu nội mạch lan toả
Những ai có nguy cơ mắc phải đông máu nội mạch lan tỏa (DIC)?
DIC có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào không liên quan đến giới tính hay chủng tộc.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đông máu nội mạch lan tỏa (DIC)
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này là:
- Nhiễm trùng huyết;
- Ung thư đặc biệt là một số loại bệnh bạch cầu;
- Viêm tụy;
- Bệnh gan;
- Chấn thương nặng bao gồm bỏng và chấn thương đầu.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị đông máu nội mạch lan toả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đông máu nội mạch lan tỏa (DIC)
Bác sĩ sẽ chẩn đoán DIC dựa trên các yếu tố sau:
Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về bất kỳ tình trạng y tế gần đây nào, chẳng hạn như bệnh tậc, chấn thương hoặc là yếu tố nguy cơ gây DIC.
Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ thăm khám để tìm các triệu chứng của cục máu đông, tình trạng chảy máu bất thường hoặc một tình trạng có thể gây ra DIC hoặc một biến chứng của DIC.
Xét nghiệm máu: Nếu bác sĩ nghi ngờ DIC họ có thể thực hiện một số xét nghiệm máu. Dựa trên kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể sử dụng hệ thống chấm điểm để chẩn đoán DIC. Điểm càng cao thì khả năng mắc DIC càng lớn. Các xét nghiệm máu có thể bao gồm:
- Công thức máu (CBC);
- Thời gian thromboplastin một phần (PTT);
- Xét nghiệm thời gian prothrombin (PT hoặc INR);
- Xét nghiệm fibrinogen;
- Xét nghiệm D-dimer;
- Các xét nghiệm cho các tình trạng y tế khác.
Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm hoặc thủ thuật khác để tìm hiểu xem liệu một tình trạng khác có gây ra các triệu chứng của bạn hay không như xét nghiệm ADAMTS13, sinh thiết gan và xét nghiệm chức năng gan,...

Phương pháp điều trị đông máu nội mạch lan tỏa (DIC)
Mục tiêu chính của điều trị DIC là kiểm soát tình trạng đông máu và chảy máu bất thường, đồng thời điều trị nguyên nhân cơ bản. DIC có thể tự khỏi khi nguyên nhân cơ bản được điều trị. Trong khi đó, bác sĩ có thể sử dụng thuốc hoặc các thủ thuật để giúp cầm máu.
Nội khoa
Thuốc chống đông máu: Bác sĩ có thể sử dụng thuốc chống đông máu để giảm đông máu. Bạn có thể được dùng thuốc dưới dạng viên uống, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Tác dụng phụ có thể xảy ra là chảy máu, đặc biệt nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác cũng làm loãng máu chẳng hạn như aspirin.
Liệu pháp thay thế yếu tố đông máu: Truyền các yếu tố đông máu để giúp cầm máu.
Truyền huyết tương: Thay thế các yếu tố đông máu bị tiêu thụ.
Truyền tiểu cầu: Bổ sung lượng tiểu cầu cần thiết cho quá trình đông máu.
Ngoại khoa
Phẫu thuật thường không phải là phương pháp điều trị trực tiếp cho DIC. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể cần thiết để điều trị nguyên nhân cơ bản gây ra DIC chẳng hạn như loại bỏ ổ nhiễm trùng hoặc sửa chữa các tổn thương do chấn thương.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa đông máu nội mạch lan toả
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến nặng của đông máu nội mạch lan tỏa (DIC)
Hầu hết những người mắc DIC đều đang phải đối phó với các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khác. Nếu bạn đang trong tình huống đó, việc chẩn đoán DIC có nghĩa là bạn có thêm một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác cần quản lý. Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp bạn quản lý DIC:
- Uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng hoặc bỏ lỡ liều trừ khi bác sĩ yêu cầu.
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào khác chẳng hạn như thuốc giảm đau, vitamin, thực phẩm chức năng, thảo dược,...
- Trao đổi với bác sĩ về tần suất bạn nên lên lịch các cuộc hẹn và xét nghiệm máu để theo dõi các loại thuốc bạn đang dùng.
- Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu, hãy thông báo với bác sĩ điều trị biết để họ có thể điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.

Phương pháp phòng ngừa đông máu nội mạch lan tỏa (DIC) hiệu quả
Vì DIC thường là một biến chứng của các bệnh lý nghiêm trọng khác, phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là ngăn chặn hoặc quản lý tốt các tình trạng này. Các biện pháp không đặc hiệu tập trung vào việc phòng ngừa và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng, chấn thương và các tình trạng y tế khác có thể dẫn đến DIC bao gồm:
- Điều trị kịp thời và hiệu quả các bệnh nhiễm trùng.
- Quản lý cẩn thận các chấn thương nghiêm trọng.
- Theo dõi và điều trị các biến chứng thai kỳ.
- Quản lý bệnh ung thư và các bệnh lý nền khác.