Dị ứng lông mèo có thể gây ra nhiều phiền toái, đặc biệt với những ai yêu thú cưng nhưng lại thường xuyên hắt hơi, ngứa mắt hay nổi mẩn mỗi khi đến gần mèo. Tuy nhiên đừng quá lo lắng, hiểu đúng về nguyên nhân, nhận biết sớm dấu hiệu và biết cách chăm sóc bản thân đúng cách sẽ giúp bạn kiểm soát dị ứng hiệu quả. Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau nhé!
Dị ứng lông mèo là gì?
Dị ứng lông mèo là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng có trong mèo, đặc biệt là protein Fel d1. Điều đáng chú ý là protein này không nằm trên sợi lông như nhiều người lầm tưởng, mà tồn tại trong nước bọt, nước tiểu và tế bào da chết của mèo.
Khi mèo liếm lông để tự làm sạch, protein Fel d1 sẽ bám lên lớp lông ngoài, từ đó phát tán ra môi trường sống như chăn, gối, rèm cửa, thảm… và cả không khí. Người có cơ địa nhạy cảm chỉ cần hít phải hoặc chạm vào các bề mặt chứa dị nguyên này cũng có thể xuất hiện phản ứng dị ứng như hắt hơi, ngứa mắt, hoặc nổi mẩn trên da.
Nguyên nhân gây dị ứng lông mèo
Dị ứng lông mèo thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó chủ yếu liên quan đến dị nguyên có trong cơ thể mèo và tình trạng sức khỏe của người tiếp xúc.
Dị nguyên từ mèo
Dị ứng lông mèo chủ yếu do protein Fel d1 có trong nước bọt nước tiểu và tế bào da chết của mèo. Khi mèo liếm lông protein này lan ra toàn bộ lông rồi phát tán vào không khí. Chỉ cần hít phải hoặc chạm vào bề mặt có chứa dị nguyên như chăn gối sofa cũng có thể gây dị ứng.
Cơ địa nhạy cảm
Những người có cơ địa mẫn cảm, đặc biệt là từng mắc các bệnh lý như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa. Những trường hợp này thường dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với mèo. Hệ miễn dịch của họ "ghi nhớ" những chất lạ như Fel d1 và phản ứng thái quá, dù chỉ tiếp xúc với lượng rất nhỏ.
Hệ miễn dịch suy yếu
Khi hệ miễn dịch yếu như ở người bệnh mạn tính người cao tuổi hoặc mới khỏi ốm cơ thể dễ phản ứng với các dị nguyên. Ngay cả tác nhân quen thuộc trong môi trường cũng có thể gây kích ứng trong đó có dị nguyên từ mèo.
Môi trường sống kín, thiếu thông thoáng
Không gian sống bí bách thiếu gió và ánh sáng khiến dị nguyên từ mèo dễ tích tụ. Protein Fel d1 có thể lơ lửng trong không khí và bám lên các bề mặt thường dùng làm tăng nguy cơ dị ứng. Điều này càng dễ xảy ra nếu bạn không biết mèo là tác nhân gây phản ứng.

Nếu bạn có cơ địa nhạy cảm nhưng vẫn yêu mèo, hãy chú ý giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng khí và theo dõi cơ thể thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu dị ứng.
Dấu hiệu nhận biết dị ứng lông mèo
Các biểu hiện của dị ứng lông mèo có thể xuất hiện chỉ sau vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Hắt hơi liên tục, chảy nước mũi hoặc ngạt mũi: Đây là phản ứng của niêm mạc mũi khi tiếp xúc với dị nguyên, khiến bạn cảm thấy ngứa mũi, khó chịu như đang bị cảm lạnh.
- Ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt: Mắt có thể trở nên kích ứng, sưng nhẹ hoặc rát nhẹ, đặc biệt nếu bạn vô tình dụi mắt sau khi chạm vào mèo.
- Ho, ngứa họng hoặc cảm giác nghẹn: Đường hô hấp phản ứng bằng cách co thắt nhẹ, khiến bạn thấy khó chịu khi nuốt hoặc nói chuyện.
- Khò khè, khó thở: Người có tiền sử hen suyễn dễ gặp tình trạng này hơn, và đôi khi cần sử dụng thuốc hỗ trợ hô hấp ngay lập tức.
- Phát ban da, mẩn đỏ hoặc nổi mề đay: Vùng da tiếp xúc trực tiếp với mèo có thể bị ngứa, nổi sẩn hoặc sưng nhẹ.

Một số người có thể chỉ bị dị ứng nhẹ thoáng qua, nhưng không nên chủ quan. Nếu các triệu chứng kéo dài trên một tuần, lặp lại nhiều lần khi ở gần mèo hoặc xuất hiện thường xuyên không rõ nguyên nhân, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra chính xác.
Dị ứng lông mèo có nguy hiểm không?
Dị ứng lông mèo thường không đe dọa đến tính mạng, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được kiểm soát đúng cách. Phần lớn các trường hợp chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ như hắt hơi, ngứa mũi hoặc nổi mẩn da, tuy nhiên, với những người có cơ địa nhạy cảm hoặc bệnh về đường hô hấp, dị ứng có thể chuyển biến thành các biến chứng nghiêm trọng. Một số rủi ro sức khỏe liên quan đến dị ứng lông mèo bao gồm:
- Hen suyễn: Tiếp xúc lâu dài có thể khiến bệnh hen trở nặng, dẫn đến khó thở và phải nhập viện cấp cứu.
- Viêm kết mạc mạn tính: Mắt đỏ kéo dài, nhạy cảm với ánh sáng.
- Viêm xoang: Nghẹt mũi kéo dài dễ dẫn đến nhiễm trùng xoang.
- Sốc phản vệ (hiếm gặp): Tình trạng nguy hiểm, đòi hỏi phải xử lý y tế ngay lập tức.

Chính vì vậy, nếu bạn thuộc nhóm dễ mẫn cảm hoặc đang có bệnh lý nền, hãy luôn chú ý đến các biểu hiện bất thường của cơ thể khi tiếp xúc với mèo để nhận biết sớm và chủ động phòng ngừa hiệu quả.
Mẹo giảm triệu chứng dị ứng lông mèo tại nhà
Có nhiều mẹo đơn giản giúp bạn làm dịu các triệu chứng dị ứng lông mèo mà không cần dùng đến thuốc ngay lập tức. Một số cách sau đây rất được ưa chuộng:
- Xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Làm sạch khoang mũi, loại bỏ dị nguyên, giúp giảm ngạt mũi và hắt hơi hiệu quả.
- Uống nước gừng hoặc trà hoa cúc: Tác dụng kháng viêm tự nhiên giúp cải thiện triệu chứng ngứa mũi, cổ họng.
- Tắm nước ấm với baking soda hoặc yến mạch: Làm dịu vùng da bị mẩn đỏ, ngứa ngáy.
- Sử dụng khăn ấm đắp lên mắt: Giảm ngứa, chảy nước mắt hoặc cảm giác khô rát.
- Thuốc kháng histamin không kê đơn: Nếu triệu chứng kéo dài, bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ để sử dụng các thuốc dị ứng tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Lưu ý: Nếu triệu chứng không thuyên giảm sau vài ngày hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đừng tự ý dùng thuốc kéo dài mà không có chỉ định.
Nếu bạn bị dị ứng nặng hen suyễn khó kiểm soát hoặc từng có phản ứng nghiêm trọng với lông mèo thì việc nuôi mèo có thể không phù hợp. Trong trường hợp này nên tham khảo ý kiến bác sĩ để bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Tuy vậy dị ứng lông mèo không hẳn là rào cản nếu bạn hiểu rõ cơ thể và chủ động kiểm soát môi trường sống. Việc nhận biết sớm dấu hiệu dị ứng chăm sóc đúng cách và duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm khó chịu đáng kể. Bạn vẫn có thể sống cùng mèo một cách an toàn nếu biết cách điều chỉnh phù hợp.