icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c

Đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì? Những điều cần lưu ý trong kỳ kinh nguyệt

Ngọc Vân03/07/2025

Đau bụng kinh là nỗi ám ảnh thường gặp ở nhiều phụ nữ mỗi khi đến chu kỳ. Bên cạnh việc sử dụng thuốc giảm đau hay nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm dịu cơn đau và giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn. Vậy đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì để hỗ trợ cải thiện tình trạng này? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Kỳ kinh nguyệt không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn khiến nhiều chị em phải đối mặt với cơn đau bụng âm ỉ, mệt mỏi kéo dài. Một trong những giải pháp hỗ trợ đơn giản nhưng hiệu quả chính là điều chỉnh chế độ ăn uống. Ăn đúng loại thực phẩm có thể giúp giảm viêm, cân bằng hormone và giảm đau hiệu quả. Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây để biết đau bụng kinh nên ăn gì, kiêng gì và chăm sóc cơ thể đúng cách trong những ngày đèn đỏ.

Vì sao khi đến tháng lại bị đau bụng?

Hiện tượng đau bụng trong kỳ kinh nguyệt là một biểu hiện sinh lý phổ biến ở phụ nữ, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thường gặp nhất là sự thay đổi nội tiết tố. Khi bước vào giai đoạn hành kinh, cơ thể tăng sản xuất hormone prostaglandin, kích thích tử cung co bóp nhằm đẩy máu kinh ra ngoài. Tuy nhiên, nồng độ prostaglandin cao cũng đồng thời gây ra các cơn đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội, đi kèm buồn nôn, tiêu chảy hoặc mệt mỏi.

Đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì? Những điều cần lưu ý trong kì kinh nguyệt 1
Đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì?

Ngoài yếu tố nội tiết, một số trường hợp đau bụng kinh còn liên quan đến việc sử dụng vòng tránh thai. Vòng đặt trong tử cung có thể kích thích niêm mạc tử cung, khiến các cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là trong những tháng đầu sau đặt vòng. Nếu kèm theo hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, khí hư bất thường hoặc đau khi quan hệ tình dục, người bệnh cần được kiểm tra sớm để loại trừ nguy cơ nhiễm trùng hay biến chứng.

Bên cạnh đó, đau bụng kinh còn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, hẹp cổ tử cung hoặc viêm vùng chậu. Thói quen ăn uống không lành mạnh cũng là yếu tố kích thích làm tăng mức độ đau bụng kinh.

Đau bụng kinh nên ăn gì?

Trong giai đoạn hành kinh, cơ thể phụ nữ thường trải qua những thay đổi nội tiết đáng kể, gây co bóp tử cung và dẫn đến cảm giác đau bụng. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp giảm đau, hỗ trợ lưu thông máu, cải thiện tâm trạng và duy trì năng lượng cần thiết. Đau bụng kinh nên ăn gì? Dưới đây là 1 số nhóm thực phẩm nên bổ sung trong kỳ kinh:

Uống đủ nước

Uống nước đầy đủ trong những ngày hành kinh giúp làm giảm co thắt cơ tử cung và cải thiện lưu thông máu. Mất nước có thể khiến cơ thể giữ muối, gây đầy bụng, mệt mỏi và làm tăng cảm giác đau. Ngoài nước lọc, người bệnh có thể sử dụng các loại thực phẩm giàu nước như dưa hấu, dưa leo, cần tây để bổ sung nước một cách tự nhiên.

Đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì? Những điều cần lưu ý trong kì kinh nguyệt 2
Uống đủ nước trong những ngày hành kinh giúp làm giảm co thắt cơ tử cung và cải thiện lưu thông máu

Trà thảo mộc

Một số loại trà thảo mộc như trà gừng, trà bạc hà, trà thì là hoặc nước chanh ấm có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng khó chịu trong kỳ kinh nguyệt thông qua cơ chế thư giãn cơ trơn và giảm cảm giác đầy bụng. Trong đó, trà gừng đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu lâm sàng là có khả năng làm dịu cơn co thắt tử cung và giảm mức độ đau bụng kinh nhờ đặc tính kháng viêm tự nhiên và ức chế tổng hợp prostaglandin. Tuy nhiên, các loại trà khác như bạc hà hay thì là chủ yếu mang tính hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện cảm giác, chưa có đủ bằng chứng lâm sàng rõ ràng về hiệu quả giảm đau bụng kinh.

Trái cây tươi

Chuối, dứa và kiwi là những loại trái cây giàu kali và vitamin B6, là dưỡng chất giúp điều hòa hệ thần kinh, giảm căng cơ tử cung và ổn định tâm trạng. Ngoài ra, trái cây cũng bổ sung đường tự nhiên, hỗ trợ cơ thể chống lại cảm giác mệt mỏi và thèm ngọt trong kỳ kinh nguyệt.

Đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì? Những điều cần lưu ý trong kì kinh nguyệt 3
Trái cây giúp bổ sung đường tự nhiên, hỗ trợ cơ thể chống lại cảm giác mệt mỏi và thèm ngọt trong kỳ kinh nguyệt

Hải sản giàu omega-3

Cá hồi, cá thu và hàu là những thực phẩm chứa hàm lượng cao axit béo omega-3 và vitamin D. Omega-3 có đặc tính chống viêm, giúp giảm co bóp tử cung. Đồng thời, nhóm thực phẩm này còn cung cấp sắt để bù lại lượng máu mất trong kỳ kinh.

Các loại đậu

Đậu đen, đậu lăng và đậu nành là nguồn cung cấp magie, sắt và chất xơ. Magie giúp giãn cơ tử cung, trong khi sắt hỗ trợ tái tạo hồng cầu. Chất xơ trong đậu còn giúp điều hòa tiêu hóa, tránh tình trạng đầy hơi gây áp lực lên vùng bụng dưới.

Trứng

Trứng là thực phẩm giàu protein và vitamin nhóm B, vitamin D, E. Những vi chất này giúp cân bằng nội tiết tố, hỗ trợ chống viêm và điều hòa hoạt động của hệ thần kinh trung ương, từ đó làm dịu các triệu chứng đau bụng kinh.

Socola đen

Socola đen có chứa flavonoid, magie và chất chống oxy hóa cao. Flavonoid có tác dụng chống viêm, tăng lưu thông máu, giúp giảm co thắt tử cung. Lưu ý lựa chọn loại socola có hàm lượng cacao từ 70% trở lên để đạt hiệu quả tối ưu.

Đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì? Những điều cần lưu ý trong kì kinh nguyệt 4
Flavonoid trong socola đen có tác dụng chống viêm, tăng lưu thông máu, giúp giảm co thắt tử cung

Đau bụng kinh không nên ăn gì?

Ngoài thắc mắc "Đau bụng kinh nên ăn gì?", bạn cũng cần lưu ý đến một số loại thực phẩm nếu sử dụng không đúng cách có thể khiến cơn đau bụng kinh trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là những nhóm thực phẩm mà chị em nên hạn chế trong kỳ kinh nguyệt:

Thực phẩm cay và mặn

Thức ăn cay như ớt, tiêu, mù tạt có thể kích thích dạ dày và gây rối loạn tiêu hóa, từ đó làm tăng cảm giác co thắt và đau bụng. Bên cạnh đó, thực phẩm quá mặn gây giữ nước trong cơ thể, dẫn đến tình trạng đầy hơi và chướng bụng, khiến cảm giác khó chịu trong kỳ kinh trở nên nghiêm trọng hơn. 

Thực phẩm quá ngọt

Đường đơn và thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường có thể gây dao động đường huyết và ảnh hưởng đến tâm trạng. Chị em nên ưu tiên đường tự nhiên từ trái cây thay vì sử dụng đường tinh luyện.

Thực phẩm giàu chất béo bão hòa

Khoai tây chiên, đồ ăn nhanh và các loại thức ăn chiên rán chứa nhiều chất béo bão hòa, dễ gây viêm và ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp hormone sinh dục nữ. Những thực phẩm này cũng làm tăng prostaglandin, là một hợp chất có liên quan đến cơn đau tử cung, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng đau bụng kinh.

Rượu, bia và caffeine

Các chất kích thích như rượu, bia, cà phê làm cơ thể mất nước và gây co mạch máu, làm tăng cảm giác đau bụng, đau đầu hoặc buồn nôn trong kỳ kinh. Ngoài ra, caffeine còn gây co thắt tử cung mạnh hơn ở một số người, làm tăng cường độ cơn đau.

Thịt đỏ

Thịt đỏ như thịt bò, thịt dê chứa lượng lớn acid arachidonic, là chất thúc đẩy sản xuất prostaglandin. Ăn quá nhiều thịt đỏ có thể khiến tử cung co bóp mạnh hơn bình thường, làm gia tăng mức độ đau bụng kinh.

Biện pháp giảm đau bụng trong những ngày hành kinh

Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ tại nhà có thể giúp làm giảm mức độ khó chịu trong kỳ kinh nguyệt. Dưới đây là những phương pháp an toàn, hiệu quả được chuyên gia khuyến nghị:

  • Chườm ấm vùng bụng dưới hoặc lưng: Nhiệt độ từ túi chườm, chai nước nóng hoặc khăn ấm giúp giãn cơ tử cung, cải thiện tuần hoàn máu và giảm cảm giác đau co thắt.
  • Tắm nước ấm: Ngâm mình hoặc tắm bằng nước ấm có tác dụng thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng và hỗ trợ quá trình lưu thông máu, từ đó làm dịu nhanh các cơn đau bụng kinh.
  • Xoa bóp nhẹ vùng bụng: Massage vùng bụng dưới theo chuyển động tròn nhẹ nhàng có thể làm dịu cảm giác căng tức, hỗ trợ tử cung co bóp nhịp nhàng hơn và giảm đau.
  • Tập luyện nhẹ nhàng: Các hoạt động thể chất như yoga, đi bộ chậm hoặc tập thở sâu giúp cải thiện lưu thông máu, giảm đau tự nhiên.
  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Thay băng vệ sinh thường xuyên và vệ sinh đúng cách giúp phòng tránh viêm nhiễm, hạn chế cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trong kỳ kinh.
  • Tránh mặc đồ bó sát và làm việc quá sức: Ưu tiên quần áo rộng, chất liệu thoáng khí để vùng kín thông thoáng. Đồng thời, hạn chế vận động mạnh hoặc thức khuya để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi tốt hơn.
  • Duy trì tinh thần lạc quan: Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng quá mức là yếu tố quan trọng giúp làm giảm cảm nhận về cơn đau trong chu kỳ kinh nguyệt.
Đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì? Những điều cần lưu ý trong kì kinh nguyệt 5
Chườm ấm vùng bụng dưới giúp giãn cơ tử cung, cải thiện tuần hoàn máu và giảm cảm giác đau

Hiểu rõ đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì sẽ giúp chị em chủ động chăm sóc sức khỏe trong những ngày đèn đỏ. Một chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp với thói quen sinh hoạt lành mạnh và nghỉ ngơi đầy đủ không chỉ giúp giảm cơn đau mà còn cải thiện đáng kể tâm trạng và chất lượng cuộc sống. Nếu triệu chứng đau bụng kinh kéo dài hoặc trở nên dữ dội bất thường, chị em nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NỘI DUNG LIÊN QUAN