icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c

Cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ? Khi nào cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ?

Phạm Uyên02/07/2025

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng, nhất là khi mắt con đỏ ngầu, ngứa ngáy, chảy nước mắt liên tục và quấy khóc. Đau mắt đỏ tuy là bệnh lành tính, nhưng nếu không xử lý đúng cách có thể gây biến chứng hoặc lây lan cho người xung quanh. Vậy cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ​ để giúp con nhanh khỏi và an toàn?

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm, trong đó có đau mắt đỏ, một bệnh rất dễ lây trong môi trường lớp học, nhà trẻ. Khi trẻ mắc bệnh, việc chăm sóc và điều trị đúng cách đóng vai trò quan trọng để giảm triệu chứng và ngăn lây lan cho bạn bè, người thân. Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ​?

Cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ​? Cách chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ

Cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ​? Khi trẻ bị đau mắt đỏ, còn gọi là viêm kết mạc, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là giữ bình tĩnh và theo dõi triệu chứng của trẻ. Trong phần lớn trường hợp, nếu nguyên nhân là do virus, bệnh thường tự khỏi sau vài ngày mà không cần dùng thuốc đặc trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm là do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh để điều trị.

Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt ở trẻ nhỏ đôi khi không dễ dàng, nhất là khi trẻ sợ hoặc không hợp tác. Trong trường hợp này, cha mẹ có thể nhỏ thuốc vào góc trong của mắt lúc trẻ đang nhắm mắt. Khi trẻ mở mắt, thuốc sẽ tự chảy vào trong. Nếu vẫn gặp khó khăn, có thể xin ý kiến bác sĩ để chuyển sang dạng thuốc mỡ bôi, loại này dễ sử dụng hơn vì chỉ cần bôi một lớp mỏng ở nơi hai mí mắt chạm nhau là đủ.

Cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ? 1
Cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ​?

Để giúp trẻ bớt khó chịu, cha mẹ cũng có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau hạ sốt như acetaminophen hoặc ibuprofen, lưu ý phải sử dụng đúng liều lượng theo cân nặng và độ tuổi của trẻ theo chỉ định của bác sĩ.

Việc chăm sóc tại nhà cũng đóng vai trò quan trọng. Dùng khăn sạch thấm nước mát hoặc ấm đắp nhẹ lên mắt sẽ giúp giảm sưng và làm dịu cảm giác rát. Cha mẹ có thể dùng bông gòn hoặc gạc sạch nhúng nước ấm để nhẹ nhàng lau phần dịch tiết quanh mắt cho trẻ, giúp loại bỏ lớp vảy khô khiến mí mắt bị dính vào nhau khi thức dậy vào buổi sáng.

Nếu trẻ đang đeo kính áp tròng, nên ngưng sử dụng trong thời gian bị viêm. Sau khi khỏi, cần khử trùng kỹ kính và hộp đựng trước khi đeo lại. Với loại kính áp tròng dùng một lần, nên vứt bỏ cặp đang sử dụng và thay mới sau khi trẻ hồi phục hoàn toàn.

Cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ? 2
Giữ vệ sinh tay cho trẻ, không cho trẻ dụi mắt

Trong thời gian trẻ bị đau mắt đỏ, để hạn chế nguy cơ lây lan, các bác sĩ thường khuyên cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học, nghỉ trại hè hoặc không đến nơi chăm sóc trẻ em cho đến khi các triệu chứng cải thiện rõ rệt. Giữ vệ sinh tay cho trẻ, không cho trẻ dụi mắt và tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác cũng là những bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cả gia đình.

Tại sao trẻ em dễ bị đau mắt đỏ?

Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, dễ bị đau mắt đỏ do hệ miễn dịch còn non nớt và dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. 

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là do nhiễm trùng xảy ra ngay trong quá trình sinh nở. Khi bé đi qua ống sinh, vi khuẩn hoặc virus có sẵn trong âm đạo của mẹ có thể lây sang mắt bé. Những vi sinh vật này có thể là vi khuẩn “lành tính” sống bình thường trong môi trường âm đạo hoặc nghiêm trọng hơn, là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia hay lậu. Đó là lý do vì sao phụ nữ mang thai cần được tầm soát và điều trị các bệnh lây nhiễm để ngăn ngừa lây truyền sang con.

Ngoài nhiễm trùng, một số trẻ bị đau mắt đỏ do kích ứng hóa học. Sau khi sinh, hầu hết trẻ sơ sinh đều được nhỏ mắt bằng dung dịch kháng khuẩn để phòng ngừa nhiễm trùng mắt. Tuy nhiên, một số bé có thể nhạy cảm với thành phần của thuốc, dẫn đến kích ứng nhẹ và làm mắt đỏ. Trường hợp này không nghiêm trọng và thường tự khỏi sau một đến hai ngày mà không cần can thiệp y tế.

Cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ? 3
Một số trẻ bị đau mắt đỏ do kích ứng hóa học

Một nguyên nhân khác khiến trẻ dễ bị đau mắt đỏ là tắc ống dẫn nước mắt. Nước mắt có vai trò giữ ẩm và làm sạch mắt, sau đó được dẫn thoát qua các ống nhỏ ở khóe mắt. Nếu những ống dẫn này bị tắc, tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, nước mắt không thể thoát ra đúng cách, gây ứ đọng và làm mắt dễ bị kích ứng hoặc nhiễm trùng nhẹ, biểu hiện bằng tình trạng mắt đỏ và có ghèn.

Chính sự kết hợp giữa hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, tiếp xúc với môi trường mới, và các yếu tố sinh lý như tắc tuyến lệ khiến trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có nguy cơ cao bị đau mắt đỏ. Do đó, việc theo dõi kỹ các dấu hiệu ở mắt trẻ và trao đổi sớm với bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường là rất cần thiết.

Khi nào cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ?

Cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ khi tình trạng đau mắt đỏ không có dấu hiệu cải thiện sau 2 đến 3 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị, hoặc sau khoảng một tuần nếu không được điều trị. Việc trì hoãn có thể khiến tình trạng nặng hơn, đặc biệt nếu nguyên nhân là do vi khuẩn hoặc có biến chứng.

Ngoài ra, nếu trẻ có biểu hiện sưng nề rõ rệt ở mí mắt, đỏ nhiều quanh mắt, kèm theo cảm giác đau và sốt, đây có thể là dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đã lan ra ngoài kết mạc, tình trạng này nghiêm trọng hơn và cần được can thiệp y tế ngay. Bác sĩ có thể cần kê đơn thuốc kháng sinh, thực hiện xét nghiệm hoặc chuyển trẻ đến chuyên khoa mắt để điều trị chuyên sâu hơn.

Cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ? 4
Cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ khi tình trạng đau mắt đỏ không có dấu hiệu cải thiện

Trong mọi trường hợp, nếu cha mẹ cảm thấy lo lắng hoặc thấy các dấu hiệu bất thường khác ở mắt con, tốt nhất là nên đưa trẻ đến khám để được đánh giá kịp thời. Sức khỏe của mắt, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, cần được theo dõi sát vì những ảnh hưởng lâu dài có thể xảy ra nếu không điều trị đúng cách.

Bài viết đã có câu trả lời cho câu hỏi: “Cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ​?”. Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học, giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, tránh để trẻ dụi mắt hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị đúng thuốc. Việc chăm sóc đúng cách không chỉ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh mà còn phòng ngừa hiệu quả nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và trường học.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NỘI DUNG LIÊN QUAN