Trong giai đoạn đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu nên rất dễ mắc các bệnh như cảm lạnh. Đặc biệt, với trẻ chỉ mới 1 tháng tuổi, việc chăm sóc càng cần cẩn trọng để tránh biến chứng. Do đó, cha mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị cảm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi tại nhà sao cho an toàn và hiệu quả, giúp bé nhanh chóng hồi phục.
Nhận biết dấu hiệu cảm lạnh ở trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu nên rất dễ bị virus tấn công, đặc biệt là các loại virus gây cảm lạnh. Trẻ thường bị cảm lạnh nhiều lần trong năm, đặc biệt trong hai năm đầu đời, với tần suất trung bình từ 8 - 10 lần mỗi năm. Khi lớn hơn, số lần mắc bệnh sẽ giảm dần nhờ hệ miễn dịch dần hoàn thiện.
Những dấu hiệu cảm lạnh ở trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi như:
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi: Dịch mũi thường trong, loãng lúc đầu, sau đó có thể chuyển sang màu vàng hoặc xanh.
- Hắt hơi, ho nhẹ: Do kích thích đường hô hấp trên.
- Khó ngủ, quấy khóc: Bé cảm thấy khó chịu, khó thở, đặc biệt vào ban đêm.
- Sốt nhẹ: Một số bé có thể sốt nhẹ (dưới 38°C).
- Bú kém: Trẻ bị cảm thường mệt mỏi, ăn uống kém hơn bình thường.

Cách trị cảm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi an toàn tại nhà
Khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị cảm lạnh, cha mẹ có thể hỗ trợ bé hồi phục bằng các phương pháp chăm sóc tại nhà. Dưới đây là một số cách xử lý không dùng thuốc, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bé.
Làm sạch mũi cho bé
Tình trạng nghẹt mũi gây nhiều khó chịu cho trẻ sơ sinh và ảnh hưởng đến việc bú, ngủ của bé. Do đó, việc giữ cho mũi bé thông thoáng là bước quan trọng khi điều trị cảm lạnh:
- Dùng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ 1 - 2 giọt vào hai bên mũi để làm loãng dịch nhầy.
- Sử dụng dụng cụ hút mũi chuyên dụng để hút sạch dịch giúp bé dễ thở hơn.
- Thực hiện thao tác nhẹ nhàng và vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chăm sóc mũi cho bé.

Giữ ấm cơ thể cho bé
Cha mẹ cần lưu ý những điều dưới đây để giữ ấm cho bé:
- Mặc quần áo đủ ấm, đội mũ, mang vớ khi thời tiết lạnh.
- Tránh để bé nằm nơi có gió lùa, gần máy lạnh hoặc quạt mạnh.
- Có thể dùng khăn mỏng quấn quanh người để giữ nhiệt, nhưng không quấn quá chặt.
Cho bé bú thường xuyên
Sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng và các kháng thể quan trọng, giúp bé tăng cường khả năng chống lại virus gây bệnh. Nếu bé bú kém, mẹ nên chia nhỏ cữ bú và cho bú nhiều lần trong ngày.

Tắm nước ấm và lau người đúng cách
- Tắm cho bé bằng nước ấm, trong phòng kín gió.
- Sau khi tắm, lau khô người và mặc đồ ấm ngay cho bé.
- Có thể dùng khăn ấm lau người nếu bé quá mệt hoặc sốt.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị cảm lạnh
Nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ sơ sinh chủ yếu là do virus. Có nhiều yếu tố khiến trẻ sơ sinh dễ mắc cảm lạnh, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột:
- Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện: Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn khá non nớt nên rất dễ bị virus tấn công;
- Tiếp xúc với mầm bệnh: Cha mẹ nên hạn chế đưa trẻ sơ sinh đến nơi đông người như siêu thị, bệnh viện hay khu vui chơi, vì đây là những môi trường dễ chứa mầm bệnh và bé chưa có đủ sức đề kháng để chống lại.
- Thay đổi thời tiết và nhiệt độ môi trường: Thời tiết lạnh, gió lùa hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ khiến niêm mạc mũi họng của trẻ sơ sinh bị tổn thương và tạo điều kiện cho virus xâm nhập.

Những điều cha mẹ cần tránh khi trị cảm cho trẻ sơ sinh
- Không tự ý dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc cảm cho bé mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Không xông hơi hoặc dùng dầu gió, cao nóng lên da bé vì có thể gây kích ứng hoặc ngộ độc.
- Không nhỏ nước chanh, mật ong, tỏi,… vào mũi trẻ, dễ gây bỏng niêm mạc và nhiễm trùng.
Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị cảm lạnh đi khám bác sĩ?
Sốt là một phản ứng thường gặp khi trẻ bị cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt từ 38°C trở lên, cần đưa trẻ đi khám ngay. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên lưu ý các dấu hiệu cảnh báo tình trạng nặng hơn như:
- Nổi ban bất thường trên da;
- Nôn ói, tiêu chảy;
- Ho kéo dài, có đờm đặc, đờm có máu;
- Thở khò khè, khó thở;
- Bỏ bú, bú ít, tiểu ít;
- Môi hoặc đầu ngón tay tím tái.
Cảm lạnh là bệnh lý thường gặp và không quá nguy hiểm nếu được chăm sóc đúng cách. Hiểu rõ cách trị cảm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi sẽ giúp cha mẹ chủ động xử lý và chăm sóc bé tại nhà hiệu quả, đồng thời hạn chế được những biến chứng không mong muốn. Khi có dấu hiệu bất thường, đừng chần chừ đưa bé đi khám để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé.
Để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cha mẹ đừng quên đưa bé đi tiêm vắc xin đúng lịch. Hệ miễn dịch của trẻ trong những tháng đầu đời còn yếu, vì vậy việc tiêm chủng giúp bé hình thành kháng thể cần thiết và giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngay từ tháng đầu đời, trẻ đã cần tiêm những mũi vắc xin quan trọng như vắc xin viêm gan B, vắc xin phòng lao (BCG),... Hãy đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu để được tư vấn, theo dõi và tiêm phòng đầy đủ cho bé.