Khi thời tiết nóng ẩm và điều kiện vệ sinh xuống cấp, bệnh tả có thể âm thầm lan rộng chỉ qua một ly nước không sạch. Đây là lý do vì sao việc nhận diện nguyên nhân và biết cách phòng tránh bệnh tả đúng cách là điều không thể chủ quan – nhất là trong mùa dịch bệnh dễ bùng phát.
Bệnh tả và nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tả là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra, lây chủ yếu qua đường tiêu hóa qua nước ô nhiễm hoặc thực phẩm không an toàn. Trước đây, bệnh từng gây ra nhiều đại dịch lớn với số ca tử vong cao do mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời.
Nhờ cải thiện vệ sinh và nâng cao nhận thức, bệnh tả hiện nay đã được kiểm soát tốt hơn, tuy nhiên vẫn còn xuất hiện rải rác, đặc biệt vào mùa hè hoặc tại vùng ven biển - nơi còn thói quen ăn thực phẩm sống, tái, chưa đảm bảo vệ sinh. Do đó, cách phòng tránh bệnh tả vẫn là ưu tiên quan trọng, nhất là với các cộng đồng nguy cơ cao.

Bệnh có nhiều thể, từ nhẹ đến nặng, cụ thể:
- Thể không triệu chứng: Người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh, vẫn có khả năng lây lan.
- Thể nhẹ: Tiêu chảy thoáng qua, dễ nhầm với rối loạn tiêu hóa thông thường.
- Thể điển hình: Tiêu chảy dữ dội với phân lỏng toàn nước, nôn nhiều, nhanh chóng gây mất nước.
- Thể tối cấp: Diễn tiến cực nhanh, mất nước nặng, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời
- Ở trẻ em: Thường biểu hiện nhẹ, tiêu chảy có thể kèm sốt.
- Ở người cao tuổi: Nguy cơ mất nước nặng và biến chứng cao, đặc biệt suy thận, kể cả khi đã truyền dịch.
Cách phòng tránh bệnh tả hiệu quả
Bệnh tả được Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm do khả năng lây lan nhanh và bùng phát thành dịch lớn. Chủ động thực hiện cách phòng tránh bệnh tả là phương pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng, đặc biệt trong mùa hè - thời điểm bệnh dễ phát sinh hoặc tại các khu vực có điều kiện vệ sinh kém.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống
Đây là một trong những biện pháp phòng tránh bệnh tả cơ bản nhưng đóng vai trò then chốt. Vi khuẩn tả có thể tồn tại trong phân người bệnh và lây lan qua đường tiêu hóa, nên giữ vệ sinh sạch sẽ là hàng rào bảo vệ đầu tiên:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi.
- Khử trùng phân, chất thải của người tiêu chảy cấp bằng vôi bột hoặc Cloramin B.
- Tránh đến khu vực đang có dịch tả lưu hành.

Đảm bảo an toàn thực phẩm
Một cách phòng tránh bệnh tả khác không thể bỏ qua là kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm. Ăn uống không đảm bảo vệ sinh là con đường lây nhiễm phổ biến nhất của bệnh:
- Ưu tiên ăn chín, uống sôi; tránh dùng rau sống, nước chưa đun sôi.
- Không ăn các món có nguy cơ cao như hải sản sống, tiết canh, gỏi cá, mắm tôm sống…
- Lưu ý bảo quản và chế biến thực phẩm đúng cách để hạn chế nhiễm khuẩn.
Bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước sạch
Trong số các cách phòng tránh bệnh tả, việc bảo đảm sử dụng nước sạch mỗi ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu nước bị ô nhiễm, nguy cơ lây lan vi khuẩn tả rất cao:
- Sử dụng nguồn nước ăn uống đã qua xử lý, có thể bổ sung Cloramin B nếu nghi ngờ ô nhiễm.
- Không đổ chất thải, nước giặt rửa hay xác động vật xuống nguồn nước sinh hoạt.
- Vệ sinh dụng cụ chứa nước thường xuyên và khử khuẩn định kỳ.

Xử trí sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ
Một cách phòng chống bệnh tả hiệu quả khác chính là nâng cao nhận thức để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca nghi ngờ:
- Đưa người có triệu chứng tiêu chảy cấp đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Tránh tự ý dùng thuốc tại nhà vì có thể làm chậm việc xử trí mất nước – yếu tố gây tử vong chính trong bệnh tả.
Chủ động tiêm phòng vắc xin
Trong danh sách các cách phòng chống bệnh tả, tiêm vắc xin là biện pháp dự phòng chủ động giúp tăng cường miễn dịch cộng đồng. Vắc xin uống ngừa tả hiện nay giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trong vòng 3 – 6 tháng sau tiêm và nên được tiêm định kỳ cho những người sống ở khu vực có nguy cơ cao.
Vắc xin tả mORCVAX
mORCVAX là vắc xin uống phòng bệnh tả do Công ty Vabiotech (Việt Nam) sản xuất, có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn Vibrio cholerae thuộc hai nhóm huyết thanh O1 và O139 - nguyên nhân chính gây dịch tả. Đây là vắc xin bất hoạt, sử dụng các chủng vi khuẩn đã được xử lý loại bỏ độc tính nhưng vẫn giữ nguyên khả năng kích thích miễn dịch.
Thành phần và quy trình sản xuất
Vắc xin được sản xuất bằng cách nuôi cấy các chủng vi khuẩn trong điều kiện môi trường tối ưu, sau đó bất hoạt bằng formaldehyde hoặc nhiệt để loại bỏ khả năng gây bệnh. Hỗn dịch sau đó được tinh sạch, cô đặc và phối trộn với dung dịch đệm tiêu chuẩn nhằm đảm bảo độ an toàn và hiệu lực miễn dịch.
Mỗi liều 1,5 ml vắc xin uống chứa:
- V. cholerae O1 (chủng El Tor Phil.6973 – bất hoạt bằng formaldehyde);
- V. cholerae O1 (chủng Cairo 48 – bất hoạt bằng nhiệt);
- V. cholerae O1 (chủng Cairo 50 – bất hoạt bằng formaldehyde và nhiệt);
- V. cholerae O139 (chủng 4260B – bất hoạt bằng formaldehyde);
- Dung dịch đệm theo tiêu chuẩn WHO;
- Thimerosal (chất bảo quản).

Dạng bào chế và bảo quản
mORCVAX được bào chế dưới dạng dung dịch uống, phù hợp cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt tiện lợi trong các chương trình tiêm chủng cộng đồng.
Bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C, tránh đông băng để đảm bảo hiệu lực miễn dịch.
Bệnh tả vẫn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nếu không được kiểm soát đúng cách. Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và áp dụng đầy đủ các cách phòng tránh bệnh tả như giữ vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nước sạch và tiêm phòng vắc xin - sẽ giúp mỗi người chủ động bảo vệ bản thân và góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Tiêm vắc xin phòng tả giúp cơ thể tạo miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế lây lan trong cộng đồng. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu hiện cung cấp vắc xin phòng tả chính hãng, an toàn, phù hợp cho cả trẻ em và người lớn. Đội ngũ y tế chuyên nghiệp, quy trình tiêm nhanh chóng. Liên hệ tổng đài miễn phí 1800 6928 để được tư vấn và đặt lịch tiêm.