Khi một người trong gia đình bị viêm mũi dị ứng, không ít người cảm thấy lo lắng và đặt ra câu hỏi: Viêm mũi dị ứng có lây không? Sự trùng hợp khi nhiều thành viên cùng gặp tình trạng hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi kéo dài khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng lây lan. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa bệnh truyền nhiễm và các yếu tố di truyền hoặc môi trường sống chung. Vậy viêm mũi dị ứng có di truyền không hay do đâu mà cả gia đình đều mắc phải? Câu trả lời sẽ được giải đáp trong phần tiếp theo của bài viết.
Bệnh viêm mũi dị ứng có lây không?
Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch, không phải là bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, nếu bạn đang băn khoăn viêm mũi dị ứng có lây không, thì câu trả lời chính xác là không. Bệnh không thể lan truyền từ người này sang người khác qua việc tiếp xúc trực tiếp, dùng chung đồ cá nhân hay hít phải giọt bắn.
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là do cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân bên ngoài như phấn hoa, bụi nhà, lông thú, nấm mốc hoặc các chất kích thích khác. Khi tiếp xúc với những yếu tố này, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể và các chất trung gian gây dị ứng, dẫn đến những triệu chứng điển hình như hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi và nghẹt mũi.
Điều đáng chú ý là trong cùng một gia đình hoặc môi trường sống, có thể có nhiều người cùng bị viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bệnh lây truyền, mà thường xuất phát từ việc cùng tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng giống nhau hoặc có yếu tố di truyền trong cơ địa. Mỗi người sẽ có mức độ phản ứng khác nhau tùy thuộc vào cơ địa và tiền sử dị ứng cá nhân.

Tại sao nhiều người trong gia đình cùng bị viêm mũi dị ứng?
Như đã đề cập qua ở phần trên, có không ít gia đình gặp tình trạng nhiều thành viên cùng mắc viêm mũi dị ứng, khiến nhiều người lầm tưởng rằng bệnh này có thể lây lan. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Có hai nguyên nhân chính lý giải cho hiện tượng này đó là yếu tố di truyền và môi trường sống chung.
Yếu tố di truyền
Bệnh viêm mũi dị ứng có di truyền không? Câu trả lời là có. Viêm mũi dị ứng là một bệnh có yếu tố di truyền rõ ràng. Nếu cha mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh, khả năng cao thế hệ sau cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo thống kê, tỷ lệ di truyền có thể lên tới 60 – 70%. Đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao trong một gia đình lại có nhiều người cùng bị viêm mũi dị ứng.
Cùng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng
Ngoài yếu tố di truyền, môi trường sống cũng đóng vai trò quan trọng. Các thành viên trong gia đình thường cùng hít thở chung bầu không khí chứa nhiều dị nguyên như bụi mịn, lông động vật, phấn hoa hoặc nấm mốc. Việc tiếp xúc với những yếu tố này trong thời gian dài có thể kích thích phản ứng dị ứng ở những người có cơ địa nhạy cảm, từ đó dẫn đến việc nhiều người cùng mắc bệnh.

Cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng hiệu quả
Viêm mũi dị ứng có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Tuy không thể chữa dứt điểm bệnh nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa và kiểm soát bệnh bằng các biện pháp đơn giản dưới đây:
Tránh xa tác nhân gây dị ứng
Biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất là hạn chế tiếp xúc với những yếu tố dễ gây kích ứng. Nếu bạn dị ứng với phấn hoa, hãy tránh ra ngoài vào thời điểm hoa nở rộ hoặc đeo khẩu trang khi cần thiết. Với môi trường có nhiều bụi bẩn, hóa chất hoặc khói thuốc lá, việc sử dụng máy lọc không khí hay thay đổi không gian sống là một lựa chọn đáng cân nhắc.

Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng khí
Một không gian sống sạch, ít bụi, không ẩm thấp sẽ giúp giảm nguy cơ dị ứng. Hãy lau dọn nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là các khu vực dễ ẩm mốc như phòng tắm, nhà bếp. Dùng máy hút bụi và máy lọc không khí là cách hiệu quả để loại bỏ bụi mịn, nấm mốc và lông động vật.
Chăm sóc thú cưng đúng cách
Nếu bạn nuôi chó, mèo hoặc các loại vật nuôi có lông, nên thường xuyên tắm rửa, chải lông cho chúng để hạn chế lượng lông rụng và tế bào da chết bay trong không khí. Nên hạn chế cho thú cưng vào phòng ngủ hoặc nơi nghỉ ngơi.
Tăng cường vận động
Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe hô hấp và hỗ trợ cơ thể kiểm soát phản ứng dị ứng.
Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống giàu vitamin và khoáng chất sẽ giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn với các tác nhân gây dị ứng. Nếu bạn đã biết mình dị ứng với thực phẩm nào, hãy loại bỏ chúng khỏi khẩu phần ăn, đặc biệt là các loại hải sản như tôm, cua, ghẹ, cá biển,...
Sử dụng thuốc theo chỉ định
Đối với người đã bị viêm mũi dị ứng, việc dùng thuốc đúng cách sẽ giúp kiểm soát triệu chứng và hạn chế bệnh tái phát. Một số loại thuốc thường được kê đơn gồm thuốc kháng histamine, thuốc xịt mũi chứa corticosteroid. Bạn nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc điều trị.
Thăm khám định kỳ với bác sĩ
Nếu tình trạng viêm mũi dị ứng kéo dài hoặc tái phát thường xuyên, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc dị ứng miễn dịch để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Việc theo dõi định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các biến chứng và điều chỉnh phác đồ điều trị kịp thời.

Viêm mũi dị ứng tuy không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng lại gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày nếu không được kiểm soát đúng cách. Việc hiểu rõ nguyên nhân, đặc biệt là yếu tố di truyền và môi trường sống, sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe hô hấp cho cả gia đình.
Ngoài các biện pháp phòng tránh hàng ngày, tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh hô hấp như vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng bệnh do phế cầu,... là một trong những cách hiệu quả giúp bảo vệ đường hô hấp, giảm nguy cơ bội nhiễm và tăng cường miễn dịch, đặc biệt cho những người có cơ địa dị ứng hoặc hệ miễn dịch yếu. Hãy đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và tiêm chủng định kỳ vắc xin cúm, phế cầu – Vì một sức khỏe hô hấp tốt hơn cho cả gia đình bạn!