Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp mạn tính gây khó thở tiến triển, thường gặp ở người hút thuốc lâu năm hoặc sống trong môi trường ô nhiễm. Hai biểu hiện phổ biến của COPD là khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính đều không liên quan đến nhiễm trùng nên không có khả năng lây lan.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có lây không?
Câu trả lời cho thắc mắc "Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có lây không?" đó chính là "Không". COPD không do tác nhân truyền nhiễm như vi khuẩn hay virus gây ra, mà là hậu quả của sự viêm và tổn thương phổi mạn tính do tiếp xúc lâu dài với khói thuốc, bụi mịn, khí độc hoặc do di truyền.
Khác với cúm mùa hay lao phổi vốn dễ lây qua giọt bắn, COPD không lây qua tiếp xúc thông thường. Người bệnh không gây nhiễm cho người xung quanh trong sinh hoạt hàng ngày hay làm việc chung.
Tuy nhiên, do hệ hô hấp yếu hơn, người mắc COPD dễ bị nhiễm trùng hô hấp như cảm lạnh, cúm. Những bệnh nhiễm trùng này thì có thể lây lan khi ho, hắt hơi. Vì vậy, người bệnh nên:
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi;
- Thường xuyên rửa tay;
- Vệ sinh các bề mặt tiếp xúc;
- Tránh tiếp xúc với những người xung quanh khi bị cảm;
- Tiêm phòng vắc xin cúm, vắc xin phế cầu đầy đủ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến COPD
Để hiểu rõ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có lây không, cần nhận diện những nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh. COPD là hậu quả của tổn thương phổi kéo dài do các chất kích thích hô hấp như:
- Thuốc lá: Hút thuốc lá chủ động hay thụ động là nguyên nhân hàng đầu. Khói thuốc phá hủy hàng rào bảo vệ của đường thở, tạo điều kiện cho bụi và vi khuẩn xâm nhập sâu vào phổi.
- Ô nhiễm không khí: Tiếp xúc lâu dài với khói bụi công nghiệp, khí thải xe cộ, bụi than.
- Chất độc hại từ nghề nghiệp: Bụi, hóa chất độc hại trong môi trường làm việc.
- Nhiễm trùng hô hấp thời thơ ấu: Gây tổn thương cấu trúc phổi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành.
- Di truyền: Một số trường hợp mắc COPD do thiếu hụt alpha-1 antitrypsin.

Phân biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với các bệnh hô hấp có thể lây
Một trong những lý do khiến nhiều người lo lắng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có lây không là do bệnh có các triệu chứng giống với bệnh truyền nhiễm như: Ho, khó thở, khò khè, mệt mỏi. Điều này khiến COPD dễ bị nhầm lẫn với:
- Lao phổi: Do vi khuẩn lao gây ra và lây qua đường hô hấp.
- Viêm phế quản cấp: Thường do virus, có thể lây lan, đặc biệt trong môi trường khép kín.
- Cúm mùa: Lây lan mạnh, gây sốt, ho, viêm họng.
Điểm khác biệt then chốt là COPD không liên quan đến yếu tố gây bệnh lây truyền. Các cơn ho và khó thở của người bệnh bắt nguồn từ tổn thương mạn tính của mô phổi chứ không phải phản ứng cấp tính với vi sinh vật.

Tại sao COPD không lây nhưng vẫn cần cảnh giác?
Theo WHO, COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Mặc dù đây là bệnh không trực tiếp lây lan qua đường hô hấp nhưng việc nhận thức rõ về sự nguy hiểm và gánh nặng y tế khi đã mắc bệnh là thực sự rất cần thiết.
Và do đó, để bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh, chúng ta không nên chủ quan với các yếu tố dường như rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày, nhưng thực ra lại là mối đe dọa lớn làm gia tăng tỷ lệ mắc COPD như:
- Tỷ lệ hút thuốc cao ở người trẻ và nữ giới.
- Ô nhiễm không khí tại đô thị lớn và khu công nghiệp.
- Tiếp xúc thụ động với khói thuốc trong gia đình và môi trường xung quanh.
- Thiếu kiến thức về cách phòng ngừa và điều trị sớm COPD.
Tuyên truyền, giáo dục và hỗ trợ người bệnh COPD đúng cách
Hiểu sai rằng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể lây dễ dẫn đến kỳ thị, khiến người bệnh bị cô lập và khó tiếp cận chăm sóc y tế. Do đó, hãy đồng hành thay vì xa lánh là cách tốt nhất để giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh hiệu quả, vì COPD hoàn toàn không lây qua tiếp xúc thông thường. Việc tuyên truyền đúng về COPD là rất cần thiết bằng cách:
Cộng đồng: Tạo môi trường sống không khói thuốc và không phân biệt đối xử.
Người bệnh: Chủ động điều trị, bỏ thuốc lá và duy trì lối sống lành mạnh.
Nhân viên y tế: Tư vấn rõ ràng, hỗ trợ về mặt tâm lý và kỹ năng sống chung với bệnh.
Đối với người thân:
- Nhắc nhở tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng giờ;
- Kiểm tra kỹ thuật hít thuốc;
- Giữ không gian sống sạch sẽ, thông thoáng;
- Động viên, trò chuyện tích cực, tránh để người bệnh cảm thấy bị cô lập;
- Khuyến khích tập thở, vận động nhẹ để nâng cao thể lực.

Khác với nhiều quan niệm sai lầm, câu trả lời cho “Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có lây không?” chính là không. Đây là bệnh lý hô hấp mạn tính, liên quan đến tổn thương cấu trúc đường thở do các yếu tố môi trường và cá nhân chứ không phải do vi khuẩn hay virus và hoàn toàn có thể phòng ngừa.
Hy vọng qua bài viết trên, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đã phần nào giúp bạn hiểu đúng về bản chất của bệnh COPD và cung cấp những thông tin bổ ích để có thể chủ động phòng bệnh bằng cách không hút thuốc, bảo vệ đường hô hấp và tiêm vắc xin đầy đủ. Điều quan trọng hơn hết là có thể hỗ trợ người bệnh COPD sống tích cực, giúp họ không đơn độc trong hành trình điều trị.