icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
30_4_2025_header_web_2_e7f82ebc3b30_4_2025_header_app_1_1fb85f5a69

Xét nghiệm PSA là gì và ai nên làm xét nghiệm này?

Trần Như Ý03/05/2025

Xét nghiệm PSA là một phương pháp xét nghiệm máu đơn giản nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt – căn bệnh phổ biến ở nam giới trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ xét nghiệm PSA là gì và khi nào cần thực hiện. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm rõ thông tin về xét nghiệm này, mục đích và các đối tượng nên cân nhắc kiểm tra định kỳ.

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới, đặc biệt ở độ tuổi trên 50. Việc phát hiện sớm có thể giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Một trong những công cụ hỗ trợ tầm soát hiệu quả chính là xét nghiệm PSA. Vậy xét nghiệm PSA là gì, có ý nghĩa như thế nào và những trường hợp nào nên thực hiện? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây!

Xét nghiệm PSA là gì?

Xét nghiệm PSA (Prostatic Specific Antigen) là một loại xét nghiệm máu nhằm đo nồng độ PSA – một protein đặc hiệu do tuyến tiền liệt sản xuất. Xét nghiệm này thường được sử dụng trong việc tầm soát, hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi tiến trình điều trị ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.

Xét nghiệm PSA là gì và ai nên làm xét nghiệm này?1
Xét nghiệm PSA được dùng để tầm soát, chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới

Bình thường, chỉ có một lượng rất nhỏ PSA đi vào máu, với giá trị tham chiếu thường nằm trong khoảng từ 0 đến 4 ng/ml. Khi tuyến tiền liệt gặp vấn đề như phì đại, viêm hoặc xuất hiện tế bào ung thư, mức PSA trong máu có thể tăng cao bất thường.

Tuy nhiên, khi nồng độ PSA cao - vượt giới hạn trên của khoảng tham chiếu, bạn đừng quá lo lắng, bởi vì điều này không đồng nghĩa với việc chắc chắn mắc ung thư tuyến tiền liệt. Các tình trạng không ác tính như viêm tuyến tiền liệt hoặc tăng sản lành tính tuyến tiền liệt cũng có thể làm gia tăng chỉ số này. Do đó, để xác định chính xác nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm và kiểm tra chuyên sâu khác.

Xét nghiệm PSA là gì và ai nên làm xét nghiệm này?2
Nồng độ PSA cao không chắc chắn rằng bạn mắc ung thư tuyến tiền liệt 

Vai trò của PSA trong cơ thể

PSA là một loại protein có mặt trong tinh dịch và được tạo ra bởi cả mô tuyến tiền liệt lành tính lẫn ác tính. PSA đóng vai trò quan trọng ở nhiều khía cạnh sinh lý và y học như sau:

  • Hỗ trợ di chuyển tinh trùng: PSA góp phần làm loãng tinh dịch sau khi xuất tinh, tạo môi trường thuận lợi để tinh trùng dễ dàng di chuyển hơn trong dịch tiết của tuyến tiền liệt, từ đó nâng cao khả năng thụ tinh.
  • Tăng khả năng sống sót của tinh trùng: PSA cùng các thành phần trong dịch tiết tuyến tiền liệt giúp bảo vệ tinh trùng khỏi sự nhận diện và tấn công của hệ miễn dịch của nữ giới, giúp tinh trùng duy trì hoạt động và tồn tại lâu hơn trong đường sinh dục.
  • Gợi ý các bất thường tại tuyến tiền liệt: Nồng độ PSA trong máu có thể thay đổi khi tuyến tiền liệt gặp vấn đề như viêm, phì đại lành tính hoặc ung thư. Vì vậy, việc đo chỉ số PSA có thể hỗ trợ phát hiện sớm các rối loạn tại cơ quan này.
  • Theo dõi hiệu quả điều trị: PSA còn được sử dụng trong quá trình theo dõi bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý về tuyến tiền liệt. Việc quan sát sự tăng giảm của chỉ số PSA giúp đánh giá diễn tiến bệnh và mức độ đáp ứng với phác đồ điều trị.
Xét nghiệm PSA là gì và ai nên làm xét nghiệm này?3
PSA là một protein được tạo ra bởi cả mô tuyến tiền liệt lành tính lẫn ác tính

Những ai nên làm xét nghiệm PSA?

Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt nên được cân nhắc ở các nhóm đối tượng sau:

  • Nam giới từ 50 tuổi trở lên: Ở độ tuổi này, nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến tiền liệt (bao gồm cả ung thư) cao hơn đáng kể so với người trẻ.
  • Người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt: Nếu trong gia đình có cha, anh em ruột từng được chẩn đoán mắc bệnh, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt sẽ cao hơn bình thường.
  • Người có bệnh lý liên quan đến hệ tiết niệu – sinh dục: Các vấn đề như viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt hay rối loạn tiểu tiện có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm và cần được theo dõi bằng xét nghiệm PSA.
  • Nam giới xuất hiện các triệu chứng bất thường: Bao gồm tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu buốt, tiểu đêm, rối loạn cương dương, có máu trong tinh dịch hoặc tình trạng táo bón kéo dài không rõ nguyên nhân.
4.png
Xét nghiệm PSA giúp phát hiện sớm bất thường và tăng cơ hội điều trị hiệu quả cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt

Ưu – Nhược điểm của phương pháp xét nghiệm PSA

Việc đo lường nồng độ protein đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán cũng như theo dõi tiến trình điều trị các bệnh lý tuyến tiền liệt, đặc biệt là ung thư. Tuy nhiên, giống như nhiều phương pháp y học khác, xét nghiệm PSA cũng có những điểm mạnh và hạn chế riêng.

Ưu điểm

  • Là công cụ hữu ích trong việc phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt, từ đó mở ra cơ hội điều trị kịp thời và hiệu quả, giảm thiểu chi phí y tế về lâu dài.
  • Giúp theo dõi hiệu quả điều trị, đồng thời phát hiện nhanh chóng các dấu hiệu tái phát, hỗ trợ kiểm soát bệnh tốt hơn.
  • Thủ thuật thực hiện đơn giản như các xét nghiệm máu thông thường, không đòi hỏi trang thiết bị phức tạp và chi phí xét nghiệm tương đối hợp lý.

Nhược điểm

  • Xét nghiệm PSA đôi khi cho kết quả không chính xác, ví dụ như âm tính giả ở người béo phì hoặc đang dùng một số loại thuốc và dương tính giả khi có tình trạng viêm hoặc phì đại lành tính tuyến tiền liệt.
  • Những sai lệch trong kết quả có thể khiến người bệnh lo lắng không cần thiết, ảnh hưởng tâm lý và chất lượng cuộc sống.
  • Trường hợp nghi ngờ vẫn cần thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu để loại trừ khả năng mắc ung thư, từ đó làm tăng thêm chi phí và thời gian chẩn đoán.

Xét nghiệm PSA là gì? Đây là một công cụ đơn giản nhưng có giá trị cao trong việc hỗ trợ phát hiện sớm và theo dõi các bệnh lý liên quan đến tuyến tiền liệt, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt – căn bệnh thường gặp ở nam giới lớn tuổi. Việc chủ động tầm soát, đặc biệt ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ, sẽ góp phần quan trọng trong chẩn đoán sớm và nâng cao hiệu quả điều trị. Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ hoặc đang gặp các dấu hiệu bất thường liên quan đến tiểu tiện hay sinh lý, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và thực hiện xét nghiệm PSA khi cần thiết.

Bảo vệ sức khỏe – Đừng chờ đợi! Hãy đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu ngay hôm nay để được tư vấn và tiêm ngừa đầy đủ, an toàn cho cả gia đình. Với đội ngũ y bác sĩ tận tâm cùng các loại vắc xin chính hãng  quy trình chuyên nghiệp – tất cả vì sức khỏe cộng đồng! Đặt lịch hẹn ngay hôm nay để được hỗ trợ nhanh chóng!

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN