Tìm hiểu chung về viêm túi mật
Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm bên dưới gan, có chức năng lưu trữ và cô đặc mật do gan sản xuất. Mật được gan bài tiết qua một loạt các ống dẫn mật vào túi mật, nơi nó được lưu trữ. Khi cần thiết cho quá trình tiêu hóa, túi mật sẽ giải phóng mật vào hệ tiêu hóa. Khi ống túi mật bị tắc nghẽn, mật tích tụ trong túi mật, dẫn đến viêm. Viêm túi mật cấp tính là một bệnh lý cần được đánh giá và xử trí kịp thời.
Triệu chứng viêm túi mật
Những triệu chứng của viêm túi mật
Các triệu chứng thường gặp của viêm túi mật cấp tính bao gồm:
- Đau bụng vùng hạ sườn phải lan đến bả vai phải hoặc lưng. Đau túi mật tăng nhanh đến đỉnh điểm khiến người bệnh không thể chịu đựng nổi.
- Buồn nôn và nôn là phổ biến với cơn đau túi mật, nhưng người lớn tuổi có thể có các triệu chứng nhẹ hơn người mắc bệnh chỉ có thể cảm thấy chán ăn, mệt mỏi.
- Sốt trên 39,5 độ có thể chỉ ra tình trạng nhiễm trùng hoặc tình trạng viêm nghiêm trọng hơn.
Các triệu chứng bổ sung có thể bao gồm:
- Chướng bụng và đau bụng.
- Cứng cơ bụng ở bên phải.
- Mệt mỏi.
Các triệu chứng viêm túi mật mãn tính có xu hướng ít nghiêm trọng hơn và chúng xuất hiện rồi biến mất. Bạn có thể bị đau quặn mật thường xuất hiện sau một bữa nhiều chất béo, một bữa ăn lớn với nhiều chất đạm, uống nhiều bia rượu,...

Tác động của viêm túi mật với sức khỏe
Viêm túi mật cấp tính là một chẩn đoán thường gặp khi nhập viện, xảy ra ở khoảng 3–10% tổng số bệnh nhân đến khoa cấp cứu vì đau bụng. Viêm túi mật khiến người mắc bệnh khó chịu, cần sự hỗ trợ y tế ngay.
Biến chứng có thể gặp viêm túi mật
Viêm túi mật cấp tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng cục bộ bao gồm viêm túi mật hoại tử, áp xe quanh túi mật, viêm phúc mạc mật, viêm túi mật sinh hơi. Viêm phúc mạc mật là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi các triệu chứng trên bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm túi mật
Sỏi mật có thể gây tắc nghẽn ống túi mật hoặc làm suy giảm khả năng làm rỗng của túi mật. Sự tắc nghẽn này dẫn đến sự tích tụ mật trong túi mật gây ra viêm và đau. Ngoài sỏi mật, bùn mật cũng có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn và dẫn đến viêm túi mật. Tình trạng này thường liên quan đến sự hiện diện của sỏi mật, chiếm khoảng 90% tổng số ca bệnh.
Trong khoảng 10% các trường hợp, viêm túi mật cấp tính không liên quan đến sỏi mật và được gọi là viêm túi mật không do sỏi. Nguyên nhân của viêm túi mật không do sỏi có thể bao gồm nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật lớn, nhịn ăn kéo dài hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Nguy cơ mắc phải viêm túi mật
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm túi mật ?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật có thể bao gồm tuổi cao, giới nữ, béo phì, uống rượu bia,...
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm túi mật
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này gồm:
- Thường xuyên uống rượu bia.
- Chế độ ăn nhiều đạm, chất béo.
- Bệnh tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh túi mật.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm túi mật
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm túi mật
Việc chẩn đoán viêm túi mật cấp tính dựa trên sự nghi ngờ lâm sàng ban đầu, cùng với các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
Siêu âm bụng: Siêu âm có thể cho thấy các dấu hiệu của viêm túi mật như thành túi mật dày lên, sỏi mật hoặc chất cặn còn lại trong túi mật, có thể có dịch quanh túi mật và túi mật căng to.
Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT hữu ích cho việc chẩn đoán các dạng viêm túi mật sinh hơi và hoại tử. CT cũng có giá trị trong chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý ổ bụng khác, đặc biệt ở bệnh nhân béo phì hoặc khi chướng hơi hạn chế việc sử dụng siêu âm.

Chụp cộng hưởng từ đường mật tụy (MRCP): MRCP có thể được sử dụng để loại trừ sỏi ống mật chủ. MRI khẩn cấp với MRCP cũng có vai trò chẩn đoán trong viêm túi mật cấp tính và các biến chứng liên quan.
Xạ hình gan mật: Xạ hình HIDA có thể được sử dụng khi các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác không rõ ràng. Trong viêm túi mật cấp tính, xạ hình HIDA có thể cho thấy không có sự hấp thu chất phóng xạ vào túi mật.
Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu thường được thực hiện bao gồm công thức máu (có thể thấy bạch cầu tăng), CRP tăng. Các xét nghiệm chức năng gan có thể tăng, đặc biệt khi có sỏi ống mật chủ đi kèm. Procalcitonin cũng là một chỉ số được đo lường để đánh giá mức độ nghiêm trọng của viêm túi mật.
Phương pháp điều trị viêm túi mật
Nội khoa
Trong những giờ hoặc ngày đầu sau khi nhập viện, trước khi phẫu thuật, việc điều trị nội khoa đóng vai trò quan trọng. Điều trị nội khoa bao gồm:
Nhịn ăn: Để giảm kích thích túi mật.
Truyền dịch tĩnh mạch: Truyền dịch tĩnh mạch đảm bảo cân bằng điện giải và nước cho cơ thể.
Liệu pháp kháng sinh: Kháng sinh được chỉ định để điều trị nhiễm trùng có thể xảy ra. Việc lựa chọn kháng sinh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và tình hình nhiễm trùng mắc phải tại cộng đồng hay liên quan đến chăm sóc y tế.
Thuốc giảm đau: Để kiểm soát cơn đau.
Ngoại khoa
Phẫu thuật cắt túi mật là phương pháp điều trị triệt để cho viêm túi mật cấp tính.
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi sớm (ELC): ELC được coi là phương pháp điều trị tối ưu cho viêm túi mật cấp tính với thời điểm tối ưu để thực hiện ELC là trong vòng 72 giờ kể từ khi chẩn đoán. Một số nghiên cứu cho thấy có thể kéo dài đến 7–10 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng. Tầm quan trọng của ELC là giảm nguy cơ tái phát triệu chứng và các biến chứng của bệnh sỏi mật trong thời gian chờ đợi phẫu thuật. ELC cũng giúp giảm thời gian nằm viện so với phẫu thuật trì hoãn. Một meta-phân tích khác cũng cho thấy nhóm ELC giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng đường mật.
Phẫu thuật cắt túi mật nội soi trì hoãn (DLC): Ở những bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật sớm khi nhập viện, DLC nên được lên kế hoạch sau khi bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và ít nhất 6 tuần sau khi khởi phát triệu chứng.
Dẫn lưu túi mật (GBD): Ở những bệnh nhân nguy kịch, không đủ sức khỏe để phẫu thuật có thể cần các phương pháp điều trị cứu nguy như dẫn lưu túi mật qua da hoặc qua nội soi. Sau khi tình trạng bệnh nhân ổn định, có thể cân nhắc phẫu thuật cắt túi mật trì hoãn. Dẫn lưu qua nội soi có thể được thực hiện qua ERCP với việc đặt stent chọn lọc vào ống túi mật, đặc biệt ở những bệnh nhân cần ERCP để điều trị sỏi ống mật chủ đồng thời. Phương pháp dẫn lưu tối ưu phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân và kinh nghiệm của trung tâm y tế.
Phẫu thuật cắt túi mật mở (OC): Trong một số trường hợp phức tạp hoặc khi phẫu thuật nội soi không thể thực hiện an toàn, phẫu thuật cắt túi mật mở có thể là lựa chọn cần thiết. OC với thăm dò ống mật chủ mở là một lựa chọn cho bệnh nhân viêm túi mật cấp tính có sỏi ống mật chủ, mặc dù nó liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn, đặc biệt ở bệnh nhân lớn tuổi.
Quản lý sỏi ống mật chủ đi kèm: Ở những bệnh nhân viêm túi mật cấp tính có sỏi ống mật chủ được phát hiện trước hoặc trong khi phẫu thuật, cần tiến hành lấy sỏi ống mật chủ. Các lựa chọn điều trị bao gồm OC với thăm dò ống mật chủ mở; phẫu thuật cắt túi mật nội soi với thăm dò ống mật chủ nội soi và LC với lấy sỏi qua nội soi được thực hiện trước, trong hoặc sau phẫu thuật.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm túi mật
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến nặng của viêm túi mật
Việc duy trì một lối sống lành mạnh, cân bằng và tích cực có thể giúp giảm nguy cơ phát triển sỏi mật, yếu tố nguy cơ chính gây viêm túi mật
Phương pháp phòng ngừa viêm túi mật hiệu quả
Không đặc hiệu
Một lối sống lành mạnh có thể giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh và hạn chế khả năng mắc bệnh này.
Chế độ ăn: Chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm chất, hạn chế chất béo xấu, hạn chế rượu bia giúp cơ thể khỏe mạnh.
Giảm cân: duy trì cân nặng hợp lý giúp hạn chế các bệnh lý liên quan đến chuyển hóa trong cơ thể.