icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
viem_da_tiet_ba_o_tre_so_sinh_0f3a34b40dviem_da_tiet_ba_o_tre_so_sinh_0f3a34b40d

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh là gì? Những điều cha mẹ cần biết

Hà Phương02/07/2025

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh là một tình trạng da phổ biến ở trẻ, thường xuất hiện trước 3 tháng tuổi và thường tự hết trong vòng 6 - 12 tháng. Bệnh thường ảnh hưởng đến da đầu hoặc vùng mông dưới dạng viêm da do tã, nhưng đôi khi cũng có thể ảnh hưởng đến lông mày, trán, thái dương, các nếp gấp quanh mũi và vùng sau tai. Rất hiếm khi, viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh có thể lan rộng toàn thân. Tình trạng này không nghiêm trọng, không lây lan và thường không gây ngứa. Trẻ vẫn có thể bú, chơi và ngủ bình thường mà không gặp vấn đề gì. Bệnh thường tự khỏi trong vòng vài tuần đến vài tháng. 

Tìm hiểu chung về viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Viêm da tiết bã ở trẻ em là một trong những tình trạng da liễu phổ biến ở trẻ sơ sinh, thường xuất hiện trong những tháng đầu đời, đặc biệt là trước 3 tháng tuổi. Dù có vẻ ngoài khiến nhiều cha mẹ lo lắng với những mảng da khô, bong vảy và nhờn, nhưng bệnh này hoàn toàn lành tính và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. 

Trong dân gian, hiện tượng này thường được gọi là “cứt trâu” khi xảy ra ở da đầu, với đặc trưng là các mảng bám dính, màu trắng ngà hoặc vàng nâu.

Triệu chứng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Các biểu hiện đặc trưng của viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Da đầu có mảng vảy nhờn: Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Các mảng vảy có màu trắng vàng, dính, phủ trên nền da hơi đỏ.
  • Xuất hiện ở nhiều vùng khác: Ngoài da đầu, bệnh có thể xuất hiện ở lông mày, trán, sau tai, má, nếp mũi má, vùng ngực trên, nách, cổ, vùng bẹn và mông
  • Không ngứa, không đau: Trẻ vẫn bú, ngủ, sinh hoạt bình thường.
  • Da không bị tổn thương sâu: Không có mụn nước, không loét, không chảy dịch trừ khi có bội nhiễm.

Mức độ nặng nhẹ khác nhau ở mỗi trẻ. Có trẻ chỉ có vài mảng nhỏ trên đầu, có trẻ lại bị lan ra nhiều vùng da.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Mặc dù là một bệnh lý lành tính, viêm da tiết bã vẫn có thể dẫn đến một số biến chứng nếu không được chăm sóc đúng cách:

  • Bội nhiễm vi khuẩn: Trường hợp trẻ gãi hoặc cha mẹ cố gắng cạo sạch lớp vảy, làm trầy xước da, có thể dẫn đến nhiễm trùng da do tụ cầu hoặc liên cầu khuẩn.
  • Lây lan sang vùng da khác: Không phổ biến nhưng có thể gặp nếu không giữ vệ sinh tốt.
  • Ảnh hưởng thẩm mỹ tạm thời: Dù không nghiêm trọng nhưng có thể khiến cha mẹ lo lắng về thẩm mỹ của trẻ.
Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh 1
Nếu trẻ gãi hoặc cố cạo sạch lớp vảy có thể dẫn đến nhiễm trùng da cho trẻ

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu:

  • Các mảng da lan rộng, đỏ nhiều hoặc sưng tấy.
  • Xuất hiện mụn mủ, rỉ dịch - dấu hiệu của nhiễm trùng.
  • Trẻ có biểu hiện ngứa, khó chịu, quấy khóc nhiều.
  • Bệnh kéo dài trên 12 tháng mà không cải thiện.
  • Cha mẹ không chắc chắn về bệnh trẻ đang mắc, cần loại trừ các bệnh da khác như nấm da, chàm sữa ở trẻ sơ sinh, viêm da dị ứng.

Nguyên nhân gây viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân chính xác vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ, tuy nhiên các yếu tố sau được cho là góp phần gây bệnh:

  • Hoạt động của tuyến bã nhờn: Trong vài tháng đầu đời, tuyến bã của trẻ hoạt động mạnh dưới tác động của hormone từ mẹ truyền sang trong thai kỳ. Điều này làm da tiết nhiều dầu, kết hợp với tế bào chết tạo thành mảng vảy.
  • Nấm Malassezia: Một loại nấm thường trú trên da có thể phát triển quá mức trong môi trường nhiều bã nhờn, góp phần vào tình trạng viêm.
  • Yếu tố miễn dịch chưa hoàn thiện: Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ nên dễ bị mất cân bằng vi sinh vật trên da.
Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh 2
Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là một yếu tố góp phần gây ra viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Nguy cơ mắc phải viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh?

Một số trẻ sẽ dễ bị viêm da tiết bã hơn so với những trẻ khác:

  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi: Đây là nhóm tuổi phổ biến nhất, chiếm đa số các trường hợp.
  • Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân, suy dinh dưỡng: Có thể có hệ miễn dịch yếu hơn.
  • Trẻ có làn da dầu hoặc da nhạy cảm: Dễ tạo điều kiện cho viêm da tiết bã phát triển.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hoặc khiến bệnh nặng hơn:

  • Vệ sinh da không đúng cách: Gội đầu quá ít hoặc quá nhiều đều có thể làm tình trạng nặng thêm.
  • Thời tiết khô lạnh hoặc ẩm nóng: Gây kích ứng da.
  • Sử dụng dầu gội hoặc sản phẩm tắm không phù hợp: Có thể làm tổn thương hàng rào bảo vệ da.
  • Di truyền: Trẻ có cha mẹ từng mắc bệnh chàm, viêm da cơ địa hoặc bệnh da liễu khác có thể có nguy cơ cao hơn.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Việc chẩn đoán viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh chủ yếu dựa trên thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ quan sát các đặc điểm điển hình như mảng vảy màu trắng vàng nhờn ở da đầu, mặt hoặc các vùng da có nhiều nếp gấp. Các tổn thương này thường không gây ngứa, không làm trẻ khó chịu và không lan nhanh. Trong phần lớn trường hợp, không cần thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng, trừ khi có nghi ngờ nhiễm trùng hoặc cần loại trừ các bệnh lý da khác như viêm da cơ địa hay nhiễm nấm da.

Điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Phương pháp điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh chủ yếu tập trung vào chăm sóc nhẹ nhàng và hỗ trợ làm sạch da, bởi phần lớn các trường hợp đều tự khỏi mà không cần can thiệp y tế phức tạp. Mục tiêu điều trị là giúp trẻ loại bỏ lớp vảy bong, giảm thiểu tình trạng viêm và ngăn ngừa bội nhiễm, đồng thời đảm bảo sự thoải mái cho trẻ.

Sử dụng các loại dầu tự nhiên như dầu dừa, dầu ô liu hoặc dầu khoáng để làm mềm vùng da có vảy. Cha mẹ có thể thoa dầu lên da đầu hoặc vùng bị tổn thương, để khoảng 15 - 30 phút trước khi gội đầu, giúp dễ dàng lấy đi các mảng vảy mà không làm tổn thương da bé. Sau đó, nên dùng dầu gội dịu nhẹ, không chứa hương liệu hoặc chất tẩy mạnh, để làm sạch nhẹ nhàng. Một số loại dầu gội có chứa thành phần kháng nấm như ketoconazole 1% có thể được bác sĩ chỉ định nếu nghi ngờ có sự phát triển quá mức của nấm Malassezia.

Trong các trường hợp da bị viêm đỏ nhiều, bác sĩ có thể kê thêm kem bôi chứa corticoid nồng độ thấp (ví dụ như hydrocortisone 0.5 - 1%) để giảm viêm. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng da như rỉ dịch, mụn mủ, cần dùng thêm thuốc kháng sinh bôi ngoài da theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc bôi mạnh, đặc biệt là các loại corticoid hoặc thuốc chống nấm liều cao, vì có thể gây kích ứng hoặc tác dụng phụ trên làn da non nớt của trẻ.

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh 3
Tắm gội cho trẻ bằng các loại dầu tự nhiên giúp lớp vảy bong ra 

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Chế độ sinh hoạt:

  • Gội đầu đều đặn 2 - 3 lần/tuần bằng dầu gội dịu nhẹ cho bé.
  • Dùng lược mềm chải nhẹ da đầu sau khi gội để lấy vảy bong một cách nhẹ nhàng.
  • Không cạy hay cào lớp vảy do có thể gây trầy xước và nhiễm trùng.
  • Giữ da bé khô thoáng, đặc biệt là các vùng có nếp gấp như cổ, bẹn, nách.
  • Tránh sử dụng sản phẩm có hương liệu, cồn hoặc chất kích ứng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Trẻ bú mẹ hoàn toàn để tăng cường miễn dịch.
  • Mẹ nên ăn uống lành mạnh, tránh thức ăn gây dị ứng (nếu thấy con có biểu hiện bất thường sau khi bú).
  • Với trẻ ăn dặm cần cân đối dưỡng chất, tránh thực phẩm gây dị ứng da như trứng sống, hải sản lạ, sữa bò nguyên chất…
Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh 4
Tránh những thực phẩm gây dị ứng cho trẻ

Phòng ngừa viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Mặc dù viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh không thể phòng ngừa hoàn toàn do liên quan đến hoạt động nội tiết và sinh lý da trong những tháng đầu đời, nhưng cha mẹ vẫn có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản và hiệu quả để giảm nguy cơ xuất hiện hoặc giúp bệnh không tiến triển nặng thêm.

  • Duy trì vệ sinh da đầu và cơ thể cho trẻ sạch sẽ và đúng cách. Gội đầu cho bé từ 2 - 3 lần mỗi tuần bằng dầu gội dịu nhẹ, không chứa hương liệu hay chất tẩy mạnh sẽ giúp làm sạch dầu thừa và hạn chế sự phát triển của nấm men. Sau khi gội, nên lau khô da đầu và các vùng có nếp gấp như cổ, nách, bẹn để tránh ẩm ướt kéo dài.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp. Ưu tiên dùng sản phẩm chuyên dụng cho trẻ sơ sinh, có nguồn gốc rõ ràng và được chứng nhận an toàn.
  • Cha mẹ nên mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi cho trẻ, tránh để trẻ nằm hoặc quấn khăn quá bí. Nên thay tã thường xuyên, giữ cho vùng da quanh mông luôn khô ráo để phòng viêm da vùng tã.
  • Duy trì bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là cách hỗ trợ tốt cho hệ miễn dịch và sức khỏe làn da của trẻ. Mẹ cho con bú cũng nên có chế độ ăn lành mạnh, hạn chế thực phẩm dễ gây dị ứng nếu nghi ngờ có liên quan đến phản ứng da ở trẻ.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Câu hỏi thường gặp

Không. Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh thường không gây ngứa hay đau. Trẻ vẫn bú, ngủ và chơi bình thường. Tuy nhiên, nếu cha mẹ thấy bé quấy khóc, gãi nhiều, có thể đã có nhiễm trùng thứ phát hoặc nhầm lẫn với các bệnh da khác như chàm sữa.

Không nên. Việc dùng tay cạy hoặc gỡ mạnh lớp vảy có thể gây trầy xước da đầu, dẫn đến nhiễm trùng. Thay vào đó, cha mẹ nên dùng dầu làm mềm da như dầu dừa hoặc dầu khoáng, thoa lên vùng vảy trước khi gội để vảy tự bong ra nhẹ nhàng.

Không. Đây là bệnh lành tính và hầu như không để lại sẹo hay biến chứng nếu được chăm sóc đúng cách. Phần lớn trẻ sẽ khỏi hoàn toàn trong vài tuần đến vài tháng đầu đời.

Có thể có, nhưng rất hiếm. Một số trẻ có thể bị trở lại trong vài tháng đầu, nhất là khi tuyến bã còn hoạt động mạnh. Tuy nhiên, bệnh thường dứt hẳn khi trẻ được 6 - 12 tháng tuổi.

Không bắt buộc phải kiêng. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy sau khi ăn một số thực phẩm (như sữa bò, hải sản, trứng...) bé có biểu hiện da xấu hơn, có thể thử loại bỏ thực phẩm đó vài ngày để theo dõi. Luôn nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ưu tiên thực phẩm tươi sạch, ít chất bảo quản.