icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c

Trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt​: Nguyên nhân và cách xử trí

Phạm Uyên14/07/2025

Khi trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt​, nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng và bối rối vì không rõ con mình đang gặp vấn đề gì. Việc nhận biết chính xác nguyên nhân sẽ giúp cha mẹ xử trí kịp thời và tránh những biến chứng không mong muốn. Vậy trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt là do đâu và nên xử lý như thế nào?

Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Một trong những biểu hiện khiến nhiều cha mẹ lo lắng là trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt​. Triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, từ lành tính đến nguy hiểm, đòi hỏi người chăm sóc cần quan sát kỹ và có cách xử trí phù hợp. Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân phổ biến và hướng xử trí an toàn khi trẻ có biểu hiện này.

Trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt do nguyên nhân gì?

Trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt rất có thể đó là dấu hiệu của tình trạng nổi mề đay, một phản ứng da thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây mề đay chủ yếu là do cơ thể trẻ phản ứng với một yếu tố nào đó, khiến histamin, một chất trung gian gây viêm, được giải phóng vào máu. Histamin làm giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch máu, dẫn đến các nốt đỏ nổi trên da và gây ngứa. 

Có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: Liên quan đến dị ứng và không liên quan đến dị ứng.

Nguyên nhân không do dị ứng

Thực tế, phần lớn các trường hợp mề đay ở trẻ không bắt nguồn từ dị ứng mà liên quan đến các yếu tố khác như nhiễm trùng (do virus, vi khuẩn), chẳng hạn như cảm lạnh, viêm họng liên cầu, nhiễm trùng tiểu hoặc viêm tai giữa. Trẻ cũng có thể bị mề đay khi cơ thể phản ứng với căng thẳng cảm xúc như lo lắng, sợ hãi hoặc khi tiếp xúc với thời tiết lạnh, quá nóng, ánh sáng mặt trời hay những hoạt động gây ma sát mạnh lên da như mặc quần áo bó sát, bị trầy xước hoặc chà xát mạnh.

Trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt​: Nguyên nhân và cách xử trí 1
Trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt do nguyên nhân gì?

Ngoài ra, những hoạt động làm tăng thân nhiệt như vận động mạnh, tập thể dục, chạy nhảy,… cũng có thể làm mề đay bùng phát.

Nguyên nhân dị ứng

Trong một số trường hợp ít gặp hơn, mề đay ở trẻ có thể liên quan đến phản ứng dị ứng thật sự. Khi đó, nguyên nhân thường là do trẻ tiếp xúc với thức ăn gây dị ứng (như trứng, sữa, đậu phộng, hải sản), dùng thuốc (như kháng sinh nhóm penicillin, ibuprofen, aspirin) hoặc do da trẻ tiếp xúc với các chất gây kích ứng như nước hoa, sữa tắm, chất tẩy rửa, nhựa mủ, cỏ cây, lông thú. 

Đặc biệt, nếu trẻ xuất hiện kèm theo các dấu hiệu nghiêm trọng như sưng môi, sưng họng, khó thở, nôn ói, hãy nghĩ đến phản vệ, một phản ứng dị ứng nặng cần được xử trí cấp cứu ngay lập tức.

Đặc điểm nhận diện trẻ bị nổi nốt đỏ mề đay

Trẻ bị nổi nốt đỏ mề đay thường có những biểu hiện đặc trưng trên da rất dễ nhận biết, dù hình dạng và kích thước của các nốt có thể thay đổi. Các nốt mề đay có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, từ mặt, tay, chân đến lưng hoặc toàn thân. Chúng thường có màu đỏ hoặc hồng, nổi gồ trên bề mặt da, với hình dạng tròn hoặc loang lổ, có kích thước nhỏ như vết muỗi đốt hoặc lớn đến vài centimet. Những nốt này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc tập trung thành mảng rộng, gây cảm giác ngứa ngáy, đôi khi nóng rát.

Một đặc điểm đáng chú ý của mề đay là tính di động và thay đổi nhanh chóng. Các nốt đỏ có thể xuất hiện ở một vùng da trong vài giờ, rồi biến mất mà không để lại dấu vết, sau đó lại nổi lên ở một vùng khác. Tình trạng này có thể kéo dài trong vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí tái phát từng đợt trong nhiều tuần đến vài tháng nếu nguyên nhân gây mề đay vẫn còn.

Trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt​: Nguyên nhân và cách xử trí 2
Nổi mề đay có thể đi kèm với phản ứng dị ứng nghiêm trọng

Ngoài các nốt đỏ, trẻ cũng có thể bị sưng nhẹ ở những vùng da nhạy cảm như mí mắt, môi, tai, ngón tay hoặc ngón chân. Tình trạng sưng này tuy nhìn có vẻ đáng lo nhưng thường là lành tính và không nguy hiểm.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, nổi mề đay có thể đi kèm với phản ứng dị ứng nghiêm trọng gọi là phản vệ. Đây là tình huống khẩn cấp cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt?

Điều quan trọng nhất cha mẹ cần làm là giữ bình tĩnh và theo dõi sát tình trạng của con. Nếu trẻ chỉ bị sốt nhẹ và nổi mề đay mà không có dấu hiệu khó thở, sưng phù nghiêm trọng hay thay đổi ý thức, cha mẹ có thể điều trị tại nhà. Các thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ như cetirizine hoặc loratadin có thể giúp giảm ngứa và làm dịu các nốt đỏ. Những loại thuốc này thường an toàn cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và có thể dùng một đến hai lần mỗi ngày, theo chỉ dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ.

Cha mẹ cũng nên chú ý tránh các yếu tố khiến tình trạng phát ban nặng thêm. Nhiệt độ cao, ánh nắng gắt, nước nóng hoặc các loại xà phòng có hương liệu mạnh đều có thể làm mề đay trở nên trầm trọng. Vì vậy, hãy cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, tránh cho trẻ tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt và sử dụng các sản phẩm chăm sóc da nhẹ dịu, không mùi. Có thể chườm mát vùng da bị nổi đỏ để giảm cảm giác ngứa và nóng rát.

Trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt​: Nguyên nhân và cách xử trí 3
Cha mẹ cũng nên chú ý tránh các yếu tố khiến tình trạng phát ban nặng thêm

Nếu mề đay kéo dài, tái phát thường xuyên hoặc ngày càng nghiêm trọng, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc để kiểm soát phản ứng miễn dịch, đồng thời đánh giá xem có rối loạn tiềm ẩn nào gây ra mề đay hay không.

Một số trường hợp mề đay có thể là dấu hiệu ban đầu của phản ứng phản vệ nghiêm trọng. Nếu trẻ có các biểu hiện như khó thở, sưng lưỡi hoặc họng, khò khè, nói khó, da tái xanh, lơ mơ, hoặc đột ngột ngất xỉu, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Đây là tình huống nguy hiểm đe dọa tính mạng và cần được xử lý khẩn cấp và chăm sóc y tế chuyên sâu.

Bên cạnh việc điều trị, việc ghi lại các sự việc xảy ra trước khi phát ban xuất hiện cũng rất hữu ích. Điều này giúp cha mẹ và bác sĩ nhận diện các yếu tố gây kích ứng, từ đó có biện pháp phòng tránh hiệu quả trong tương lai. Đồng thời, hướng dẫn trẻ không gãi hoặc chà xát vùng da nổi mẩn, giữ vệ sinh cơ thể, rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với động vật cũng là những bước quan trọng giúp mề đay nhanh lành và không tái phát.

Trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt​: Nguyên nhân và cách xử trí 4
Ghi lại các sự việc xảy ra trước khi phát ban xuất hiện cũng rất hữu ích

Tình trạng trẻ bị sốt nổi nốt đỏ như muỗi đốt​ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cha mẹ cần theo dõi kỹ diễn tiến của triệu chứng, đặc biệt là các dấu hiệu bất thường đi kèm như mệt lả, bỏ ăn hoặc li bì. Trong mọi trường hợp nghi ngờ, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời. Xử trí đúng cách ngay từ đầu sẽ giúp trẻ mau hồi phục và hạn chế nguy cơ biến chứng.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NỘI DUNG LIÊN QUAN