Tập thể dục là một thói quen tốt giúp nâng cao sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Nhưng sau khi tiêm vắc xin, cơ thể có thể xuất hiện một số phản ứng phụ như mệt mỏi, đau nhức hoặc sốt nhẹ, khiến nhiều người lo lắng liệu việc tập luyện có gây ảnh hưởng đến hiệu quả vắc xin hay không. Vậy nên hay không nên tập thể dục sau khi tiêm vắc xin? Hãy cùng đi vào tìm lời giải đáp chi tiết nhé!
Những phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin
Vắc xin giúp cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch thông qua việc kích thích hệ miễn dịch nhận diện và phản ứng với kháng nguyên có trong vắc xin. Khi tiêm, cơ thể có thể xuất hiện một số phản ứng phụ như phản ứng tại chỗ và phản ứng toàn thân (sưng đau tại vị trí tiêm hoặc sốt. Đây đều là những phản ứng phụ bình thường trong quá trình cơ thể tạo miễn dịch. Vì vậy, dù vắc xin đã trải qua các bước kiểm định nghiêm ngặt về an toàn, bảo quản, vận chuyển và chỉ định sử dụng, thì nguy cơ xảy ra phản ứng sau tiêm vẫn có thể xảy ra.
Phản ứng sau tiêm chủng có thể ở nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vắc xin vẫn là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều so với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được.
/tap_the_duc_sau_khi_tiem_vac_xin_co_nen_hay_khong_1_d55a94e999.png)
Phản ứng sau tiêm có thể chia thành hai nhóm chính:
- Phản ứng nhẹ: Thường xuất hiện ngay sau khi tiêm và có thể kéo dài trong vài giờ. Các phản ứng tại chỗ bao gồm sưng, đỏ, đau ở vị trí tiêm, trong khi phản ứng toàn thân có thể là sốt nhẹ, ớn lạnh, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau cơ,... Hầu hết các triệu chứng này sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày. Riêng trường hợp nổi mề đay có thể kéo dài từ 6 - 12 ngày.
- Phản ứng nặng: Một số trường hợp hiếm gặp có thể xuất hiện các phản ứng nghiêm trọng như dị ứng, co giật, động kinh,... Dù ít khi gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng có thể dẫn đến các tình trạng như giảm tiểu cầu, giảm trương lực cơ hoặc sốc phản vệ.
Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm cần theo dõi sức khỏe và lưu ý các dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý, hạn chế tối đa các tác dụng phụ nghiêm trọng, đảm bảo an toàn cho bản thân.
Tập thể dục sau khi tiêm vắc xin có nên hay không?
Có nên tập thể dục sau khi tiêm vắc xin hay không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trên thực tế, quyết định này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Theo các chuyên gia, vận động nhẹ nhàng sau khi tiêm vắc xin có thể hỗ trợ tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể, từ đó nâng cao hiệu quả của vắc xin. Ngay cả khi gặp một số tác dụng phụ sau tiêm, bạn vẫn có thể duy trì các bài tập nhẹ. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng buổi tập, khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi hơn.
/tap_the_duc_sau_khi_tiem_vac_xin_co_nen_hay_khong_2_d3420c0de0.png)
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tập thể dục sau tiêm có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm viêm và tình trạng cứng cơ. Nhờ đó, việc vận động hợp lý có thể góp phần giảm bớt cảm giác đau nhức, khó chịu tại vị trí tiêm.
Dù vậy, không nhất thiết phải tập thể dục sau khi tiêm vắc xin. Nếu bạn cảm thấy cơ thể suy nhược, mệt mỏi hay uể oải, tốt nhất nên ưu tiên nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian phục hồi, tránh gây thêm áp lực không cần thiết.
Sau tiêm vắc xin bao lâu thì được tập thể dục?
Theo các chuyên gia, dù xuất hiện một số phản ứng phụ thì bạn vẫn hoàn toàn có thể tập thể dục trở lại sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng buổi tập. Bên cạnh đó, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng việc tập luyện trước hoặc sau khi tiêm vắc xin sẽ làm giảm hiệu quả miễn dịch, vì vậy vấn đề này vẫn chưa có kết luận chính xác.
/tap_the_duc_sau_khi_tiem_vac_xin_co_nen_hay_khong_4_9d4dde0a62.png)
Nhưng không nhất thiết phải ép bản thân tập thể dục nếu cảm thấy không đủ sức sau tiêm. Nếu cơ thể còn mệt mỏi, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi một ngày để hồi phục. Tùy vào tình trạng sức khỏe, bạn có thể chọn những bài tập phù hợp với thể trạng. Chẳng hạn, nếu vị trí tiêm gây đau, hạn chế cử động tay, bạn có thể chuyển sang các bài tập tập trung vào chân hoặc phần thân dưới. Trong trường hợp muốn duy trì vận động nhưng cảm thấy uể oải, bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng thay vì thực hiện các bài tập cường độ cao như HIIT.
Cần kiêng cữ gì sau khi tiêm vắc xin?
Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm cần lưu ý một số vấn đề quan trọng để đảm bảo sức khỏe và tối ưu hiệu quả của vắc xin. Dưới đây là những khuyến cáo từ bác sĩ về các điều nên tránh sau khi tiêm:
- Hạn chế tập luyện cường độ cao: Việc vận động mạnh có thể khiến cơ thể mệt mỏi hơn, đồng thời tạo áp lực lên cơ bắp, làm tăng nguy cơ xuất hiện các phản ứng phụ như đau và sưng tại vị trí tiêm.
- Cân nhắc trong quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục sau tiêm vắc xin không bị chống chỉ định. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc có phản ứng phụ, bạn nên nghỉ ngơi đầy đủ trước khi quan hệ để tránh căng thẳng cho cơ thể.
- Đảm bảo ngủ đủ giấc: Việc nghỉ ngơi hợp lý sau tiêm giúp cơ thể phục hồi tốt hơn. Ngủ không đủ giấc có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và gia tăng cảm giác mệt mỏi sau tiêm.
- Tránh rượu bia và chất kích thích: Việc sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích có thể làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của cơ thể. Đồng thời làm cho các tác dụng phụ trở nên khó phân biệt với triệu chứng sau khi uống rượu, làm chậm trễ quá trình xử lý nếu có phản ứng nghiêm trọng xảy ra.
- Không tác động mạnh vào vùng tiêm: Tránh xoa bóp mạnh, chạm mạnh vào vị trí tiêm và không bôi bất cứ thứ gì lên vết tiêm để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
/tap_the_duc_sau_khi_tiem_vac_xin_co_nen_hay_khong_3_070ecda069.png)
Ngoài ra, bạn nên theo dõi các phản ứng của cơ thể sau khi tiêm. Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường kéo dài, hãy liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.
Tóm lại, việc tập thể dục sau khi tiêm vắc xin vẫn có thể thực hiện nhưng cần tùy theo thể trạng của mỗi người. Nếu cảm thấy khỏe mạnh, bạn có thể vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ lưu thông máu và giảm một số tác dụng phụ tại chỗ. Tuy nhiên, nếu cơ thể mệt mỏi hoặc gặp các phản ứng phụ nghiêm trọng, hãy ưu tiên nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe. Quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể và điều chỉnh mức độ tập luyện phù hợp. Nếu cần thiết, bạn có thể tham khảo ý kiến tư vấn trực tiếp từ bác sĩ của Trung tâm Tiêm chủng Long Châu về vấn đề này trước khi tiêm phòng để đảm bảo an toàn nhé!