icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
san_day_7e445e9ed0san_day_7e445e9ed0

Sán dây là gì? Những thông tin bạn cần biết về sán dây

Thu Thảo30/06/2025

Sán dây là một loại ký sinh trùng có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe con người và động vật. Mặc dù nhiều trường hợp nhiễm sán dây không có triệu chứng rõ ràng, nhưng một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về sán dây từ nguyên nhân, triệu chứng đến các phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Tìm hiểu chung về sán dây

Sán dây trưởng thành chỉ có thể tồn tại bên trong cơ thể vật chủ, hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn mà vật chủ tiêu thụ. Trứng sán dây sau đó được thải ra ngoài qua phân của vật chủ để tìm vật chủ mới.

Có ba loại sán dây chính gây bệnh cho người được tập trung nghiên cứu là Taenia solium (sán dây lợn), Taenia saginata (sán dây bò) và Diphyllobothrium (sán dây cá). Ngoài ra, Hymenolepis nana (sán dây lùn) và Anoplocephala perfoliata là sán dây phổ biến ở ngựa cũng được nhắc đến.

Triệu chứng thường gặp của sán dây

Những triệu chứng của sán dây

Các triệu chứng của nhiễm sán dây phụ thuộc chủ yếu vào vị trí nhiễm trùng trong cơ thể.

Sán dây trong đường ruột:

  • Thường gây ra các triệu chứng nhẹ về đường tiêu hóa hoặc không có triệu chứng gì.
  • Các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, đau bụng hoặc đau dạ dày, chướng bụng, đầy hơi.
  • Cũng có thể có tăng hoặc giảm cảm giác thèm ăn, đói bụng, mệt mỏi, yếu ớt, giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể nhận thấy các đoạn sán (giống những hạt gạo trắng nhỏ) hoặc trứng sán trong phân của mình. 

Nang ấu trùng trong não hoặc tủy sống có thể gây ra các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng và đa dạng:

  • Động kinh và co giật;
  • Đau đầu nặng;
  • Các triệu chứng thần kinh cục bộ;
  • Tăng áp lực nội sọ;
  • Suy giảm nhận thức;
  • Thay đổi tư duy hoặc hành vi;
  • Mờ mắt hoặc mù mắt;
  • Mất phối hợp cơ thể;
  • Yếu cơ.

Nang ấu trùng ở các cơ quan khác có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan đó.

  • Các nang ở phổi, gan, hoặc tim có thể phát triển đủ lớn để làm gián đoạn chức năng bình thường của các cơ quan này (như gây ho và đau ngực nếu ở phổi).
  • Có thể sờ thấy các khối u dưới da.
  • Có thể gây đau và sưng tại vị trí nhiễm nang ấu trùng.
Sán dây là gì? Những thông tin bạn cần biết về sán dây 1
Đau đầu là một trong những triệu chứng có thể gặp phải khi các ấu trùng ở não

Tác động của sán dây với sức khỏe 

Sán dây, đặc biệt là sán dây trưởng thành trong ruột, thường gây ra ít bệnh lý nếu số lượng ít. Tuy nhiên, nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến loét niêm mạc ruột, phù nề dưới niêm mạc và phì đại hồi tràng cuối. Sán dây cũng có thể gây rối loạn sinh lý chức năng ruột như giảm khả năng giãn nở của van hồi manh tràng.

Thiếu hụt dinh dưỡng: Sán dây hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn của vật chủ. Đặc biệt, sán dây cá có thể hấp thụ tới 80% vitamin B12 trong ruột, dẫn đến thiếu vitamin B12 và gây thiếu máu hồng cầu to (12% các trường hợp).

Phản ứng viêm: Khi nang ấu trùng bị phá hủy bởi phản ứng miễn dịch của vật chủ, nó có thể gây ra viêm và phù nề xung quanh, sốt, đau nhức cơ,...

Biến chứng có thể gặp sán dây

Mặc dù sán dây trưởng thành thường gây ít biến chứng, nhưng các vấn đề nghiêm trọng có thể phát sinh, chủ yếu do sán di chuyển hoặc do nhiễm ấu trùng xâm lấn:

Tắc nghẽn đường tiêu hóa: Thật ra rất hiếm khi sán dây có thể phát triển đủ lớn để gây tắc nghẽn các ống dẫn trong hệ tiêu hóa gồm ruột, ruột thừa, ống mật và ống tụy.

Bệnh hydatid: Thường do sán dây Echinococcus gây ra. Ấu trùng rời ruột và di chuyển đến các cơ quan, phổ biến nhất là gan hình thành các nang lớn, gây áp lực lên mạch máu gần đó và ảnh hưởng đến tuần hoàn.

Phản ứng dị ứng: Có thể xảy ra phản ứng dị ứng với ấu trùng, bao gồm ngứa, nổi mề đay và khó thở. Khi nang ấu trùng bị vỡ, hệ miễn dịch phản ứng có thể gây ra các triệu chứng dị ứng nặng như khó thở, ngất xỉu, sốt và hạ huyết áp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn trải qua bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm sán dây hoặc nhiễm ấu trùng sán dây bạn nên đến khám bác sĩ ngay đặc biệt khi bạn có các yếu tố nguy cơ nhiễm sán dây.

Nguyên nhân gây bệnh sán dây

Sán dây (Cestodes) là những loài giun dẹt, ký sinh và lưỡng tính, có vòng đời phức tạp, có thể lây nhiễm cho nhiều loài động vật gồm cả con người. Chúng được gọi là "sán dây" vì hình dạng dẹt, giống như dải băng đo. Cơ thể sán dây được cấu tạo từ ba phần chính là đầu dùng để bám vào thành ruột của vật chủ, cổ không phân khúc nơi các đốt mới được hình thành và phần thân dưới gồm nhiều đốt. Mỗi đốt thân có khả năng tạo ra trứng riêng. 

Hầu hết các loài sán dây cần hai vật chủ khác nhau để hoàn thành vòng đời. Một vật chủ là nơi ký sinh trùng phát triển từ trứng thành ấu trùng (gọi là vật chủ trung gian) và vật chủ kia là nơi ấu trùng phát triển thành sán dây trưởng thành (gọi là vật chủ cuối cùng). 

Ví dụ, sán dây bò cần cả gia súc và con người để hoàn thành vòng đời. Trứng sán dây có thể tồn tại trong môi trường hàng tháng hoặc hàng năm. Nếu một con bò (vật chủ trung gian) ăn cỏ có trứng sán dây, trứng sẽ nở trong ruột của nó. Ấu trùng sau đó đi vào máu và di chuyển đến các cơ, hình thành một nang bảo vệ. Khi con người (vật chủ cuối cùng) ăn thịt bò chưa nấu chín từ con bò bị nhiễm bệnh, nang ấu trùng sẽ phát triển thành sán dây trưởng thành, bám vào thành ruột của ngườiây trưởng thành, bám vào thành ruột của người và sản xuất trứng thải ra qua phân.

Nhiễm sán dây ở người xảy ra khi người vô tình ăn phải trứng hoặc ấu trùng sán dây. Các phương thức lây truyền phổ biến bao gồm:

Ăn phải trứng sán dây: Trứng sán dây có thể có trong thực phẩm, nước hoặc đất bị ô nhiễm. Bên cạnh đó phân của động vật hoặc người bị nhiễm sán có thể chứa trứng sán dây siêu nhỏ và làm ô nhiễm nguồn nước, đất và thực phẩm. Khi con người ăn phải trứng, trứng sẽ nở thành ấu trùng trong ruột và có thể di chuyển ra ngoài ruột, xâm nhập vào máu và các cơ quan khác gây ra nhiễm ấu trùng xâm lấn. Ngoài ra, tiếp xúc với đất bị ô nhiễm cũng là một con đường lây nhiễm.

Ăn thịt hoặc cá bị nhiễm bệnh chưa nấu chín: Thịt hoặc cá bị nhiễm bệnh có nang ấu trùng sán dây không được nấu chín kỹ hoặc đông lạnh đúng cách thì các nang này vẫn sẽ tồn tại. Khi con người ăn thịt hoặc cá bị nhiễm bệnh, ấu trùng sẽ chuyển sang ruột người, nơi chúng trưởng thành thành sán dây trưởng thành.

Lây truyền từ côn trùng sang người: Bọ chét và một số loại bọ cánh cứng có thể ăn phải trứng sán từ phân chuột bị nhiễm bệnh. Các côn trùng này đóng vai trò là vật chủ trung gian, sau đó có thể bị con người ăn phải.

Sán dây là gì? Những thông tin bạn cần biết về sán dây 2
Thức ăn chưa được nấu chín có thể chứa các nang sán dây

Nguy cơ mắc phải sán dây

Những ai có nguy cơ mắc phải sán dây?

Ai cũng có thể mắc sán dây đặc biệt là những người sống những vùng có văn hóa ăn đồ sống, vùng kinh tế thấp vệ sinh kém.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sán dây

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sán dây hoặc nhiễm ấu trùng sán dây:

Ăn thịt hoặc cá sống hoặc chưa nấu chín: Đây là yếu tố nguy cơ chính. Thịt bò, thịt lợn và cá chưa nấu chín có thể chứa nang ấu trùng. Cá hun khói và cá khô cũng có thể chứa nang ấu trùng.

Vệ sinh kém: Rửa tay không đúng cách làm tăng nguy cơ mắc và lây lan nhiễm trùng. Trái cây và rau chưa rửa sạch cũng có thể mang trứng sán dây.

Thiếu vệ sinh và hệ thống xử lý nước thải: Thiếu hệ thống xử lý nước thải cho chất thải người làm tăng nguy cơ gia súc bị nhiễm trứng sán dây từ người. Điều này lại làm tăng nguy cơ con người ăn phải thịt bị nhiễm bệnh.

Thiếu nước sạch: Thiếu nước sạch để uống, tắm và chế biến thực phẩm làm tăng nguy cơ tiếp xúc với trứng sán dây.

Sống hoặc du lịch đến các vùng có nguy cơ cao: Nhiễm sán dây phổ biến ở nhiều quốc gia ở Châu Á (bao gồm Việt Nam), Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, đặc biệt là ở những khu vực thực hành chăn nuôi lợn tại sân sau và vệ sinh cơ bản còn kém.

Tiếp xúc với động vật: Đặc biệt liên quan ở những khu vực chất thải không được xử lý đúng cách.

Sán dây là gì? Những thông tin bạn cần biết về sán dây 3
Nang sán tồn tại trong môi trường và có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống

Phương pháp chẩn đoán và điều trị sán dây

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sán dây

Việc chẩn đoán nhiễm sán dây phụ thuộc vào loại sán (sán trưởng thành trong ruột hay ấu trùng xâm lấn trong mô) và có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. 

Xét nghiệm phân bằng kính hiển vi: Đây là phương pháp phổ biến nhất để tìm trứng và các đốt sán trong phân.

Phết hậu môn: Đặc biệt hữu ích cho Taenia saginata vì các đốt sán thường tự động thoát ra khỏi hậu môn, lắng đọng trứng ở vùng quanh hậu môn và đáy chậu.

Xét nghiệm Copro-Ag ELISA (kháng nguyên trong phân): Phương pháp này không phụ thuộc vào việc sán có đang thải trứng hay không và cho thấy độ nhạy cao (98%), độ đặc hiệu (99%). Tuy nhiên, nó không thể phân biệt giữa các loài sán và có thể có phản ứng chéo với các ký sinh trùng khác.

Xét nghiệm PCR: Sử dụng mẫu phân để phát hiện chuỗi gen, giúp chẩn đoán loài đặc hiệu với độ nhạy và độ đặc hiệu cao (100% độ đặc hiệu và 97-100% độ nhạy cho T. solium). Đối với Diphyllobothrium, PCR là phương pháp đáng tin cậy nhất để xác định loài.

Xét nghiệm máu: Có thể có tăng bạch cầu ái toan (thường từ 1% đến 15%) và tăng mức IgE trong huyết thanh.

Chẩn đoán hình ảnh (MRI và CT scan): Được sử dụng để định vị các u nang bên trong mô và não, nhận diện các tổn thương u hạt hình vòng calci hóa. Các xét nghiệm này cũng giúp đánh giá mức độ thoái hóa và viêm nhiễm, cũng như theo dõi hiệu quả điều trị.

Xét nghiệm huyết thanh học: Phát hiện kháng thể và kháng nguyên trong huyết thanh và dịch não tủy (CSF). EITB (Enzyme-linked immunoelectrotransfer blot assay) phát hiện kháng thể chống lại u nang T. solium có độ đặc hiệu cao (98% - 100%) ở bệnh nhân có nhiều hơn một u nang não, nhưng độ nhạy kém đối với một tổn thương não duy nhất. Mức độ kháng nguyên giảm nhanh sau điều trị, cho thấy sự hiện diện của ký sinh trùng sống.

Phương pháp điều trị sán dây

Phương pháp điều trị sán dây phụ thuộc vào loại nhiễm trùng (trưởng thành trong ruột hay ấu trùng xâm lấn) và vị trí của chúng.

Nội khoa

  • Đối với sán dây trưởng thành trong ruột: Các loại thuốc kháng giun sán như praziquantel, niclosamide, tribendimidine và albendazole thường được sử dụng. Praziquantel thường là lựa chọn điều trị hàng đầu do hiệu quả cao và chi phí hợp lý. Thuốc này làm tê liệt sán khiến chúng bong ra khỏi thành ruột.
  • Điều trị triệu chứng: Bao gồm thuốc chống co giật hoặc liệu pháp giảm tích tụ dịch quanh não.
  • Corticosteroid: Thuốc chống viêm như corticosteroid được sử dụng để giảm viêm do các u nang gây ra trong mô.
  • Thuốc kháng ký sinh trùng: Albendazole (thường kết hợp với corticosteroid) và praziquantel (kết hợp với albendazole và steroid đối với nhiều tổn thương) có thể làm giảm kích thước u nang có ấu trùng sống.

Ngoại khoa

Đối với nhiễm ấu trùng sán dây xâm lấn: Đối với sán dây trưởng thành trong ruột phẫu thuật nội soi loại bỏ sán dây là không điển hình nhưng đã được thực hiện kết hợp với praziquantel.

Phẫu thuật: Có thể được chỉ định để loại bỏ các u nang trong não (đặc biệt là u nang não thất) hoặc các u nang đe dọa chức năng của các cơ quan quan trọng như gan, phổi, tim.

Dẫn lưu: Bác sĩ có thể chọc kim vào u nang để hút dịch và sau đó rửa bằng thuốc kháng ký sinh trùng.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa sán dây

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn nặng của sán dây

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm sán dây cần tập trung vào việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ quá trình hồi phục. Đồng thời, cần hạn chế những thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc gây khó tiêu.

Chế độ sinh hoạt

  • Cần nhận thức được vị trí các u nang trong cơ thể để kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường ở những vùng đó.
  • Thực hiện các cuộc kiểm tra y tế định kỳ nếu bạn đang sống chung với những người nhiễm sán.

Phương pháp phòng ngừa sán dây hiệu quả

Một số phương pháp giúp phòng ngừa sán dây hiệu quả gồm:

  • Điều trị chó bị nhiễm sán dây ngay lập tức và đảm bảo chó chỉ ăn thịt và cá đã được nấu chín.
  • Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với động vật và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn.
  • Khi nguồn nước chưa được xử lý, hãy đun sôi nước trong một phút trước khi uống.
  • Rửa sạch trái cây và rau củ dưới vòi nước chảy trước khi ăn, gọt vỏ hoặc chế biến.
  • Rửa sạch dụng cụ nhà bếp (thớt, dao, v.v.) bằng nước xà phòng sau khi tiếp xúc với thịt sống hoặc trái cây/rau củ chưa rửa.
  • Tránh ăn thịt hoặc cá sống hoặc nấu chưa chín.
Sán dây là gì? Những thông tin bạn cần biết về sán dây 4
Ăn chín uống sôi giúp hạn chế mắc bệnh sán dây

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Câu hỏi thường gặp

Sán dây trưởng thành trong ruột thường có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Sán dây trưởng thành rất đáp ứng với các loại thuốc kháng giun sán và hầu hết bệnh nhân có tiên lượng tốt với sự thuyên giảm hoàn toàn các triệu chứng.

Việc chẩn đoán sán dây có thể gặp nhiều khó khăn. Một phần lớn các trường hợp nhiễm sán dây trưởng thành trong ruột thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc triệu chứng nhẹ, khiến người bệnh không nhận ra mình bị nhiễm. Các phương pháp chẩn đoán qua phân (soi kính hiển vi tìm trứng) có độ nhạy thấp (chỉ từ 8% đến 61%). Việc phân biệt loài sán dây qua trứng trong phân khá khó và cần đến các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu hơn như xét nghiệm PCR hoặc kiểm tra đốt sán.

Nhiễm ấu trùng sán ở não à nguyên nhân hàng đầu gây động kinh và co giật ở nhiều nước đang phát triển. Các biến chứng khác bao gồm phù não, tăng áp lực nội sọ, viêm màng não, đột quỵ và có thể gây tử vong trong các trường hợp nặng.

Nhiều người nhiễm sán dây không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Đối với sán dây trưởng thành trong ruột thì các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, yếu ớt, tiêu chảy, mệt mỏi, đau bụng, chán ăn, sụt cân, đầy hơi,... Đối với nhiễm ấu trùng sán dây xâm lấn thì các u nang ấu trùng thường không có triệu chứng nhưng có thể biểu hiện dưới dạng các cục u dưới da.

Nhiễm sán dây thường xảy ra khi con người nuốt phải trứng sán hoặc ấu trùng sán. Trứng sán có thể có trong thực phẩm, nước hoặc đất bị ô nhiễm bởi phân của người hoặc động vật nhiễm bệnh. Khi trứng được nuốt vào, chúng sẽ nở thành ấu trùng trong ruột và có thể di chuyển ra các cơ quan ngoài ruột gây nhiễm ấu trùng xâm lấn.