icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c

Nạo VA là gì? Khi nào cần nạo VA và những điều cha mẹ nên biết

Trần Như Ý04/05/2025

Nạo VA là gì? Đây là một thủ thuật tai mũi họng phổ biến, thường được chỉ định ở trẻ nhỏ gặp tình trạng viêm VA kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Vậy cụ thể, nạo VA là gì, có gây đau không, đối tượng nào cần thực hiện và cần lưu ý gì trước - trong - sau thủ thuật? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

Khi trẻ thường xuyên bị nghẹt mũi, chảy mũi, thở khò khè, kèm theo tình trạng viêm họng kéo dài hay viêm tai giữa tái phát, cha mẹ thường nghe đến chỉ định nạo VA. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ nạo VA là gì, có tác dụng gì và liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ về sau hay không. Việc hiểu đúng về VA cũng như quy trình nạo VA sẽ giúp phụ huynh an tâm hơn khi cần đưa trẻ đi khám và điều trị.

Nạo VA là gì?

Nạo VA là một thủ thuật phổ biến nhằm loại bỏ mô bạch huyết tại vùng vòm họng. VA là một khối mô bạch huyết có hình dạng tam giác, nằm ở phía sau vòm miệng – tại vị trí kết nối giữa mũi và họng. Do vị trí sâu bên trong nên không thể nhìn thấy VA khi quan sát bằng mắt thường qua khoang miệng.

VA đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và virus qua đường mũi, đồng thời tạo ra kháng thể để hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi trẻ lớn dần, VA thường sẽ nhỏ lại và có thể tiêu biến hoàn toàn ở tuổi trưởng thành.

Nạo VA là gì? Khi nào cần nạo VA và những điều cha mẹ nên biết 1
VA giúp tạo kháng thể ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường hô hấp 

Thủ thuật nạo VA thường được chỉ định đồng thời với cắt amidan, đặc biệt trong những trường hợp trẻ bị viêm họng hoặc viêm đường hô hấp trên kéo dài, khiến cả VA và amidan đều bị viêm và nhiễm trùng. Sự kết hợp giữa nạo VA và cắt amidan là một trong những phẫu thuật thường gặp nhất ở nhóm tuổi nhi đồng.

Khi nào cần nạo VA?

Bên cạnh câu hỏi: “Nạo VA là gì?”, thì thời điểm nào nên nạo VA cũng là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Những đợt viêm họng tái đi tái lại có thể khiến VA sưng to, gây bít tắc đường thở cũng như làm tắc vòi nhĩ – bộ phận nối giữa tai giữa và vùng mũi sau. Khi VA phì đại quá mức và chèn ép đường thở, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Nhiễm trùng tai tái diễn nhiều lần;
  • Đau họng thường xuyên;
  • Khó nuốt;
  • Tắc nghẽn khi thở bằng mũi;
  • Thường xuyên phải thở bằng miệng;
  • Ngưng thở khi ngủ do đường thở bị cản trở (tình trạng thở gián đoạn trong khi ngủ).
Nạo VA là gì? Khi nào cần nạo VA và những điều cha mẹ nên biết 2
Đau họng thường xuyên là một triệu chứng phổ biến khi VA phì đại quá mức 

Tình trạng nhiễm trùng tai giữa liên tục do VA sưng to và làm tắc vòi nhĩ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nghe mà còn có thể dẫn đến các rối loạn về ngôn ngữ và giao tiếp nếu không được điều trị kịp thời.

Việc chỉ định phẫu thuật nạo VA ở trẻ thường được cân nhắc trong các trường hợp sau:

  • Trẻ bị viêm VA tái phát trên 5 lần trong một năm.
  • Điều trị nội khoa không đạt hiệu quả hoặc xuất hiện biến chứng nguy hiểm.
  • VA phát triển quá mức, gây bít tắc cửa sau của mũi, làm cản trở luồng khí hô hấp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của trẻ.

Những lưu ý trước, trong và sau phẫu thuật nạo VA

Trước phẫu thuật

Để đảm bảo ca nạo VA diễn ra an toàn và hiệu quả, cha mẹ cần lưu ý:

  • Tránh cho trẻ dùng các thuốc như Ibuprofen, Indomethacin, Naproxen trong vòng 7 - 10 ngày trước phẫu thuật.
  • Báo cho bác sĩ biết tất cả loại thuốc trẻ đang sử dụng ít nhất 10 ngày trước mổ.
  • Chuẩn bị sẵn nhiệt kế và thuốc hạ sốt tại nhà.
  • Trấn an tinh thần để trẻ không lo lắng trước khi vào phòng mổ.
  • Với trẻ dưới 12 tháng có thể bú sữa công thức trước mổ 6 giờ, hoặc bú mẹ trước 4 giờ.
  • Với trẻ trên 12 tháng từ 0h ngày phẫu thuật, không ăn bất kỳ thực phẩm nào (bao gồm sữa, kẹo, nước trái cây…).
Nạo VA là gì? Khi nào cần nạo VA và những điều cha mẹ nên biết 3
Báo cho bác sĩ biết các loại thuốc mà trẻ đang dùng trước khi phẫu thuật 

Trong phẫu thuật

Thủ thuật nạo VA thường kéo dài 30 - 60 phút. Trẻ sẽ được gây mê bằng mặt nạ, sau đó đặt nội khí quản và theo dõi liên tục trong suốt quá trình. Bác sĩ tiến hành cắt amidan và VA qua đường miệng, không để lại vết mổ bên ngoài.

Sau khi tỉnh mê, trẻ có thể có phản ứng như khóc, lo lắng, đau bụng hoặc nôn. Nếu nuốt phải một ít máu, trẻ có thể nôn ra dịch màu nâu. Đây là phản ứng bình thường và sẽ tự hết khi thuốc mê hết tác dụng. Khi trẻ tỉnh táo hoàn toàn, cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ đi vệ sinh. Trẻ thường được xuất viện sau 1 - 2 giờ theo dõi.

Sau phẫu thuật

Phẫu thuật nạo VA thường không gây đau nhiều, trẻ có thể đi học lại sau 1 - 3 ngày. Một số biểu hiện có thể gặp gồm:

  • Buồn nôn, nôn: Do ảnh hưởng thuốc mê. Nên cho trẻ ăn loãng, uống nước nhiều. Khi trẻ ngừng nôn có thể ăn lại bình thường.
  • Liền vết thương: Mất khoảng 10 ngày. Cần giữ vệ sinh và phòng tránh nhiễm trùng.
  • Đau hoặc cứng cổ: Có thể do tư thế nằm mổ. Có thể chườm ấm hoặc dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn, tránh uống thuốc lúc đói để hạn chế nôn.
  • Sốt nhẹ: Nếu dưới 38,5°C thì không đáng lo. Trên 39°C và không đáp ứng thuốc thì cần liên hệ bác sĩ.
  • Ngủ ngáy: Có thể xảy ra do sưng vùng mổ, sẽ giảm sau vài ngày.
  • Giọng nói thay đổi: Có thể thay đổi tạm thời vài tuần đến vài tháng.
  • Hơi thở có mùi: Do mô lành lại, không nguy hiểm. Nên súc miệng nước muối, uống nước nhiều và giữ vệ sinh răng miệng.
  • Chảy máu: Hiếm gặp, nhưng nếu có nhiều và không tự cầm, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Nạo VA là gì? Khi nào cần nạo VA và những điều cha mẹ nên biết 4
Buồn nôn và nôn là biểu hiện thường gặp sau u thuật nạo VA 

Cha mẹ nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ nếu trẻ gặp phải các tình trạng sau:

  • Sốt cao trên 39°C và không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt.
  • Buồn nôn hoặc nôn ngày càng nghiêm trọng.
  • Đau tăng rõ rệt và không thuyên giảm.
  • Có dấu hiệu chảy máu nhiều không kiểm soát được.
  • Trẻ mất tiếng kéo dài trên 24 giờ.
Nạo VA là gì? Khi nào cần nạo VA và những điều cha mẹ nên biết 5
Cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đi bác sĩ nếu trẻ sốt cao mãi không hạ ngay cả khi dùng thuốc hạ sốt

Nạo VA là gì? Đây là thủ thuật đơn giản, ít xâm lấn, giúp điều trị hiệu quả tình trạng viêm VA kéo dài, cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nạo VA không phải lúc nào cũng cần thiết. Phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín khi thấy con có dấu hiệu bất thường về hô hấp hoặc viêm tai giữa tái phát. Bác sĩ sẽ tư vấn kỹ lưỡng về việc có nên nạo VA hay không dựa trên tình trạng cụ thể của từng trẻ. Hiểu rõ nạo VA là gì và tuân thủ đúng hướng dẫn chăm sóc trước – sau thủ thuật sẽ giúp quá trình hồi phục diễn ra suôn sẻ, hạn chế tối đa rủi ro và biến chứng.

Trung tâm Tiêm chủng Long Châu – Lựa chọn an tâm cho mỗi mũi tiêm. Được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, quy trình tiêm chủng khoa học và đội ngũ nhân viên y tế tận tâm, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cam kết mang đến trải nghiệm tiêm an toàn, nhanh chóng và hiệu quả. Đa dạng các loại vắc xin, phù hợp cho mọi lứa tuổi, hệ thống chi nhánh phủ rộng. Đặt lịch tiêm ngay để được tư vấn miễn phí và chăm sóc sức khỏe trọn vẹn!

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chia sẻ: